24/10/2010 | 15:53:00
(Chinhphu.vn) - Khi gió heo may bắt đầu nhuộm vàng những chiếc lá, nghe trong không gian mùa thu đang dịu dàng trở về, trong lòng ta bất chợt lại ngân nga giai điệu của “Thu quyến rũ” và vơ vẩn nhớ về người nhạc sĩ tài hoa được mệnh danh là “Nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội” - Đoàn Chuẩn.
Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn |
Khi ấy, đất nước còn nghèo, phần đông mọi người đều có dấu ấn của sự vất vả mưu sinh nhưng riêng Đoàn Chuẩn vẫn toát lên một vẻ “hào hoa, phong nhã” của “chàng công tử Hà thành” (Nhạc sĩ từ quê nhà Hải Phòng chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng hãng nước mắm Vạn Vân của gia đình).
Chỉ vừa sơ ngộ, cái duyên giời đã khiến ông và tôi xe vào nhau ngay. Cũng hệt như khi tôi gặp Văn Cao ở quán rượu Tiên Điền – Nguyễn Du mấy năm trước.
Không bao giờ tôi quên buổi sáng cuối mùa đông năm Đinh Mão, khi lần đầu tiên tới tư gia số 9 Cao Bá Quát - Hà Nội để thăm Đoàn Chuẩn. Khi tôi tới, tài tử Ngọc Bảo đã ngồi đấy, còn Đoàn Chuẩn thì đang réo rắt tiếng guitare Hawai một giai điệu mùa thu với những quãng rộng răng cưa thoảng âm hưởng nhạc blue. Ngọc Bảo chợt cao hứng theo: “Thấy hối tiếc nhiều- Thuyền đã sang bờ- Đường về không lối…”.
Sáu ánh mắt nhìn nhau không nói, chỉ mỉm cười. Sự sống đã lật sang một trang mới mà chủ yếu là “phục sinh” lại những giá trị cũ đã bị cuộc chiến che lấp mấy chục năm qua. Từ trong nhà, bà Đoàn Chuẩn bước ra với từng đĩa bánh cuốn Thanh Trì trắng muốt trên tay. Rồi bà mở phin cà phê ra, nước sôi rót vào loang khói. Có cảm giác như bà là người hạnh phúc nhất trong buổi sáng tinh khôi của những ngày đầu thời kỳ đổi mới này. Mùa đông như dừng lại ngoài hiên cửa.
Mỗi người chúng tôi ngồi trước một đĩa bánh cuốn cắt nhỏ cùng vài khổ chả quế đỏ au. Đoàn Chuẩn rót ra ba chén “quốc lủi” sủi tăm. Sau khi cụng chén, Ngọc Bảo thì nhấp môi, tôi vừa gọn một ngụm, còn Đoàn Chuẩn thì điềm nhiên cạn ngay một hơi. Sau tôi mới biết đó là thói quen uống rượu của nhạc sĩ, giống như Tô Hoài.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi thưởng thức những tách cà phê thơm phức. Tôi mở gói thuốc lá 555 mời hai đàn anh. Ngọc Bảo rút một điếu, châm lửa bằng chiếc Zippo sành điệu. Còn Đoàn Chuẩn thì xua tay. Ông lấy từ trong túi ra một bao Thăng Long màu vàng. Đó mới là “gu” thuốc lá riêng của ông, hệt như của Huy Du.
Khói thuốc quyện với hương cà phê làm ấm cả căn phòng. Hút hết thuốc, Ngọc Bảo búng đầu lọc ra vườn một cách điệu nghệ và khẽ cất giọng: “Anh đang chờ mùa thu –Trời đất kia ngả màu xanh lơ…”. Rồi giai điệu của Đoàn Chuẩn, như một lạch suối trong ngần trào tuôn khắp căn phòng.
Ngày hôm đó, Đoàn Chuẩn hát ca khúc mới toanh “Khuôn mặt em” phổ thơ Văn Cao cho chúng tôi nghe. Ẩn sâu trong giai điệu bỡ ngỡ kia là bao nỗi niềm trắc ẩn của năm tháng. Cuộc gặp gỡ Đoàn Chuẩn lần đầu tiên tại tư gia đã kéo dài tới trưa. Những chén rượu lại đầy rồi cạn. Đĩa lạc rang húng lìu đã được bà Đoàn Chuẩn đưa vào tự lúc nào.
Từ bữa đó, nhất là sau khi đêm nhạc Đoàn Chuẩn mang tên “Đoàn Chuẩn - 65 mùa lá đổ” diễn ra trong ba ngày 28-29 và 31/1/1998, tôi đã viết một bài báo in trên Tạp chí Âm Nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đoàn Chuẩn thích thú cho phép tôi được vui chung với nhóm bạn của ông. Thật tiếc là ngày ấy, người bạn tri kỷ Từ Linh của ông đã qua đời sau thời gian mắc bệnh nặng. Nhờ tình vong niên với Đoàn Chuẩn, tôi đã chầm chậm đi vào thế giới sáng tác của ông qua những câu chuyện kể về từng tình khúc.
Trong âm nhạc, người ta thường định nghĩa các giọng trưởng là tươi sáng, khỏe mạnh, còn giọng thứ là buồn bã, u uẩn. Vậy mà các tình khúc của Đoàn Chuẩn hầu như là được viết bằng giọng trưởng mà vẫn thấy toát ra một nỗi buồn man mác, trong trẻo. Nếu có bắt đầu bằng giọng thứ như “Lá đổ muôn chiều” thì đến đoạn sau rồi cũng chuyển sang trưởng. Đương nhiên chính vì có đoạn giọng thứ hiếm hoi ấy, Đoàn Chuẩn đã có một câu hát hay vào hạng bậc nhất trong dòng ca khúc trữ tình Việt Nam: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi! Đã vội chi men rượu nhắp đôi môi…”
Đây là những năm tháng “cởi trói” đầy hân hoan. Có những sáng, tôi đi với Đoàn Chuẩn rồi sau đó lại cùng ông tới Văn Cao. Có những hôm đã uống say với Văn Cao rồi, vẫn cứ đi tìm Đoàn Chuẩn để hưởng hết những chạng vạng hoàng hôn bên ly bia hơi như trộn nắng thu vàng ươm trong đó. Những câu thơ về ông vì thế mà vụt hiện ra.
Anh lại bước ra đường không tính trước
Không có ai tính trước lúc chào đời
Số phận níu từng sợi đàn móng vuốt
Và mùa thu thành ám ảnh. Thu ơi!
Tình khúc dạt dào bao điệu hát qua môi
Nếu biết được những tháng năm từng trải
Chắc anh sẽ lặng câm… nhưng chót yêu mê dại
Và mùa thu… thôi đành chịu nỗi lầm
Anh cứ đi và gió ngát hương thầm
Heo may đến rắc cốm vào tuổi tác
Trả nợ dần tai họa cho trời đất
Lại dẫu mùa thu lạc cõi lang thang
Chuông nhà thờ rung nụ cười sáng chiều vàng
Bia trộn nắng ngấn cạn dần đáy cốc
Phút gặp nhau, thơ cũng không tính trước
Và câu thơ không tính trước ngân lên.
Năm đó,Văn Cao suýt “ra đi” vì tràn dịch màng phổi. Thoát hiểm, ông viết “Ba biến khúc ở tuổi 65”. Đoàn Chuẩn nghe Văn Cao đọc thơ thì rơm rớm nước mắt: “Mình đã khổ mà Văn Cao còn khổ hơn mình nhiều quá”. Hai người, một thì ở đội trừ gian, một ở thanh niên thành Hoàng Diệu, giờ ngồi ôn lại thời thanh xuân tuổi trẻ. May mà nhờ đổi mới thì công chúng mới được nghe lại, được biết đến những “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”…
Tình vong niên của tôi với các ông cứ trải dài như thế qua thời gian. Văn Cao đến dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 5 là lần sau cùng và từ trần sau đó hơn một tháng. Còn Đoàn Chuẩn đến dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ sáu, hơn một năm sau cũng vĩnh biệt cõi đời. Tôi khóc hai ông bằng hai điếu văn. Điếu văn Nam Cao thì do nhạc sĩ Trọng Bằng đọc. Điếu văn Đoàn Chuẩn thì do nhạc sĩ Hồ Quang Bình đọc. Ngày tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng lại là ngày tôi phải đưa một đoàn nghệ thuật về Hải Phòng quê hương làm đêm ca nhạc “55 năm Hải Phòng kháng chiến”. Đêm đó, cả Hải Phòng được xem truyền hình trực tiếp chương trình này và rất xúc động khi nghe Lâm Phương hát “Gửi gió cho mây ngàn bay” của người nhạc sĩ tài hoa, người con của đảo Cát Hải thân thương.
Bây giờ, mỗi khi tỉnh giấc lúc tảng sáng, tôi cứ nhớ Đoàn Chuẩn với lời than thở khẽ khàng của ông với nhân gian: «Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”. Vâng, cố nhân ơi, những đêm về sáng, nhất là khi “Thu rất thật thu là lúc chớm đông sang” như câu thơ Chu Hoạch - một nhà thơ - họa sĩ đàn em vừa rẽ lối đời sang cõi bên kia, thì càng thấy nhớ người nhạc sĩ của mùa Thu Hà Nội./.
Nguyễn Thụy Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét