Thứ Hai, 24/01/2011, 07:20 (GMT+7)
TT - Trò chuyện với Tuổi Trẻ, hai ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng trẻ nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Xuân Anh trao đổi khá thẳng thắn, cởi mở những suy nghĩ, dự định về công việc và cả những chuyện riêng.
Ông Nguyễn Thanh Nghị và ông Nguyễn Xuân Anh cùng tuổi 35, cùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Cả hai đều xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng. Ông Nghị là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Anh là con trai lớn của nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi.
* Ông NGUYỄN THANH NGHỊ (phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP.HCM):
“Tôi chưa có ý định chuyển công tác”
Ông Nguyễn Thanh Nghị (trái) và ông Nguyễn Xuân Anh - Ảnh: Q. Thanh - V.Dũng |
Trả lời Tuổi Trẻ về công việc hiện nay, ông Nghị nói:
- Từ lúc học đại học, tôi đã thích làm công tác chuyên môn và giảng dạy. Môi trường giảng dạy rèn cho mình rất nhiều. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi được giữ lại trường làm việc, giảng dạy một thời gian rồi đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ. Sau đó quay về trường giảng dạy liên tục từ năm 2006 đến nay.
* Ông có thể cho biết vì sao mình được đề cử vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng dù không phải là đại biểu dự Đại hội Đảng?
- Tôi xin cảm ơn các đại biểu tín nhiệm đề cử tôi. Các đại biểu có trao đổi với tôi họ muốn giới thiệu những người trẻ, được đào tạo bài bản. Tôi tôn trọng các ý kiến đó nhưng không nghĩ mình sẽ trúng cử vì nghe nói có rất nhiều ứng cử viên. Tôi nghĩ làm chính trị không đơn giản. Trước mắt mình phải làm tốt công việc hiện tại.
* Nếu bây giờ có lời đề nghị chuyển sang một việc khác, ông sẽ trả lời như thế nào?
- Nếu tổ chức có ý định thì mình là đảng viên sẽ phải chấp hành. Thật ra, tôi chưa có ý định chuyển công tác, chỉ muốn được làm chuyên môn.
* Theo ông, trí thức trẻ hiện nay có quan tâm đến chính trị?
- Dư luận đang lo trí thức trẻ không quan tâm nhiều đến chính trị. Tôi không cho rằng giới trẻ thờ ơ, chỉ biết lo cho cuộc sống của riêng mình. Tuổi trẻ Việt Nam với nhiệt huyết và khát vọng của mình đang đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Ở đây đòi hỏi cả hai phía, các bạn trẻ phải phấn đấu rèn luyện và tổ chức phải tạo điều kiện, tin tưởng, đào tạo và sử dụng thế hệ trẻ.
* Ông có thường trao đổi với cha ông - hiện đứng đầu Chính phủ - về những vấn đề ông cảm thấy bức xúc, chẳng hạn như cải cách giáo dục?
- Tất nhiên là có và khá thoải mái, nhưng phải có cơ sở. Tôi thường trao đổi với ba tôi về nhiều vấn đề chứ không chỉ những vấn đề liên quan đến giáo dục. Tất cả trao đổi, phản ảnh đều được ba tôi lắng nghe và phản hồi.
* Đang công tác trong ngành giáo dục, theo ông, cần làm gì để nâng chất giáo dục đại học?
- Cái đáng phải giải nhất là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Muốn nâng chất lượng đào tạo, theo tôi, phải đầu tư cơ sở vật chất vì nhiều trường quá chật chội, quá thiếu thốn. Thứ hai, phải đầu tư cho người thầy vì chất lượng thầy thấp thì không thể đào tạo trò giỏi. Thứ ba, phải đầu tư xây dựng giáo trình vì giáo trình giảng dạy đã cũ không cập nhật cho phù hợp.
Theo tôi, để nâng chất lượng cho giáo dục đại học cần tăng nguồn lực đầu tư, đặc biệt từ xã hội, chứ không thể trông cậy vào ngân sách nhà nước. Và phải có chính sách hợp lý hơn cho người thầy, chứ thầy cô hiện nay chìm ngập trong các giờ giảng, không còn thời gian nghiên cứu hay làm gì khác.
"Tôi nghĩ làm chính trị không đơn giản. Trước mắt mình phải làm tốt công việc hiện tại" NGUYỄN THANH NGHỊ
* Với xu hướng tự chủ đại học, là lãnh đạo Trường Kiến trúc, ông có đòi quyền tự chủ cho trường?
- Lãnh đạo Trường Kiến trúc đã có ý kiến về tự chủ của trường trong nhiều cuộc họp, nhưng với điều kiện phải được tự chủ thật sự để nâng chất lượng của trường lên. Nếu trường không tự nâng chất sẽ khó khăn vô cùng khi bị cạnh tranh. Người ta kiểm định sẽ đánh giá được ngay chất lượng trường. Đây là yêu cầu cấp thiết để trường tồn tại và phát triển đáp ứng yêu cầu mới.
* Xin hỏi thật ông rằng thành công trong công việc của ông hiện nay là do năng lực bản thân hay nhờ truyền thống gia đình?
- Nhờ cả truyền thống gia đình và nỗ lực của bản thân tôi. Nếu được nâng đỡ mà làm một việc không được, làm hai việc không xong... thì làm sao đứng vững được, đặc biệt trong công tác chuyên môn, giảng dạy. Theo tôi, truyền thống gia đình là nền tảng nhưng không thể lấy đó làm sự nâng đỡ và trong các ngành nghề chuyên môn thì không thể nâng đỡ được. Sức ép dư luận về truyền thống gia đình càng làm bản thân tôi có động lực phấn đấu làm việc tốt hơn.
* Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng cũng có một bộ phận bạn trẻ thích được nâng đỡ hơn thích cạnh tranh?
- Nói đến tuổi trẻ là nói đến nhiệt huyết, khát vọng và dấn thân, đối mặt thách thức. Tôi cho rằng không dám đối mặt, cọ xát trong môi trường cạnh tranh thì không thể khẳng định mình được. Dựa vào sự nâng đỡ có thể sẽ an toàn trong một giai đoạn nào đó, nhưng lâu dài sẽ bất ổn, sẽ thất bại vì không ai có thể nâng đỡ mình mãi mãi được. Trường đại học Kiến trúc TP.HCM tuyển giảng viên công khai, rõ ràng và khắt khe lắm. Có những chỗ nào tù mù người ta thắc mắc ngay. Không thể tuyển những người không đủ năng lực chuyên môn.
* Ngoài công việc, ông dành thời gian rảnh rỗi cho những việc gì?
- Tôi phải đọc sách rất nhiều, đặc biệt là sách kỹ thuật. Thầy tôi ở nước ngoài thấy có sách hay thường gửi về cho tôi. Đọc vừa bổ sung kiến thức chuyên môn vừa rèn tiếng Anh. Tôi phụ trách phần đối ngoại của trường, phải làm việc thường xuyên với khách quốc tế. Ngoài thời gian dành cho gia đình, tôi thích chơi quần vợt với bạn bè.
_________________________
* Ông NGUYỄN XUÂN ANH
(bí thư Quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng):
“Tôi chưa bao giờ giới thiệu là con ông này, ông kia”
* Thưa ông, ông cảm thấy thế nào lúc nghe công bố trúng cử?
- Tôi hạnh phúc, bất ngờ vì ủy viên Trung ương dự khuyết chỉ bầu lấy 25 người mà có tới 61 ứng cử viên. Số dư rất cao (144%) nên rõ ràng việc trúng cử không phải dễ dàng, dù bản thân tôi nằm trong danh sách được Ban Chấp hành Trung ương khóa X giới thiệu. Xu hướng của Đại hội Đảng toàn quốc muốn trẻ hóa đội ngũ cán bộ.
* Ông chuẩn bị gì để đảm đương công việc sau khi đứng vào hàng lãnh đạo cao cấp của Đảng?
- Tôi đã kinh qua nhiều vị trí công tác, từ phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, về làm phó chủ tịch quận, phó bí thư quận ủy rồi bí thư quận ủy. Dù có vào Trung ương hay không với tư cách người đứng đầu Đảng bộ quận, tôi phải làm việc hết sức mình phục vụ sự nghiệp chung.
* Ông có nghĩ mình sẽ chịu thử thách lớn hơn ở vai trò mới?
- Rõ ràng được bầu vào Trung ương là vinh dự nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn, nhiều áp lực hơn. Mình phải làm sao xứng đáng chứ không phải vào Trung ương rồi tự mãn.
* Ông từng làm báo, vì sao ông chuyển sang làm chính trị?
"Tôi chưa bao giờ giới thiệu tôi là con ông này, ông kia. Nói thật người ta có đưa cho anh chức này, chức nọ mà anh làm không được thì dân cũng không tín nhiệm" Nguyễn Xuân Anh |
* Cha ông có truyền bí quyết cho ông?
- Ba tôi chỉ khuyên làm lãnh đạo phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết và vị trí càng cao càng phải gương mẫu.
* Là một lãnh đạo trẻ, ông nghĩ cần phải trang bị thêm những gì để có thể đảm đương công việc?
- Tôi nghĩ mình cần phải hoàn thiện chứ không hài lòng với thực tại. Tôi được đào tạo bài bản hơn so với thế hệ trước vì thời bình có điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng kiến thức là vô cùng nên phải tiếp tục nghiên cứu học tập và tích lũy kinh nghiệm.
* Ông đặt mục tiêu cụ thể gì cho bản thân trong tương lai?
- Bây giờ người ta trông vào mình khác ngày xưa. Họ nhìn xem ông này thể hiện như thế nào nên phải ráng làm tốt hơn, chứ bằng trước họ sẽ không chấp nhận. Tôi chưa nghĩ 10 năm sau sẽ làm gì, chỉ tâm niệm rằng mỗi ngày qua đi phải cố gắng đóng góp nhiều hơn. Tất nhiên, đã là ủy viên dự khuyết thì mình phải nỗ lực để trở thành ủy viên chính thức. Nhưng đấy là cố gắng theo hướng tích cực chứ không phải chạy chọt. Còn nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa đủ “chín” thì tiếp tục dự khuyết hoặc thậm chí không được tín nhiệm tham gia Trung ương nữa.
* Tại Đại hội Đảng vừa qua, ông quan tâm đến những vấn đề gì?
- Ai tham dự đại hội cũng quan tâm đến định hướng phát triển đất nước và công tác nhân sự. Hai vấn đề này không chỉ đại biểu mà người dân cũng quan tâm. Tôi nghĩ định hướng phát triển kinh tế năm 2011-2020 cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ nói đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp thì nhiều người cho rằng không dễ. Mức thu nhập 3.000 USD/người thì chưa bằng Thái Lan bây giờ, mà Thái Lan vẫn chưa phải là nước công nghiệp thật sự. Về nhân sự, tôi cho rằng đại hội đã thể hiện rõ ý chí trẻ hóa vì có những ứng cử viên dự khuyết tuổi hơi lớn đã không được bầu.
* Bây giờ có thể nói ông đã thành công bước đầu, trong đó có bao nhiêu phần trăm nỗ lực bản thân, bao nhiêu do truyền thống gia đình?
- Tôi không phủ nhận truyền thống gia đình góp một phần hết sức quan trọng vào thành công của tôi. Nhưng bên cạnh đó là nỗ lực rất lớn của bản thân tôi. Tôi chưa bao giờ giới thiệu tôi là con ông này, ông kia. Nói thật người ta có đưa cho anh chức này, chức nọ mà anh làm không được thì dân cũng không tín nhiệm. Do đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình nặng nề hơn người khác.
* Là cán bộ trẻ làm công tác Đảng, ông có cảm thấy khô khan?
- Ở nước ta, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện. Công tác Đảng là đề ra đường lối, chủ trương đòi hỏi mình phải suy nghĩ nên cũng có cái lý thú của nó. Thật ra công tác Đảng không khô khan như nhiều người tưởng và đừng nghĩ tới lợi ích kinh tế mới làm tốt được.
* Ngoài công việc, chắc ông vẫn có thời gian vui chơi giải trí?
- Tôi dành nhiều thời gian đọc sách về công tác xây dựng Đảng, sách về chính trị, về khả năng lãnh đạo, kinh tế và những gì liên quan tới tình hình thế giới. Tôi không thuốc lá, bia rượu, cà phê, chỉ có chơi một môn thể thao là quần vợt. Thời gian rảnh rỗi còn dành cho vợ con.
X.TRUNG - K.HƯNG - Q.THANH thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét