Thứ Năm, 27/01/2011, 06:12 (GMT+7)
TT - Ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ đánh bom ở sân bay Domodedovo? Truyền thông và người dân Nga đang đặt ra câu hỏi này.
Một cảnh sát và chó nghiệp vụ đi tuần tra ở sân bay Yemelyanovo tại thành phố Krasnoyarsk thuộc Siberia. Chính quyền Nga đang thắt chặt an ninh ở các trung tâm giao thông cả nước - Ảnh: AFP |
Tổng thống Dmitry Medvedev đã tỏ ra giận dữ với ban quản lý sân bay Domodedovo khi mô tả an ninh ở sảnh đến sân bay tồi tệ đến mức “hỗn loạn” và “vô chính phủ”. “Tình hình cho thấy rõ ràng có sự vi phạm quy định an ninh - ông Medvedev khẳng định - Những người ra quyết định có liên quan đến ban quản lý sân bay sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Ủy ban điều tra Nga tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự về nghi án vi phạm quy định an ninh ở sân bay. Cơ quan này cho biết sẽ điều tra hành vi của “các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như ban quản lý sân bay”. Những người bị kết án có thể ngồi tù tới 7 năm. Mới đây ông Medvedev cũng đã sa thải một số quan chức phụ trách giao thông.
Thất bại của cơ quan tình báo
Thế nhưng, một người phát ngôn của sân bay Domodedovo cho rằng ban quản lý sân bay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh đối với các hành khách đăng ký và nhấn mạnh khu vực đón khách quốc tế, nơi bị đánh bom, là trách nhiệm của cảnh sát giao thông.
“Chúng tôi hi vọng sẽ không bị đổ lỗi vì chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình” - người phát ngôn sân bay khẳng định. Cựu quan chức Bộ Nội vụ Nga Maxim Agarkov cũng nói phần lớn các sân bay quốc tế trên thế giới đều cho phép ra vào tự do ở khu vực đón khách hạ cánh. “Không thể đặt máy dò kim loại ở tất cả các cửa sân bay - ông Agarkov khẳng định - Người đến sân bay sẽ phải xếp hàng nhiều giờ”.
Lãnh đạo Cơ quan Giám sát giao thông Nga Rostransnadzo lại cho rằng Bộ Nội vụ chứ không phải an ninh sân bay có nghĩa vụ kiểm tra hành khách trước cửa sân bay. “Quản lý sân bay chỉ có nghĩa vụ cung cấp các thiết bị kiểm soát, trong khi các quan chức Bộ Nội vụ có nhiệm vụ quyết định phải khám xét ai” - phó giám đốc Rostransnadzor là Vladimir Chertok nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà phân tích tình báo và quốc phòng Alexeder Goltz lại truy trách nhiệm cho các cơ quan tình báo Nga khi nhấn mạnh vụ tấn công là thất bại của các cơ quan tình báo Nga. “Cách duy nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố là xâm nhập lực lượng khủng bố - ông Goltz phân tích - Lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang (FSB) liên tục nói về việc đã ngăn chặn bao nhiêu vụ tấn công trong một năm, nhưng đó chỉ là sự phô trương không thực chất. Nhiệm vụ của cơ quan tình báo là phải ngăn chặn nguy cơ hoàn toàn”.
“Cả hai cơ quan là Bộ Nội vụ và FSB sẽ phải chia sẻ trách nhiệm - ông Mikhail Lyubimov, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB), khẳng định - Họ sẽ phải giải thích mọi việc, nếu không thì họ ăn lương để làm gì”.
Thật ra, như nhận định của các chuyên gia, vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Domodedovo cho thấy Matxcơva chưa thể ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố từ khu vực Bắc Caucasus, và chính sách của Nga đối với vùng đất phía nam này chưa đem lại kết quả.
Bước lùi ở Bắc Caucasus
Dù chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ đánh bom, nhưng nhà chức trách đã nghi ngờ thủ phạm là phiến quân Hồi giáo ở vùng Bắc Caucasus nghèo khó và bất ổn. Khi còn là tổng thống, ông Putin đã áp dụng chính sách bàn tay sắt để đảm bảo an ninh ở khu vực này. Ngược lại, ông Medvedev thiên về chính sách “quyền lực mềm”, tập trung vào đầu tư, tạo việc làm cho người dân Bắc Caucasus.
Ông Medvedev đã chỉ định một doanh nhân chứ không phải là một quan chức an ninh để làm đại diện đặc biệt cho ông ở Bắc Caucasus. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, hàng loạt vụ tấn công khủng bố bắt nguồn từ Bắc Caucasus vẫn liên tiếp xảy ra làm hàng trăm người thiệt mạng.
Tình hình năm 2010 cũng chẳng khá hơn với vụ đánh bom tàu điện ngầm Matxcơva làm 40 người chết hay vụ tấn công tòa nhà quốc hội Chechnya. Ước tính trong năm 2010, có tổng cộng 190 vụ nổ bom và tấn công ở Chechnya, Dagestan và Ingushetia, làm 178 người thiệt mạng và 895 người bị thương.
Nhà nghiên cứu Pavel K. Baev thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo nhận định khả năng chính quyền Nga đưa ra chiến dịch trấn áp mới ở Bắc Caucasus là khó xảy ra do lực lượng cảnh sát và quân đội đang quá bận rộn với nhiệm vụ an ninh trên cả nước. Và cách tiếp cận “quyền lực mềm” của ông Medvedev chưa đem lại kết quả do tình trạng tham nhũng thâm căn cố đế ở Bắc Caucasus.
Ông Grigort S. Shvedov, tổng biên tập trang tin trực tuyến Caucasian Knot, cho rằng Chính phủ Nga chưa thành công ở Bắc Caucasus do vẫn tiếp tục thắt chặt an ninh trong khu vực dù đang tìm cách thực hiện các chương trình phát triển và xã hội. “Họ đang cố thực hiện hai chiến lược khác biệt, đối lập nhau - ông Shvedov nói - Vụ đánh bom ở Domodedovo cho thấy hậu quả của sự đối lập đó”.
Đại sứ của tổng thống Nga ở Bắc Caucasus là ông Aleksandr G. Khloponon từng mô tả tình hình ở Bắc Caucasus là “rất tồi tệ”. Và khi điện Kremlin chưa đạt được bước tiến cần thiết ở khu vực này, các vụ tấn công khủng bố sẽ còn tiếp diễn. Mà Bắc Caucasus chỉ cách thành phố Sochi, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 2014, vài trăm kilômet mà thôi.
HIẾU TRUNG
(Theo Moscow Times, RIA Novosti, Time, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét