Trung Quốc đã có một chuyến thăm cấp nhà nước với tất cả tầm vóc và sự phô trương, trong khi Tổng thống Mỹ Obama dường như đã tăng thêm sự quả quyết so với hồi ông đến Bắc Kinh năm 2009. Nhưng những kết quả hữu hình của cuộc gặp thượng đỉnh vẫn không chắc chắn.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
Có lẽ còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động chuyến công du của ông Hồ Cẩm Đào với quan hệ song phương Trung - Mỹ, nhưng dường như lãnh đạo mỗi nước đều giành “lợi thế” từ cuộc gặp của họ.
Tổng thống Obama trở nên quả quyết hơn với một Trung Quốc đang lên - chắc chắn là hơn những gì ông từng làm trong cái mà nhiều nhà phê bình xem là sự thể hiện yếu ớt khi ông thăm Bắc Kinh vào cuối năm 2009. Ông Obama đặt vấn đề nhân quyền lên bàn hội đàm, khăng khăng một con đường hai chiều giữa hai quốc gia trong tiếp cận kinh tế và dường như gây áp lực thành công để Trung Quốc gia tăng áp lực với Triều Tiên.
Về phần mình, ông Hồ Cẩm Đào đã có một chuyến thăm cấp nhà nước với đầy đủ sự hoành tráng, tầm vóc - điều rất quan trọng với Trung Quốc. Và những gì ông có là tăng cường “di sản” của mình như một trụ cột của quá trình chuyển dịch kinh tế nội địa và sự trỗi dậy như một cường quốc toàn cầu của Trung Quốc.
Tuy vậy, những kết quả hữu hình của chuyến thăm vẫn không chắc chắn. Ông Obama từng tuyên bố công khai rằng, Mỹ sẽ tìm kiếm nỗ lực khiến Trung Quốc tăng giá tiền tệ, nhưng cuộc chiến tiền tệ giữa hai cường quốc kinh tế vẫn không có một giải pháp phát triển cụ thể nào. Thừa nhận cam kết của Trung Quốc trong việc thực hiện nỗ lực cụ thể về vấn đề sở hữu bản quyền là một bước tiến, nhưng một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng, họ vẫn hoài nghi và giữ thái độ chờ đợi, quan sát về một vấn đề quan trọng với lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ.
Và trong khi ông Hồ Cẩm Đào tại cuộc họp báo của hai nhà lãnh đạo thừa nhận “còn rất nhiều việc phải làm về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc” thì không ít người tiếp tục đặt ra chuyện này.
Kết quả là, trong mắt một số chuyên gia Mỹ và Trung Quốc, trong khi cuộc gặp thượng đỉnh có ít nhiều thành công với mỗi bên, thì có lẽ nó có tác dụng quá ít ỏi để đem lại một mối quan hệ lâu bền hơn với hai cường quốc chính của thế kỷ 21, và căng thẳng vẫn tồn tại.
“Cuộc gặp thượng đỉnh đã đạt được những mong đợi của hai bên”, Drew Thompson, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nixon ở Washington nói. Ông Hồ Cẩm Đào đã được đón tiếp với nghi thức cấp cao mà ông mong muốn. Còn Obama thì “thỏa sức” bày tỏ mong muốn của Mỹ về Trung Quốc như một cường quốc trỗi dậy của thế giới.
“Nhưng đó không phải là mối quan hệ bền vững”, ông Thompson nhấn mạnh. Nên “lúc xấu, lúc tốt” trong cả thập niên qua sẽ lại tiếp tục. “Lo lắng hiện tại”, ông nói “là biên độ thăng, trầm sẽ lớn hơn nhiều giai đoạn trước đó” khi Trung Quốc tiếp tục con đường phát triển của mình.
Ví dụ, Thompson cho biết: Trong khi tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh đề cập tới việc thiết lập quan hệ quân sự giữa hai nước - là một tín hiệu tốt đẹp, thì không có gì có thể đảm bảo rằng, mối quan hệ ấy sẽ “bền vững” hay vượt qua trở ngại của những bất đồng song phương.
“Vẫn không có gì đảm bảo rằng mối quan hệ ấy có thể trụ vững trước một vụ việc nào đó”, ông nói. “Nên cho dù không khí hậu thượng đỉnh là tốt đẹp và nồng nhiệt, thì mọi thứ có thể bị xói mòn hay phá hủy lần nữa khi Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan”.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước thì chắc chắn hơn, các chuyên gia Mỹ - Trung nhấn mạnh, đem lại bầu không khí thoáng đãng và cân đối cho cuộc hội đàm kinh tế giữa hai bên. Dù vậy, những “phát biểu” của cuộc gặp thượng đỉnh có thể không phải an lòng tất cả.
Quan sát một cách kỹ càng hơn, danh sách các thỏa thuận kinh doanh trị giá 45 tỉ USD trong các dự án hay liên doanh mà Nhà Trắng tuyên bố - mang lại gần ¼ triệu việc làm mới cho người Mỹ, nhưng một số trong đó là mới mẻ, có những hợp đồng đã được đưa ra hay những dự án vẫn chỉ là trên bản vẽ.
Có một điểm cộng rõ ràng cho Mỹ: Trong tuyên bố chung, Trung Quốc đã nhất trí đệ trình đề xuất về mua sắm chính phủ lên Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm nay. Mỹ và những cường quốc kinh tế khác nhiều năm qua khẳng định, Trung Quốc phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và mở các hợp đồng mua sắm chính phủ cho cạnh tranh quốc tế.
Trung Quốc cũng giành được “phần” không kém: Hai chính phủ nhất trí rằng, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình - được xem là người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào khi ông rời nhiệm sở vào năm 2012, sẽ tới thăm Mỹ. Đây là mong đợi của lãnh đạo Trung Quốc khi họ coi đó là động thái thừa nhận việc chuyển giao quyền lực chính trị.
Có lẽ quan trọng nhất với Obama, là ông dường như có thể thuyết phục Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về những hậu quả nếu Trung Quốc không gia tăng áp lực với Triều Tiên để Bình Nhưỡng giảm bớt cách hành xử gây hấn.
Theo Susan Shirk, Giám đốc Học viện Hợp tác và Xung đột toàn cầu của Đại học California, trong tuyên bố chung, Trung Quốc “lần đầu tiên” đã cùng Mỹ thể hiện quan ngại về chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên. Cũng trong tuyên bố này, Trung - Mỹ đã nhất trí các cuộc hội đàm giữa hai miền Triều Tiên nếu được tổ chức trước khi nối lại hội đàm quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Điểm cộng nữa dành cho Tổng thống Mỹ, là trong bữa tiệc tối đêm thứ ba, ông đã gây ấn tượng với Chủ tịch Trung Quốc với tuyên bố rằng, Mỹ sẽ phải cân nhắc bố trí lại sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực nếu Triều Tiên “khó kiểm soát”. Ông Obama đã nhắc lại quan ngại mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng nói trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng này rằng, tiến bộ của Triều Tiên trong chương trình tên lửa nhanh chóng khiến nước này trở thành mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Một kết quả lập tức sau đó, theo quan chức Mỹ, là tuyên bố của Hàn Quốc đưa ra hôm thứ năm rằng, họ nhất trí hội đàm quân sự với Triều Tiên. Nếu cuộc hội này trở thành một bước đi cho việc tái khởi động đàm phán sáu bên, thì dường như nó là kết quả - theo đường vòng - chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc.
Thái An (Theo csmonitor)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét