- Tại cuộc họp báo sáng nay (24/1), ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết trong năm tài khóa 2010, Nhật đã cam kết mức hỗ trợ ODA cho VN là 1,76 tỷ USD (khoảng 145,8 tỷ yen), mức cao kỷ lục từ khi Nhật Bản bắt đầu hỗ trợ ODA cho VN từ năm 1992.
Trong đó có 58,18 tỷ yen thuộc hiệp định vừa được ký kết sáng nay giữa ông Tsuno Motonori và ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Ông Tsuno Motonori: Việt Nam phải tăng cường năng lực vay và trả nợ. Ảnh: TC
Đánh giá VN là một trong những nước quan trọng nhất trong chính sách hỗ trợ châu Á và chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật, ông Motonori cho biết cam kết ODA ngày càng tăng là bước cụ thể hoá quan hệ "đối tác chiến lược" mà hai nước đã xác định qua chuyến thăm VN của Thủ tướng Nhật Naoto Kan tháng 10 vừa qua.
Ông Motonori cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn ODA của Nhật tại các dự án ở VN. Sau một thời gian tạm dừng xem xét các dự án ODA do ảnh hưởng của vụ PCI, hai chính phủ đã bàn bạc về các biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ODA và đưa các dự án ODA tiếp tục trở lại cũng như gia tăng mạnh mẽ.
Kinh tế Nhật cũng đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, do vậy cử tri Nhật rất quan tâm đến việc tiền thuế của mình được sử dụng ở nước ngoài như thế nào. Vì vậy, ông Motonori kiến nghị Chính phủ VN tăng cường hiệu quả của các dự án sử dụng ODA của Nhật. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhiều dự án chậm tiến độ và kéo dài do những trở ngại về giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính.
Để khắc phục những khó khăn về giải phóng mặt bằng, ông Motonori cho rằng cần thông tin càng sớm càng tốt cho người dân về các dự án để họ hiểu và đồng thuận với chủ trương của nhà nước. Về thủ tục hành chính, Trưởng đại diện JICA mong muốn Chính phủ VN có các biện pháp đơn giản hoá thủ tục và bộ máy để giảm bớt gánh nặng giấy tờ, phí tổn và thời gian cho các nhà đầu tư.
Năm 2010, VN chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, song theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân của VN vẫn ở mức thấp so với các nước có thu nhập trung bình khác như Indonesia, Thái Lan... Do vậy, VN vẫn có nhu cầu lớn về vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Nhật cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn để VN tăng cường sức cạnh tranh về cả phần cứng (cơ sở hạ tầng) và phần mềm (nguồn nhân lực). Ông Motonori cho biết Nhật tin rằng một VN phát triển, trở thành một đối tác mạnh, thì bản thân nước Nhật cũng được lợi.
Tuy nhiên, việc VN trở thành nước thu nhập trung bình cũng có nghĩa là mức viện trợ không hoàn lại trong ODA của Nhật sẽ giảm xuống, hiện chỉ còn 1-1,5 tỷ yen. Điều này đòi hỏi VN phải tăng cường năng lực vay và trả nợ. Hiện VN chỉ đứng thứ hai sau Ấn Độ về mức nhận viện trợ ODA của Nhật.
Theo ông Motonori, Nhật Bản cũng đánh giá VN không chỉ là "đối tác chiến lược" về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trị an tại khu vực. Hoà bình và chính trị ổn định tại VN sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của cả khu vực, điều này không chỉ các chính trị gia mà cả người dân Nhật đều hiểu, Trưởng đại diện JICA nói.
Thuỷ Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét