Mỗi người đều có một suy nghĩ khác nhau về “ý nghĩa cuộc đời”. Nhưng có lẽ ai cũng mong muốn sống có hạnh phúc.
Trong vài năm trở lại đây, khái niệm "hạnh phúc" được quan tâm nhiều hơn, từ cấp độ cá nhân đến quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, mới đây Tổng thống Pháp Sarkozy đã yêu cầu hai kinh tế gia đoạt giải Nobel (Amartya Sen và Joseph Stiglitz) tìm hiểu làm sao để người dân được cảm thấy thoải mái, hài lòng hơn với cuộc sống, chứ không nhất thiết chỉ chú trọng vào tăng trưởng GDP như từ trước đến nay. Thủ tướng Anh David Cameron mới tháng trước cũng chỉ đạo nội các của ông phải để ý nhiều hơn đến khái niệm "gross national happiness - GNH" (chỉ số mức độ hạnh phúc quốc gia). Đây là một khái niệm xuất phát từ nước Bhutan, nơi mà người dân cảm thấy an lạc nhất thế giới.
Nhiều trường đại học ở Anh, châu Âu và châu Mỹ cũng đã bắt đầu có những khóa học cho sinh viên về "ý nghĩa cuộc sống", "thế nào là hạnh phúc?", vì càng ngày con người càng ý thức rõ nét hơn là mặc dù nhân loại đã đạt được mức độ văn minh như hiện nay, nhưng vẫn lạc lối vì chỉ quan tâm đến những cái cây (lắm tiền, có nhà cửa to đẹp, sự nghiệp, tăng trưởng GDP bằng mọi cách..., là những điều kiện có thể cần ở một mức độ nào đó), nhưng con người lại quên mất cánh rừng (phải quy về điểm cuối cùng là có đạt được hạnh phúc hay không).
Hầu hết các trường phái nghiên cứu khoa học với phương pháp luận, có khảo sát sâu rộng, có đối chứng với thực tiễn về "hạnh phúc" đều đồng ý: Hạnh phúc là thỏa mãn với cái gì mình có, hài lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình.
Và muốn có hạnh phúc thì phải làm gì? Các nhà nghiên cứu đã phân tích các nhóm yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận hạnh phúc của con người, để từ đó mỗi cá nhân có thể chủ động tạo hạnh phúc cho chính mình tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người.
Bản chất cá nhân: người khó tính (neurotic), chấp nhặt thường bị bực dọc, bất ổn hơn người cởi mở, dễ hòa đồng.
Hoàn cảnh cá nhân, gồm có: sức khỏe, công việc/thu nhập, trình độ văn hóa và quan hệ (cá nhân, gia đình, xã hội).
Tuổi tác: Một điều ngạc nhiên là không như đa số thường nghĩ, người "già" không bi quan sầu thảm vì tuổi già, mà trái lại họ cảm thấy hạnh phúc, thoải mái hơn người trẻ. Càng lớn tuổi lại càng yêu đời!
Mới đây tờ báo The Economist của Anh có bài "Age and happiness" (Tuổi tác và hạnh phúc), dẫn chứng nhiều nghiên cứu khoa học của nhiều học giả nổi tiếng cho thấy là nói chung cảm nhận hạnh phúc của con người thay đổi theo dạng hình chữ U với tuổi tác. Lúc còn thanh niên, vô tư, mới vào đời thì vui tươi, nhưng càng lớn tuổi hơn thì độ cảm nhận hạnh phúc giảm hẳn, đụng đáy ở độ tuổi 40-50, rồi sau đó càng già càng cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn. Trong một nghiên cứu của Giáo sư Kinh tế David Blanchflower của Đại học Dartmouth (Mỹ) ở 72 nước trên thế giới thì đáng ngạc nhiên là mức độ hạnh phúc theo tuổi tác đều theo một biểu đồ có hình dạng chữ U tương tự như nhau, chỉ khác là cái "đáy" hạnh phúc tùy thuộc vào văn hóa xã hội của mỗi nước: người Ukraina bức xúc nhất ở tuổi 62; trong khi người Thụy Sĩ ở tuổi 35; người Mỹ 50-53; trung bình cho các nước là tuổi 46.
Dân gian mình có câu "49 chưa qua, 53 đã tới". Nếu đây là một câu bói toán thì không hẳn đúng vì chẳng lẽ ai cũng có cùng một số mệnh, hễ đến 49 hoặc 53 là bị xui xẻo?! Nhưng nếu đã được lưu truyền nhiều đời thì nhận định này ắt phải có một giá trị tương đối. Có thể đây là một nhận xét chung dựa trên kinh nghiệm của độ tuổi 40-50?
Người Tây phương cũng có cái gọi là "mid-life crisis" (khủng hoảng giữa cuộc đời). Hễ đến tuổi này thì phần lớn bị "xui" đủ chuyện, không chuyện này cũng chuyện khác: hôn nhân có vấn đề, tiền bạc thiếu hụt, công danh sự nghiệp không được như ý, con cái ngang ngạnh hoặc hư hỏng, sức khỏe bắt đầu có chuyện này chuyện nọ... Nói chung người ở độ tuổi 40-50 thường có nhiều điều không hài lòng với cuộc sống. Trái lại, người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống, bình tĩnh hơn khi gặp khó khăn, không kỳ vọng nhiều (một yếu tố chính để có hạnh phúc), không dễ bị xúc động, khủng hoảng tâm lý. Một nghiên cứu cho thấy khi một nhóm độ tuổi 30 và một nhóm độ tuổi 60 bị miệt thị, vu khống, xúc phạm như nhau thì nhóm 30 phản ứng mãnh liệt, mất tinh thần, trong khi đa số trong nhóm 60 lại bình tĩnh hơn và có thái độ "Ồ, ở đời làm sao cho vừa lòng mọi người được...". Người lớn tuổi biết kiềm chế và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình hơn. Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau đã lâu, hiểu nhau, chịu đựng nhau, đã biết rõ tính nết của nhau, dễ chấp nhận nhau. Vợ chồng, khi đó hạnh phúc hơn, vui hơn.
Trở lại với định nghĩa hạnh phúc là chấp nhận cái mình có thì một số nghiên cứu cũng cho thấy là tâm lý con người rất phức tạp. Mức độ chấp nhận cái mình có không có giá trị tuyệt đối mà rất tương đối. Vì sân si, con người luôn so sánh cái gì mình có với cái gì người khác chung quanh mình có. Cho nên nếu chưa được "giác ngộ" thì đa số sẽ cảm thấy không hạnh phúc so với những người chung quanh mặc dù nhu cầu bản thân của mình đã được thỏa mãn. Phải chăng chính vì cái vòng lẩn quẩn ấy mà ông bà ta đã có lời khuyên "biết đủ là đủ", nhưng để "biết" vẫn là một cuộc đấu tranh trường kỳ với chính mình.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét