Nhà báo Hoàng Hùng đã ra đi...

Chính trị xã hội - Người Lao Động Online:
Thứ bảy, 29/01/2011 | 15:00GMT+7

(NLĐO)- Nhà báo Hoàng Hùng đã mất! Dù biết những tiên liệu xấu về Hoàng Hùng từ các bác sĩ nhưng khi nghe tin anh ra đi vào chiều nay, 29-1, tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp của anh, ai cũng bàng hoàng, xót xa.

Hơn 6 năm cầm bút, cùng làm mảng nội chính, cùng tác nghiệp chung với nhà báo Hoàng Hùng nhiều nhất trong một lĩnh vực, tôi chưa bao giờ thấy anh chùn tay trước những cái xấu.
Nhà báo Hoàng Hùng vẫn hay nói với tôi: “Mình là chiến sĩ trên mặt trận báo chí, phải đấu tranh vì công bằng xã hội”.

Hơn 8 năm biết Hoàng Hùng rồi làm việc chung với anh, chúng tôi đã lôi không ít vụ việc tiêu cực ra trước ánh sáng của pháp luật. Điều mà anh và tôi luôn theo đuổi là đấu tranh trước những gì tiêu cực của xã hội. Điểm lại, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã lần lượt đưa nhiều “quan tham” ra trước vành móng ngựa.
PV Hoàng Hùng (bên trái) đang tác nghiệp với một người dân phản ánh vấn đề tiêu cực
Có thể nói, tiền, vàng, đô la… không ít lần đã “bắn” vào chúng tôi. Tuy nhiên, những viên đạn bọc đường đã không “giết” được Hoàng Hùng và nhiều đồng nghiệp cùng chung mảng như chúng tôi. Còn nhớ, vào năm 2006, khi chúng tôi quyết liệt đưa một vấn đề tiêu cực ra trước ánh sáng trong loạt bài “Cò bấm lỗ hoành hành miền đất dữ” thì “miền đất dữ” này đã hăm he lấy mạng hai chúng tôi.

Để thực hiện đề tài này, Hoàng Hùng và tôi đã tác nghiệp trong nhiều tháng liền và hết sức vất vả. Trong lúc tôi làm tài xế để tiếp cận với cò thì Hoàng Hùng ngày ngày trong vai người chạy xe ôm lang thang vất vưởng từ nơi này đến nơi khác, tìm mọi cách thâm nhập thế giới này.

Hoàng Hùng đã từng ăn cơm bụi, ngủ vỉa hè để được các cò thương tình thu nạp vào “môn phái”.

Khi bài báo đầu tiên được đăng tải, chúng tôi đã được không ít người “tận tình” chăm sóc. Nhiều phong bì dày cộp đã dúi vào tay chúng tôi. Nhưng, trước những viên đạn bọc đường ấy, lòng tự trọng và bản lĩnh của người đảng viên, của một nhà báo đã giúp chúng tôi không chùn bước. Cuối cùng, chúng tôi đã thắng.

Chiến thắng đó làm chúng tôi nhớ mãi vì lúc ấy, Hoàng Hùng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng anh và tôi đã vượt qua.

Sau loạt bài đăng báo, Hoàng Hùng và tôi lại tiếp tục bị cò đeo bám để trả thù. Tôi còn nhớ mãi ngày ấy, nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị cò theo dõi. Trong một lần, khi tôi và Hoàng Hùng vừa rời khỏi quán cà phê để đến một điểm internet viết bài thì bị một đối tượng bám theo ép xe anh. Trong lúc chúng tôi chưa kịp phản ứng thì may thay, nhiều người đi đường chứng kiến sự việc đã giải thoát cho cả hai.

Sau này, anh Hoàng Hùng mới biết đó là một đối tượng cò trong loạt bài mà chúng tôi đã vạch trần trước công luận. Thật sự, nếu ngày hôm đó không có những người đi đường bảo vệ, chúng tôi chưa biết sự việc xảy ra thế nào.

Dù thế, trước cái ác, Hoàng Hùng vẫn không chùn bước. Vài ngày sau, tôi và anh điều tra và phát hiện vẫn còn nhiều cò nhởn nhơ hoành hành. Hoàng Hùng rủ tôi tiếp tục "chiến đấu".
Thú thật, lúc ấy, trước sự đe dọa hàng loạt bằng tin nhắn vào máy điện thoại, tôi không còn hứng thú với việc điều tra. Tuy nhiên, chính anh đã động viên tôi “cái ác rồi phải trả giá”.
Lời động viên này một lần nữa thôi thúc tôi tiếp tục công việc phải làm. Đó chính là bài viết “Cò bấm lỗ lại trắng trợn làm tiền”. Ngay khi bài báo đăng, trong ngày, Công an Tiền Giang đã bắt khẩn cấp cò Vinh và 2 CSGT khác.
Trong lúc bắt cò Vinh, công an có cho chúng tôi tháp tùng đi cùng nhưng thú thật tôi đã không dám đi. Chính anh Hoàng Hùng đã vượt hơn 30 km đường đến Tiền Giang, chứng kiến cảnh cò phải tra tay vào còng.


Ông Mã Diệu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (giữa) và ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập báo Người Lao Động (bìa trái), thăm nhà báo Hoàng Hùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: QUÝ LÂM

Sau những “trận đánh” trên mặt trận báo chí, Hoàng Hùng càng động viên tôi: "Làm phóng viên nội chính là phải chịu đựng sức ép nhiều phía". Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của anh: “Mình phải thay mặt người khác dám nói lên sự thật mới là nhà báo”.

Có những lúc anh và tôi cùng tác nghiệp hằng tháng trời cho một đề tài đăng trên báo chỉ 2-3 ngày. Thế nhưng, anh không hề nản chí. Những lúc tiếp cận đối tượng đến gần nửa đêm, đến khi đói lả, cả hai không còn tìm ra chỗ ăn lót dạ, vậy nhưng anh vẫn say sưa trao đổi công việc. Niềm vui lớn nhất đối với anh là sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các bài báo sẽ đến tay bạn đọc về những vấn đề mà nhiều người quan tâm, là nỗi nhức nhối trong tâm trí mọi người…

Nhà báo Hoàng Hùng tên thật là Lê Hoàng Hùng

Bút danh: Trần Hải Nguyên

Sinh năm 1960, nguyên quán: xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Thường trú: phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An

Nhà báo Hoàng Hùng làm báo gần 30 năm. Xuất thân từ phóng viên báo Long An. Từ tháng 7-1996 đến tháng 5-2002 anh là phóng viên báo Pháp Luật TPHCM. Từ tháng 5-2002 đến nay anh là phóng viên báo Người Lao Động



Trong cuộc đời làm báo, tôi chưa bao giờ thấy anh nản chí hay lung lay trước một vấn đề tiêu cực. Tôi còn nhớ mãi một vụ án chìm xuồng mà chúng tôi đã viết và giúp trả lại sự công bằng cho người đã chết.

Đó là vào năm 2008, một vụ án mạng cố ý gây thương tích dẫn đến chết người xảy ra tại huyện Chợ Gạo - Tiền Giang. Hung thủ đã bị cơ quan điều tra bắt giam ngay sau án mạng xảy ra. Vậy mà chỉ một ngày sau, hung thủ lại được thả ra vì kết quả giám định cho rằng nạn nhân chết vì bệnh lý chứ không phải bị đánh.

Gia đình nạn nhân đã kêu cứu nhiều cơ quan tố tụng nhưng đều rơi vào bế tắc. Trong lúc này, cả Hoàng Hùng và tôi đều ở Cần Thơ. Khi nhận được lệnh từ ban biên tập, anh đã tỉ mỉ nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Hiện trường vụ án đã được chúng tôi hình dung ngay sau đó. Bằng khả năng và kiến thức của mình, nhà báo Hoàng Hùng kết luận: “Cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm”.

Sau khi quyết đoán, anh Hoàng Hùng đã đề nghị tôi quay phim dựng lại hiện trường theo lời kể của nhân chứng để thuyết phục cơ quan điều tra. Trong vụ án này, nhiều tình tiết khi chúng tôi trình bày đã được đại tá Đặng Quang Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tiền Giang, đồng tình. Cuối cùng, cơ quan điều tra đã thống nhất với anh. Vụ án đã được “xới” lại, khởi tố bị can và bắt tạm giam hung thủ. Sau đó, tòa xử phạt hung thủ 7 năm tù.

Còn nhiều, rất nhiều việc mà nhà báo Hoàng Hùng đã làm nhưng tôi không thể kể ra hết.…

Xin thắp nén nhang lòng tiễn đưa một người anh, một đồng nghiệp mà tôi hằng kính phục. Nhiều việc làm mà nhà báo Hoàng Hùng còn dở dang, chúng tôi, những người làm báo, sẽ tiếp tục thay anh viết tiếp...
Minh Sơn

Chính trị xã hội - Người Lao Động Online:
Thứ bảy, 29/01/2011 | 18:00GMT+7

(NLĐO) – 13 giờ chiều ngày 29-1, Nhà báo Lê Hoàng Hùng (51 tuổi) đã trút hơi thở cuối cùng tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Giấy chứng tử ghi anh tử vong do “Choáng nhiễm trùng, nhiễm độc. Bỏng lửa xăng nặng”. Sau đúng 10 ngày, kể từ khi bị kẻ ác tấn công bằng chất đốt giữa đêm khuya tại nhà riêng (19-1), anh đã ra đi vì độ bỏng quá nặng so với tuổi tác.

15 giờ 10 phút, nhân viên y tế đã đưa thi thể của Nhà báo Hoàng Hùng rời giường bệnh để di chuyển đến Nhà Vĩnh biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, tại số 49 Thuận Kiều, phường 4, quận 11. Anh trai và em trai của anh Hoàng Hùng là Lê Hoàng Minh và Lê Hoàng Tuấn cùng có mặt bên người ruột thịt của mình trong giờ phút lâm chung đau lòng không nói nên lời. Các anh thẫn thờ ngồi trước sân nhà xác chờ các cơ quan chức năng giải quyết các thủ tục liên quan để đưa về quê nhà ở Long An để cầu nguyện, thờ phụng.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TPHCM (giữa), đến thăm nhà báo Hoàng Hùng ngày 28-1
Chiều cùng ngày, Công an tỉnh Long An đã cử cán bộ điều tra đến Bệnh viện Chợ Rẫy để làm thủ tục khám nghiệm phục vụ cho việc phá án. Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Người lao động rất đau buồn trước cái chết của Nhà báo Hoàng Hùng. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng bắt được thủ phạm đưa ra trừng trị thích đáng trước pháp luật.
Nhà báo Lê Hoàng Hùng (có bút danh khác là Trần Hải Nguyên) sinh ngày 2-4-1960 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; nhà ở tại 119 Nguyễn Thị Hạnh, TP Tân An, tỉnh Long An. Anh có vợ là Trần Thúy Liễu (sinh 1971) và 2 con gái là Lê Hồng Nhung (1992), Lê Hồng Châu (1998).
Anh Hoàng Hùng từng tham gia nghĩa vụ quân sự với quân hàm Trung sĩ giai đoạn 1984-1987. Sau đó, anh chuyển qua làm phóng viên và làm việc tại các Báo Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Pháp Luật TPHCM.
Từ năm 2009 đến nay, Hoàng Hùng về công tác tại Báo Người Lao Động. Cha anh Hoàng Hùng là liệt sĩ; bản thân anh được kết nạp Đảng vào tháng 7-1998, tại chi bộ Báo Pháp luật TP.HCM
Thi thể Nhà báo Lê Hoàng Hùng được quàn tại tư gia (119 Nguyễn Thị Hạnh, TP Tân An, tỉnh Long An) vào lúc 20 giờ ngày 29-1. Lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày Thứ 2, ngày 31-1-2011.
Biết tin Nhà báo Lê Hoàng Hùng mất, Ông Huỳnh Dũng Nhân-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM đã gửi đến lời chia buồn và chia sẻ sâu sắc với gia đình nạn nhân và Báo Người lao động. “Chúng tôi rất phẫn nộ khi xẩy ra vụ đốt cháy Nhà báo Hoàng Hùng, và bây giờ thật đau xót khi anh không thể qua khỏi. Một câu hỏi đầu tiên: ai là kẻ gây ra tội ác man rợ này, đã bắt được hay chưa? Dù với động cơ nào đi nữa, việc ra tay tàn độc như vậy đối với một nhà báo là không thể chấp nhận”-Ông Nhân nói.

Chuyển thi thể anh Hoàng Hùng vào nhà Vĩnh biệt của bệnh viện
Theo ông Nhân, không thể coi việc hành hung nhà báo là xung đột bình thường. Pháp luật phải xử lý thật nghiêm minh và các cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ nhà báo quyết liệt hơn nữa. “Với tư cách là lãnh đạo Hội Nhà báo TP và là một đồng nghiệp của anh Hoàng Hùng, tôi rất mong anh-chị-em phóng viên Báo Người lao động hãy đồng tâm hiệp lực, sát cánh bên nhau vượt qua nỗi đau và sự mất mát vừa xẩy ra”-Ông Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Quý Lâm


Thứ Bảy, 29/01/2011, 16:11 (GMT+7) TTO - Khoảng 14g ngày 29-1 (27 tháng Chạp), nhà báo Lê Hoàng Hùng (bút danh Hoàng Hùng, báo Người Lao Động TP.HCM) đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 10 ngày bị nạn và điều trị tại đây.

Hơn một tuần qua, sức khoẻ của nhà báo Hoàng Hùng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Thông tin về tình trạng sức khoẻ của anh được anh em nhà báo tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cập nhật hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Tối 27-1 nhiều đồng nghiệp của anh ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang rất lo lắng khi hay tin anh bị hôn mê phải thở máy.

Đến chiều 28-1, thông tin cho biết tình trạng sức khoẻ của anh rất xấu, có khả năng không qua khỏi đã được truyền đi rất nhanh. Nhiều bữa tiệc tất niên của các cơ quan báo chí chiều 28-1 đã kết thúc sớm để sắp xếp đi thăm anh lần cuối.

Và điều đau xót đã đến: khi không khí tết bên ngoài bệnh viện đang rộn ràng thì anh ra đi mãi mãi khi bước sang tuổi 51, để lại hai đứa con gái 12 tuổi và 17 tuổi.

Nhà báo Lê Hoàng Hùng

Anh Hoàng Hùng có thời gian dài cộng tác với báo Tuổi Trẻ trước năm 2007, phụ trách mảng thông tin địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, đặc biệt là tin nội chính với bút danh Trấn Vũ.

Trước đó, khoảng 0-1g sáng 19-1, nhà báo Hoàng Hùng bị đốt tại khi đang ngủ nhà riêng ở phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An. Đêm đó, anh ngủ riêng ở căn phòng phía trước lầu 1. Vợ và hai con gái anh ngủ riêng. Kẻ thủ ác đã đột nhập vào phòng của anh Hoàng Hùng tưới cồn (hoặc chất gây cháy khác) rồi phóng hỏa đốt.

Khi tỉnh giấc, toàn thân anh đã trở thành cây đuốc sống. Do bị phỏng nặng (khoảng 50%) diện tích da và nhiều chỗ phỏng sâu) nên sức khoẻ của anh liên tục diễn biến xấu, được tiên lượng tử vong sau gần một tuần điều trị.

Theo Công an tỉnh Long An, hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án giết người và đang tích cực điều tra truy tìm hung thủ cố tình sát hại nhà báo Hoàng Hùng.

Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định, khoanh vùng một số nghi can.

V.TR.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét