Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh và học sinh (HS) nào cũng lường hết mối nguy hại từ một máy tính được kết nối internet. Cha mẹ tưởng giúp giới trẻ nhanh tiếp cận với công nghệ thông tin, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Đua nhau sắm máy tính
Mới vào năm học được mấy tháng, bé A., HS trường tiểu học C.L (Hà Nội) nằng nặc xin mẹ được chơi máy tính. Số là, ở trường, các em HS tiểu học đã được theo học môn tin học. Chỉ vài lần ngồi trước màn hình, bé A. đã mê cách tô tô, vẽ vẽ từ máy tính. Đã thế, bạn bên cạnh lại còn “thông minh hơn” khi tìm ra vài trò game trong máy. Rủng rỉnh về ngân sách lại vốn chiều con, mẹ bé A. sắm luôn một chiếc laptop và đăng ký nối mạng luôn. “Thấy cháu háo hức máy tính, tôi cũng sắm để cháu nhanh làm quen với công nghệ thông tin”, mẹ bé A. tâm sự.
Không như mẹ bé A., chị Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) lại hay bị con trai là Nam chê là “chẳng cấp tiến gì cả”. Lý do Nam đưa ra là mẹ bạn Ngọc cùng lớp hay lên mạng đọc tin, xem phim rồi kể cho Ngọc nghe. Đã thế hôm rồi Ngọc làm bài kiểm tra tập làm văn điểm cao hơn Nam vì được mẹ tra mạng hướng dẫn cách làm bài. Bị con chê mãi, chị Hạnh dành dụm một khoản tiền mua máy tính rồi nối Internet luôn.
Hiện nay, tâm lý sắm máy vi tính để con em được tiếp cận với công nghệ thông tin đã nhanh chóng lan tỏa và càng mạnh mẽ hơn với gia đình có con đang học cấp 2, 3. Khảo sát tại Trường bán công Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, số HS có máy tính chiếm 80,83%; tại trường THPT Tây Hồ, Trần Hưng Đạo có 61,7%; còn tại trường THPT Liễu Giai là 80,8%. Đa phần các HS đều “khoe” mới được gia đình sắm máy tính gần đây.
Số lượng gia đình mua sắm máy tính nối mạng tăng, phần nào cũng lí giải hiện tượng dù tiếp cận với công nghệ thông tin chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng vào top 20 quốc gia kết nối mạng nhiều với hơn 20 triệu người sử dụng Internet (chiếm 24,47% dân số).
Không kiểm soát, phản tác dụng
Việc HS sớm tiếp xúc với máy tính, nhất là được kết nối internet tiềm ẩn với nhiều mối nguy hại. Chẳng cần nói đâu xa, chỉ cần lên google và gõ vài chữ thì trong 0,8 giây sẽ hiện ra khoảng 17 triệu kết quả là những “web đen” hoặc đủ các thể loại game. Những điều đó đủ sức hấp dẫn và lôi kéo HS khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ và thiếu sự kiểm soát của gia đình.
Nói về tác hại của việc tiếp cận Internet thiếu kiểm soát, ông Bùi Văn Sâm, Phó hiệu trưởng trường Bán công Nguyễn Tất Thành, cho rằng đang học trên mạng nhưng chỉ cần thấy game hoặc phim hấp dẫn là trẻ sẽ quên ngay bài vở. Việc tán gẫu trên mạng cũng làm mất thời gian và ảnh hưởng đến học hành. “Trước đây, HS biết yêu đương từ cấp 3 đã là sớm, nhưng bây giờ yêu khi đang học lớp 8 - 9 là chuyện thường. Điều này một phần cũng do ảnh hưởng từ phim ảnh trên mạng”, ông Sâm nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, đã từng tiếp xúc với HS nghiện game, kể HS này bỏ học cả tuần để lui tới quán net, gia đình phải nhờ công an mới tìm thấy. “Không ít HS “nghiện” máy tính đến nỗi bỏ bê việc học hành. Nhiều HS sẵn sàng khoe có thể ngồi lỳ nhiều giờ mỗi ngày để tải nhạc, xem phim”, ông Bình cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lê, Phó hiệu trưởng trường THPT Liễu Giai, cho rằng cần đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào trường, khi HS hiểu giá trị và kỹ năng sống thì các em mới có thể lựa chọn hành vi hướng tới giá trị sống tốt đẹp. Đặc biệt, gia đình phải quản lý máy tính của HS với phần mềm giới hạn truy cập mạng.
“Đối với HS cấp 1, không cho trẻ tự do chơi và sử dụng máy tính. Gia đình nên có hệ thống mã khóa an toàn cho nội dung trên máy tính. Đối với HS cấp 2, cha mẹ phải quản lý về thời gian, trao đổi tư vấn lợi hại của các trò chơi. Còn cấp 3 thì HS sử dụng máy tự do và chủ động hơn nhưng bố mẹ nên gần gũi con cái để chia sẻ những bất thường trong sinh hoạt, tâm lý” - bà Nguyễn Thị Lê, phó hiệu trưởng Trường THPT Liễu Giai. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét