Ngày 23/1, khảo sát di tích thành nhà Hồ (Thanh Hóa), 21 đoàn ngoại giao cùng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao kiến trúc cũng như vị trí lịch sử của công trình này.
Đoàn đã đến thăm thực địa tại di sản thành nhà Hồ, di tích đàn tế Nam Giao và các di tích vệ tinh. UBND tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu những thông tin cần thiết về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thành nhà Hồ.
Kết thúc chuyến thăm, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam, cho biết rất ấn tượng về công trình thành nhà Hồ, đàn tế Nam Giao, giếng vua ở quần thể di tích này. “Cá nhân tôi rất ấn tượng với người xưa trong việc gắn những phiến đá lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn”, bà Marin chia sẻ.
Vụ Văn hóa đối ngoại – UNESCO Việt Nam đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để trình UNESCO xem xét, công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hoá thế giới. Ảnh: Lam Sơn. |
Ngoài ra, bà Marin còn khá ấn tượng với thiết kế đặc biệt của đàn tế Nam Giao cũng như tư tưởng cách tân của vua Hồ Quý Ly và khẳng định đó là những điều rất quan trọng trong hồ sơ di sản thành nhà Hồ và trong lộ trình ghi danh công trình này là di sản văn hóa thế giới.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại - UNESCO nhấn mạnh, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết liên quan đến công trình kiến trúc này, để có được kết quả tốt nhất tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới ở Bahrain vào tháng 6 tới.
Thành nhà Hồ vốn là kinh đô của nhà Hồ, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam, 4 bên được bao quanh bằng tường đá, với tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp. |
Lam Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét