Việt Nam yêu cầu bỏ 'đường lưỡi bò'

VnExpress:
Thứ năm, 27/1/2011, 09:38 GMT+7
Hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thể hiện đường yêu sách hình lưỡi bò ở Biển Đông trên bản đồ trực tuyến mà Trung Quốc mới công bố, yêu cầu gỡ bỏ ngay nội dung sai trái này.
Hôm qua phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến mang tên "Map World" ngày 18/1, trong đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông.
Việc làm này "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và của các nước ven biển Đông, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", bà Nga khẳng định.
Yêu sách 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đơn phương đưa ra coi hầu như toàn bộ Biển Đông là vùng nước của Trung Quốc. Điều này bị nhiều nước, trong đó có Việt Nam, kịch liệt phản đối.
Việt Nam từ lâu đã khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
"Việt Nam phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ ngay những nội dung sai trái trong các bản đồ trên", tuyên bố của người phát ngôn Việt Nam đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao có đoạn.
Biển Đông hiện là nơi có các tuyên bố tranh chấp về chủ quyền. Đây là một trong những vấn đề được bàn thảo kỹ lưỡng tại hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN trung tuần tháng này. Tại Diễn đàn an ninh ASEAN hồi tháng 7, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông thu hút sự chú ý của nhiều người, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, rằng giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thanh Mai

VnExpress: Thứ ba, 18/1/2011, 10:06 GMT+7

ASEAN tìm giải pháp cho xung đột Biển Đông


Các nước ASEAN đang nỗ lực tìm giải pháp chung cho tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, bởi cơ chế tạo ra 9 năm qua chưa đưa lại đột phá nào.

> Theo dòng thời sự: Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc Đông Nam Á đã nhóm họp kín ở Indonesia hôm chủ nhật. Tiết lộ với báo chí, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay hiệp hội bàn rất chi tiết cách để giải quyết vấn đề xung đột Biển Đông, bằng cách đưa thêm các quan chức cấp cao vào việc thương thảo, thảo luận trực tiếp về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
"Chúng tôi bàn luận rất chi tiết, củng cố quan điểm chung của ASEAN như đã được phản ánh trong tuyên bố về quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc, và khẳng định rằng vấn đề này cần phải có tiến triển ngay trong thời gian tới", Jakarta Post dẫn lời Marty Natalegawa.
Tuy nhiên ông nói thêm, việc thảo luận về quy tắc ứng xử như thế này không gây ảnh hưởng đến nguyện vọng tạo môi trường hòa bình trong khu vực. Mục đích của việc thảo luận giữa các ngoại trưởng là đề ra các định hướng cho việc thực hiện tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông, có từ năm 2002.
Bia chủ quyền của Việt Nam trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, nơi có tranh chấp về lãnh thổ. Ảnh: An Thảo My.
Bia chủ quyền của Việt Nam trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, nơi có tranh chấp về lãnh thổ. Ảnh: An Thảo My.
Trở ngại căn bản là liệu quy tắc ứng xử đó được áp dụng để giải quyết các tranh chấp, hay chỉ đơn thuần là tuyên bố mà không có ràng buộc pháp lý. Ngoại trưởng Marty của Indonesia nhận định rằng tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề lớn của khu vực và thế giới, liên quan đến một số nước ASEAN, Trung Quốc và Mỹ.
Marty nhận định rằng Mỹ cũng đang quan tâm sử dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông sao cho có lợi ích cho họ.
Biển Đông là nơi một phần ba lượng hàng hóa của thế giới luân chuyển qua, có các tuyến đường cung cấp năng lượng thiết yếu đối với Trung Quốc và Nhật Bản. Trong số 39 tuyến đường biển của Trung Quốc, có tới 21 tuyến qua khu vực này. Biển Đông cũng là nơi được dự đoán có trữ lượng dầu mỏ và tài nguyên lớn.
Marty cho rằng xung đột chủ quyền trên Biển Đông nếu không giải quyết tốt có thể trượt khỏi vòng kiểm soát và đe dọa ổn định khu vực.
Theo Reuters, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Mỹ đang muốn biến ASEAN thành thành lũy để đối phó với sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Những quốc gia như Indonesia sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ chính trị và kinh tế với cả hai bên.
Tại hội nghị kín, các ngoại trưởng ASEAN còn bàn thảo một vấn đề quan trọng nữa, đó là thống nhất lập trường của khối về tương lai Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và các vấn đề toàn cầu, trước khi hai cường quốc là Nga và Mỹ gia nhập Hội nghị vào tháng 10 năm nay.
Ngoại trưởng nước chủ tịch Indonesia cho biết Đông Nam Á khẳng định vai trò dẫn dắt trong EAS. "Chúng tôi phải suy nghĩ về cách để ASEAN dẫn dắt EAS", tờ Bangkok Post dẫn lời ông Marty Natalegawa thông báo sau cuộc họp hai giờ của các ngoại trưởng.
Hiệp hội cũng đã thảo luận về vai trò của ASEAn trong cộng đồng quốc tế. "Chúng ta cần các định rõ vai trò của mình", Marty Natalegawa cho hay. "Trong vài năm tới, ASEAN cần có chiến lược rõ ràng về các vấn đề toàn cầu".
Thanh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét