Cập nhật lúc : 5:11 PM, 25/01/2011
(VOV) - Bài phát biểu năm nay toát lên một tham vọng rất lớn của nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Sáng 25/1, (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp liên bang lần thư 2 trong nhiệm kỳ của mình, trong đó khẳng định không chỉ phục hồi nền kinh tế đang đảo lộn, mà còn giúp nước Mỹ vươn tới sự thịnh vượng lâu dài.
Nhiều người dân Mỹ không khỏi hoài nghi về những cam kết này khi mà cũng trong một ngày lạnh giá cách đây 2 năm, ông Obama cũng đã đọc những lời cam kết này trong thông điệp Liên bang đầu tiên.
Bài phát biểu năm nay không quá dài nhưng nó vẫn toát lên một tham vọng rất lớn của nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của nước Mỹ. Đó là cải tổ hệ thống y tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải thiện thị trường nhà đất tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tại Iraq và tạo những tiến bộ tại cuộc chiến ở Afghanistan. Và điều quan trọng nhất là tạo ra hàng triệu việc làm.
Ông Obama nói: “Những ưu tiên mà tôi đang tập trung là phục hồi lại nước Mỹ. Trong đó ưu tiên lớn nhất là chúng ta phải chắc chắn rằng nước Mỹ đang tạo ra sự cạnh tranh… Chúng ta sẽ tái thiết, phục hồi, và nước Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết và quan trọng là tạo ra việc làm trong tương lai.
Vẫn là những lời hứa, những lời cam kết hết sức mạnh mẽ và đầy quyết tâm giống như những gì mà người Mỹ chứng kiến trong bài thông điệp cách đây 2 năm. Nhưng những cam kết ấy được thực hiện đến đâu và những cam kết mới được người dân Mỹ tin tưởng đến mức độ nào thì chỉ có người Mỹ mới có thể hiểu được.
Các nhà phân tích nhìn nhận, sau hai năm cầm quyền của ông Obama, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn yếu ớt. Nguy cơ “bóng ma của cuộc khủng hoảng vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Nước Mỹ đã có một luật y tế mới, nhưng quá trình thực hiện chắc chắn vẫn còn nhiều vướng mắc. Mặc dù ông Obama khẳng định “Đó là hai năm hiệu quả nhất của chúng ta sau nhiều thế hệ”, nhưng tỉ lệ thất nghiệp Mỹ đã liên tục tăng so với hồi tháng 2/2009.
Dù các chính sách của nhà nước đã tạo ra 1,1 triệu việc làm trong năm 2010, nhưng tổng số việc làm ở Mỹ đã ít đi 2,8 triệu so với thời ông Obama mới vào Nhà Trắng.
Năm 2010 là năm thứ ba liên tiếp thâm hụt Mỹ vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD. Thị trường nhà đất vẫn tiếp tục èo uột. Số lượng nhà bị thu hồi do chủ không thể trả tiền vay mua nhà lên đến con số kỷ lục 1 triệu nhà trong năm 2010 và năm 2011 dự báo sẽ còn cao hơn.
Bên cạnh các vấn đề đối nội, Tổng thống Obama cũng gặp không ít khó khăn trong các chính sách đối ngoại khi mà trong 2 năm qua, người Mỹ đang cảm thấy vị thế của nước Mỹ đang có bước thụt lùi. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi, chính sách đối ngoại hiếm khi là chủ đề chính trong Thông điệp Liên bang, nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ Obama không né tránh vấn đề này. Hầu như không có một tiến triển nào trong các nỗ lực đảm bảo an ninh ở Iraq, Afghanistan, hay kiềm chế các chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên. Thậm chí, tiến trình hòa bình Trung Đông, một trong những ưu tiên của ông Obama trong nhiệm kỳ này cũng đánh dấu những bước lùi so với người tiền nhiệm.
Trước tất cả những vấn đề được cho là không thành công này, nhà phân tích chính trị Tomas Man nhận định: Bài thông điệp này sẽ đưa ra những lời cam kết mới và tất nhiên sẽ đưa ra cả những điều mà nước Mỹ đã làm được. Nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn những cam kết này sẽ thành công. Nếu nhìn vào kết quả đạt được trong hai năm qua, người dân Mỹ vẫn muốn lắng nghe Thông điệp Liên bang mới, nhưng với thái độ hoài nghi hơn.
Không chỉ là thái độ hoài nghi của dư luận Mỹ, Tổng thống Obama cũng phải đọc Thông điệp Liên bang trước một Quốc hội mới, với phe Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ mất thế đa số tuyệt đối ở Thượng viện sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2009. Đảng Cộng hòa thề sẽ cắt giảm chi tiêu nhà nước tới 100 tỷ USD và hủy bỏ luật cải tổ y tế của ông Obama.
Theo một cuộc điều tra Hãng tin AP, 42% người được hỏi cho rằng hãy còn quá sớm để có thể khẳng định ông Obama có thực hiện được những cam kết khi mới lên nhậm chức hay không. Khoảng 1/3 cho rằng ông đã thất bại và chỉ 1/4 cho rằng ông giữ đúng các lời hứa.
Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, câu trả lời cho câu hỏi “Liệu ông có vực dậy được lòng tin của cử tri Mỹ hay không” vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nếu muốn ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, chắc chắn ông Obama sẽ phải hành động nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra lời hứa./.
Tổng thống Obama đọc Thông điệp Liên bang tại Quốc hội, tối thứ ba 25/1 (giờ Mỹ)
Hòa giải với đối lập
Đây là thông điệp về tình trạng liên bang thứ hai của Tổng thống Obama và là thông điệp đầu tiên kể từ khi đảng Dân chủ của ông mất thế đa số tại Hạ Viện. Do vậy, dư luận rất quan tâm xem nhà lãnh đạo hành pháp có tài hùng biện sẽ đưa ra những đề nghị gì và trong tinh thần như thế nào để có thể tạo đồng thuận giữa Cộng hòa và Dân chủ.
Và rõ ràng, tinh thần của Tổng thống Mỹ là hòa giải. Nhà lãnh đạo mở đầu bài diễn văn với lời chúc mừng tân Quốc hội và Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu đảng Cộng hòa John Boehner. Ông cũng nhắc đến sự vắng mặt của Dân biểu Gabrielle Giffords, người đã bị bắn vào đầu trong vụ tấn công trước đây trong tháng và đang hồi phục tại một bệnh viện ở Texas. Ông nói rằng có những khác biệt về chính trị trong 2 năm qua từ ngày ông nhậm chức. Tuy nhiên ông nói rằng tranh luận là một “điều hay”, vì đó là điều cần có cho một thể chế dân chủ vững mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi tinh thần đoàn kết chính trị, và nói rằng “mọi người là một phần trong gia đình Mỹ, một dân tộc, cùng chia sẻ những niềm hy vọng”. Ông nói: “Tương lai đất nước sẽ được định đoạt bởi việc liệu các giới chức dân cử có thể cùng nhau làm việc hay không. Hoặc đất nước sẽ tiến lên hoặc giậm chân tại chỗ. Các thách thức mà đất nước đang đối mặt trọng đại hơn là đảng phái chính trị hay chính trị”.
Theo ông Steven Ricchiuto, kinh tế gia trưởng tại Mizuho Securities, thách thức lớn nhất với Obama có thể là hàng trăm nhà lập pháp, người trực tiếp lắng nghe thông điệp của ông. Với sự kiện Quốc hội bị chia rẽ giữa hai đảng, điều thiết yếu để cho việc thông qua các dự luật là phải có được sự đồng thuận và dung hòa. Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Obama khuyến nghị cả hai đảng hợp tác với nhau.
Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi tinh thần đoàn kết chính trị. Những tháng ngày sắp tới sẽ là khoảng thời gian để trắc nghệm xem lời kêu gọi đó có được đáp ứng hay không.
Công ăn việc làm
Đúng như tuyên bố của ông trước đó, Tổng thống Mỹ đã nêu bật các thành quả và thách thức đối với Mỹ trong thông điệp liên bang, đặc biệt là ông đã dùng thông điệp này để nhấn mạnh đến chuyện tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế của Mỹ.
Kinh tế Mỹ lập kỷ lục về mức độ khó khăn. Báo cáo Tình báo Hàng ngày của Mỹ ngày 24/1 cho biết thực tế chưa bao giờ chứng kiến mức độ tức giận và thất vọng của người Mỹ như hiện nay kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hầu hết người Mỹ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế.
Hàng triệu gia đình khác đang có nguy cơ mất nhà hoặc đã bị ném ra đường phố. Hàng triệu gia đình Mỹ đang cấu dần khoản tiền tiết kiệm và đầu tư của họ để sinh nhai. Hơn hai năm qua, người tiêu dùng Mỹ rút hơn 311 tỷ USD từ các tài khoản tiết kiệm và đầu tư, lớn hơn số tiền họ gửi vào các tài khoản đó. Số gia đình Mỹ bị đuổi khỏi nhà và sống trên các đường phố đạt kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay.
Thời gian gần đây, tỷ lệ ủng hộ của dân Mỹ đối với thành tích của Obama có tăng, nhưng cử tri vẫn còn bất bình trước tỷ lệ thất nghiệp và khối nợ công cao. Trong khi đó, các nhà làm luật Dân chủ và Cộng hòa đồng ý về một số mục tiêu kinh tế rộng lớn cho quốc gia, nhưng lại bất đồng sâu xa về những chính sách cần thiết để đạt tới những mục tiêu đó. Các nhà làm luật đảng Cộng hòa nói là họ cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm, nhưng phương cách để tiến đến các mục tiêu đó là cắt giảm mạnh tầm vóc của chính phủ liên bang và để cho khu vực tư nhân đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế.
Đối phó với “những đối thủ đang nổi”
Cũng có điều đặc biệt rằng trong nỗ lực chính trị lần này, Tổng thống Mỹ cố hướng người nghe vượt qua những thách thức trong nước để đối mặt với “những đối thủ đang nổi”.
Trong khi thừa nhận nhu cầu cấp bách phải mang đến công ăn việc làm và chấn chỉnh nền kinh tế, Obama cũng cảnh báo nguy cơ với vị thế kinh tế của Mỹ trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, khi ông trình bày chi tiết kế hoạch đảm bảo cho Mỹ “chiến thắng trong tương lai”.
Tổng thống Obama nói rằng Mỹ đang trong tư thế tiến bộ, với thị trường chứng khoán và doanh lợi các công ty gia tăng và kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên ông nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm vị thế lãnh đạo và lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Ông nêu lên hai nước Trung Quốc và Ấn Độ như những trường hợp điển hình đã đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và công nghệ mới để cải thiện tư thế cạnh tranh trong thế giới mới. Thúc giục người dân Mỹ cùng tập hợp để đối phó với những bất lợi, Obama đã đặt ra một chương trình để giúp nước Mỹ nâng cao khả năng cạnh tranh.
Chính sách đối ngoại hiếm khi là chủ đề chính trong Thông điệp Liên bang, nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể né tránh vấn đề này trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải trải qua một cuộc chiến đầy khó khăn tại Afghanistan và các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng hạn chế các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên - một nỗ lực rõ mà con đường tới “thành công” vẫn mờ mịt.
Thông điệp hằng năm về tình trạng liên bang là một truyền thống và là một điều khoản trong Hiến pháp Mỹ, buộc Tổng thống thỉnh thoảng phải báo cáo cho Quốc hội tình hình hiện nay của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét