Thứ Sáu, 28/01/2011, 07:30 (GMT+7)
TT - Sáng 26-1, sau hơn 40 giờ hành trình vượt biển động cấp 7-8, các tàu HQ 996, HQ 936, Trường Sa 22 và Trường Sa 18 đã từ quần đảo Trường Sa về đến quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.
Chuyến tàu từ đảo xa đưa những người con của đất mẹ trở về đón tết trong sự nôn nao đoàn tụ gia đình, gặp lại bè bạn sau bao tháng ngày xa cách, nhớ thương.
Cán bộ chiến sĩ tàu Trường Sa 18 làm thủ tục lên bờ tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Lê Kiên |
“Món quà” của lính đảo đem từ Trường Sa về đất liền - Ảnh: Lê Kiên |
Cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 146 đón lính đảo Trường Sa lên bờ tại quân cảng Cam Ranh sáng 26-1 - Ảnh: Lê Kiên |
Đây là chuyến công tác thường niên của Vùng 4 hải quân, kéo dài một tháng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chuyển khoảng 300 tấn hàng hóa tết phục vụ quân và dân Trường Sa đón xuân Tân Mão. Đặc biệt, trên các chuyến tàu trở về đất liền lần này có hàng trăm quân nhân được nghỉ phép hoặc hết nghĩa vụ quân sự được về quê hương đón tết.
Cái hẹn “điểm 10”
Vừa bước chân lên bờ, thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh (đảo Đá Lớn B) đã bấm điện thoại gọi cho cô con gái Hoài Thương học lớp 1: “Con gái, mấy hôm nữa là bố được về với con rồi, hôm nay con có giúp mẹ và ông bà làm cỗ cúng ông Táo không?... Con được 124 điểm 10 rồi à, ngoan lắm, bố sẽ mang quà về cho con, tết bố sẽ đưa hai mẹ con đi đón giao thừa nhé...”.
Cách đây gần một tháng, trong bài “Vì chúng tôi là lính Trường Sa”, Tuổi Trẻ đã kể câu chuyện của thượng úy Chinh và lời hứa với con gái “bao giờ con được 100 điểm 10 thì bố sẽ về thăm con”.
Cuối tháng 12-2010, Hoài Thương từ quê nhà Quảng Xương, Thanh Hóa gọi điện ra đảo nhắc bố là “con sắp được 100 điểm 10 rồi bố ạ”... Là một trong số ít quân nhân đang giữ kỷ lục về số lần đi đảo, anh Chinh rất vui vì năm nay được đi phép đúng dịp tết cổ truyền, giữ đúng lời hứa với con.
“Tôi bắt đầu ra Trường Sa từ năm 1992, từng nhiều năm ăn tết ở các đảo Thuyền Chài, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le... và Tết Canh Dần vừa rồi là ở Đá Lớn. Ba năm nay tết Trường Sa gần với đất liền hơn vì có sóng điện thoại để liên lạc với gia đình. Sắp tới trả phép, không biết đơn vị sẽ phân công tôi đến đảo nào nhưng với tôi thì Trường Sa đã quá đỗi thân thuộc, nơi tôi coi như quê hương thứ hai của mình” - anh Chinh tâm sự.
Nén nhang cho bố
Không biết ngẫu nhiên hay có một truyền thống nào đấy mà phần đông những người lính Trường Sa đều có quê ở tận Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... Đường về nhà ngày cận tết làm lòng họ chộn rộn hơn vì tàu xe đông như mắc cửi. Để có được một vé tàu về đúng hẹn, thiếu úy Phạm Ngọc Thảo, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, phải nhờ bạn bè trong bờ đặt trước cả tháng. Niềm mong mỏi lớn nhất của Thảo tết này là vợ sẽ có bầu để Thảo yên tâm trả phép trở lại Trường Sa. “Tôi nghỉ phép hồi năm 2009 về quê cưới vợ, rồi trả phép ra đảo Tốc Tan đón tết năm 2010 ở đó, thành ra lần này mới về gặp vợ vẫn là mới anh ạ...” - Thảo cười.
Với đại úy Phạm Văn Điệp, quê ở miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chuyến về phép lần này có một ý nghĩa rất đặc biệt khiến lòng anh rưng rưng, đó là anh được tự tay thắp nén nhang trước vong linh người cha vừa mất hồi giữa năm mà anh không thể về tiễn biệt. “Tôi đã đi Trường Sa bốn tăng (mỗi tăng 12-18 tháng - PV), với người lính thì nhiệm vụ là trên hết, với lính đảo Trường Sa thì nhiệm vụ đó càng trở nên thiêng liêng hơn khiến người lính không thể rời vị trí. Năm 2009 được đón tết ở nhà cùng bố mẹ, năm 2010 đón giao thừa ở đảo Tốc Tan A gọi điện về nhà, bố tôi vẫn động viên “con yên tâm công tác, bố mẹ vẫn bình thường”... Tôi có một nhiệm vụ chưa hoàn thành trước bố tôi, đó là lập gia đình. Vậy nên lần này vào bờ, tôi muốn chạy về nhà thật nhanh...” - Điệp tâm sự.
Đó là vài câu chuyện của những người trở về. Còn hàng ngàn người đang ngày đêm ở lại với Trường Sa, cả những người lính và nhân dân sống trên đảo, thì xuân Tân Mão đã đến sớm với những chuyến tàu chở rau xanh, heo, mứt kẹo... đến với tất cả đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.
Thủ tướng chúc tết bộ đội biên phòng Chiều 27-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng. Thủ tướng biểu dương những thành tích của toàn thể lực lượng bộ đội biên phòng và chúc cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng gia đình một năm mới đạt thêm nhiều thành tích mới, xứng đáng là lực lượng chủ công trong giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, việc loại bỏ 30% giấy tờ không cần thiết trong kiểm soát xuất nhập cảnh, rút ngắn thời gian làm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang đến cho bạn bè quốc tế ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam đổi mới và phát triển. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý với một số kiến nghị của bộ đội biên phòng về việc triển khai chiến lược tổng thể biên giới quốc gia; đề án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới đến năm 2020; đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống quân dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe quân và dân khu vực biên giới giai đoạn 2010-2025 gắn với các đồn biên phòng... CHINHPHU.VN Lỗi hẹn với tết quê nhà Đó là chuyện của trung tá Trần Văn Nhật – chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh. Khi nhiều đồng đội của mình được nghỉ phép về sum họp với gia đình như dự định, trung tá Nhật lại phải trả phép trước thời hạn để lên tàu ra Trường Sa. “Về quê nghỉ phép được ít ngày nhận được lệnh đơn vị phải vào ngay. Là người lính, phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, đêm nằm phải gãi đầu gãi tai động viên bà xã: “Mai anh phải đi rồi, cho anh nợ lần sau anh về lâu hơn!”. Vợ mình khóc, mình động viên: “Thôi em đừng khóc, lưu luyến quá mai anh ra đường bắt xe vào Nam khó lắm đấy…”. Quê trung tá Nhật là vùng bán sơn địa Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Đời quân nhân của anh luôn gắn với miền biên ải, từng là người lính ở biên giới Phong Thổ, Lai Châu đến phó chỉ huy đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, rồi mấy tăng liền ở Trường Sa… “Kỷ niệm nhớ nhất là khi tôi ở Bạch Long Vĩ về thăm nhà, khi tôi đẩy cửa bước vào thì cô con gái 3 tuổi đang bập bẹ tập nói kêu lên: mẹ ơi, có chú gì vào nhà mình kìa”. |
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét