Hà Nội không cấp phép đỗ xe tại lòng đường dưới 6,5 m

Thứ năm, 22/12/2011, 00:17 GMT+7

Lãnh đạo Hà Nội đã đưa ra 6 tiêu chí cấp phép các điểm đỗ xe trên địa bàn để giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, thành phố sẽ không cấp phép tại các tuyến phố có chiều rộng dưới 6,5 m.
> Quận nhận trách nhiệm buông lỏng quản lý hè đường/ UBND phường, quận tiếp tay làm 'loạn' trông giữ xe

Tại cuộc họp mới đây, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã thống nhất không cấp phép đỗ xe trên các trục giao thông chính, các tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn, các đường vành đai hoặc gần các ngã ba, ngã tư... Thành phố chỉ cấp phép tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện thấp, các ngõ ngang, tại các khu đất chưa sử dụng mà không ảnh hưởng đến giao thông.
Tại các phố tại trung tâm, nơi có nhu cầu cao về điểm đỗ cũng sẽ được cấp phép theo từng đoạn, từng bên đường. Thành phố ưu tiên cấp phép cho các dự án sử dụng công nghệ cao như bãi đỗ xe ngầm, cao tầng.

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng chỉ đạo không cấp phép trông giữ xe tại 2 tuyến đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố để phục vụ đón khách quốc tế, là tuyến Nội Bài - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Hai Bà Trưng và tuyến Nội Bài - Âu Cơ - Yên Phụ - đường Thanh Niên.
Điểm trông giữ phương tiện của công ty B&H được Sở Giao thông Vận tải cấp phép trên phố Hoàng Đạo Thúy lấn chiếm hàng nghìn mét vuông lòng đường và vỉa hè. Ảnh: Tiến Dũng.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các quận giám sát, quản lý hè, đường trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh, dừng đỗ phương tiện không đúng quy định. Kiên quyết không để lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương lựa chọn vị trí để xây dựng bãi đỗ xe ngầm và thỏa thuận quy hoạch kiến trúc các bãi đỗ xe cao tầng tại đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan để các chủ đầu tư chuẩn bị xây dựng.
Sở Giao thông Vận tải cũng được chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng các bãi đỗ xe, đưa ra lộ trình để xóa các bãi tạm tại lòng đường, vỉa hè.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã truy vấn lãnh đạo Hà Nội về cấp phép trông giữ xe dưới lòng đường, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Theo Bộ trưởng Thăng, tiền trông giữ xe nộp vào ngân sách nhà nước thì ít còn nộp vào túi cá nhân thì nhiều. Ông yêu cầu lãnh đạo Hà Nội xóa bỏ các điểm đỗ xe dưới lòng đường, tạo đường thông hè thoáng cho phương tiện lưu thông.
Đoàn Loan


Thứ Tư, 21/12/2011 - 00:35
Hà Nội:
(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Nguyễn Quốc Hoa vừa kiến nghị thành phố cho phép trông giữ xe đạp, xe máy trên vỉa hè ở 15 tuyến phố (hiện đang cấm) gồm Bà Triệu, Hàng Bài, Hàng Gai, Hàng Khoai…
Lý giải việc cấp phép thêm bãi trông giữ xe trên vỉa hè, ông Hoa cho rằng để đảm bảo nhu cầu gửi xe đạp, xe máy của nhân dân và du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Việc cấp phép này cũng không vi phạm tiêu chí “không cấp phép đối với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bố trí tại các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 6,5m. Không cấp phép đối với các vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 3,5m” mà Sở Giao thông vận tải đang đề xuất thành phố. Ông Hoa cam kết việc này vẫn đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Làm bãi xe vì không phải trục giao thông chính!
Trong bản danh sách các tuyến phố được tổ chức và cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên hè và lòng đường vừa được ông Hoa gửi UBND thành phố, thì phần lớn nội dung là kiến nghị “chiếm” thêm vỉa hè của người đi bộ.
Bãi xe chiếm trọn vỉa hè và 2/3 lòng phố Hàng Bút (Hoàn Kiếm)
Hoàn Kiếm không kiến nghị xóa bỏ điểm trông giữ phương tiện nào hiện có. Quận này chỉ đề nghị Sở Giao thông vận tải không cấp phép cho đỗ xe ô tô tải trên dải phân cách dọc tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải. Trái lại, ông Hoa đề nghị chỉ cấp phép cho đỗ xe ô tô du lịch, ô tô con vào phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm ở 3 tuyến phố trên.
Trên địa bàn Hoàn Kiếm hiện nay có 109 tuyến phố cấm trông giữ phương tiện xe máy, ô tô trên vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, ông Hoa đề nghị thành phố loại 12 tuyến phố Bà Triệu (hè rộng 7,5m), Bảo Khánh (hè rộng 3,5m), Hàng Bài, Hàng Gai, Hàng Khoai, Hàng Thùng, Hàng Tre, Nguyễn Siêu, Nhà Thờ, Phan Bội Châu, Triệu Quốc Đạt, Ấu Triệu ra khỏi danh mục trên.
Theo ông Hoa, đây là các tuyến phố ngang, không phải trục giao thông chính. Mặc dù trong danh mục cấm nhưng hiện nay quận vẫn đang tổ chức điểm trông giữ phương tiện, đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông và được nhân dân đồng thuận.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm còn kiến nghị thành phố cho phép trông giữ phương tiện trên vỉa hè ở 3 tuyến phố Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Lê Phụng Hiểu. Vì hiện nay các tuyến phố này chỉ cho phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường. Lý do được ông Hoa tiếp tục đưa ra là các tuyến phố ngang, không phải trục giao thông chính.
Vỉa hè bị chiếm tràn lan
Trong khi đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố về giao thông đô thị, trong ngày 20/12, lãnh đạo một số quận thừa nhận chưa kiên quyết trong việc xử lý lấn chiếm hè, phố.
Bãi đỗ xe tự phát chiếm lòng đường cản trở giao thông
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Quốc Hùng, tại 220 tuyến phố chính của 7 quận nội thành có tới 4.530 điểm bị lấn chiếm. Trong đó có 4.490 điểm lấn chiếm vỉa hè, 21 điểm lấn chiếm lòng đường.
Cụ thể, các quận có vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Địa bàn bị lấn chiếm nhiều nhất là quận Ba Đình có 1.397 điểm bị lấn chiếm, diện tích 16.625m2; tiếp đó là Hoàn Kiếm với 1.037 điểm bị lấn chiếm, diện tích lên đến 10.057m2; quận Cầu Giấy có 533 điểm lấn chiếm, diện tích hơn 5.000m2…
Tại cuộc họp, Phó Bí thư quận Hoàn Kiếm Lê Thị Minh Nguyệt nhìn nhận, các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường đang trong tình trạng lộn xộn có lỗi của chính quyền.
Trong khi đó, Chủ tịch quận Ba Đình Đặng Văn Tường cho rằng, việc quản lý vỉa hè không quá khó đối với chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Tường, nếu bộ máy chính quyền cơ sở không quyết liệt thì rất khó đảm bảo trật tự đô thị. “Việc này thuộc tránh nhiệm của phường nhưng quận cũng chưa vào cuộc quyết liệt”, ông Tường nói.
Quang Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét