‘Người kế tục vĩ đại’ Triều Tiên làm khó Mỹ?

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :2:01 PM, 21/12/2011
Dù còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá là xuất chúng và có thể khiến Washington càng bế tắc trong chính sách với Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo đầy triển vọng
Việc Kim Jong-un kế nhiệm cha khi ở tuổi còn quá trẻ, chưa đến 30 tuổi, đang khiến nhiều người hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, Kim Jong-un có tố chất lãnh đạo và quan trọng hơn, ông được người dân Triều Tiên ủng hộ cũng như được sự hậu thuẫn của một bộ máy quyền lực mạnh mẽ.
Nhiều nhà phân tích khẳng định ưu điểm của Kim Jong-un vượt trội hơn nhiều so với yếu điểm. Dù trẻ nhưng Kim Jong-un được đánh giá là rất thông minh, có kiến thức và là người quyết đoán, dám làm, dám chịu, đặc biệt là cũng rất cứng rắn. Đây là những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, trước những mối lo ngại vì độ tuổi và độ dày kinh nghiệm của Kim Jong-un, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật Narushige Michishita nhận định, có khi chính tuổi trẻ sẽ là thứ giúp ông nổi bật.
Nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá rất cao. Ảnh:CNN.
Kim Jong-un bắt đầu nổi lên từ hồi tháng 9 năm ngoái. Sau khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên, người ta thường xuyên thấy ông xuất hiện bên cạnh cha trong những sự kiện quan trọng và đặc biệt là các chuyến công du Trung Quốc và ông để lại ấn tượng khá tốt đối với nước đồng minh lớn này.
“Những điều tôi nghe thấy từ những người Trung Quốc và những đồng nghiệp khác là, Kim Jong-un là một thanh niên trẻ tuổi nhưng rất sắc sảo và có năng lực dù có ít kinh nghiệm”, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn toàn cầu Albright Stonebridge nhận xét.
Không chỉ được các nhà phân tích bên ngoài nhận xét tích cực, Kim Jong-un còn chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của người dân Triều Tiên. Bà Ri Un-suk, chủ một cửa hàng đồ ăn ở Thủ đô Bình Nhưỡng cho biết: “Tôi rất ấn tượng bởi sự trung thành của ông ấy với cha cũng như sự thông minh của ông”.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) cũng dẫn lời một loạt quan chức và công dân Triều Tiên bày tỏ sự trung thành đối với nhà lãnh đạo mới của họ. Họ miêu tả Kim Jong-un là “một nhà tư tưởng, một nhà lý thuyết xuất sắc đồng thời là một vị chỉ huy kiệt xuất có một không hai”.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chuyển giao quyền lực của ông Kim Jong-un sẽ không gặp nhiều trở lại lớn. Giáo sư Hiraiwa Shunji thuộc khoa Quốc tế của ĐH Kwansei Gakuin bình luận: “Có thể nói rằng, việc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong-un sẽ diễn ra suôn sẻ trong thời điểm hiện nay. Tôi nghĩ là trước mắt không có khả năng xảy ra cuộc tranh giành quyền lực nào”.
Theo chuyên gia này, giới lãnh đạo và gia đình họ Kim ủng hộ Kim Jong-un lên làm lãnh đạo “và sẽ đoàn kết xung quanh nhân vật này”.
Theo đó, chính quyền của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un sẽ được củng cố vững chắc bởi sự hậu thuẫn của bộ máy chính trị mạnh.
Ông Georgy Toloraya, chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu Triều Tiên và là người từng có dịp diện kiến nhà lãnh đạo Kim Jong-il thì nhận xét: “Tôi không nghĩ rằng bây giờ sẽ bắt đầu cuộc đấu tranh vì quyền lực, bởi ban lãnh đạo Triều Tiên đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho sự kiện bước ngoặt này”.
Ông nhấn mạnh, tiến trình chuyển giao quyền lực được khởi động từ cách đây một năm. Trong suốt hơn một năm qua, Kim Jong-un có thời gian thu thập kinh nghiệm, xây dựng ảnh hưởng chính trị và tìm cách xóa bỏ những hoài nghi ở trong và ngoài nước về khả năng lãnh đạo đất nước 24 triệu dân của vị chính khách trẻ tuổi này.
Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Paik Hak Soon tại Hàn Quốc cho rằng: “Triều Tiên sẽ tiếp tục ổn định với một nhà lãnh đạo mới. Tôi cho rằng sẽ không có sự hỗn loạn hoặc sự tranh giành quyền lực nào. Thời đại Kim Jong-un đã sẵn sàng khởi đầu”.
Mỹ lúng túng
Và theo giới phân tích, thời đại Kim Jong-un với đủ yếu tố đảm bảo sự ổn định này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về chính sách ngoại giao tức thì và nghiêm trọng đối với Washington. Trước một nhà lãnh đạo tương lai tài ba cùng bộ máy chính quyền vững chắc của Triều Tiên, tham vọng dùng vũ lực để lật đổ chế độ Bình Nhưỡng vốn ổn định suốt 6 thập kỷ qua của Washington gần như chắc chắn không thể thực hiện.
Victor Cha, cựu cố vấn của Hội đồng an ninh quốc gia và giờ là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế chiến lược nhận định: “Hầu hết chuyên gia Mỹ cho rằng, kế hoạch lật đổ chính quyền Triều Tiên có thể thực hiện dễ dàng nhất khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il bất ngờ qua đời. Tuy nhiên, viễn cảnh đó dường như sẽ không thể xảy ra bởi Chủ tịch Kim vừa qua đời lại lập tức nổi lên một Kim Jong-un với thế lực vững mạnh nắm quyền kiểm soát chương trình hạt nhân đầy uy lực của Triều Tiên. Vì vậy, Washington không thể dùng biện pháp quân sự để thay đổi chế độ như vẫn làm tại Afghanistan, Iraq và Libya suốt thập kỷ qua”.
Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên giờ sẽ khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Express.
Khi biện pháp vũ lực trở nên vô nghĩa thì chính quyền Obama không còn cách nào khác là phải sử dụng đến công cụ ngoại giao. Tuy nhiên, việc lựa chọn một cách tiếp cận hợp lý với chính quyền mới của Triều Tiên dường như là nhiệm vụ bất khả thi vào lúc này bởi xung quanh nhà lãnh đạo tương lai này vẫn được bao vây bởi một bức màn khá bí ẩn.
Khó ai trả lời chính xác câu hỏi: “Kim Jong-un thực sự là ai?”. Bởi lẽ có quá ít thông tin về người con trai út của nhà họ Kim. Ngay cả điều tưởng như đơn giản nhất – độ tuổi – cũng là một dấu hỏi lớn. Người ta chỉ phỏng đoán vị tướng trẻ nhất thế giới này có thể 27 hoặc 28 tuổi.
“Việc Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo chắc chắn sẽ mở ra thời kỳ mới ở đất nước Triều Tiên. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo trẻ này sẽ dẫn dắt đất nước 24 triệu dân này đi theo đường hướng nào và việc dự đoán chính sách của ông trong tương lai ngắn cũng là đủ khó. Không ai có thể đoán Kim Jong-un sẽ sử dụng quyền lực như thế nào ở cương vị mới”, Andray Abrahamian, Giám đốc nhóm phi lợi nhuận về trao đổi giáo dục với Triều Tiên cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld nhấn mạnh, cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il khiến cho chính sách Mỹ rơi vào tình trạng ngày càng mất phương hướng. Từ một nhà lãnh đạo kỳ cựu ít nhiều Mỹ cũng hiểu là thích gây bất ngờ cho phương Tây, Washington giờ đây phải đối mặt với một nhân vật mà họ thậm chí mù tịt thông tin.
Sự mơ hồ của Mỹ thể hiện ngay trong những tuyên bố lập lờ mới đây của Washington sau cái chết của Chủ tịch Kim. Mỹ dường như đang cố gắng xác định xem liệu cái chết của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il có ảnh hưởng tới các dấu hiệu đang được cải thiện của mối quan hệ giữa hai cựu thù.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay, bà hy vọng mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được cải thiện sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời.
“Chúng tôi tái khẳng định hy vọng về việc cải thiện mối quan hệ với nhân dân Triều Tiên”, bà Clinton nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cũng ra tuyên bố: “Chúng tôi vẫn cam kết đối với sự ổn định của bán đảo Triều Tiên và sự tự do cũng như an ninh của các đồng minh chúng tôi”.
Chưa biết chính sách của nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên sẽ dẫn dắt giới chức Nhà Trắng đi đến đâu nhưng có thể thấy rằng, cái chết của Chủ tịch Kim có thể làm tắt hy vọng vừa mới lóe lên trong giới lãnh đạo Mỹ về việc nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc và Bruce Klingner, cựu chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại CIA cùng chia sẻ quan điểm rằng, nhà lãnh đạo mới có thể sẽ ưu tiên duy trì ổn định trong nước trong thời gian ít nhất là từ một đến ba năm tới. Khi đó, việc giải quyết vấn đề hạt nhân và các vấn đề liên quan đến đối ngoại càng không được ưu tiên.
Điều đó đồng nghĩa với việc các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của chính quyền Obama có thể bị bỏ dở. Đây thực sự là một thất bại lớn bởi chỉ 10 giờ trước khi Bình Nhưỡng công bố về cái chết của Chủ tịch Kim, giới chức Mỹ cho hay đã đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, theo đó sẽ chuyển 240.000 tấn lương thực đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngừng làm giàu uranium.
“Các cuộc đàm phán hạt nhân rất có thể sẽ bị hoãn lại trong thời gian tang lễ và quá trình chính thức hóa tiến trình chuyển giao quyền lực”, nhà phân tích Bruce Klingner cho hay.
Mặt khác, theo Tướng James Thurman, ngay cả khi hoàn thiện quá trình tiếp nhận quyền lực, ông Kim Jong-un có thể sẽ duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với quân đội và đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này giống như cha ông mình.
Nếu thực sự như vậy thì nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên sẽ không chỉ nói không với bàn đàm phán 6 bên mà còn có thể tiến hành một số hành động cứng rắn bằng sức mạnh quân sự.

Dane Chamorro, Giám đốc khu vực của công ty tư vấn rủi ro Control Risk nhận định: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm trong mối quan hệ Triều Tiên và Mỹ. Bình Nhưỡng có thể sẽ trở nên đối đầu hơn, bởi nhà lãnh đạo mới muốn chứng minh sự trung thành với lý tưởng của cha ông và cũng là để chứng minh giá trị của mình”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay cả khi tiên đoán được những diễn tiến đó nhưng Mỹ và đồng minh cũng không thể hành động, ngoại trừ việc giữ bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi.
“Chúng ta không còn cách nào khác là phải đợi chờ. Những hành động quân sự phủ đầu không thể đảm bảo gì vào lúc này. Giải pháp tốt nhất hiện giờ là quan sát và chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo an ninh cho mình cũng như đồng minh”, chuyên gia Cha nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ khi nào giải mã được ẩn số Kim Jong-un và chứng kiến những bước đi tiếp theo của nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên này thì Mỹ mới có thể thoát được tình thế bị động.
Trà My (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét