Iran 'dụ dỗ' Mỹ La tinh chống Mỹ?

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :6:21 AM, 23/12/2011
Washington đang đau đầu nghĩ cách ngăn chặn các hoạt động ngoại giao và gián điệp của Tehran ở Nam Mỹ với sự hỗ trợ của các quốc gia chống Mỹ trong khu vực...
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Tehran vào ngày 30/7/2006, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng được Cộng hòa Hồi giáo Iran trao tặng huân chương cao quý nhất.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Washington không chú ý lắm đến ý đồ xâm nhập của Iran vào châu Mỹ La tinh bởi còn mải bận tâm đến hoạt động của Iran tại Iraq và Afghanistan.
Iran đang xâm nhập sâu vào châu Mỹ La tinh với sự giúp sức nhiệt tình từ Venezuela. Ảnh minh họa: AP.
Song ở đây còn một câu chuyện khác đáng chú ý không kém. Xung quanh thời điểm Tổng thống Chavez thăm Tehran, một Giáo sư ĐH Quốc gia Tự trị Mexico (UNAM) được mời tham dự hội nghị bí mật bao gồm Đại sứ Iran, Đại sứ Venezuela tại Mexico, sinh viên lẫn cán bộ, giảng viên Khoa công nghệ thông tin của UNAM để thảo luận về kế hoạch tấn công mạng với mục tiêu là Mỹ.
Bắt đầu từ năm 2007, vị giáo sư này bắt đầu bí mật ghi lại các cuộc thảo luận mà trong đó, sinh viên công nghệ thông tin và các nhà ngoại giao bàn bạc về việc làm thế nào để xâm nhập vào hệ thống máy tính điều khiển tại các cơ sở hạt nhân của Mỹ.
Và cho tới tận bây giờ, các đoạn phim quay trộm trên mới được tiết lộ sau khi được phát sóng rộng rãi bởi kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision. Cơ quan tình báo và Quốc hội Mỹ lúc này mới bắt đầu báo động cao về động thái xâm nhập Mỹ La tinh của Iran.
Các đoạn phim bí mật trên được quay bởi Giáo sư Juan Carlos Munoz Ledo. Trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Beast gần đây, Ledo tiết lộ ông và sinh viên được yêu cầu "để tấn công hệ thống máy chủ và các máy tính kết nối với các cơ quan Chính phủ và các tập đoàn lớn của Mỹ".
Trong khi đó, Mohammad Hassan Ghadiri, cựu Đại sứ Iran tại Mexico trả lời phỏng vấn của Univision thẳng thắn thừa nhận về các cuộc thảo luận nhưng phủ nhận ý đồ tấn công mạng nhằm vào Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó, khi The Daily Beast liên lạc để xin được phỏng vấn thì chỉ nhận được lời khước từ của ông Ghadiri. 

Chính trường Mỹ bắt đầu xôn xao. Đáng chú ý là tháng tới, Thượng nghị sĩ Robert Menendez của bang New Jersey, Chủ tịch Tiểu ban Tây bán cầu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sẽ đứng ra chủ trì buổi điều trần để xem xét các mối đe dọa "đối với Mỹ, xuất phát từ hoạt động ngoại giao và gián điệp của Iran tại Mỹ La tinh".
Trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây, Thượng Nghị sỹ Menendez cho hay ông bắt đầu đặc biệt chú ý đến các cáo buộc Iran xâm nhập vào khu vực Mỹ La tinh cũng chính bởi đoạn phim quay trộm được phát sóng bởi Univision.
“Nếu xem đoạn phim đáng tin cậy kia trên Univision, mọi người sẽ nhận thấy các sinh viên người Iran và Venezuela đang được yêu cầu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính Mỹ và gửi các thông tin đánh cắp được về Caracas và Tehran. Có vẻ như các nhà ngoại giao Iran và Venezuela đang sốt sắng muốn biết xem liệu họ có thể bẻ mật khẩu truy cập, xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ sở hạt nhân của Mỹ và đánh cắp thông tin hay không. Có thể Đại sứ quán Iran thuê các sinh viên này và cung cấp trang thiết bị làm việc cho họ”, Thượng Nghị sỹ Menendez phỏng đoán.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen cũng cam kết chủ trì các phiên điều trần về vai trò của Iran ở Mỹ La tinh.
“Rõ ràng việc Iran tích cực cấu kết với các đối thủ chống Mỹ ở Mỹ La tinh đang đe dọa đến lợi ích của người Mỹ. Các hoạt động của Iran đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của chúng ta và đáng trở thành mối bận tâm hàng đầu của người Mỹ trong thời điểm này”, bà Ileana Ros-Lehtinen nhấn mạnh.
Trong khi đó, sau khi được báo cáo về âm mưu tấn công mạng nhằm vào Mỹ bởi Iran và Venezuela, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định dù Chính phủ Mỹ có thể chưa chứng thực được những cáo buộc trên nhưng chúng rất “đáng lo ngại”.
Còn một số cựu sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ trong lĩnh vực quản lý, giám sát  không gian mạng thừa nhận trước đó, Iran không được xem là đối tượng có khả năng đe dọa an ninh mạng Mỹ như Trung Quốc và Nga.

Bob Gourley, cựu Giám đốc công nghệ của Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ, hiện là biên tập viên cho trang mạng CTOvision.com cho biết:
"Trung Quốc và Nga đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động gián điệp thông qua mạng internet tập trung vào lĩnh vực quân sự và kinh tế; đồng thời đặt ra mối đe dọa về một cuộc tấn công mạng vô cùng nguy hiểm. Iran cũng có các khả năng tương tự nhưng họ không bao giờ nguy hiểm bằng Nga và Trung Quốc được".
Ngoài ra, liên minh ngày càng chặt chẽ giữa Venezuela và Iran cũng là mối bận tâm sâu sắc của các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ.
Cynthia Arnson, Giám đốc của Chương trình châu Mỹ La tinh tại Trung tâm Woodrow Wilson cho biết: "Venezuela là chính là bước đệm để Iran xâm nhập sâu vào Mỹ La tinh. Tổng thống Hugo Chavez đã trải thảm đỏ đón Iran và trở thành người thúc đẩy quan hệ giữa Iran với Chính phủ các quốc gia khác  trong khu vực”.

>> 'Một năm nữa, Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân'
Lê Dung (theo The Daily Beas)
 
baodatviet.vn
Cập nhật lúc :7:44 AM, 21/12/2011
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng Iran có thể có một vũ khí hạt nhân trong một năm nữa, hoặc có thể sớm hơn và thời gian này sẽ không lâu đến thế nếu Tehran có một cơ sở "che giấu" bí mật.
>>  Tại sao không ai thực sự muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Iran?

Bộ trưởng Panetta nói: "Có lẽ trong khoảng một năm, họ (Iran) có thể chế tạo được một vũ khí hạt nhân, và sẽ còn ít hơn nếu họ có một cơ sở được che giấu đâu đó ở nước này."

Tuy nhiên, một người phát ngôn Lầu Năm Góc ngày 20/12 tìm cách xoa dịu phát biểu của ông Panetta, cho rằng phát biểu của Bộ trưởng Panetta chỉ là "giả thuyết" và rằng Bộ trưởng Panetta không nói có thông tin tình báo về các cơ sở bí mật của Iran.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, Bộ trưởng Panetta từ chối bác bỏ hành động quân sự để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, không giống như những tuyên bố trước đây, ông Panetta không đề cập tới khả năng về một cuộc tấn công mà ông đã nhiều lần nói tới. Ông chỉ nói: "Nếu họ (Iran) tiếp tục và chúng tôi có thông tin nói họ đang tiến tới phát triển một vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc đó".

>>  Tại sao không ai thực sự muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Iran?
Theo VietnamPlus
 
baodatviet.vn
Cập nhật lúc :7:36 AM, 20/12/2011
Dù Mỹ không giành phần thắng trong chiến tranh Iraq nhưng hồi kết của cuộc chiến này mang lại thắng lợi to lớn cho bản thân Tổng thống Obama, đồng thời đem đến cho Iran cơ hội thực hiện tham vọng lớn của mình.
Ông chủ Nhà Trắng ca khúc khải hoàn
Ngày 12/12, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi, hao người tốn của, kéo dài gần 9 năm qua tại Iraq và coi đây là giây phút lịch sử mở đầu chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Iraq.
Khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào tháng 1/2009, Mỹ có gần 150.000 quân ở Iraq. Con số đó về sau giảm xuống còn 8.000 và số căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq giảm từ 505 xuống còn 5. Sau khi Mỹ rút hết quân về nước vào cuối năm nay, sự hiện diện của nước này ở Iraq sẽ chỉ thông qua Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, với các nhà ngoại giao, các cố vấn quân sự và các nhà thầu.
“Sau gần 9 năm, cuộc chiến tranh Iraq đã kết thúc. Chúng tôi ở đây để đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến này, mở ra một trang mới trong lịch sử hai nước”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Như vậy, với việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Iraq, Tổng thống Obama đã thực hiện đúng lời hứa tuyên bố trước cử tri trong thời gian vận động tranh cử hồi năm 2008 rằng ông sẽ tìm cách kết thúc sớm cuộc chiến tranh Iraq.
Điều này có thể giúp cho ông Obama và đảng Dân chủ có được thêm những lá phiếu quý giá của cử tri trong năm bầu cử 2012 bởi chấm dứt một chiến dịch quân sự tốn kém nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 là phù hợp với nguyện vọng của hầu hết công chúng.
Theo kết quả khảo sát, có tới 70% người Mỹ cho rằng cuộc chiến Iraq không đáng để thanh niên Mỹ phải hy sinh, chưa nói tới chuyện nó là một nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm kinh tế và làm xói mòn vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Ông Obama thắng lớn sau động thái rút quân của Mỹ. Ảnh: Reuters.
“Đa số Mỹ đều mệt mởi với cuộc chiến Iraq. Họ chỉ muốn Washington nhanh chóng chấm dứt mọi sự dính líu với Baghdad. Do đó, động thái rút lui của ông Obama chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh với các cử tri”, Giáo sư Thomas Schwartz thuộc ĐH Vanderbilt ở Nashville nhận định.
Quả thực, theo kết quả thăm dò mới nhất của AP-GfK, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đã tăng từ 50% hồi tháng 10 lên 55% sau khi ông tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Iraq.
Bên cạnh đó, ông Obama còn rất biết cách lấy lòng cử tri khi xúc động tuyên bố kết thúc cuộc chiến trước binh lính và gia đình họ tại Fort Bragg, Bắc Carolina. Tránh đề cập tới hai từ chiến thắng, ông gọi sứ mệnh của Mỹ nhằm hướng tới một Iraq tự lực là một thành tựu phi thường.
“Đó là một thành tích phi thường mà chúng ta đạt được trong thời gian gần 9 năm. Và hôm nay, chúng ta tưởng nhớ lại tất cả những gì các bạn đã làm để đạt được thành tích đó”, Tổng thống Obama xúc động nói.
Cal Jillson, một giáo sư khoa học chính trị cho rằng: “Người Mỹ mong muốn sự dũng cảm của quân đội phải được ca ngợi cho dù họ có nghĩ gì về bản thân cuộc chiến tranh đó và ông Obama đã hiểu được điều này. Đó là điều quan trọng nhất”.
Không chỉ vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng khéo léo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bản thân khi nhấn mạnh: “Kết thúc một cuộc chiến tranh bao giờ cũng khó khăn hơn phát động nó”.
Theo Giáo sư Cal Jillson, Tổng thống Obama muốn nhắc khéo cử tri rằng, chính ông là người chấm dứt cuộc chiến này và đưa người lính Mỹ cuối cùng trở về nhà bởi thực tế ông Bush là người đàm phán với Iraq về thỏa thuận lấy ngày 31/12/2011 là hạn chót kết thúc chiến tranh song chính ông Obama đã đẩy thời hạn này lên sớm hơn khi ông nhậm chức.
Cũng chính vì lẽ đó, giới phân tích cho rằng, ông Obama hoàn toàn có thể tự tin trước bất cứ tuyên bố chỉ trích nào của phe Cộng hòa về động thái rút quân này. Theo Giáo sư Thomas Schwartz, Tổng thống Obama có thể nhắc nhở các nghị sĩ Cộng hòa về một thực tế rằng, chính người tiền nhiệm, chứ không phải ông là người đưa ra quyết định rút quân này.
Hơn nữa, nếu tình hình an ninh tại Iraq ngày càng trở nên tồi tệ và dẫn đến một cuộc nội chiến như nhiều người dự đoán thì ông Obama cũng không có lý gì phải lo ngại. Khi đó, ông Obama có thể hùng hồn tuyên bố rằng, mọi chuyện đã không đến mức như này nếu chính quyền tiền nhiệm không nghe lời can ngăn của ông từ năm 2002, khi ông còn là một thượng nghị sĩ.
Như vậy, bất kể câu chuyện tại Iraq có xoay chuyển theo tình huống nào thì cũng sẽ không thể làm suy giảm uy tín của ông Obama bởi thực tế, trong vấn đề này, ông là người “vừa được ăn vừa được nói”.
Tehran thắng lớn
Vui mừng không kém Tổng thống Obama trước động thái rút quân khỏi Iraq của Mỹ là chính quyền Iran.
Sự hiện diện quân sự gần 9 năm qua của Mỹ tại Iraq làm cho các nước vùng Vịnh có cảm giác an toàn. Nay, theo lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh Abdulaziz Sager, không nghi ngờ gì, việc Mỹ rút quân chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống cho nhiều tham vọng nổi lên và ảnh hưởng của láng giềng Iran là thấy rõ.
Mỹ rút quân khỏi Iraq, để lại cho Iran khoảng trống rất lớn. Ảnh: campaigniran.
Iran không đe dọa trực tiếp Iraq mà Tehran có thể lợi dụng vị thế mới này để thách thức những đối thủ tại vùng Vịnh chủ yếu do các Chính phủ của người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo.
Người Iran, cũng giống như đại đa số người Iraq, chủ yếu là người Shiite và mối quan hệ giữa hai cộng đồng là khá mật thiết. Với thế lực Shiite chiếm đa số, chính quyền Iraq gần đây có nhiều quyết sách thuận lòng Iran, trong đó phải kể đến thái độ ủng hộ của Chính phủ al-Maliki đối với chính quyền Syria của Tổng Assad mà phe đối lập Iraq cho là đồng minh thân cận của Iran.
Thậm chí, có những cáo buộc rằng chính quyền của ông al-Maliki giống như cánh tay nối dài của chính quyền người Shiite của Iran bởi chính vị Thủ tướng đương nhiệm của Iraq cũng từng sống lưu vong tại Tehran từ năm 1982 tới tận năm 1990.
Do vậy sau khi Mỹ rút quân, chắc chắn ảnh hưởng của Iran đối với Iraq cũng như khu vực sẽ tăng lên đáng kể.
Trà My (tổng hợp)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét