Ngư dân TQ thừa nhận đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc

Ngư dân Trung Quốc (giữa), người bị buộc tội đâm chết một cảnh sát biển Hàn Quốc - Ảnh: AFP
(TNO) Ngư dân Trung Quốc bị buộc tội đâm chết một cảnh sát biển Hàn Quốc trong vụ vây bắt tàu nghi ngờ đánh cá bất hợp pháp vào đầu tuần qua, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, AFP cho biết vào hôm nay 19.12.
Thuyền trưởng 42 tuổi này đang phải đối mặt với tội danh giết người và gây cản trở cảnh sát khi đâm chết một sĩ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc và làm một người khác bị thương, trong lúc cảnh sát Hàn Quốc đang cố gắng bắt giữ ông cùng con tàu tại Hoàng Hải hôm 12.12.
Theo hãng tin Yonhap, thuyền trưởng này trong khi được đưa đến cảng Incheon vào sáng nay, đã trả lời "Có" khi được các phóng viên hỏi ông có phạm tội hay không.
"Tôi cảm thấy rất tiếc về người đã thiệt mạng bởi lỗi lầm của tôi và về gia đình của anh ta", Yonhap dẫn lời của thuyền trưởng người Trung Quốc nói. Ông này nói tiếp: "Tôi đã gây nên điều đó bởi cuộc vây bắt của các nhân viên cảnh sát quá gay gắt".
Cảnh sát biển Hàn Quốc trước đó cho biết người này đã phủ nhận tội danh của mình.
Tiến Dũng
baodatviet.vn
Cập nhật lúc :1:43 PM, 19/12/2011
Không những chỉ trích Seoul liên quan đến vụ cảnh sát biển nước này bị ngư dân Trung Quốc đâm chết, báo Đại lục Global Times còn lấy Hàn Quốc ra để răn đe láng giềng trong khu vực.
Trong những ngày qua, vụ ngư dân Trung Quốc đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc đang làm Trung – Hàn căng thẳng. Trước đó, quan hệ song phương khá yên ấm và không mấy khi xảy ra những tranh chấp nghiêm trọng, mang lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, theo Global Times, mối quan hệ tốt đẹp ấy đang có nguy cơ bị hủy hoại bởi thái độ hung hăng và nóng nảy của Hàn Quốc liên quan đến vụ ngư dân Trung Quốc đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc.
Tàu tuần tra Hàn Quốc tiếp cận tàu cá Trung Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap.
Cũng theo Global Times, sở dĩ Bắc Kinh chưa lên tiếng xin lỗi chính thức bởi sự việc vẫn chưa được điều tra rõ ràng. Ngoài ra, báo này tuyên bố Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc, dựa trên tinh thần “khoan dung và độ lượng”.

Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh đang kêu gọi phía Seoul đáp trả bằng thái độ tương tự để cùng giải quyết vấn đề, tránh các nguy cơ xấu nhất nếu quan hệ tiếp tục bị dìm trong căng thẳng và xung đột thì đáng tiếc, thiện chí của Trung Quốc lại không được đáp lại.

Báo Trung Quốc cho rằng, Hàn Quốc đang hành động như thể là họ có vai trò vô cùng quan trọng trong khu vực, có đủ khả năng cân bằng quyền lực với các cường quốc, dó đó, chẳng nề hà bất cứ ai. Có lẽ chính quan niệm sai lầm này là nguyên nhân dẫn đến thái độ đầy khiêu khích và hung hăng của họ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông.

Global Times "kêu gọi", tốt hơn hết Hàn Quốc nên xem xét lại quan điểm và thái độ của họ bởi thực tế, Trung Quốc là một láng giềng đầy quyền lực với ảnh hưởng chi phối và sức mạnh áp đảo so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh cam kết chỉ sử dụng sức mạnh ấy để ngăn ngừa các mối bất hòa, tranh chấp nhỏ bị thổi phòng thành các cuộc xung đột thực sự nghiêm trọng, chẳng mang lại lợi ích cho bất cứ ai.

Không chỉ lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc, Global Times còn lấy xung đột với Hàn Quốc ra để răn đe các nước láng giềng châu Á.

Cụ thể, tờ báo này viết Bắc Kinh đang mở cửa hội nhập sâu hơn vào sân khấu thế giới, phấn đấu đạt mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu đồng nghĩa với việc 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào các quan hệ quốc tế. Do đó, sự tương tác giữa Trung Quốc và thế giới sẽ trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Tại khu vực Đông Á hiện nay, nhiều quốc gia đang bước vào quá trình phát triển mạnh mẽ và đi cùng với nó là ý thức dân tộc sâu sắc. Chủ nghĩa dân tộc là đặc điểm chung của toàn khu vực và đôi khi nó gây ra một vài rắc rối.

Có lẽ những gì đang diễn ra ở thời đại ngày nay cũng tương tự như những gì từng diễn ra ở thế kỷ 19 khi niềm kiêu hãnh, chủ nghĩa dân tộc xen lẫn các mối lo ngại liên tục nổi lên và không ngừng gia tăng. Do đó, chỉ cần một tranh chấp nhỏ cũng có thể đủ sức dấy lên thành “một cơn bão lớn”.

Tuy nhiên, một cuộc chiến thực sự thì không nên xảy ra và cũng không được chờ đợi.

Do đó, các quốc gia Đông Á nên tránh để bị Chủ nghĩa dân tộc chi phối quá nhiều và  không nên tiếp tục giữ thái độ bất hòa, thù địch trong khu vực. Sự thịnh vượng và hợp tác trong khu vực Đông Á sẽ duy trì lợi ích chung cho tất cả các bên và vì vậy, không nên để một sự cố nhỏ phá vỡ, hủy hoại tất cả điều này.
Lê Dung (theo Global Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét