Khởi tố vụ nổ xe máy làm chết thai phụ và bé gái 4 tuổi

(TNO) Sáng 22.12, trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Nguyễn Công Nghiệp, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh xác nhận, công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án nổ xe máy Honda Super Dream khiến chị Nguyễn Thị Quỳnh (29 tuổi, đang mang thai 3 tháng) và con gái Nguyễn Khánh Vân (4 tuổi) tử vong.

Sau cái chết của mẹ, bé Nguyễn Khánh Vân (4 tuổi) cũng đã qua đời vào ngày 13.12 - Ảnh Lê Quân
Đại tá Nghiệp cho biết thêm, các cơ quan chức năng nhận thấy trong vụ việc này có dấu hiệu vi phạm hình sự nên Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định nói trên.

* 7 giờ ngày 1.12, một vụ nổ xe máy (Honda Super Dream) xảy ra tại xã Nam Sơn, H.Quế Võ, Bắc Ninh. Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982) đang mang thai 3 tháng và con gái Nguyễn Khánh Vân (SN 2007).
* 14 giờ 30 phút ngày 1.12, chị Nguyễn Thị Quỳnh tử vong, cháu Nguyễn Khánh Vân được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương.
* Tối 2.12, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam Koji Onishi đã gửi lời chia buồn tới gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh. Ông Koji Onishi cho biết, Honda Việt Nam sẽ theo dõi sự việc, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra tìm ra nguyên nhân vụ nổ.
* 6.12, một cán bộ thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, các giám định viên đã xác định không có dấu vết thuốc nổ tại hiện trường vụ nổ xe máy (Honda Super Dream) ở xã Nam Sơn (TP.Bắc Ninh) hôm 1.12.
* 8.12, cháu Nguyễn Khánh Vân được chuyển sang điều trị ở khoa hồi sức, Viện bỏng Quốc gia để có điều kiện điều trị tốt hơn. Cùng ngày, Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện đã trao 8 triệu đồng cho gia đình anh Nguyễn Văn Quế, chồng chị Nguyễn Thị Quỳnh để hỗ trợ chi phí nằm viện cho cháu Vân.
* 9.12, anh Nguyễn Văn Quế cho biết Công ty Honda Việt Nam đã trao số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình, trong khi chờ kết luận chính thức về nguyên nhân vụ nổ.
* 13.12, anh Nguyễn Văn Quế, bố cháu Nguyễn Khánh Vân xác nhận cháu đã mất lúc 9 giờ cùng ngày.
Thái Sơn
Thứ Năm, 22/12/2011 - 12:38
(Dân trí) - Sau một thời gian tiếp cận thông tin và thực hiện tái tạo lại điều kiện xảy ra vụ nổ xe máy tại Bắc Ninh, Honda Việt Nam đã ra thông báo chính thức về việc vụ việc này liên quan đến các yếu tố kỹ thuật của xe.
 >> Một số lưu ý để xe máy không bị... cháy
Honda Việt Nam cho biết, mặc dù chưa được phép tiếp cận với chiếc xe bị nổ, nhưng HVN đã cố gắng tái hiện lại các điều kiện gây nổ nhưng không thể tạo ra một vụ nổ tương tự như chiếc xe Super Dream tại Bắc Ninh của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh.
Ngoài ra, Honda Việt Nam cũng cho biết trong lịch sử của hãng xe này tại Việt Nam cũng chưa từng ghi nhận trường hợp nổ xe nào như vậy và tái khẳng định, Honda Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác và trình bày các kết quả điều tra mà hãng đã thực hiện với các cơ quan điều tra.
Còn đối với các vụ cháy xe xảy ra gần đây, với các mẫu xe do HVN sản xuất và xác định được không phải lỗi do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm của xe. Còn với những chiếc xe đã cháy hoàn toàn, Honda Việt Nam không thể xác định được nguyên nhân.
Với tâm lí bất an của hàng triệu người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm của HVN hiện nay, hãng cũng khuyến cáo khách hàng tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng như việc sử dụng xăng đúng chuẩn, lịch trình bảo hành định kỳ, không lắp đặt phụ tùng không chính hãng, kiểm tra các tác nhân có thể gây cháy trong quá trình sử dụng...
Ngoài ra hiện nay, trên thị trường đã có một số của hàng sửa chữa xe đang thực hiện các dịch vụ chống cháy cho xe máy (giá thành dao động trong khoảng 150.000đ – 300.000đ), người sử dụng nên lưu ý một số vấn đề sau:
-          Các cửa hàng cung cấp dịch vụ này có phải là đại lí ủy quyền chính hãng, việc sửa chữa, lắp đặt thêm các phụ kiện (được cho là có thể phòng chống cháy xe) có đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà sản xuất hay không? Có được nhà sản xuất chấp nhận hay không?
-          Khi thực hiện các dịch vụ này, việc tháo rời hệ thống điện, hệ thống dẫn xăng để gia tăng chống chuột, chống rò rỉ... cần đảm bảo tuyệt đối là các đường ống, dây điện được lắp đặt lại đúng cách, đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Ngoài ra, một chi tiết quan trọng cần lưu ý là các loại keo dán, băng dính không phù hợp với chất liệu cao su của đường ống dẫn nhiên liệu cũng có thể góp phần làm giảm tuổi thọ của đường ống, dễ dẫn đến nhanh xuống cấp và rò rỉ xăng.
-          Nếu các cửa hàng đảm bảo trách nhiệm chống cháy, tức là đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phải có giấy tờ đảm bảo đúng pháp lí xác nhận việc này.
 
Việt Hưng


Thứ Sáu, 28/10/2011 - 15:59
(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, trên cả nước có khá nhiều trường hợp xe gắn máy bỗng nhiên bốc cháy. Để khắc phục tình trạng này, có cần các chuyên gia giúp đỡ hay chủ xe hoàn toàn có thể tự phòng tránh?
 >> Đừng để cháy xe vì rơm rạ!
Về nguyên nhân cháy xe máy, ô tô, có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, nhưng chắc chắn phải có tác nhân gây cháy cũng như nguồn cháy, chứ không thể... tự nhiên cháy.
Thông thường, các vụ cháy xảy ra khi xe đang lưu thông trên đường và có thể khẳng định có tác nhân bên ngoài, cộng với những nguồn phát nhiệt trên xe gây ra hỏa hoạn: cổ xả, tia lửa điện...
Với trình độ thiết kế và sản xuất hiện nay, việc một chiếc xe máy đang đi mà bỗng nhiên phát hỏa thì khó có khả năng phát sinh từ nguồn điện, bởi toàn bộ nguồn điện trên xe đều đi qua một bộ điều khiển cũng như cầu chì an toàn, nên mọi tia lửa điện, dù nhỏ (ví dụ như chạm mát), phát ra thì cầu chì sẽ là nơi bị cháy đầu tiên. Do vậy, khả năng gây cháy cao do nguồn điện chỉ bắt nguồn từ việc đấu thêm thiết bị, sử dụng cầu chì sai nguyên tắc (đấu tắt, hay loại bỏ công năng của cầu chì...).
Với những chiếc xe đang lăn bánh mà bị cháy, có thể loại bỏ nguyên nhân chập điện hay rò điện từ cao áp vì nếu như vậy, chắc chắn xe sẽ không nổ máy được do bugi không được cấp đủ điện.
 
Ngoài ra, trong các trường hợp xe đang lăn bánh mà bốc cháy, một nguyên nhân khá bất ngờ là do... chuột. Xe máy, đặc biệt là xe tay ga, có vị trí cổ ống xả nằm sâu trong lòng xe, chuột có thể chui vào, kéo theo rác, giấy báo..., khi xe chạy, động cơ và cổ ống xả có nhiệt lượng rất lớn, gặp phải những vật dễ cháy, sẽ dễ dàng bốc cháy.
 

(Ảnh: Nguyên Phong)
Mặt khác, dây điện cũng là món “khoái khẩu” của loài động vật gặm nhấm này, do đó khả năng bị hở điện gần các ống dẫn nhiên liệu cũng khá lớn, dẫn tới nguy cơ cháy xe.
Đó là không kể những trường hợp bất cẩn như xe chạy ở vùng nông thôn, bị dính rơm rạ vào ống xả (trường hợp này đã xảy ra khá nhiều với ô tô); hay sau khi lau chùi, sửa chữa, thợ máy hoặc chủ xe để quên giẻ ở ống xả cũng có thể là tác nhân gây cháy...
 
Chính vì những lý do trên, người sử dụng xe máy hoàn toàn có thể phòng ngừa các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn như vừa qua với một số lưu ý đơn giản sau:
 
- Trước khi vận hành xe mỗi ngày, cần kiểm tra xung quanh xe, khu vực ống xả, cổ ống xả xem có dính các vật dễ cháy hay không.
- Kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện ra các hiện tượng rò rỉ hay hư hỏng về điện hay hệ thống dẫn xăng.
- Không lắp thêm các thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu có thì cần tính toán kỹ đến công suất của dây điện và làm hệ thống bảo vệ riêng theo tư vấn của nhà sản xuất hoặc đại lí bảo hành có uy tín.
- Tuyệt đối không thay đổi hệ thống cầu chì và thay đổi công suất cầu chì nguyên bản của xe.
- Cần chú ý tác nhân gây cháy bên ngoài như đổ xăng tràn ra ngoài, cổ xả dính vật liệu dễ cháy, ống dẫn nhiên liệu, các vật liệu dễ cháy dính vào cổ xả...
 
Việt Hưng

dantri.com.vn
Thứ Bẩy, 09/07/2011 - 17:57
Mùa hè đến, nhiều nông dân đem phơi và thậm chí đốt rơm rạ ở mặt đường để lấy tro. Việc này không những gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, mà còn là “thủ phạm” của nhiều vụ cháy xe...
Ngày 5/7, trên đường 295 thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) ô tô tập lái mang biển kiểm soát 99K-6168 chạy theo hướng Yên Phong - Từ Sơn do đâm phải… đống rơm đang đốt trên đường khiến đã cháy rụi.

Người dân cho biết, chiếc xe tập lái này khi đi qua đoạn đường nói trên đã không quan sát được hướng đi do khói bụi mù mịt. Do đó, lái xe đã đâm thẳng vào đống lửa khiến chiếc xe bốc cháy. Dù lực lượng PCCC đã ứng cứu nhưng chiếc xe chỉ còn trơ khung sắt.

Trước đó, ngày 22/6 chiếc ô tô Kia mang BKS 19A-001.35 do anh Lý Trung Dũng điều khiển đang lưu thông trên đoạn đường thuộc khu 1, phường Vân Phú, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì bỗng dưng bốc cháy dữ dội.

Anh Dũng cho biết, do trời nắng to nên anh đã nổ máy khoảng 10 phút trước khi cho xe chạy. Sau khi đi được khoảng 200 mét, anh ngửi thấy mùi khét nên đã xuống kiểm tra và phát hiện khói bốc ra từ xe. Do xe bốc cháy quá nhanh và lửa bùng to nên anh Dũng không thể dập tắt được. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ống pô của xe quá nóng, cọ xát với rơm rạ mà người dân phơi trên đường nên sinh nhiệt, đánh lửa và dẫn đến vụ cháy. Ước tính, thiệt hại của vụ cháy lên đến gần 700 triệu đồng.

Nhiều vụ cháy đáng tiếc xảy ra do ống xả nóng gặp rơm rạ phơi trên đường. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Năm ngoái, chiếc ô tô biển số 20L-4609 đang đi thì phát lửa. Khi người đi đường thông báo cho lái xe biết, hệ thống điện của xe đã bị bắt lửa nên hai người ngồi trong xe là vợ chồng ông Đặng Văn Lợi (công tác tại Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn) không thể mở cửa thoát ra ngoài. Người đi đường đã phá vỡ cửa kính phía trước để cứu người. Hai vợ chồng ông Lợi đều bị thương. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến hiện trường, chiếc xe đã bị cháy toàn bộ thiết bị bên trong. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do xe cuốn nhiều rơm đi trên đường vào gầm, ma sát lớn nên đã bốc hoả.

Trên đây chỉ là một số vụ tai nạn cháy xe điển hình do rơm rạ. Theo các chuyên gia kỹ thuật, khi ô tô vận hành, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ khi nào nếu có các vật liệu dễ bắt lửa như rơm, rạ, giấy vướng vào gầm, gần ống xả. Cùng với đó, hoả hoản có thể tới từ hệ thống xả, đặc biệt trên các xe cũ, do các vết dầu, mỡ văng ra từ hộp số, mặt máy, đáy các-te..., lâu ngày có thể đọng lại dưới gầm xe rất dễ gây cháy nếu cổ xả hở hoặc có vật dễ bắt lửa vướng vào gầm.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự, khi lái xe trên đường có phơi rơm rạ, lái xe cần tránh hết mức có thể các loại rơm rạ phơi trên đường. Trong trường hợp không thể tránh, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm. Rất nhiều trường hợp lái xe không biết xe của mình bốc khói, khi người dân đi đường nhắc nhở lại không nghe thấy nên đã để xe bị cháy đáng tiếc. Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, người lái nên dừng xe để xuống kiểm tra, gỡ rơm rạ cuốn vào gầm xe và gần ống xả (nếu có) để tránh tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra để tránh xe cháy do bắt lửa từ hệ thống xả, trước khi đi xa thay vì chỉ rửa xe thông thường, hãy vệ sinh máy và xịt gầm cho sạch các vết dầu mỡ đọng.

Theo Công Thường
 VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét