Đài Loan không bàn với TQ về biển đảo

BBC Vietnamese - Thế giới
Cập nhật: 16:50 GMT - thứ tư, 13 tháng 7, 2011

Hình bác sĩ Tôn Dật Tiên tại Trung Quốc

Bác sĩ Tôn Dật Tiên được kính trọng tại Trung Quốc nhưng phe Quốc Dân Đảng thì vẫn bị coi là thù địch với đảng Cộng sản

Đài Loan không đàm phán gì với Trung Quốc lục địa về chính trị hay lãnh hải ở Biển Đông và vẫn nêu cao ý nghĩa cuộc Cách mạng Dân Quốc.

Trước dịp kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi (1911-2011) dẫn tới sự ra đời của nước Trung Hoa Dân Quốc sau nhiều triều đại phong kiến, Đài Loan cho hay họ không thảo luận chính trị gì với Bắc Kinh.

Theo tin của hãng thông tấn Đài Loan CNA hôm 12/7/2011, Bộ trưởng Thông tin của đảo quốc đã trả lời một giáo sư Mỹ rằng nước ông không có “ý định đàm phán chính trị gì với Bắc Kinh”.

Đáp lời giáo sư luật Jerome Cohen từ Đại học New York, Bộ trưởng Philip Yang cũng nói Đài Bắc “không đàm phán gì với Trung Quốc về biển Nam Trung Hoa”.

Gần đây các động thái tăng cường quân sự của Đài Loan tại vùng Trường Sa đã thu hút chú ý của Trung Quốc và cả các nước Đông Nam Á.

Đài Loan hiện chiếm đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là đảo Ba Bình), nơi chính quyền Đài Bắc cho xây dựng một căn cứ đồn trú của quân đội với đường băng dài.

Nói chuyện tại Asia Society ở Hoa Kỳ hôm thứ Ba, Bộ trưởng Philip Yang cho hay chính phủ của nước ông vẫn chỉ coi quan hệ kinh tế là hàng đầu trong đối thoại xuyên eo biển với Bắc Kinh.

Ông Yang khẳng định với vị giáo sư Mỹ và các khách dự cuộc trao đổi rằng “Đài Bắc sẽ không đàm phán gì” về biển Nam Trung Hoa với Trung Quốc.

̣Đài Loan hiệm chiếm đảo Thái Bình (Ba Bình) trong quần đảo Trường Sa

Trên thực tế, đường chữ U hiện Bắc Kinh nêu ra ở Biển Đông chính là do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền ông Tưởng Giới Thạch nêu ra năm 1947 tại Nam Kinh.

Gần đây có ý kiến từ một số giới nghiên cứu ở Mỹ nói Đài Loan nên bác bỏ đường chữ U này để có cử chỉ thiện chí với các nước Đông Nam Á.

Có vẻ như Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận các tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải của Trung Hoa Dân Quốc là của mình nhưng cũng không vì thế mà “ưu ái” gì hơn với Đài Bắc.

Vẫn không tiến triển

Trước dịp kỷ niệm 10/10/2011 đánh dấu ngày nổ ra khởi nghĩa Vũ Xương, dẫn tới sự sụp đổ của Thanh Triều vào tháng 2/1912, khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc, đối thoại giữa Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và chính quyền cộng sản ở Trung Quốc không có tiến triển gì thêm.

Đài Bắc không đàm phán gì với Trung Quốc về biển Nam Trung Hoa

Bộ trưởng Philip Yang

Theo BBC Tiếng Trung, Đài Loan kêu gọi Trung Quốc nhìn nhận di sản của phong trào Dân Quốc và tinh thần cộng hòa và cuộc Cách mạng 1911 đem lại cho toàn thể các dân tộc Trung Hoa.

Nhưng trong các phim ảnh, triển lãm và sách báo Bắc Kkinh tung ra dịp tháng 7, đánh dấu kỷ niệm 90 năm ngày thành lập của Đảng Cộng sản, chế độ Quốc Dân Đảng vẫn bị coi là “phản động”.

Đặc biệt, trong một bộ phim ca ngợi Mao Trạch Đông vừa trình chiếu, hình ảnh của lãnh tụ Quốc Dân Đảng và sau là tổng thống Đài Loan, ông Tưởng Giới Thạch bị lăng mạ trong một vở kịch của "Hồng quân Trung Hoa" như một “Hán Gian”.

Trong cuộc chiến Kháng Nhật tại Trung Quốc, hai lực lượng Quốc Dân Đảng và Cộng sản đã có những lúc hòa hoãn, hợp tác nhưng cũng có xung khắc, thậm chí bắn vào nhau.

Sau Thế Chiến 2, hai phe Quốc – Cộng rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu, kết thúc bằng thất bại của quân đội Tưởng Giới Thạch năm 1949.

Ông Tưởng đưa tàn quân chạy ra Đài Loan và duy trì chế độ Dân Quốc tại đó nhưng có thêm xu hướng chống Cộng suốt thời Chiến Tranh Lạnh.

Những thành phần của Quốc Dân Đảng không chạy kịp ra Đài Loan bị chế độ Mao truy bắt và tiêu diệt.

Nhãn hiệu 'Quốc Dân Đảng' cũng được dùng để trừng phạt tàn khốc các kẻ thù chính trị nội bộ tại nước Cộng h̀òa Nhân dân Trung Hoa.

Thống chế Tưởng Giới Thạch lúc sinh thời và phu nhân Tống Mỹ Linh

Còn tại Đài Loan, sau nhiều năm Quốc Dân Đảng độc đoán, xã hội dần chuyển sang chế độ dân chủ và tại cuộc bầu cử năm 2000, lần đầu tiên, chính trị gia không thuộc đảng này, ông Trần Thủy Biển đã trúng cử tổng thống.

Quan hệ hai bên Trung - Đài cải thiện dần, nhất là về kinh tế và giao lưu dân chúng nhưng vẫn có các cáo buộc lẫn nhau về chuyện làm Bấm gián điệp.

Khác biệt lên cao trong thời kỳ ông Trần Thủy Biển và Dân Tiến Đảng với xu hướng đòi độc lập nắm quyền, nhưng đã dịu đi sau khi Quốc Dân Đảng trở lại nắm quyền với ông Mã Anh Cửu làm tổng thống hồi 2008.

Tuy thế, có vẻ như các nỗ lực tìm tiếng nói chung với Bắc Kinh của ông Mã, người cũng là Chủ tịch Quốc Dân Đảng từ 2009, không được đáp ứng.

Chính thức mà nói, Bắc Kinh vẫn chỉ coi Đài Loan là một tỉnh còn chưa được thu phục về với 'đất mẹ'.

Bác sĩ Tôn Dật Tiên được kính trọng tại Trung Quốc nhưng phe Quốc Dân Đảng thì vẫn bị coi là đối thủ của đảng Cộng sản dù hai bên có các cuộc tiếp xúc.

Giới quân sự Trung Quốc cũng chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch tiến chiếm Đài Loan khi cần.

Nhờ luật Taiwan Act của Mỹ, đảo quốc dù ít được công nhận quốc tế, vẫn có độc lập trên thực tế và được Hoa Kỳ bảo vệ.

Nay, Bộ trưởng Philip Yang của Đài Loan hy vọng Hoa Kỳ hiểu được việc tăng cường giao lưu với Trung Quốc không chỉ có lợi cho Đài Loan mà còn "có ích cho Hoa Kỳ và đóng góp vào phát triển khu vực".


bbc.co.uk
Cập nhật: 15:16 GMT - thứ sáu, 11 tháng 2, 2011

Vụ tướng La Hiền Triết bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ xuyên eo biển, và cũng không làm Washington ngưng bán vũ khí cho Đài Bắc, theo tin tưởng của phía Đài Loan.

Tuy thế, phe quân sự tại Đài Loan vẫn e ngại về tác động của vụ việc trong lúc có tiếng nói từ phía lập pháp đòi giới chức quốc phòng phải từ nhiệm.

Hôm 27/1 vừa qua, thiếu tướng La Hiền Triết, Chỉ huy trưởng Cục Thông tin điện tử thuộc Bộ Chỉ huy quân đội Trung Hoa Dân quốc ở Đài Bắc bị bắt và phải đối mặt với cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc lục địa.

Tuy thế, Văn phòng chuyên về Đài Loan của Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, cho báo chí hay hôm 10/2 rằng họ "không biết về việc này", và từ chối bình luận.

Đây có vẻ là dấu hiệu Bắc Kinh không muốn làm to sự việc.

Tướng La là sĩ quan cao nhất của Đài Loan trong vòng 50 năm qua bị bắt vì tội làm gián điệp cho nước Trung Quốc cộng sản.

Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu được trích lời nói rằng ông La sẽ "bị trừng phạt nghiêm khắc, không dung thứ".

Trước đó, Tướng Vương Minh Ngã của quân đội Đài Loan đã lên án ông La "làm xấu mặt quân đội" và nói:

"Cho dù quan hệ hai bên bớt căng thẳng trong hơn hai năm qua, cộng sản Trung Quốc vẫn không ngưng xâm nhập Đài Loan,"

Từ nghị viện Đài Loan cũng có tiếng nói kêu gọi Bộ trưởng Quốc Phòng Cao Hoa Trụ phải từ chức để chịu trách nhiệm về vụ gián điệp mới nhất.

Thủ phạm vụ làm gián điệp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, không dung thứ

Tuyên bố của Phủ Tổng thống Đài Loan

Dù vậy, truyền thông Trung Quốc trích lời giới nghiên cứu ở Hoa lục chuyên về quan hệ xuyên eo biển cho rằng căng thẳng hai bên không vì vụ bắt tướng La Hiền Triết mà tăng lên.

Phía Trung Quốc cũng nói họ ghi nhận thời gian gần đây, Tổng thống Mã của Đài Loan ra lệnh cho các quan chức dưới quyền gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Trung Quốc.

Đài Loan có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc và trong cơ cấu chính trị của đảo quốc vẫn có cả phần đại diện cho các tỉnh ở Hoa lục như thời trước năm 1949, khi chính quyền Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang hòn đảo.

Bắc Kinh không công nhận Trung Hoa Dân Quốc và luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình.

Với bên ngoài, Trung Quốc buộc các tổ chức quốc tế gọi Đài Loan là 'Trung Hoa Đài Bắc' (Chinese Taipei).

Bước chuyển biến về tên gọi này, từ chính quyền Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu thể hiện "cách nhìn cân bằng hơn về Trung Quốc lục địa", theo báo chí Trung Quốc.

Nhưng đây cũng là hệ quả của quá trình giao lưu kinh tế, xã hội từ nhiều năm qua giữa hai bên, vốn theo hai thể chế chính trị khác nhau.

Tướng La Hiền Triết hồi 2006

Đài Loan nói sẽ trừng phạt nghiêm khắc ông La Hiền Triết, thiếu tướng bị bắt vì tội 'làm gián điệp cho Trung Quốc'

Phòng ngừa lẫn nhau

Tuy thế, khác biệt vẫn còn đó, nhất là về quan hệ quân sự.

Và vụ gián điệp dù gây điều tiếng cho Đài Loan lại không làm tổn hại đến bang giao của chính quyền ở Đài Bắc với đồng minh Hoa Kỳ, nước cam kết bảo vệ Đài Loan theo luật Taiwan Act 1979.

Đài phát thanh quốc tế Đài Loan vừa trích lời quan chức nước này nói vụ bắt tướng La sẽ không cản trở kế hoạch bán vũ khí cho Đài Bắc.

Họ cho biết phía Đài Loan đã thông báo ngay cho Hoa Kỳ về vụ La Hiền Triết ngay khi vụ việc vừa vỡ lỡ.

Theo chính quyền Đài Loan, tướng La bị Trung Quốc thu phục khi đóng tại Thái Lan trong thời gian 2002 và 2005.

Có tin nói Trung Quốc dùng "mỹ nhân kế" để gài bẫy ông La, năm nay 51 tuổi.

Báo chí tiếng Hoa nói một phụ nữ Trung Hoa mang hộ chiếu Úc đã làm quen và lôi kéo tướng La bán các tin mật cho Trung Quốc.

Vẫn theo báo chí Đài Loan, các tài liệu tướng La Hiền Triết tiết lộ cho Trung Quốc gồm những phần về hệ thống thông tin liên lạc và do thám, trinh sát (C4ISR) của quân đội Đài Loan.

Người ta cũng tin rằng ông ta trao cho TQ cả tài liệu về vụ mua 30 chiếc trực thăng quân sự do Mỹ sản xuất.

Các phi cơ này dự tính được chuyển cho Đài Loan vào năm 2013.

Vụ Hoa Kỳ đồng ý bán khoản vũ khí trên 6 tỷ USD cho Đài Loan để phòng thủ trước đe dọa từ Trung Quốc đã khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.

Việc do thám hoặc dùng gián điệp chống lại nhau giữa Đài Loan và Trung Quốc là chuyện không có gì mới.

Các nguồn tin cho rằng từ 2002 có chừng 19 người ở Đài Loan, gồm cả các nhà khoa học, bị bắt vì các cáo buộc tiết lộ tin mật cho Trung Quốc.

Năm ngoái, một đại tá quân đội Đài Loan cũng bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc.

Hồi tháng 3 năm 1999, Lưu Liên Côn, một thiếu tướng của quân đội Trung Quốc cộng sản bị bắt vì "làm gián điệp cho Đài Loan".

Trang web China Times ở Đài Loan cho rằng sau đó ông Lưu, người làm việc trong Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng đã bị xử tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét