10/07/2011 | 21:45:00
Phó Tổng thống Faruq al-Shara tại buổi đối thoại. (Nguồn: Getty)
Ngày 10/7, Syria đã chính thức khởi động cuộc "đối thoại dân tộc" nhằm tìm kiếm các giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nước này.
Đây được coi là một bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy cải cách của Damascus.
Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, với sự góp mặt của các thành viên đảng Baath cùng một số nghị sĩ độc lập, Phó Tổng thống Faruq al-Shara cho biết tại cuộc đối thoại dân tộc toàn diện này, các đại biểu sẽ vạch ra lộ trình quá độ hướng tới một nhà nước dân chủ đa đảng mà ở đó, mọi người sẽ bình đẳng và cùng chung tay xây dựng tương lai đất nước.
Trước đó, Chính phủ Syria cho biết tại cuộc đối thoại hai ngày, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về một dự thảo cải cách tổng thể, bao gồm cả việc sửa đổi Điều khoản số 8 trong Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo của đảng Baath trong đời sống chính trị ở Syria.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về 3 vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc xác lập nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, chính trị và xã hội; nỗ lực đạt thỏa thuận về các nội dung hiến pháp cần sửa đổi và thông qua 3 dự luật được cho là sẽ tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong đời sống xã hội Syria.
Thông tin về cuộc đối thoại dân tộc đã được Tống thống Bashar al-Assad đưa ra trong bài phát biểu quan trọng tại trường Đại học Damascus hôm 20/6 - bài phát biểu thứ ba của ông kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình chống chính phủ từ giữa tháng 3 vừa qua.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, phe đối lập tại Syria vẫn tuyên bố tẩy chay cuộc đối thoại, đặt điều kiện chỉ tham gia đối thoại khi chính phủ thể hiện thiện chí bằng cách đề xuất trước một gói các giải pháp cải cách.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/7, Tổng thống Bashar al-Assad đã bổ nhiệm ông Anas Abd-Alrazeq làm Tỉnh trưởng tỉnh Hama, thay ông Ahmed Khaled Abdul-Aziz bị cách chức hôm 2/7. Trong vòng 4 tháng qua, Tổng thống Bashar al-Assad đã cách chức ba tỉnh trưởng nhằm xoa dịu những người biểu tình đòi cải tổ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria đã triệu Đại sứ Mỹ và Pháp tại nước này để phản đối việc hai nhà ngoại giao của hai nước đã "tự ý" tới tỉnh Hama, một trong những điểm nóng biểu tình ở miền Trung Syria và là cứ địa của tổ chức đối lập Anh em Hồi giáo.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ chuyến đi "không xin phép trước" của Đại sứ Mỹ và Pháp tới tỉnh Hama hôm 7/7 đã vi phạm Điều 4 Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và là hành vi "can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Syria," "phá hoại an ninh, ổn định của Damascus trong bối cảnh cuộc đối thoại dân tộc đang được xúc tiến nhằm xây dựng tương lai cho đất nước"./.
(TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét