Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (trái) vừa kết thúc chuyến viếng thăm Bắc Kinh bằng một tuyên bố chung với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Phát biểu tại một hội nghị trước cuộc gặp gỡ giữa hai Ngoại trưởng Philippines và Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần trước, cố vấn chính trị của Tổng thống Banigno Aquino, ông Ronald Llamas, cho biết Manila hy vọng sẽ cân bằng quyền lợi của nước này giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi tìm cách giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.
“Chúng tôi biết cách làm thế nào để cân bằng những lợi ích của chúng tôi giữa hai cường quốc”, ông Llamas nói, nhấn mạnh rằng Manila cần thương lượng thông qua ASEAN. “Các nước nhỏ hơn cần làm việc như một khối để tránh bị gạt sang bên lề. ASEAN cần trở thành một điểm tựa để cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 8/7 đã kết thúc chuyến viếng thăm Bắc Kinh bằng một bản tuyên bố chung với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong tuyên bố này, hai ngoại trưởng đồng ý là sẽ không để tranh chấp chủ quyền Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Philippines với Trung Quốc.
Ngoại trưởng hai nước cũng cam kết tuân thủ bản Tuyên bố chung về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ký kết năm 2002, đồng thời khẳng định sẽ “duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Phủ tổng thống Philippines sau đó đã tỏ ý hy vọng là sau tuyến bố trên, hai nước sẽ đạt được giải pháp hòa bình cho các vùng tranh chấp trên Biển Đông, mà nay Manila gọi là biển Tây Philippines.
Trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Del Rosario đã đến Washington và gặp gỡ người đồng nhiệm Hillary Clinton.
Trước khi đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Del Rosario đã đến Washington, một đồng minh an ninh của Manila và đã nhận được cam kết mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ Philippines. Hai nước đã ký một hiệp ước an ninh năm 1951, theo đó, Mỹ phải bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công.
Giáo sư Aileen Baviera, một chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc Trung tâm châu Á - Đại học Philippines Diliman, cho rằng Philippines hiện đứng ngay chính giữa trong cuộc tranh chấp Mỹ với Trung Quốc.
“Mỹ đang suy thoái về kinh tế, còn Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới và là quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất toàn cầu. Nhưng Philippines cũng như Mỹ không thể có chiến tranh với Trung Quốc được, do 3 nước phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế”, ông Baviera nhấn mạnh.
Hôm qua, ngay trong ngày đầu tiên công du Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen khẳng định Mỹ kiên quyết duy trì sự hiện diện của mình tại Biển Đông, nơi đang có căng thẳng sau một loạt hành động của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Philippines.
“Nếu có một tuyên bố đang được nhiều nước châu Á trông đợi, thì đó chính là tuyên bố vào ngày 10/7 của Đô đốc Mike Mullen”, hãng tin AFP bình luận.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố khẳng định sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Biển Đông là thêm một lời đáp trả của Washington đối với một loạt những tuyên bố gần đây của Bắc Kinh, cho rằng Mỹ không được quyền can dự vào vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, tuyên bố của đô đốc Mike Mullen còn nhằm mục tiêu trấn an các nước châu Á, trong đó có Philippines, “đang lo ngại về nguy cơ bị Mỹ bỏ rơi vì cần phải hòa hoãn với Trung Quốc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét