15/07/2011 19:45
Dù chưa được chính thức tung ra thị trường nhưng mạng xã hội Google+ đã có 10 triệu người dùng - Ảnh: AFP |
Theo AFP, ước tính mạng xã hội Google+ có khoảng 1 tỉ tin nhắn được các thành viên gửi đi mỗi ngày.
Vic Gundotra, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Google cho biết, với số lượng người dùng mà Google+ đạt được mặc dù chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, hãng đang đi đúng hướng và sẽ hoàn thiện thật tốt sản phẩm trước khi chính thức tung ra thị trường.
Điểm mạnh của Google+ là định hình lại cách thức giao tiếp, cho phép người dùng tạo nên những nhóm (gọi là "Circle”). Các thành viên tham gia nhóm sẽ chia sẻ thông tin, nội dung hay chat video với nhau… Người dùng có thể mời thêm những người khác mà mình muốn gia nhập vào nhóm.
Gundotra lý giải, trong cuộc sống không phải mọi thông tin đều nên chia sẻ ngang hàng với nhau. Ví dụ: ta có thể chia sẻ điều gì đó với bạn bè mình nhưng không thể chia sẻ nó với gia đình mình. Điều này có thể gây ra những "hiểu lầm" mà Facebook đang vướng phải.
Google+ được công bố vào ngày 28.6 vừa qua và vẫn còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm với số lượng người dùng giới hạn. Trong khi Facebook được thành lập từ tháng 2.2004, đến nay đã có khoảng 750 triệu người dùng toàn cầu.
Thành Luân
pcworld.com.vn Thứ Ba, 12/07/2011 17:00 (GMT+7) | |
| |
| |
Bill Gross là một nhà đầu tư năng động vào “hệ sinh thái” các sản phẩm ăn theo sự phát triển của mạng xã hội Twitter, vì vậy chúng ta hãy xem những suy nghĩ của ông về mạng xã hội mới mang tên Google+ này. Ông cũng không giải thích kỹ tại sao mình lại có một niềm tin như thế. Trên tài khoản Google+ của mình, Gross chia sẻ:
Bill Gross: Google+ sẽ là người chiến thắng thực sự trong tương lai. |
Đây có lẽ là dịch vụ có số lượng người dùng tăng nhanh nhất (tính khoảng thời gian từ khi bắt đầu hoạt động đến mốc 1 triệu thành viên). So sánh trên cơ sở này có lẽ là không công bằng với các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter và một số mạng khác ở giai đoạn đầu vì các công ty đó có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Google. Mặc dù vậy vẫn phải thừa nhận sản phẩm này của Google được điều hành tốt và đang được rất nhiều người ưa chuộng.
Kết quả thế nào thì năm tới sẽ rõ. Chắc chắn sẽ diễn ra một cuộc chiến nóng bỏng giữa các mạng xã hội. Facebook và Twitter chắc chắn sẽ đổi mới và nâng cấp tính năng để cạnh tranh với Google+. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng khi đó Google+ đã đủ lớn mạnh, và cách thức quản lý điều hành Google+ cho tôi thấy họ sẽ là người chiến thắng thực sự trong tương lai”.
Thứ Bảy, 16/07/2011 00:04 (GMT+7) | |
| |
|
Google+, mạng xã hội mà Google dày công nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng đã thu được kết quả tốt với số lượng người dùng dự tính vào khoảng 10 triệu người chỉ sau 2 tuần đầu tiên. Quan trọng hơn, sự tương tác trên Google+ rất cao, khi người dùng thông báo rằng họ nhận được nhiều phản hồi trên Google+ hơn so với khi chia sẻ nội dung ở Twitter hay Facebook. Rõ ràng là Google+ đã tạo được đà rất tốt.
Tuy nhiên, dường như chính kết quả này lại đang làm “mờ mắt” những người sử dụng Google+ cũng như dư luận nói chung. Một thực tế là: Những người dùng hiện tại mà Google+ đạt được hầu hết là thuộc nhóm người dùng sẵn sàng tiếp nhận sớm. Trong khi đó, cần nhớ rằng nhóm người dùng ban đầu, mặc dù quan trọng, không hẳn là sự dự báo đáng tin cậy cho thành công lâu dài của một mạng xã hội.
Không ít các dịch vụ xã hội đã có những thành công tương tự với sự hưng phấn của những người dùng đầu tiên như thế. Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra với chúng và liệu điều đó có giống với tương lai của Google+?
Có lẽ bạn đã nghe về khái niệm “chu trình tiếp nhận công nghệ” (technology adoption lifecycle) và biểu đồ hình chuông của Rogers. Đây là một mô hình xã hội học được phát triển từ những năm 1950 để dự đoán về sự lan truyền thông thường của việc tiếp nhận công nghệ. Theo đó, trong bất kỳ trường hợp nào, thông thường những người tạo ra cái mới và lớp người dùng sớm sẽ chiếm 16% lượng công chúng đầu tiên của số người chấp nhận công nghệ mới. Họ có xu hướng chấp nhận rủi ro, và trở thành những người đi đầu trong cộng đồng khi thử những cái mới. Tuy nhiên, vẫn còn đến 84% công chúng cân nhắc chấp nhận của công nghệ mới.
Sơ đồ miêu tả sự thay đổi của số lượng người tiếp nhận cái mới theo từng thời kỳ. Nguồn: Wikipedia. |
Nhóm người dùng đầu tiên sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới là đối tượng rất cần để có thể thử nghiệm sản phẩm. Mọi sản phẩm đều bắt đầu với 1 lớp người dùng ban đầu, cho dù đôi khi chỉ là sự khởi đầu cho một nhóm người dùng nào đó (chẳng hạn, Facebook lúc đầu là 1 mạng xã hội cho sinh viên đại học).
Tuy nhiên, liệu lượng người dùng ban đầu có phải là một chỉ số tin cậy đánh giá cho những thành công tương lai của 1 sản phẩm công nghệ? Dưới đây là một số ví dụ về một vài sản phẩm công nghệ từng rất huyên náo với số đông người dùng đầu tiên sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới.
Năm 2008 và 2009 là thời kỳ mà FriendFeed nổi đình nổi đám. Hệ thống các bài viết và luồng tin tức theo thời gian thực với các bình luận dài của họ từng là sáng kiến hấp dẫn (mà giờ đã trở thành một chuẩn mực trên Facebook và Google+). Giới công nghệ đã dự đoán rằng FriendFeed sẽ trở thành một sản phẩm đặc biệt, có thể đánh gục đối thủ cạnh tranh, vì lúc đó dịch vụ này thu hút được rất nhiều sự quan tâm, thậm chí đến mức sùng bái. Tuy nhiên, nó lại không bao giờ trở thành một xu hướng. Năm 2009, Facebook mua FriendFeed với cái giá 50 triệu USD. Có vẻ như đây là một cửa đi có lợi. Nhưng nếu so sánh với Groupon và Zynga, những công ty đang đệ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị có thể lên đến 20 tỉ USD, thì FriendFeed rõ ràng là không chuyển được lượng người dùng chấp nhận sớm thành một trào lưu.
Quora là một ví dụ khác. Được khởi xướng bởi một thành viên đồng sáng lập Facebook là Adam D’Angelo, Quora hoạt động như một mạng hỏi đáp (Q&A) xã hội. Cuối năm ngoái, Quora cũng tạo ra không ít "sóng gió" trên Internet. Nhưng sau đó, những lời bàn tán xung quanh Quora cũng dần im ắng, và Quora lại quay trở về với vị thế của một trang hỏi đáp thông thường. Mức tăng trưởng người theo dõi (follower) liên tục giảm sút từ tháng 5/2011. Có vẻ như Quora cũng chịu những tác động từ hiệu ứng Robert Scoble – một blogger nổi tiếng - khi mà nhân vật này vẫn là một thành viên có số follower nhiều nhất trên Quora. Tất nhiên vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về Quora, nhưng rõ ràng đây là một minh chứng cho tính hay thay đổi của nhóm người sử dụng ban đầu.
Trong khi đó, Twitter lại là một ví dụ để nói đến tác động của nhóm người sử dụng ban đầu đối với việc đưa một sản phẩm trở thành xu hướng cho xã hội. Twitter là mạng xã hội dừng ở mức có số đông người sử dụng ban đầu trong thời gian dài nhất. Mãi đến khi diễn viên Ashton Kutcher, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey và siêu sao bóng rổ Shaquille O’Nealan tham gia, dịch vụ này mới tăng trưởng đột biến. Đến nay, Twitter đang có hơn 200 triệu lượt tweet mỗi ngày, và những thành viên nổi tiếng nhất giờ đây không phải là Robert Scoble hay Kevin Rose, mà là Lady Gaga, Justin Bieber hay Barack Obama.
Chắc chắn không thể không nhắc tới Buzz, mạng xã hội của Google mới chào sân hồi năm ngoái với vô vàn lời chào mừng hân hoan của thế giới Internet. Thế nhưng, đến nay, Buzz coi như đã không còn nữa.
Lúc phải có thư mời thì nhiều người chầu chực, lúc được vào tự do thì lèo tèo? (Tranh vui của Mashable) |
Thứ Sáu, 15/07/2011 15:49 (GMT+7) | |
|
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg là người đầu tiên “tuyên chiến” với Google+ với việc loan báo rộng rãi “những điều thú vị” mà Facebook sẽ đem đến cho người dùng. Trong cuộc họp báo ngày 6/7 vừa qua, Zuckerberg nhấn mạnh (mặc dù có vẻ hơi khoa trương) rằng Facebook không hề lo ngại trước những ảnh hưởng có thể xảy đến từ phía mạng xã hội mới Google+. “Điều thú vị” mà anh giới thiệu hôm đó là tính năng tán gẫu theo nhóm và hội thoại có hình dành cho người dùng Facebook, các tính năng cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ của Google+. Nhưng các tính năng này có vẻ vẫn chưa đủ mạnh để khiến người dùng giảm quan tâm tới Google+.
Zuckerberg mô tả buổi họp báo trên như là khởi đầu của một "mùa" đầy những thông báo tính năng mới. Điều này cho thấy bên cạnh các tính năng đã công bố, Facebook vẫn đang còn những con bài tẩy khác trong tay áo để đấu với Google+. Nhưng Facebook sẽ cung cấp những dịch vụ gì và các dịch vụ ấy có giúp Facebook chiếm ưu thế trong cuộc chơi mạng xã hội hay không, Facebook sẽ làm gì để giành lại sự chú ý tuyệt đối từ cộng đồng người dùng?
Có 5 yếu tố mà giới phân tích cho rằng Facebook sẽ đẩy mạnh để cạnh tranh với Google+.
Kết nối mở
Facebook hiện đang chiếm ưu thế rõ rệt về số lượng người dùng, nhưng không nên lơ là và chủ quan đánh giá Google+ sẽ đi theo vết xe đổ của Google Wave hay Orkut. Facebook và Google đang cố gắng để các sản phẩm của mình tách biệt với nhau, nhưng người dùng có thể nản với việc phải lặp lại hành vi nhiều lần cũng như phải tải ảnh lên nhiều lần ở cả hai nơi, và điều đó có thể khiến họ quyết định chỉ dùng mạng xã hội mới mượt mà và nhiều tính năng hơn là mạng đã "cao tuổi" và mệt mỏi. Tình thế đó cũng giống như cuộc đối đầu giữa Facebook và MySpace trong giai đoạn 2004-2010, chỉ có điều lần này Facebook đang có nguy cơ lặp lại những sai lầm của MySpace.
Facebook nên tạm gác việc tỏ ra khác biệt và dừng việc ngăn chặn người dùng chuyển bạn bè và “tài sản” của họ sang Google+. Thay vào đó, Facebook nên làm theo cách họ hợp tác với Twitter: cho phép người dùng Google+ tạo "đường" thông để các nội dung cập nhật hiển thị trực tiếp trên Facebook và ngược lại.
Hãy thử tưởng tượng người dùng xuất danh sách bạn bè từ Facebook sang Google+, sắp xếp chúng vào các nhóm (Circle) nhỏ trong nhóm lớn mang tên Facebook, rồi sau đó cập nhật trạng thái trên Google+ với mã #fb hashtag (như cách Twitter cho phép bạn thực hiện) để nội dung đó xuất hiện ngay tức khắc trong dòng tin (news feed) trên Facebook của họ.
Facebook cũng nên có cơ chế mở hơn với việc chia sẻ thông tin trên site của mình, bằng cách cho phép hiển thị các nội dung cập nhật trên tài khoản Google+ và Twitter của người dùng trên news feed của Facebook, điều này sẽ có lợi cho việc thu hút quảng cáo hướng đối tượng. Biết đâu trong sự phối hợp qua lại giữa các mạng xã hội này, vô hình trung người dùng lại tạo nên một mạng xã hội phức tạp hơn và không ai phải thiệt cả.
Xây dựng hệ sinh thái (Ecosystem)
Facebook có được 700 triệu người dùng chỉ bởi vì nó thực sự hiệu quả. Cho dù có nhiều người dùng “càm ràm” về mặt này mặt khác, song Facebook có nhiều tính năng thực sự hữu ích như tán gẫu và thông tin sự kiện. Do vậy, muốn chiến thắng, Facebook phải tiếp tục phát triển những tính năng mới song song với việc nâng cấp các tính năng đã có để chúng càng trở nên hấp dẫn và hữu dụng hơn.
Mặc dù Facebook là một nền tảng cho nhiều hoạt động, song nó chưa phải là một trung tâm cung cấp các dịch vụ nền web như đối thủ của nó là Google+ đang hướng tới. Hãy nhớ là Facebook và Google đang cạnh tranh về thời gian người dùng sử dụng trên trang của mình. Vấn đề của Facebook là người dùng thỉnh thoảng lại phải rời trang này để tìm kiếm các dịch vụ cần thiết mà không có sẵn trên Facebook, hoặc khi “xử lý” xong các thông tin trên Facebook rồi thì sẽ đóng trang này lại.
Có vẻ như Facebook không bỏ qua vấn đề này. Trong buổi họp báo, Zuckerberg có nói tới viễn cảnh Facebook sẽ hợp tác với các đối tác mạng khác để chia sẻ - cung cấp mọi thứ trong mạng xã hội. Ví dụ mới nhất là người dùng dịch vụ Hulu giờ đây có thể chia sẻ ngay trên Facebook.
Nhưng tốt hơn hết là Facebook nên có thêm nhiều những tính năng và tài nguyên chia sẻ ngay trên trang của mình. Facebook không nên coi các dịch vụ đó như các ứng dụng riêng lẻ mà cần liên kết chúng với nhau như cách mà Google đang làm. Các tính năng tạo nhóm, tán gẫu và sự kiện trên Facebook có vẻ bước đầu được tích hợp với nhau, nhưng gã khổng lồ mạng xã hội này còn nhiều việc phải làm cho đến khi người dùng có thể tức thời tạo ra, tổ chức, và chia sẻ một sự kiện chỉ trên Facebook.
Loại bỏ các ứng dụng
Cách đây mấy năm, thoạt nhìn thì có vẻ việc Facebook đưa ra nền tảng cho việc phát triển ứng dụng là một việc rất đúng đắn. Người dùng có thể “thêm nếm” rất nhiều thứ trên trang hồ sơ của mình, từ các trò vui hỏi đáp chính trị cho đến ứng dụng cho phép bạn bè vẽ chân dung mình, song có vẻ các ứng dụng “ngộ nghĩnh” này đang làm cho bộ mặt của Facebook trở nên có phần náo nhiệt ‘vô tổ chức”.
Mặc dù không phải ứng dụng nào cũng vậy, một số ứng dụng rất hữu ích như việc sử dụng StumbleUpon bằng tài khoản Facebook, hoặc tải ảnh lên Facebook trực tiếp từ iPhoto trong máy Mac mà không cần phải vào trang này. Nhưng các ứng dụng hữu ích chỉ như bề nổi của tảng băng trôi. Trên trang hồ sơ của người dùng giờ đây đầy rẫy các thông báo về game mà họ đã chơi qua hoặc những lời mời chơi game/sử dụng dịch vụ mới. Nhìn sang các nền tảng khác như các mạng xã hội Flickr và Twitter, họ không cần tới một cỗ máy khổng lồ như Facebook để tích hợp các ứng dụng vào trang web.
Chính các ứng dụng phần nào đã làm loãng đi “chất” của Facebook. Giai đoạn đầu, Facebook nhìn rất sạch sẽ, thiết kế hợp lý và giúp người dùng kết nối với những người quen biết một cách dễ dàng. Giờ đây có vẻ như chúng biến mất hết sau cuộc đổ bộ của các ứng dụng. Chưa biết trong tương lai thì Google+ sẽ như thế nào, song giao diện hiện nay của nó mang lại cảm giác như Facebook hồi còn nguyên sơ (!).
Cạnh tranh với Circles
Một trong các tính năng nổi đình đám nhất trên Google+ là "đặt vòng" (tổ chức nhóm các vòng tròn), giúp giải quyết việc phân nhóm quan hệ ai là bạn, ai là người quen biết sơ ngoài xã hội. Nhưng Facebook thực ra đã sớm có tính năng tương tự là Lists (Danh sách) mặc dù không được nhiều người dùng sử dụng. Trong phần giao diện của trang Friend (Bạn bè), người dùng có thể nhấn vào Manage Friend List (quản lý danh sách bạn bè) để sắp xếp lại các mối quan hệ của họ. Người dùng cũng có thể xếp bạn bè của mình vào nhiều nhóm khác nhau giống như khi sắp xếp Circle trong Google+. Tính năng Lists này chỉ dùng để quản lý việc ai được xem những phần nào trong hồ sơ của người dùng. Người dùng Facebook cũng có thể gửi tin nhắn chỉ cho những người trong nhóm, nhưng hiện số người nhận bị giới hạn ở 20 người.
Tất cả những việc Facebook cần làm giờ đây là cải tiến tính năng này sao cho nó tiện dụng và thu hút được sự chú ý của người dùng. Nếu thực sự người dùng Facebook có thể đăng thông tin trên tường ảo, chia sẻ ảnh/video, mời và thông báo sự kiện và chia sẻ mọi thông tin mang tính chất xã hội khác cho từng nhóm theo chỉ định thì nó thậm chí còn tạo ra hiệu ứng gấp đôi so với tính năng “đặt vòng” của Google+. Hiện nay, mỗi khi thêm vào các bạn bè mới, Facebook có đưa tùy chọn yêu cầu người dùng sắp xếp họ vào các nhóm đã có. Mặc dù vậy Facebook vẫn phải giải quyết ngay khâu cải tiến tính năng Lists này trong số các mục tiêu ngắn hạn. Họ cũng có thể mua/sáp nhập một công ty mới nổi khác là Katango để có thể tích hợp sâu hơn nữa công nghệ tổ chức, sắp xếp, quản lý các mối quan hệ trong mạng xã hội.
Sắp xếp lại cách thức thông báo
Rất nhiều người dùng Facebook chợt nhận ra rằng trang chủ tài khoản tự dưng tràn ngập các thông tin chẳng liên quan gì đến họ. Mỗi khi có ai đó trong danh sách bạn bè của họ kết bạn với một người mà họ không hề quen biết, Facebook rất “nhiệt tình” lưu ý điều này bằng cách gửi thông báo ngay lập tức tới trang chủ. Các ứng dụng cho phép dọn dẹp và ẩn các thông báo kiểu này hầu như chưa có trên Facebook. Mạng xã hội này nên nghĩ tới việc cung cấp cho người dùng các tùy chọn ẩn các thông báo không cần thiết đối với người dùng mà họ không phải xóa hay khóa bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu không làm ngay, rất có thể người dùng sẽ chuyển qua Google+ để tránh mớ lộn xộn đang hiện diện trên tài khoản Facebook.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét