Trung Quốc lập tổ lãnh đạo xử lý vấn đề biển Đông

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :8:44 AM, 13/07/2011
Mới đây, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đề ra chiến lược mới cũng như ban hành một số chỉ lệnh liên quan tới diễn biến của sự kiện tranh chấp các đảo ở Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình.
Lập tổ lãnh đạo, thực hiện 5 tăng cường

Theo đó, Trung Quốc sẽ tiến hành những bước đi đầy toan tính như:

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về sách lược ngoại giao và tuyên bố chủ quyền Trung Quốc.
- Tăng cường, nâng cao công tác tham vấn và hiệp thương nội bộ với các nước liên quan tới tranh chấp, phản đối "mưu đồ" quốc tế hóa tranh chấp.
- Tăng cường công tác giáo dục nội bộ về tình hình quốc tế, tranh chấp Biển Đông và lịch sử trong quân đội Trung Quốc.
- Tăng cường "ý chí bảo vệ lãnh thổ tổ quốc", các đảo và tài nguyên mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
- Tăng cường "cảnh giác bảo vệ chủ quyền" cũng như tại vùng biển gần các đảo này, bảo vệ các quyền lợi mà Trung Quốc cho là "chính đáng".

Ngoài ra, Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc còn thông qua quyết nghị thành lập tổ lãnh đạo xử lý sự kiện khủng hoảng Biển Đông, do Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình làm tổ trưởng.

Mục đích của cơ quan này nhằm nắm chắc diễn biến của tình hình Biển Đông và dự báo các tình huống bất ngờ và xử lý các báo cáo về vấn đề tranh chấp kinh tế, quân sự tại "khu vực tiền duyên" Biển Đông.

Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đang "đầu tư" cho công cuộc thôn tính biển Đông một cách có tính toán. Điều này đặt ra thách thức lớn với các nước trong khu vực và có quyền lợi kinh tế liên quan trong khu vực. Sự thành lập của "tổ lãnh đạo" trên cho thấy Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước những gì bất ổn sẽ xảy ra trên biển Đông từ cấp cao nhất.

Việc lựa chọn ông Tập Cận Bình vào vị trí lãnh đạo của tổ xử lý vấn đề biển Đông gợi nhắc tới chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận rất bài bản của Trung Quốc. Theo đó, các "ứng viên" sẽ được giao trọng trách ở những vấn đề nhạy cảm để thử thách và rèn luyện. Còn nhớ, trước khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào từng giữ chức bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng đúng vào lúc khu vực này đang là "điểm nóng" trong đời sống chính trị Trung Quốc.

Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Đô đốc Mỹ Mike Mullen


Tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm với phái đoàn quân sự Mỹ, ông Trần Bỉnh Đức còn cho rằng, phía Mỹ đã lặp đi lặp lại câu nói “ Mỹ không có ý muốn can thiệp vào các vụ việc tranh chấp trong khu vực, tuy nhiên, với quan điểm cũng như những động thái của Mỹ cho thấy điều hoàn toàn ngược lại với những gì mà Mỹ cam kết”.

Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường sẽ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Trần Bỉnh Đức cũng cho rằng, thông qua cuộc gặp lần này 2 bên đã thảo luận 4 chủ đề chính đó là: Tranh chấp trên Biển Đông; Thái độ của một số chính trị gia Mỹ đối với Trung Quốc; An ninh mạng và tiềm lực phát triển quân sự của Trung Quốc. Cả hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề một cách thẳng thắn, ông nói thêm.

Theo Đô đốc Mike Mullen, Mỹ lo ngại rằng các tranh chấp trên vùng biển giàu tài nguyên có thể dẫn đến một cuộc xung đột nghiêm trọng, chính vì thế Mỹ khẳng định duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông là điều cần thiết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Mỹ đi kèm theo đó là trách nhiệm lâu. Mỹ sẽ nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ cho một giải pháp hòa bình đối với những bất đồng đang diễn ra.

Các tờ báo của Trung Quốc đăng bài xã luận rằng ASEAN không nên để các lực lượng bên ngoài can thiệp vào các vấn đề tranh chấp song phương Tuy nhiên, ông Mike Mullen vẫn nhấn mạnh rằng, Mỹ mong muốn thấy được một giải pháp hòa bình về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, và Mỹ sẽ giữ nguyên lập trường về việc duy trì sự hiện diện tại khu vực.

>> Indonesia có thể 'hạ nhiệt' biển Đông?
>> Mỹ và Trung Quốc, ai hiểu Việt Nam hơn?
>> Mỹ hiện diện nhưng không ảnh hưởng Trung Quốc
>> 'Trung Quốc phải minh bạch lợi ích ở biển Đông'

Nam Hoàng (theo Taipei Times)

quocphong.baodatviet.vn - Lãnh thổ
Cập nhật lúc :3:23 PM, 07/07/2011
(ĐVO) Việt Nam thấu hiểu quan niệm “không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.

>> Trung Quốc: Mỹ chẳng tốt gì với 'hổ ẩn mình' Việt Nam

Từ cuối tháng 6/2011, Mỹ đồng thời tiến hành 2 cuộc tập trận quy mô ở Đông Nam Á. Một cuộc tập trận mang tên CARAT với Philippines ngoài khơi đảo Palawan, một cuộc tập trận mang tên Iron Teak 2011với Indonesia tại căn cứ không quân Abdurahman Saleh, Đông Java.

Dự kiến, sau các cuộc tập trận, Hải quân Mỹ còn có hoạt động chung nhằm thúc đẩy quan hệ, trao đổi chuyên môn với các nước Đông Nam Á. Loạt hoạt động này được coi là cách mà Mỹ thể hiện sự có mặt ở khu vực mà nước này có nhiều lợi ích, đặc biệt là vấn đề thương mại hàng hải.

Trùng với thời gian diễn ra các cuộc tập trận, ngày 5/7, trang tiếng Trung của tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải bài viết “Mỹ có “tử tế” nếu can thiệp quân sự tại biển Đông?” Bài viết đưa ra nhiều nhận định của ông Zhu Fangyin, chuyên gia thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc.

Trong đó, nội dung tập trung phân tích, đánh giá vai trò của Mỹ trong khu vực, đưa ra cảnh báo đối với việc Washington can thiệp vào vấn đề biển Đông, đặc biệt là biện pháp quân sự.

Đồng thời, bài viết còn tỏ thái độ “khuyên bảo”, thực chất là cảnh cáo tới các quốc gia Đông Nam Á, trực diện là Việt Nam và Philippines, những nước mà theo ông Zhu Fangyin, “sẽ thất vọng tràn trề” nếu đặt hy vọng vào mối quan hệ với Mỹ.

Không chỉ có vậy, ông Zhu Fangyin còn nhận xét, sự “thân mật bất ngờ” của Mỹ khiến nhiều người lầm tưởng nước này “vô tư giúp đỡ và sẵn sàng đứng ra bênh vực” cho các nước trong tranh chấp biển Đông vì đây “chỉ là một lá bài trong chiến lược của Washington tại châu Á”, xuất phát từ “lợi ích chiến lược của Mỹ”.

Bên cạnh đó, ông này còn nhắc nhở Washington nếu “cổ vũ quá đà” sẽ khiến Việt Nam, Philippines như những “con hổ ẩn mình”, “vùng dậy và tuột khỏi tầm kiểm soát của Mỹ”.

Điều lố bịch nhất trong bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu là giọng điệu “tư vấn”: “Việt Nam đừng hão huyền về viễn cảnh sẽ được che chở và tăng cường sức mạnh từ Mỹ, nếu cố tình lên gân và xung đột quân sự với Trung Quốc”.

Truyền thống dựng nước và giữ nước để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý báu. Trong đó, bài học lớn nhất là độc lập, tự chủ. Trong lịch sử hiện đại, để đối đầu với Đế quốc Mỹ suốt 30 năm ròng, Việt Nam đã nhận được nhiều sự trợ giúp của bạn bè quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhân dân Việt Nam không thể nào hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu quan niệm “không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn” đã và đang chi phối các mối quan hệ quốc tế cùng với lịch sử đất nước của mình như thế nào.

Trong bối cảnh Mỹ đang xúc tiến các hoạt động hợp tác với các nước Đông Nam Á, có thể thấy mặt bên kia của những lời “khuyên bảo”, “cảnh báo” thực chất là sự e ngại trước mối quan hệ đang có nhiều tiến triển giữa Mỹ và các nước trong khu vực. Đây chính là tiền đề cho việc đa phương hóa giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, cũng là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn và luôn tìm cách né tránh suốt thời gian qua.

Bước vào kỷ nguyên mới, đối thoại và hội nhập, độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với chủ nghĩa biệt lập. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, đồng thời, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua con đường đàm phán hòa bình, trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi.

Do đó, Việt Nam nhìn nhận sự phối hợp các bên có lợi ích đan xen trong vấn đề biển Đông thể hiện thái độ trách nhiệm với an ninh chung trong khu vực, kiềm chế các lực lượng bá quyền gây hấn, khiêu khích mưu đồ áp đặt luật chơi ích kỷ và thách thức luật pháp quốc tế.

Nhìn lại lịch sử, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mc Namara từng than thở: “Mỹ không thắng được ở Việt Nam vì Mỹ không hiểu Việt Nam”. Là người Trung Quốc, sống trong một quốc gia có vị trí địa lý gần gũi, quan hệ lâu đời với Việt Nam, lại là chuyên gia của Viện Khoa học quân sự, chuyên nghiên cứu những vấn đề có tính chiến lược, chẳng lẽ ông Zhu Fangyin lại không hiểu lịch sử Việt Nam bằng ông Mc Namara?

Trường Hải


quocphong.baodatviet.vn - Lãnh thổ
Cập nhật lúc :7:26 PM, 10/07/2011
Đô đốc Mỹ hứa hẹn tiếp tục hiện diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng không làm ảnh hưởng tới Trung Quốc, đồng thời nhờ Trung Quốc cùng giải "bài toán" Triều Tiên.

>> Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Trung Quốc

Đô đốc Mike Mullen.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian dài nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Ông Mullen cho hay: "Những thách thức toàn cầu cũng như trong khu vực quá lớn nên Mỹ và Trung Quốc phải tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Mỹ muốn Trung Quốc là một đối tác mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này".

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho hay, ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức và thực hiện một số chuyến thăm các căn cứ quân sự của Trung Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh giữa 2 nước.

Phát biểu về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, ông Mullen cho biết Washington hoan nghênh sự phát triển quân sự của Trung Quốc nếu nó giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như cướp biển. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Washington muốn làm rõ ý định của Bắc Kinh.

Ngân sách quân sự của Trung Quốc năm nay vào khoảng 95 tỷ USD, cao thứ hai thế giới nhưng thua xa Mỹ với kế hoạch chi khoảng 650 tỷ USD cho quốc phòng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang phát triển vũ khí như tên lửa DF 21D mà các nhà phân tích nói rằng có thể đe dọa các tàu chiến Mỹ và làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực. "Rõ ràng một số loại vũ khí được Trung Quốc phát triển để nhằm vào Mỹ", ông Mullen nhận xét.

Ông Mullen tới Bắc Kinh đúng vào lúc Mỹ và 2 đồng minh quân sự chính trong khu vực là Nhật Bản và Australia bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên ở Biển Đông.

Nhờ Trung Quốc giải 'bài toán' Triều Tiên

Trong cuộc phỏng vấn sau khi tới Bắc Kinh, đô đốc Mike Mullen cũng bóng gió thông báo về mục đích chính của chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày: "Triều Tiên sẽ tiếp tục các hành động mang tính khiêu khích với mức độ nguy hiểm cao hơn".

Căng thẳng ở Đông Bắc Á leo thang sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm tấn công tàu chiến của nước này vào tháng 3/2010 gây ra cái chết của 46 thủy thủ. Bình Nhưỡng phủ nhận lời buộc tội của Hàn Quốc và sau đó tiến hành 1 cuộc pháo kích vào hòn đảo ở biên giới 2 miền Triều Tiên làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng bao gồm cả 2 thường dân vào cuối năm 2010.

Các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân 6 bên giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật, Nga và Mỹ đã rơi vào tình trạng đình trệ từ khi Triều Tiên từ bỏ vào tháng 4/2009. Tháng 5/2009, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 2 của nước này.

"Cố gắng tìm kiếm sự ổn định liên quan xung quanh vấn đề Triều Tiên ngày càng gặp nhiều thách thức vì Bình Nhưỡng và hành động của họ" -Đô đốc Mullen nhận xét - "Tuy nhiên, Bắc Kinh có mối quan hệ mạnh mẽ với Bình Nhưỡng và mối quan hệ này không chỉ có được nhờ những sự giúp đỡ trong quá khứ mà còn được vun đắp thường xuyên".

>> Mỹ và Trung Quốc, ai hiểu Việt Nam hơn?
>> Những ưu tiên của Mỹ ở biển Đông
>> Trung Quốc với Mỹ: Sẵn sàng nói chuyện, trừ vấn đề biển Đông

Thanh An (theo AFP và AP)


dantri.com.vn:
Thứ Tư, 13/07/2011 - 05:52
(Dân trí) - Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của Philippines để cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử về tranh chấp mâu thuẫn chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng vấn đề “chỉ nên được giải quyết một cách trực tiếp giữa các nước với nhau”.
>> Trung Quốc chỉ trích Mỹ tập trận ở Biển Đông
>> Trung Quốc đòi xử lý "khôn khéo" về Biển Đông
>> “Philippines sẽ đưa tranh chấp biển với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bác đề nghị của Manila.

Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nhắc lại “lập trường xuyên suốt của Trung Quốc là phản đối mọi hình thức quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”.

“Trung Quốc luôn luôn chủ trương là tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) nên được giải quyết thông qua thương lượng trực tiếp giữa các quốc gia trực tiếp liên quan... Mâu thuẫn cần được xử lý theo luật lệ quốc tế đã được công nhận”, người phát ngôn nói.

Philippines là một trong những quốc gia đã phản ứng mạnh trước thái độ bị đánh giá là quá đáng của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, và liên tiếp chủ trương đưa tranh chấp này ra trước quốc tế. Tháng 4 vừa qua, Manila đã chính thức phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông trước LHQ.

Tuần trước, nhân chuyến đi thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi hai bên cùng đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển để phân xử. Tòa án là một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập trong khuôn khổ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc lẫn Philippines đều đã ký kết.

Theo giới phân tích, nguyên nhân thúc đẩy Bắc Kinh bác bỏ việc đưa tranh chấp Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển xuất phát từ hai điểm. Trước hết, đó là vì đòi hỏi của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vững chắc, cho nên, nếu ra trước Tòa thì họ sẽ bị thua.

Một nguyên nhân khác là Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa khi chấp nhận thẩm quyền tài phán của một định chế quốc tế, mà chỉ muốn xử lý hồ sơ một cách song phương để dễ dàng dùng uy thế nước lớn gây sức ép trên các láng giềng.

Dư luận phương Tây cho rằng việc Trung Quốc hôm qua bác bỏ đề nghị của Philippines có thể được xem là một dẫn chứng mới về việc Bắc Kinh sẵn sàng phủ nhận giá trị của UNCLOS vì quyền lợi của riêng mình.

Việt Hà
TheoReuters, AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét