Một kinh tế gia Trung Quốc trở thành Phó tổng giám đốc IMF

RFI:
QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ -
Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Bẩy 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Bẩy 2011

Một kinh tế gia Trung Quốc trở thành Phó tổng giám đốc IMF
Tân Phó tổng giám đốc IMF Chu Dân nguyên là cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng giám đốc Strauss-Kahn. Ảnh chụp ngày 26/01/2011 tại Diễn đàn Davos.
Tân Phó tổng giám đốc IMF Chu Dân nguyên là cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng giám đốc Strauss-Kahn. Ảnh chụp ngày 26/01/2011 tại Diễn đàn Davos.
REUTERS/Vincent Kessler
Thụy My

Tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, hôm 12/07/2011đã chỉ định ông Chu Dân, nhà kinh tế từng là Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, làm Phó tổng giám đốc định chế này. Điều này được xem là sự công nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Ông Chu Dân vốn là cố vấn đặc biệt của ông Dominique Strauss-Kahn, người tiền nhiệm của bà Christine Lagarde. Việc ông Chu Dân được thăng chức cho thấy tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế muốn trao thêm quyền lực cho các quốc gia mới trỗi dậy. Từ trước đến nay, chưa có đại diện nào của Trung Quốc được giao một chức vụ lãnh đạo của tổ chức quốc tế này.

Trong một thông cáo, là Christine Lagarde cho biết : « Với chức vụ Phó tổng giám đốc, ông Chu Dân sẽ đóng một vai trò quyết định trong công việc của chúng tôi, cùng cộng tác với các thành viên khác và tôi để đảm bảo rằng IMF cảm thông hơn với châu Á và các thị trường mới phát triển ».

Ông Chu Dân sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 26/7. Được biết lâu nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ có hai Phó tổng giám đốc. Từ nay ông Chu Dân sẽ có vai trò ngang hàng với hai Phó tổng giám đốc đương nhiệm là ông Naoyuki Shinohara, người Nhật, và bà Nemat Shafik, người Mỹ gốc Ai Cập. Các Phó tổng giám đốc thường chủ trì các cuộc thương thảo về việc phân bổ các khoản tín dụng, khi Tổng giám đốc vắng mặt.

Bắc Kinh từ lâu vẫn đòi hỏi một chức vụ quan trọng trong IMF, nhưng vẫn bị ngáng chân bởi sự hiện diện của Phó tổng giám đốc người Nhật Naoyuki Shinohara. Như vậy từ nay châu Á có hai đại diện trong ban lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và một tại Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế, hiện do Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam làm chủ tịch.

Xin nhắc lại, trong chiến dịch tranh chức người đứng đầu IMF, bà Christine Lagarde có đi thăm Bắc Kinh và nhận được ủng hộ của Trung Quốc và các nền kinh tế mới trỗi dậy khác, trong đó có Ấn Độ, Brazil.

Bà Lagarde cũng chỉ định ông David Lipton, người Mỹ hiện là cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, làm tân Phó tổng giám đốc thứ nhất, tức nhân vật số hai của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông David Lipton sẽ thay thế ông John Lipsky khi ông này chấm dứt nhiệm kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét