Theo nguồn tin từ chính phủ, những nước nói trên gồm Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc thương thảo với những nước này về các thỏa thuận hợp tác hạt nhân vẫn chưa thu được kết quả nào kể từ sau thảm họa kép 11/3 kéo theo cuộc khủng hoảng điện hạt nhân Fukushima.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quyết định trên có thể bất lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, khiến họ bị loại khỏi cuộc đua tranh giành các hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các nền kinh tế mới nổi.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Hạ viện hôm 12/7, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng nước này cần từ bỏ chính sách năng lượng tăng tỷ trọng điện hạt nhân lên mức chiếm 53% tổng cung điện năng vào năm 2030, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào loại năng lượng này.
Trước cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% trong tổng cung điện năng của Nhật Bản.
Theo ông Kan, Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái sinh trong tổng cung điện năng của nước này lên 20% vào khoảng năm 2020, nhưng cũng thừa nhận rất khó đạt được mục tiêu trên ngay lập tức.
Ông Kan cho biết thêm chính phủ Nhật Bản sẽ nghiên cứu khả năng quốc hữu hóa các hoạt động sản xuất điện hạt nhân và dự kiến sẽ sớm công bố chính sách năng lượng mới.
Dịp này, Thủ tướng Kan nói rằng sẽ cần từ 10 tới 20 năm nữa trước khi hoàn tất công tác dọn sạch nhà máy Fukushima.
Trong khi đó, tin tức từ Tokyo cho biết nhà chức trách Nhật Bản có kế hoạch khử nhiễm xạ toàn bộ lãnh thổ thành phố Fukushima.
Thành phố Fukushima nằm cách nơi xảy ra tai nạn 50 km. Nhật Bản có kế hoạch thu dọn lớp đất bị ô nhiễm và khử các tòa nhà bằng vòi phun nước mạnh. Cư dân địa phương cũng sẽ nhận được những hướng dẫn về khử các chất phóng xạ trong nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét