Thứ Sáu, 15/07/2011, 13:39 (GMT+7)
TTO - Ngày 15-7, TAND quận Tân Phú, TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (30 tuổi, nguyên giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, quận Tân Phú) về hành vi “cố ý gây thương tích”.
Vụ cô Nữ xử phạt bé Lê Quang Vinh (5 tuổi) bằng cách nhốt bé vào thang máy chuyên dùng chở thức ăn tại trường mầm non vì bé không chịu ăn cơm khiến bé bị thương tích nặng đã gây bức xúc dư luận vào tháng 9-2010.
Rất đông người dân và cả giáo viên, đồng nghiệp của cô giáo Nữ tham dự phiên tòa. Bé Lê Quang Vinh, nạn nhân của cô giáo Nữ, cũng được cha mẹ đưa đến tòa với tư cách là người bị hại.
Nhốt để dọa cho trẻ ăn cơm nhanh
Tại phiên tòa, cô giáo Nữ tỏ ra ân hận và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo cô giáo, vụ việc xảy ra vào giờ cơm trưa 17-9-2010 của các bé lớp chồi. Sau khi chuẩn bị thức ăn cho các cháu, cô Nữ cùng một giáo viên chia lớp thành hai nhóm nam và nữ. Cô Nữ phụ trách nhóm nam gồm 23 bé, trong đó có bé Lê Quang Vinh (sinh tháng 12-2006, lúc đó chưa tròn 4 tuổi).
Do Vinh không chịu tự xúc cơm ăn như các bạn khiến cô Nữ phải nhắc nhở, xúc cơm vào miệng bé nhiều lần mà bé vẫn đẩy ra. Cô Nữ đã xốc nách Vinh đưa bé vào thang máy rồi bấm nút.
“Nóng giận vì cháu Vinh không chịu ăn, tôi định đưa bé vào thang máy để dọa bé thôi, nào ngờ…” - cô Nữ khai với tòa.
Cũng theo lời khai của cô Nữ, sau khi bế bé đưa vào thang máy, cô bấm nút thang đi xuống tầng 1 rồi đi bộ nhanh xuống theo để đón bé. Lúc mở cửa thang máy đã thấy cháu Vinh nằm trên sàn, người bê bết máu nên cô Nữ hốt hoảng đưa bé đi cấp cứu. Kết quả giám định cho thấy bé Vinh bị chấn thương tại vùng đầu, lóc da thái dương, rách da chỏm đầu, gãy xương đòn, mặt mũi và toàn bộ phần thân trước bị chà xát, chảy máu nhiều nơi…
Tòa hỏi cô Nữ có biết chức năng của thang máy chỉ để vận chuyển thức ăn mà không phải để chở người hay không, cô Nữ đáp biết nhưng không biết cấu trúc bên trong của thang máy có thể gây tai nạn cho cháu Vinh. Chỉ nghĩ rằng đưa bé vào trong đó cho bé sợ mà ăn ngoan hơn.
Cô giáo Nữ cúi mặt ngồi chờ tòa nghị án |
"Không phải là vô ý"
Trong suốt quá trình theo mẹ đến phiên tòa, sự vô tư, ngây thơ của bé Vinh đã khiến nhiều người dự khán phải động lòng. Cậu bé có khuôn mặt sáng sủa, nụ cười tươi tắn, hiếu động nhưng lại phải mang một vét sẹo dài hơn chục centimet ngay thái dương bên trái, một vết sẹo trắng to khác trên vùng chỏm đầu không mọc tóc được và nhiều sẹo nhỏ khác trên gương mặt.
Chị Dư Thị Thanh Thúy, mẹ bé Vinh, cho biết chị không thể nào quên hình ảnh khủng khiếp của con mình lúc đó. “Đầu cháu bị bóc, lột da, máu me khắp người, một con mắt bị trầy trụa...” - chị Thúy rưng rưng. Sau nhiều ngày cùng con chữa trị tại bệnh viên, vết thương trên cơ thể của cháu đã phần nào lành lặn, chỉ còn sẹo nhưng những chấn thương, ảnh hưởng về tinh thần, tâm lý của bé vẫn chưa được khắc phục.
Cha mẹ của Vinh cho biết sau tai nạn đó cháu rất sợ bóng tối, sợ hãi khi nghe chữ “cô” và kiên quyết không đi học. Gần cả năm qua cháu vẫn được chăm sóc tại nhà và có biểu hiện hiếu động, sử dụng bạo lực khi chơi với trẻ khác.
Dù rất đau lòng và giận cô giáo, tuy nhiên, trước phiên xử này cha mẹ của bé Vinh cũng đã gửi đơn bãi nại, xin tòa giảm án cho cô giáo Nữ. Phía gia đình cô giáo Nữ và nhà trường đã nhiều lần thương lượng, bồi thường chi phí chữa bệnh, thuốc thang cho gia đình cháu Vinh tổng cộng 140 triệu đồng. Vì thế, tại phiên tòa, cha mẹ bé Vinh không đề nghị cô Nữ bồi thường về dân sự nữa.
Bào chữa cho mình, cô Nữ và luật sư cho rằng chỉ là vô tình gây thương tích cho bé Vinh, đề nghị tòa xử về tội “vô ý gây thương tích”. Tuy nhiên, lời bào chữa này đã không được tòa chấp nhận.
Tòa cho rằng bản thân cô Nữ phải hiểu và có thể nhận thức được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra với bé Vinh do việc nhốt bé vào trong thang máy không an toàn, chỉ dùng để chuyên chở thực phẩm. Tuy nhiên, vì nóng giận với bé mà cô giáo vẫn cứ làm, bất chấp hậu quả xảy ra. Tòa đồng ý với quan điểm truy tố của VKSND quận Tân Phú rằng cô Nữ phạm tội “cố ý gây thương tích”.
Cho rằng hành vi của cô Nữ đã xâm phạm sức khỏe của cháu Lê Quang Vinh trong khi cháu mới chỉ là đứa trẻ 4 tuổi chưa có khả năng tự vệ nên là một tình tiết tăng nặng. Việc cô giáo có hành vi bạo hành, xử phạt trẻ bằng cách nhốt trẻ trong thang máy, gây thương tích nặng là hành động phản giáo dục, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục, bị dư luận lên án.
Tòa cũng cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ của cô Nữ như nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, đã ăn năn hối cải và khắc phục phần nào hậu quả phạm tội nên đã quyết định tuyên án 4 năm tù đối với Trần Thị Xuân Nữ.
CHI MAI
TIN BÀI LIÊN QUAN
"Vô tình trở thành tội nhân"
15/07/2011 4:25:11 CH
Tôi cũng đồng tình với nhiều bạn đọc về xử án cô Nữ so với vụ việc ở Bình Dương bảo mẫu cố tình tạt và trấn nước các bé. Cô Nữ có tội thì phải chịu tội vì thiếu hiểu biết và nóng nảy, tuy nhiên với 4 năm tù thì có nặng quá không?
Hoang Vuong
15/07/2011 4:24:25 CH
Lúc chưa khởi tố thì tất cả đều căm phẫn cho hành vi không thể tin được của người gọi là nhà giáo. Nhưng sau khi toà phán quyết lại cảm thấy động lòng???
Một bạn đọc
15/07/2011 3:55:56 CH
Minh Anh
15/07/2011 3:22:45 CH
Đây là một bản tin nóng của ngành giáo dục vào tháng 9/2010 và tình tiết của sự việc thì tôi xin không lặp lại. Tuy nhiên, khi đọc bản tin này mà tôi thấy xót xa cho cho Nữ. Tôi chắc chắn một điều rằng không vì cố ý mà cô Nữ có hành động như trên.
Có tội thì phải chịu tội nhưng hình phạt 4 năm tù với tội CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH thì không ổn, được cái lý nhưng thiếu cái tình.
Rồi đây khi hết hạn tù, cô Nữ có lẽ sẽ chẳng bao giờ tự tin khi làm cô giáo nữa rồi. Bởi vì việc xử án với mục đích cao nhất không phải để trừng phạt mà để giúp người phạm lầm biết hối lỗi và có cơ hội sửa lỗi.
Nguyễn Hoàng Phong
15/07/2011 3:00:12 CH
võ hồng hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét