Trung Quốc ngụy tạo chủ quyền ở biển Đông

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :9:32 AM, 15/07/2011

Hơn nửa thế kỷ nghiên cứ địa lý và lịch sử, nhà nghiên cứ Nguyễn Đình Đầu có một bộ sưu tập bản đồ Việt Nam lên tới hàng nghìn tấm. Những tài liệu này giúp giải mã rất nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý Việt Nam. Trước những tuyên bố trắng trợn của Trung Quốc về đường lưỡi bò và chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, học giả nổi tiếng này đã có cuộc trả lời phỏng vấn.

Hành động sai với công pháp quốc tế.

PV: Được biết, ông là người có rất nhiều bản đồ cổ - là kho tư liệu quý để xác định chủ quyền Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hành vi gây hấn của tàu Trung Quốc?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Các tàu di thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 đã quy định rất rõ ràng như thế.

Tôi không hiểu tại sao Trung Quốc lại không tôn trọng luật pháp Quốc tế như thế. Hiện nay có thể nói, Trung Quốc là một siêu cường trên thế giới nhưng cách hành xử của họ thật đáng ngại. Thứ nhất đó là hành động sai với công pháp Quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam với Trung Quốc là hai nước láng giềng từ xưa tới nay. Tuy có những sự va chạm nhỏ nhưng có thể coi là hai nước thân thiết với nhau. Việc tàu Trung Quốc lại có những hành động xâm phậm nghiêm trọng chủ quyền, tài sản của Việt Nam như vậy làm tôi rất ngạc nhiên.

Tôi là người có nghiên cứu về văn hóa cổ, tôi rất kính trọng Trung Quốc. Trước cái hôm tàu Trung Quốc gây hấn lần thứ 2, buổi chiều tối ngày 4/6, khi chứng kiến một vận động viên nước bạn giành cúp vô địch thế giới về quần vợt, tôi đã rất thán phục và muốn chia sẻ niềm vui ấy với dân tộc Trung Quốc.

Nhưng chuyện một nước siêu cường về mọi phương diện như thế mà lại có hành động như vậy thì tôi nghĩ là không xứng tầm.

PV: Với những tấm bản đồ trong tay, ông nhận định như thế nào về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Thứ nhất, những bản đồ cổ không những của Tây phương và thậm chí những bản đồ từ thế kỷ 15 của chính Trung Quốc đều nói là biển Giao Chỉ tức là biển của Việt Nam. Đến thế kỷ XIX và XX, họ mới bắt đầu gọi là Đông dương tức là Biển Đông.

Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: Pháp luật TPHCM
biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy tên gọi biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước.

Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.

Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

Đến giữa thế kỷ XX, Trung Quốc vẽ lên cái bản đồ có đường lưỡi bò.

Tôi chỉ có hơn trăm cái bản đồ, tôi nghĩ là trên thế giới còn có hàng ngàn cái bản đồ nhưng do điều kiện đi lại nên tôi không thể sưu tầm hết được. Trong tất cả những bản đồ mà tôi nghiên cứu thì không thấy một cái bản đồ nào của phương Tây nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của nước nào khác mà đều nói là của Việt Nam. Sử liệu ghi rõ, biển Hoàng Sa, Trường Sa là biển Giao Chỉ gần Trung Quốc.

PV: Với những tấm bản đồ trong tay thì ông có thể cho biết, Hoàng Sa và Trường Sa được khai phá từ khi nào?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Trên bình diện quốc tế, thế giới chỉ mở rộng ra sau khi phát hiện ra Châu Mỹ nên họ tiếp tục đi sang Châu Á tức là miền Đông của Ấn Độ. Họ bắt đầu phát hiện ra bờ biển Việt Nam từ năm 1523. Đến năm 1525, họ bắt đầu vẽ Hoàng Sa, Trường Sa.

Những nhà địa lý,lịch sử thế giới khi đó đã nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bằng cách họ ghi: bờ biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong mấy trăm bản đồ mà tôi được nghiên cứu, tiếp xúc, không có một bản đồ nào nói là bờ biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay của Malaixia, hay Philippin…

Tất cả các bản đồ đó đều vẽ nhất loạt na ná như nhau. Quan trọng nhất là trên các bản đồ đó ghi tên đảo, tên biển là gì và ở đâu thì đều nói là ở Việt Nam. Nếu có một hoặc hai cái bản đồ thì còn nói là có sự nhầm lẫn. Đằng này, tất cả các bản đồ và trong suốt 5 thế kỷ liền đều ghi là của Việt Nam.

Về sau thì có những sự hiểu lầm, trước nói là Giao Chỉ gần Trung Quốc sau đó họ bỏ chữ Giao Chỉ đi thì thành ra biển Trung Quốc thôi. Mà bản thân Trung Quốc khi vẽ các bản đồ thì không bao giờ nói là đó là biển Trung Quốc. Điều này được chứng minh cụ thể bằng các hình ảnh, bản đồ một cách rất rõ ràng.

PV: Cá nhân ông còn có tài liệu, bản đồ nào chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chưa được công bố?

Nguyễn Đình Đầu: Trong số những chứng cứ của Việt Nam đưa ra nhằm khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo, có nhiều tài liệu là công trình nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên, có một số tài liệu còn chưa đưa ra, chúng ta còn giữ làm tin. Nhưng cũng phải nói rõ, những cái đã công bố rồi đều khẳng định những tư liệu đó chính xác, chủ quyền Việt Nam xác lập trên hai quần đảo đó là không thể chối cãi.

Ngay cả trong ca dao bao đời nay của dân tộc cũng đã nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Thế thì biển Đông đó là cái gì? Đó sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam về biển và các quần đảo rất rõ ràng.

Tôi nghĩ là không chỉ để cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ mà chúng ta phải làm cho cả nhân dân thế giới hiểu. Có một thực tế, ngay cả trên thế giới cũng có nhiều người hiểu nhầm. Đã đến lúc phải tiếp tục đưa ra những bằng chứng đó.

Tôi tiếc là bao lâu nay chúng ta chưa chú ý thu thập tư liệu của người khác viết về mình, người ta công nhận chủ quyền của ta tại hai quần đảo đó không những bằng bút tích, văn bản cổ mà còn bằng các bản đồ cổ một cách toàn diện.

Với những bằng chứng mà tôi nghiên cứu, thu thập được đã khẳng định một cách chắc chắn và toàn diện, tổng thể về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông cũng như đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

PV: Xin ông nói cụ thể hơn…

Ông Nguyễn Đình Đầu: Tôi có những bản đồ gốc rất quý và là nguyên bản, khi đưa ra thì ai cũng phải công nhận đó là những tư liệu khảo cổ. Tôi lấy thí dụ bản đồ của Pháp vẽ có hai trạm khí tượng một ở Hoàng Sa và một ở Trường Sa nằm trong hệ thống khí tượng Quốc tế. Đây là tài liệu không ai có thể chối cãi được vì nó là bản đồ quốc tế.

Chúng ta còn có hàng trăm những tài liệu như thế, rất chính xác. Và còn những tài liệu cổ viết bằng chữ cổ và chữ các nước khác thì không thể nói là của Trung Quốc được.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về những chứng cứ mà người Trung Quốc đưa ra để khẳng định 2 quần đảo trên của họ?

Nguyễn Đình Đầu: Trung Quốc đã chuẩn bị 50 – 70 năm nay nhằm đưa ra những chứng cứ nói rằng Trường Sa, Hoàng Sa hay phần lớn biển Đông là của họ. Chủ quan tôi thấy rằng, tài liệu mà Trung Quốc công bố gần đây thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại sự hòa hiếu, tình hữu nghị giữa hai nước là láng giềng với nhau từ bao đời nay.

Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình, không có tinh thần xâm chiếm ai cả. Với tư cách là một siêu cường, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động đó.

Các nhà hiền triết đã từng nói: “Tứ hải giai huynh đệ” tức là người trong bốn bể đều là anh em. Vậy mà Trung Quốc lại cư xử như thế thì tôi rất buồn. Tôi nghĩ những người cư xử như vậy là những người không có tinh thần cao, hiểu biết cao về lịch sử.

Cũng phải nói lại, những chứng cứ, tài liệu mà Trung Quốc đưa ra đó, thì không có một cơ sở nào cả. Tôi có bản đồ cổ của Trung Quốc, do chính người Trung Quốc vẽ cho thấy cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Vậy hà cớ gì, nay lại cho rằng biển Đông là của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Điều đó là hết sức sai trái về mặt khoa học. Và điều đó là không bao giờ, ít nhất là từ 5 thế kỷ nay rồi.

Tất cả những bản đồ của Trung Quốc và phương Tây vẽ đều không bao giờ nói là biển Đông nằm trong địa giới của đảo Hải Nam.

Theo Giáo dục Việt Nam


Trung Quốc tuyên bố rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết theo con đường song phương giữa lúc các giải pháp đa phương được nhiều quan chức Đông Nam Á thúc đẩy. Các quan chức này sẽ tham dự Diễn đàn an ninh khu vực ở Bali, Indonesia vào cuối tuần này.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, quan điểm của chính phủ nước này về Biển Đông “là rõ ràng và nhất quán”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: ibtimes
“Trung Quốc luôn luôn duy trì quan điểm, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan trực tiếp”, ông Hồng nói trong cuộc họp báo mà nội dung được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Vị phát ngôn này đưa ra tuyên bố trên nhằm phản ứng với đề xuất của Philippines để đưa vấn đề tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển.

Trong cuộc họp báo ở Manila sau chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, ông đã đưa ra đề xuất liên quan tới quần đảo Trường Sa với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh khi hai bên gặp nhau. "Tôi đề xuất cần đi tới Tòa án Quốc tế về Luật biển", ông Del Rosario nói.

"Philippines đã chuẩn bị để bảo vệ quan điểm của mình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, của Công ước LHQ về Luật Biển và chúng ta đã yêu cầu họ nếu họ sẵn sàng làm như vậy”.

Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương hơn là đa phương, một chiến lược mà các nhà phê bình mô tả là cách thức “chia để trị”.
"Tôi không nghĩ rằng quan điểm của họ đã thay đổi”, ông del Rosario nhấn mạnh. "Trung Quốc duy trì cách tiếp cận song phương. Họ muốn vấn đề được thảo luận chỉ giữa các bên tuyên bố chủ quyền, chứ không phải ở một diễn đàn quốc tế”.

Hồi đầu tháng này, báo chí Philippines đã đưa tin, Mỹ và Philippines sẽ thúc giục ARF giải quyết những căng thẳng hiện tại xung quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi diễn đàn khai mạc.

Là một diễn đàn an ninh quan trọng, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ có thể là chủ đề chính tại ARF", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas cũng nhất trí rằng, ARF “là cơ hội tuyệt vời để giải quyết xung đột ở Biển Đông”.

Từ 16-18/7, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN ở Bali, Indonesia, sẽ là nơi tập trung ngoại trưởng của 27 nước gồm các nước thành viên ASEAN và những đối tác khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Diễn đàn nhằm mục đích tăng cường sự tham gia khu vực "thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa".

Các quan chức tham dự diễn đàn sẽ không chỉ đề cập tới tranh chấp Biển Đông mà còn nói tới những nguy cơ đe dọa an ninh khu vực như khủng bố, cướp biển, buôn người, an ninh hàng hải…

  • Thái An (Theo gmanews)


baodatviet.vn:
Cập nhật lúc :4:51 PM, 15/07/2011

Trong 50 ngày qua, kể từ sự kiện ngày 26/5 tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách mũi Đại Lãnh 120 hải lý, Biển Đông nổi sóng với các cuộc tập trận hải quân và vùng biển này trở thành phép thử về chiến lược, sách lược của Trung Quốc, cũng như về quan điểm, thái độ của tất cả các bên liên quan.

Phép thử và ba kết quả

Về phía Trung Quốc thấy rõ ba điểm.

Một, Trung Quốc xác định Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” và “tiền duyên” của cuộc tranh bá trên các vùng biển Đông Á. Vụ Bình Minh 02 bộc lộ việc Trung Quốc triển khai chiến lược Biển Đông sang giai đoạn mới áp đặt “đường lưỡi bò” và thăm dò khai thác dầu khí vùng biển sâu, trọng tâm là vùng Trường Sa – Nam Biển Đông. Chỉ lệnh tháng 4.2011 của bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra bốn nguyên tắc chỉ đạo đấu tranh trên các lĩnh vực, “tăng cường công tác trực ban tại các đảo thuộc chủ quyền cũng như tại vùng biển gần các đảo này”. Ngày 10.6, bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tổ lãnh đạo xử lý sự kiện khủng hoảng Biển Đông gồm 11 nhân vật trọng yếu, do phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình làm tổ trưởng, có chức trách, nhiệm vụ “xử lý quyết sách ngay phút đầu xảy ra sự kiện bất ngờ và thay đổi tình hình quân sự ở khu vực tiền duyên Biển Đông”.

Cuộc tập trận hải quân vừa diễn ra giữa Mỹ – Nhật – Úc tại Biển Đông là hoạt động phối hợp đầu tiên giữa ba nước, nằm trong tầm nhìn kiềm chế phòng ngừa đối với Trung Quốc.
Biển Đông như vậy đã thành sự đặt cược chính trị lớn khi nhiều nhân vật chóp bu của thế hệ lãnh đạo thứ năm trực tiếp xử lý vấn đề này. Dư địa thoả hiệp từ phía Trung Quốc càng thu hẹp trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Người thử thách khả năng thoả hiệp của Bắc Kinh không ai khác là ngoại trưởng Philippines ông Del Rosario. Sau chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 7 – 9.7, ông nhận xét: “Trung Quốc vẫn không thay đổi lập trường khi cho rằng nước này có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và vùng biển Tây Philippines”.

Hai, dư luận nội bộ Trung Quốc hình thành hai loại quan điểm: phái cứng rắn và phái thực tiễn, tìm cách giải quyết tranh chấp. Quan điểm thực tiễn, theo lời cựu thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Kiến Dân, Trung Quốc không nên hễ động đến lợi ích cốt lõi là “đánh đánh, giết giết”, kiên quyết phản đối Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông, việc làm này chỉ khiến có thêm nhiều người nguyền rủa, thậm chí căm hận Trung Quốc. Ông này cho rằng khả năng Trung Quốc khai chiến gần đây có chiều hướng tăng, nhưng về tổng thể vẫn không xảy ra chiến tranh.

Ba, lập trường của Trung Quốc về giải quyết vấn đề Biển Đông bộc lộ hai điểm mơ hồ lớn về “đường lưỡi bò” và “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Vén màn sương mờ chiến lược

Trước dư luận thế giới, xuất hiện hình ảnh Trung Quốc “nói một đường làm một nẻo”, “kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu”. Điều không được chấp nhận là ở thế kỷ 21 một quốc gia còn tìm cách áp đặt “học thuyết Monroe”, với đòi hỏi 85% diện tích Biển Đông, cự tuyệt mọi sự can dự đa phương và bên ngoài, làm suy yếu chế độ pháp lý quốc tế cho một trật tự toàn cầu mới. Đòi hỏi này sẽ xâm phạm 75% vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam và với Philippines, theo lời của Tổng thống Benigno Aquino ngày 5.7, nếu người Philippines “cam chịu bị nước lớn bắt nạt thì có lẽ ngày mai, 7.100 hòn đảo của Philippines sẽ chỉ còn lại vài chục”.

Nhưng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam hay Philippines mà tác động đến nhiều quốc gia khác. Vì vậy, hành động gây hấn của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và làm cho nước này bị cô lập hơn nữa.

Người đeo chuông ắt phải là người tháo chuông. Nhưng tình thế Trung Quốc hiện nay muốn giải quyết cũng khó giải quyết. Thành ra cứ phải bám giữ lập trường cũ.

Mỹ là đối tượng tranh thủ chủ yếu của Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Mục tiêu trước hết của hoà hoãn mới là giữ Mỹ đứng trung lập trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, và những gì diễn ra sau các cuộc đối thoại chiến lược kinh tế quân sự Mỹ – Trung tại Washington hồi tháng 5 cho thấy Trung Quốc đã phần nào thành công. Nhưng trước các hành động gây hấn quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ trở lại lập trường “can dự”.

Cuộc tập trận hải quân vừa diễn ra giữa Mỹ – Nhật – Úc tại Biển Đông là hoạt động phối hợp đầu tiên giữa ba nước, nằm trong tầm nhìn kiềm chế phòng ngừa đối với Trung Quốc. Nó cho thấy các nước lớn đã không bị đẩy vào sự chập chững, mơ hồ về chiến lược.

Mặc dù Trung Quốc ra sức khẳng định tôn trọng tự do thông thương hàng hải quốc tế tại Biển Đông, nhưng sự leo thang của họ đã gây phản tác dụng. Các nhà phân tích cho rằng một khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp đặt luật chơi của họ đối với vùng biển Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Vai trò Mỹ như một cường quốc hàng hải, một “quốc gia Thái Bình Dương” như lời Tổng thống Mỹ Barack Obama, sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Nga – một cường quốc hàng hải, và Ấn Độ – một quốc gia hàng hải đang trỗi dậy, cũng không ngồi nhìn Trung Quốc đặt mọi sự trước việc đã rồi. Cho nên chủ tịch hội đồng tham mưu Liên quân Mỹ, đô đốc Mullen, ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh trong cuộc đi thăm đáp lễ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông khi khẳng định: “Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi ở khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng với các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, và chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy”.

Trung Quốc một mặt phê phán sự can dự của Mỹ tại Biển Đông, mặt khác vẫn ra sức tranh thủ Mỹ, chủ động thúc đẩy cơ chế an ninh quân sự Mỹ – Trung nhằm gắn kết một mắt xích còn khuyết trong quan hệ chiến lược Mỹ – Trung. Trung Quốc hẳn đang thực hiện phương châm Mao Chủ tịch nêu ra 40 năm trước khi Trung – Mỹ bắt đầu cuộc hoà hoãn đầu tiên: “Đánh vẫn cứ đánh, đàm vẫn cứ đàm, hoà vẫn cứ hoà”. Kéo dài hoà hoãn với Mỹ để có thêm thời gian củng cố thực lực quân sự tiến tới đẩy hải quân Mỹ ra khỏi các vùng biển Tây Thái Bình Dương. Biển Đông nằm trong ván bài ngửa của quan hệ an ninh quân sự Mỹ – Trung cũng như cuộc cạnh tranh quyền chủ đạo trên biển.

Trước những bất trắc khôn lường tại Biển Đông, mỗi quốc gia liên quan sẽ tuỳ vào vị trí địa – chiến lược của mình mà hành xử. Nhưng tăng cường thực lực và tự cường dân tộc vẫn là mấu chốt cho việc bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp.

TS Nguyễn Ngọc Trường/Sài Gòn tiếp thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét