Mỹ, Trung bất đồng quân sự sâu sắc

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 16/07/2011, 07:54 (GMT+7)

Đô đốc Mỹ Mike Mullen: Mỹ, Trung bất đồng quân sự sâu sắc

TT - Trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - đô đốc Mike Mullen và các quan chức quân đội Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự hai nước. Thế nhưng khi vừa rời Bắc Kinh, đô đốc Mullen khẳng định hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt.

Đằng sau cái bắt tay thân thiện giữa đô đốc Mike Mullen và tướng Trần Bính Đức là sự nghi kỵ sâu sắc - Ảnh: Reuters

Theo Fox News, tại cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật), nơi ông kết thúc chuyến thăm châu Á, đô đốc Mullen cho biết các cuộc đối thoại giữa ông và giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc “nhìn chung là tích cực”.

Chuyến thăm của ông Mullen là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo quân đội Mỹ đến Trung Quốc trong vòng bốn năm qua. Mục tiêu là thúc đẩy trao đổi, đối thoại nhằm giảm căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước về việc Trung Quốc ồ ạt tăng cường sức mạnh quân sự.

Còn một quãng đường dài

Đô đốc Mullen cho biết ông hài lòng về việc trao đổi với tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức, nhưng thừa nhận chuyến thăm đã phơi bày những bất đồng sâu sắc giữa hai nước.

“Vẫn còn một quãng đường rất dài - Fox News dẫn lời đô đốc Mullen - Sự khác biệt giữa hai bên là quá lớn”.

Những dấu hiệu của sự bất đồng thể hiện rất rõ. Trong cuộc gặp hôm 11-7, như Tân Hoa xã đưa tin, ông Trần Bính Đức chỉ trích Washington đã đổ quá nhiều tiền vào quân đội dù đang đối mặt với suy thoái kinh tế.

Ông Trần cho rằng Mỹ đã thổi phồng “mối đe dọa Trung Quốc” bởi cho rằng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ xét về sức mạnh quân sự. Ông Trần khẳng định Trung Quốc đầu tư vào quốc phòng vì mục đích tự vệ. Tuy nhiên, đô đốc Mullen đã tỏ rõ sự nghi ngờ khi nhấn mạnh: “Hãy còn quá sớm để nói Trung Quốc sẽ đi đến đâu với sức mạnh quân sự của họ. Họ nói đầu tư quân sự mang mục đích tự vệ. Chúng ta hãy chờ xem sao”.

Theo đô đốc Mullen, các hành động của Bắc Kinh thời gian qua, đặc biệt trên biển Đông, đã gây quan ngại về ý đồ quân sự của Trung Quốc. Không chỉ gây căng thẳng với Việt Nam và Philippines trên biển Đông, Trung Quốc còn xung đột với Nhật và Hàn Quốc về vấn đề lãnh hải.

Ông cho biết Washington lo ngại việc Trung Quốc phát triển công nghệ tên lửa, vệ tinh quân sự và các hoạt động của Bắc Kinh trên mạng Internet. “Mỹ sẽ không đi đâu cả - ông Mullen khẳng định như đã nói với các quan chức Trung Quốc - Chúng tôi đã hoạt động trên biển Đông nhiều thập niên qua và chúng tôi sẽ tiếp tục điều đó”.

Một cuộc đối đầu “lạnh”?

Báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia quân sự quốc tế bình luận sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Gần đây, quân đội Trung Quốc công bố sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, cho bay thử máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên và đang đóng thế hệ tàu ngầm mới. Quân đội Trung Quốc thừa nhận đang phát triển loại tên lửa có khả năng bắn tàu địch từ khoảng cách xa gần 2.000km.

Các chuyên gia phân tích Mỹ xác định việc Trung Quốc tăng cường đầu tư quân sự nhằm cạnh tranh với sức mạnh quân sự Mỹ trên Thái Bình Dương, chống lại hạm đội 7 của hải quân Mỹ vốn đã thống trị Thái Bình Dương hơn nửa thế kỷ qua. “Mỹ không muốn có một kẻ thù như kiểu Liên Xô - New York Times dẫn lời chuyên gia Bonnie S.Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington - Nhưng Mỹ phản ứng với việc Trung Quốc không minh bạch về ý đồ và mục tiêu của họ”. Nhiều nhà quan sát cho rằng vũ khí của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích tấn công các mục tiêu Mỹ.

Trong khi đó, phía quân đội Trung Quốc và giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng Mỹ muốn cản trở Trung Quốc trên con đường trở thành một siêu cường khi Mỹ đưa phần lớn tàu sân bay từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ quân sự với Singapore và Úc, thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ, đối thủ lớn của Trung Quốc ở châu Á, và muốn can thiệp vào xung đột trên biển Đông...

“Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” - New York Times dẫn lời chuyên gia Dennis J.Blasko. Một số nhà quan sát Mỹ bi quan cho rằng chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ngăn cản cơ hội hợp tác quân sự và ngoại giao thật sự. Một số thậm chí còn dự báo Mỹ và Trung Quốc có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang như thời chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế khi đang dư thừa tiền bạc để mua vũ khí, trong khi Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

HIẾU TRUNG



Thứ bảy, 16/7/2011, 14:18 GMT+7
Mỹ vẫn lo ngại trước căng thẳng ở Biển Đông

Đô đốc Mỹ Mike Mullen hôm qua tuyên bố Washington tiếp tục quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng vì những tranh chấp ở Biển Đông.
Đô đốc Mike Mullen
Đô đốc Mike Mullen phát biểu trong buổi lễ trao huân chương tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo hôm qua. Ông nhận được vinh dự này từ Nhật hoàng Akihito nhờ những đóng góp cho quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: AFP

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho hay chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tuần của ông rất có hiệu quả. Tuy nhiên, theo VOA, ông đồng thời nhấn mạnh rằng Washington muốn tiếp tục thể hiện sự quan ngại trước những động thái của Bắc Kinh, nhất là về việc nước này tăng cường sức mạnh quân sự.

Tuyên bố này được ông Mullen đưa ra khi tới thăm Nhật Bản. Ông sẽ ghé thăm vùng bị thảm họa động đất sóng thần tàn phá hôm 11/3. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã tham gia cứu hộ nhân đạo sau thảm họa này.

Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Mullen đã ghé qua một số cơ sở quân sự của nước này và có cơ hội hiếm hoi được tận mắt xem các tàu ngầm cũng như tên lửa hạt nhân của cường quốc mới nổi.

Phát biểu sau chuyến thăm, ông Mullen nhấn mạnh rằng việc xây dựng mối quan hệ quân sự - quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cần thiết, nhưng hiện nay những khác biệt vẫn còn rất lớn, theo AP.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm Trần Bỉnh Đức ở Bắc Kinh, đô đốc Mullen nhận từ Trung Quốc lời phàn nàn về quan điểm của Mỹ cho rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với hòa bình tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng từ cuối tháng 5 sau một loạt va chạm giữa các tàu của Trung Quốc với các tàu của Việt Nam và Philippines. Việt Nam tuyên bố những hành động của phía Trung Quốc nằm trong toan tính biến yêu sách đường 9 đoạn thành hiện thực.

Trong khi đó, Philippines thậm chí còn đòi đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc. Trong một động thái khác, Philippines cùng Mỹ tổ chức cuộc tập trận hải quân chung tại vùng biển Sulu, gần Biển Đông. Trong cuộc gặp với đô đốc Mullen hồi đầu tuần, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho rằng cuộc tập trận của Mỹ cùng Philippines diễn ra trong thời điểm không phù hợp.

Cuộc họp của các bộ trưởng ASEAN cuối tuần này dự kiến sẽ bàn bạc về vấn đề Biển Đông. Báo chí Nhật cho hay theo tài liệu dự thảo tuyên bố chung mà họ có được, văn bản này đề cập đến việc các nước muốn sớm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc đối với các bên liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông.

Phan Lê


bbc.co.uk
Cập nhật: 08:53 GMT - thứ bảy, 16 tháng 7, 2011
Đô đốc Mike Mullen (Hình: AP)

Đô đốc Mike Mullen phát biểu trong buổi họp báo ở Tokyo.

Quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ, người kết thúc không lâu chuyến thăm Trung Quốc và mới tới Nhật Bản, cho biết khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là rõ rệt và "hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn" là điều cần thiết nếu hai bên muốn phát triển một mối quan hệ tin cậy.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, phát biểu tại Tokyo hôm thứ Sáu, cho hay ông tin rằng chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc đã giúp cải thiện giao tiếp và các mối quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và cường quốc châu Á đang phát triển nhanh chóng này.

Thế nhưng lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ nói thêm rằng sự tăng trưởng sức mạnh quân sự củaTrung Quốc là một vấn đề "quan ngại nghiêm trọng."

Và ông Mullen cũng cho rằng "hiện vẫn còn quá sớm" để nhận định liệu việc tăng tốc quân sự của Trung Quốc chỉ để phục vụ "mục tiêu đơn thuần là quốc phòng" hay không, như tuyên bố của quốc gia cộng sản này.

Ông Mullen đến thăm Nhật Bản sau khi ở thăm gần bốn ngày tại Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã đưa ra các nhận xét trên tại một cuộc họp báo ở Nhật Bản sau chuyến thăm Trung Quốc và đồng minh ở khu vực, Hàn Quốc.

'Chặng đường dài'

Đô đốc Mike Mullen (Hình: AP)

Đô đốc Mullen thăm các đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Hình: AP.)

Đề cập đến Trung Quốc, tướng Mullen nói: "Chúng tôi bắt đầu xây dựng một mức độ tin cậy. Hiện vẫn còn cả một chặng đường dài."

"Tôi hiểu rõ điều đó. Và tôi không hề ảo tưởng rằng chúng tôi đã hàn gắn được một thứ gì đó như là quan hệ đối tác với Quân Giải Phóng Nhân dân TQ (PLA,)

"Có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó.

"Sự khác biệt giữa chúng tôi vẫn còn lại một cách hoàn toàn, nhưng việc thiết lập một mối quan hệ phải bắt đầu ở một điểm nào đó."

Trước đó, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc phê phán việc Hoa Kỳ có những cuộc tập trận chung ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ Mike Mullen ở Bắc Kinh, Tướng Trần Bỉnh Đức có vẻ ám chỉ các cuộc tập trận hải quân gần đây của Mỹ với Philippines, Nhật và Úc.

Tại cuộc họp báo hôm 11/7, Tướng Trần Bỉnh Đức nói các cuộc tập trận chung là "không phù hợp".

Ông Mike Mullen là tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ năm 2007 và chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh mà các nhà báo nói là quan hệ quân sự giữa hai bên lại một lần nữa bị thử thách qua vấn đề Biển Đông.

Trước chuyến thăm các nước khu vực Đông Á của ông Mullen không lâu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, từng cảnh báo hồi tháng Sáu rằng các cuộc đụng độ có thể nổ ra ở trong vùng Biển Đông, trừ khi các quốc gia có tranh chấp lãnh hải, thông qua được một cơ chế giải quyết tranh chấp của họ một cách hòa bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét