Nhà phân tích lão luyện của CIA dành gần một thập kỷ qua 4 đời giám đốc cơ quan này để lần theo dấu trùm Al-Qaeda. Thân phận ông không được tiết lộ cả khi Bin Laden đã bị tiêu diệt, dù quan chức này đứng sau toàn bộ chiến dịch.
Sau khi đặc vụ SEAL của hải quân tiêu diệt Osama bin Laden hồi đầu tháng 5/2011, Nhà Trắng tung ra một bức ảnh chụp Tổng thống Barack Obama và nội các trong Phòng Tình huống đang chăm chú theo dõi chiến dịch trên màn hình. Không xuất hiện trong bức ảnh và đứng ngay bên ngoài khuôn hình nổi tiếng này là một nhà phân tích lão luyện của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trong cuộc săn lùng trùm khủng bố bị tróc nã gắt gao nhất thế giới suốt nhiều năm, không ai đóng vai trò quan trọng hơn nhà phân tích trên. Công việc chính của ông trong suốt gần một thập kỷ qua là truy tìm các dấu vết của trùm mạng Al-Qaeda. Chính ông là người đầu tiên của CIA khẳng định đã lần ra manh mối của Osama bin Laden, hồi mùa hè năm ngoái.
Trong nhiều năm, quan chức trên giám sát tất cả những manh mối dẫn tới việc lần ra nơi ẩn náu của Bin Laden tại thị trấn Abbottabad, Pakistan. Ông nằm trong số những tiếng nói đáng tin cậy nhất đã khẳng định với Tổng thống Obama rằng Bin Laden có thể đang ẩn sau các bức tường của ngôi nhà ở Abbottabad khi mọi việc còn chưa rõ ràng.
Tổng thống Barack Obama và nội các trong Phòng tình huống Nhà Trắng theo dõi chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Chuyên gia John có mặt tại đây nhưng không xuất hiện trong bức ảnh. Ảnh: White House. |
CIA không cho chuyên gia trên được phép nói chuyện với báo chí, nhưng hãng tin AP đã gặp được ông để biết về câu chuyện dẫn đến thành công lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. CIA cũng không cho phép đăng tên đầy đủ của nhà phân tích này cũng như chi tiết về lai lịch của ông vì sợ sẽ trở thành mục tiêu trả thù. Do đó, ông được gọi là John, theo tên đệm của mình.
Năm 2003, John vốn dày dạn kinh nghiệm trong Phòng phụ trách địa bàn Nga và khu vực Balkan của CIA đã cùng với hàng trăm người khác được bổ sung vào Trung tâm chống khủng bố, nhằm tăng cường hoạt động cho cơ quan cũng của CIA này sau vụ tấn công 11/9/2001.
Từ năm 2003 đến 2005, John đóng vai trò hàng đầu đằng sau hàng loạt vụ bắt giữ những nghi phạm khủng bố như Abu Zubaydah, Abd al-Nashiri, Khalid Sheik Mohammed, Ramzi bin Alshib, Hambali và Faraj al-Libi. Tuy nhiên, tất cả những cái tên cộm cán này đều không thể so sánh với Osama bin Laden, mục tiêu mà trung tâm của John luôn hướng tới.
Bin Laden đã lọt lưới lực lượng Mỹ tại vùng núi Tora Bora ở Afghanistan năm 2001 và CIA tin rằng ông ta chuyển sang ẩn náu tại khu vực bộ lạc hẻo lánh ở Pakistan. Năm 2006, CIA mở chiến dịch Cannonball nhằm lập các cơ sở tại khu vực này để tìm Bin Laden. Nhưng dù CIA đổ nhiều tiền bạc và thời gian, dấu vết Bin Laden vẫn bặt vô âm tín.
Thời điểm 2006, CIA đã thay đến giám đốc thứ ba kể từ sự kiện 11/9/2001. Những lãnh đạo trực tiếp của John cũng lần lượt nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác, trong khi ông vẫn tiếp tục công việc cũ là truy tìm dấu vết Bin Laden với sự kiên nhẫn nổi tiếng. CIA từng có ý định đề bạt và chuyển John đi bộ phận khác, nhưng ông vẫn muốn tiếp tục theo đuổi vụ Bin Laden.
Phương pháp làm việc của John là kiểm tra đi kiểm tra lại mọi khía cạnh trong cuộc sống của Bin Laden để lần tìm manh mối. Ông ta đã sống thế nào khi ẩn náu tại Sudan hay những ai vây quanh ông ta khi sống tại Afghanistan và Bin Laden trông thế nào sau nhiều năm kể từ vụ 11/9 là những câu hỏi John tìm cách trả lời.
Trong thời gian đó, John lần lượt thăng cấp trong Trung tâm chống khủng bố của CIA. Nhưng nhờ những kinh nghiệm không ai có được trong chiến dịch truy tìm Bin Laden nên ảnh hưởng của sĩ quan này thường vượt quá cấp bậc của mình. Một trong những người cao cấp hơn của John thừa nhận rằng ông không biết chính xác vị trí của John trong CIA là gì. "Tôi biết ông ta là người mà tôi luôn phải lắng nghe trong phòng", quan chức trên nói thêm.
Trong khi dẫn dắt chiến dịch săn lùng Bin Laden, John cũng thúc đẩy việc mở rộng sử dụng máy bay không người lái Predator tấn công nghi phạm khủng bố. Những năm đầu sau sự kiện 11/9, CIA thường dùng loại máy bay này tấn công các mục tiêu dọc biên giới Pakistan với Afghanistan. Nhưng kể từ cuối năm 2007 và đầu 2008, John đề nghị CIA mở rộng các cuộc tấn công bằng Predator vào sâu trong lãnh thổ Pakistan.
Đây là bước đi mạo hiểm của Mỹ, vì Pakistan là đồng minh quan trọng của họ nhưng cũng dễ dao động. Phân tích của John chỉ ra rằng số lượng những người phương tây được huấn luyện trong các trại khủng bố Pakistan đang tăng lên và những người này có khả năng sẽ thâm nhập vào đất Mỹ để khủng bố. Do đó cần phải tấn công sâu vào lãnh thổ Pakistan để diệt trừ hậu họa từ gốc.
John đã đệ trình phân tích của mình cho giám đốc CIA khi đó là Michael Hayden và ông này đề đạt với Tổng thống George W. Bush. Trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Bush, CIA bắt đầu tấn công bằng máy bay không người lái sâu trong lãnh thổ Pakistan. Sang thời Obama, chiến thuật này vẫn tiếp tục được duy trì. Các vụ tấn công mới đây của Mỹ đã tiêu diệt nhân vật số 3 của Al-Qaeda là Mustafa Abu al-Yazid và thủ lĩnh Taliban tại Pakistan Baitullah Mehsud.
Bước ngoặt
Nhưng mục tiêu tối thượng của nhóm John vẫn là tìm cách lần ra tung tích Bin Laden. Năm 2007, manh mối quý giá xuất hiện khi CIA xác định được rằng Abu Ahmed al-Kuwaiti là kẻ đưa tin quan trọng cho Bin Laden. Phát hiện ra người này có thể giúp dẫn đến nơi ẩn náu của trùm mạng Al-Qaeda. Tháng 8/2010, Cục an ninh quốc gia Mỹ nhận định khá chắc chắn rằng Al-Kwaiti đang ở ngoại ô Islamabad, thủ đô Pakistan.
Thời điểm đó, John đang làm Phó phòng phụ trách hai địa bàn Pakistan và Afghanistan, một cơ quan có vai trò khá quan trọng trong CIA. John khẳng định rằng tìm ra Al-Kuwaiti sẽ mang tính quyết định đến việc phát hiện nơi ẩn náu của Bin Laden. Phân tích này đã trở thành chủ đề nóng trong tổng hành dinh của CIA và thu hút sự quan tâm đặc biệt của giám đốc cơ quan này là Leon Panetta.
CIA đã dồn sức theo dõi Al-Kuwaiti và tên này đã đưa họ đến khu nhà có tường bao rất cao tại thị trấn du lịch Abbottabad. Nhưng nếu Osama bin Laden đang ẩn náu tại đây, một khu ngoại ô đông đúc nằm không xa Học viện quân sự Pakistan, thì sẽ thách thức hầu hết những phán đoán trước đây của CIA về nơi lẩn trốn của Bin Laden, vốn cho rằng ông này trốn ở vùng núi hẻo lánh.
Bản thân John dựa vào phân tích những nơi ẩn náu trước đây của Bin Laden để nhận định trùm khủng bố có thể đang ở một mình tại Abbottabad cùng với những người đưa tin thân tín và người thân, đồng thời không sử dụng điện thoại hay kết nối Internet. Giám đốc CIA Leon Panetta cũng lập tức báo cáo manh mối về Bin Laden tại Abbottabad với Tổng thống Obama với tất cả sự thận trọng.
Trong khi đó, CIA tìm mọi cách để làm rõ chính xác ai đang có mặt trong ngôi nhà khả nghi tại Abbottabad. CIA cài người của mình vào một ngôi nhà ngay sát nơi này và cố gắng không gây ra sự chú ý. Họ theo dõi và chờ đợi nhưng không có được thông tin chắc chắn nào. Các bức ảnh vệ tinh cũng chỉ chụp được một người đàn ông cao lớn đi lại trong khu nhà, nhưng không bao giờ thấy được rõ mặt.
John và các cộng sự liên tục tự hỏi ai có thể đang có mặt trong khu nhà ở Abbottabad. Họ đưa ra từ 5 đến 6 cái tên khác nhau và Osama bin Laden luôn chiếm vị trí số một. Sự bế tắc kéo dài khoảng vài tháng và đến tháng 2/2011, John báo cáo với cấp trên gồm Leon Panetta rằng, CIA có thể tiếp tục theo dõi ở Abbottabad nhưng không có gì cho thấy thông tin sẽ rõ ràng hơn.
John cũng nói với Panetta đây là cơ hội tốt nhất của CIA để tìm ra Bin Laden và cơ hội này sẽ không kéo dài mãi nên cần phải hành động. Giám đốc CIA đồng ý với quan điểm này và báo cáo Tổng thống Obama. Từ đó Panetta tổ chức định kỳ các cuộc họp với nhóm săn lùng Bin Laden và trong các cuộc tranh luận, John luôn khẳng định 80% sự tin tưởng Bin Laden đang trong khu nhà ở Abbottabad.
Điều khiến những người còn lại không tự tin lắm về sự có mặt của Bin Laden tại Abbottabad là do sự ám ảnh của họ đối với các chiến dịch thất bại trước đây. Những người có mặt trong cuộc họp của nhóm săn lùng Bin Laden tại trụ sở CIA cũng đều biết rõ rằng cơ quan này sẽ mạo hiểm thế nào nếu báo cáo với tổng thống rằng Bin Laden có mặt tại Abbottabad rồi phát hiện không phải vậy.
Trong khi đó, John nằm trong số một vài quan chức CIA thường xuyên tới báo cáo với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng trong những tháng đầu năm 2011 về tiến triển của cuộc truy lùng Bin Laden. Tới tháng 4, tổng thống Mỹ quyết định cử nhóm đặc nhiệm SEAL của hải quân tới Abbottabad để thực hiện cuộc tấn công vào khu nhà để tiêu diệt người được coi là Bin Laden đang ẩn náu trong đó.
Cả CIA và Nhà Trắng đều hồi hộp khi chiến dịch tấn công tuyệt mật được thực hiện hồi đầu tháng 5 và nước chủ nhà Pakistan không hề hay biết gì. Khoảng 40 phút nghẹt thở sau khi đặc nhiệm SEAL đổ bộ vào Abbottabad, tin tức tốt lành mới được báo về Washington: Osama bin Laden đã chết. Những phân tích và phán đoán của John cùng cộng sự đã chính xác.
Cuộc đổ bộ vào Abbottabad được coi là một canh bạc chấm dứt hàng thập kỷ thất vọng của CIA trong cuộc truy lùng trùm Al-Qaeda. Sâm banh bật mở trong trụ sở CIA và nhóm của John thuộc Trung tâm chống khủng bố đã có khoảnh khắc ăn mừng sau suốt một thời gian dài miệt mài lần tìm manh mối.
Hai ngày sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, John tháp tùng giám đốc CIA Leon Panetta tới trụ sở quốc hội Mỹ. Uỷ ban tình báo của Thượng viện muốn được nghe báo cáo kín một cách đầy đủ về chiến dịch tiêu diệt Bin Laden tại Pakistan. Tại đây, Panetta lần đầu nói đến John, người đã trải qua 4 đời giám đốc CIA chỉ với một công việc là lần theo dấu vết của Osama bin Laden.
Đình Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét