Chính trường Thái Lan ra sao thời hậu bầu cử

VnExpress:
Thứ ba, 5/7/2011, 10:52 GMT+7
Em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin lãnh đạo phe đối lập giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 3/7, hứa hẹn đem lại cho Thái Lan sự ổn định và hoà giải, nhưng chính trường nước này vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Thái Lan kể từ năm 2007, đảng Pheu Thai do bà Yingluck Shinawatra đứng đầu tuyên bố lập một liên minh với 4 đảng nhỏ, dù Pheu Thai giành được 265 ghế trên tổng số 500 ghế của quốc hội, đủ để có thể tự mình lập chính phủ.

Tuy nhiên, chiến lược liên minh của Pheu Thai nhằm kiểm soát được 60% ghế của quốc hội giúp đảm bảo một chính phủ ổn định trong tương lai và tạo điều kiện cho bà Yingluck dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy những cam kết cải cách đã đưa ra trong quá trình vận động tranh cử.

Thủ tướng tương lai của Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP.
Thủ tướng tương lai của Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP.

Cái bóng của Thaksin

Những cuộc đàm phán phân chia nội các giữa Pheu Thai với các đảng trong liên minh đang được tiến hành, trong đó Pheu Thai nhắm các ghế chủ chốt như Bộ trưởng Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao và Vận tải. Những vị trí này đóng vai trò quyết định trong việc thực thi chính sách kinh tế của đảng và cũng có thể mở đường cho khả năng trở về của Thaksin.

Thaksin Shinawatra, người hùng trong mắt những người thuộc tầng lớp nghèo và sống ở vùng nông thôn của Thái Lan, từng hai lần đắc cử ghế thủ tướng trong các năm 2001 và 2005. Nhưng tháng 9/2006, ông này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự rầm rộ và đang phải sống lưu vong tại Dubai, nhằm tránh án tù 2 năm vì tội tham nhũng.

Dù sống ở nước ngoài, ảnh hưởng của Thaksin vẫn bao trùm toàn bộ quá trình bầu cử tại Thái Lan vừa qua. Ông này được cho là lãnh đạo trên thực tế của đảng Pheu Thai và chiến thắng vang dội của đảng này mang nhiều dấu ấn cá nhân cũng như thương hiệu chính trị của anh trai bà Yingluck Shinawatra.

Chiến thắng cách biệt của Pheu Thai đã xoá tan lo ngại sẽ có bất ổn sớm tại Thái Lan nếu không có đảng nào chiếm ưu thế. Nhưng giới phân tích nhận định bầu không khí yên bình sẽ sớm chấm dứt, nếu Pheu Thai tìm cách ân xá để dọn đường cho Thaksin trở về như một công dân tự do. Động thái này có thể châm ngòi cho sự bất bình của phe quân đội, lực lượng từng hất cẳng Thaksin trước đây.

Những người ủng hộ Thaksin ca ngợi ông là chính trị gia duy nhất có thể giải quyết những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, trong khi những người phản đối thì coi ông là kẻ mị dân, tham nhũng và nguy hiểm.

Biết rõ những hậu quả nếu đề cập đến tương lai của Thaksin quá sớm sau bầu cử, nên Pheu Thai đã ra một tuyên bố chính thức nói rằng họ không ủng hộ một lệnh ân xá cho cựu thủ tướng. Bản thân Thaksin cũng nhanh chóng làm giảm nhẹ mối lo ngại khi tuyên bố hạnh phúc với cuộc sống tại Dubai và muốn nghỉ hưu, đồng thời khẳng định không có kế hoạch quay lại ghế thủ tướng.

Tuy nhiên, những động thái trên chưa thể làm yên lòng phe đối lập Thái Lan vì mối quan hệ anh em ruột thịt giữa lãnh đạo Pheu Thai với Thaksin. Những người chỉ trích bà Yingluck vẫn giữ nguyên sự nghi ngờ và họ lo ngại bà sẽ tìm cách để anh trai được xoá các tội danh bị toà án tuyên trước đây.

Vai trò của quân đội

Quân đội từ lâu đã đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị Thái Lan. Kể từ khi Thaksin bị các tướng lĩnh lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu năm 2006, đất nước Đông Nam Á này đã chìm sâu trong sự chia rẽ giữa phe áo đỏ ủng hộ Thaksin và phe áo vàng bảo hoàng căm ghét chính trị gia này.

Năm ngoái, quân đội đã phải ra tay để trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài của phe áo đỏ, sự kiện làm hơn 90 người thiệt mạng và được coi là nội chiến tại Thái Lan. Ngay sau khi chiến thắng, bà Yingluck Shinawatra thuộc phe áo đỏ đã tuyên bố vấn đề khẩn cấp đầu tiên cần phải giải quyết là làm sao đem đến sự hoà giải cho đất nước.

Trong bối cảnh đó, quân đội Thái tuyên bố ủng hộ kết quả bầu cử và cam kết đứng ngoài cuộc để các chính trị gia làm phận sự của mình. BBC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Prawit Wongsuwan nhấn mạnh, quân đội sẽ không làm bất cứ điều gì có thể làm tổn hại đến đất nước.

Tuy nhiên vẫn có những lo ngại về việc quân đội sẽ làm gì khi kết quả bầu cử cho thấy phe áo đỏ ủng hộ Thaksin, người mà họ lật đổ trước đây, giành chiến thắng. Do đó việc quân đội có thực sự đứng ngoài chính trường Thái Lan trong tương lai hay không, phụ thuộc nhiều vào việc Thaksin có quyết định đứng ngoài cuộc hay sẽ lại dấn thân vào chính trường.

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra tại Dubai. Ảnh: AFP.
Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra tại Dubai. Ảnh: AFP.

Những tác động kinh tế

Thị trường chứng khoán Thái Lan và đồng Bath đều tăng giá trị vì những kỳ vọng về sự ổn định chính trị sau khi đảng của em gái Thaksin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm chủ nhật. Bản thân bà Yingluck cũng được biết đến nhiều với tư cách là một doanh nhân thành đạt dù ít kinh nghiệm chính trường.

Nhưng giới lãnh đạo doanh nghiệp Thái cũng bày tỏ mối lo ngại về việc liệu đất nước có thể tiến hành các cải cách dân tuý mà đảng Pheu Thai đã cam kết hay không. Đảng mới chiến thắng hứa sẽ nâng mức lương tối thiểu, cải thiện kết nối giao thông tới khu vực miền bắc đất nước, mở rộng dịch vụ và giảm chi phí chăm sóc y tế, đồng thời tiếp tục quan tâm đến khu vực nông thôn. Pheu Thai còn hứa sẽ cung cấp máy tính bảng cho khoảng 800.000 học sinh mới mỗi năm.

Những biện pháp cải cách dân tuý nói trên sẽ đòi hỏi một khoản chi tiêu bổ sung khổng lồ và có thể kích thích nền kinh tế Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến chính phủ mới của Thái Lan phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lớn hơn dự toán, đồng thời đẩy mạnh nợ công và tăng sức ép lạm phát.

Đình Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét