Phía trước Thái Lan là 'bão tố'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :7:02 AM, 03/07/2011
Dù kết quả bầu cử hôm 3/7 có ra sao thì Thái Lan gần như chắc chắn sẽ lại rơi vào rối loạn chính trị, thậm chí là bất ổn xã hội.

Tương lai rối loạn

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hiện đảng Puea Thai của phe ông Thaksin dẫn đầu cuộc đua song mã khi giành được 38% số phiếu bầu, bỏ xa đảng Dân chủ là 22%.

Nguyên nhân là từ thời làm Thủ tướng, ông Thaksin dù không được lòng số ít cử tri “giàu có bảo thủ” và bị lực lượng này lật đổ năm 2006 nhưng lại giành được sự ủng hộ to lớn của cử tri nông thôn với những chính sách dân túy. Kế thừa "di sản" này, Puea Thai tất nhiên được lòng nhiều cử tri.

Ngược lại, đảng Dân chủ dù “cao tuổi” nhất ở Thái Lan nhưng trong hai thập kỷ qua, họ chưa giành thắng lợi trong bất cứ cuộc tổng tuyển cử nào; cũng như không có chính sách dân túy hiệu quả của riêng mình.

Puea Thai được ủng hộ mạnh mẽ.
Do đó, nhiều chuyên gia dự đoán, đảng Puea Thái dễ thắng cử nhất. Vấn đề sẽ chỉ còn lại là họ thắng với "tỉ số" bao nhiêu mà thôi.

Nếu giành được quá bán số phiếu bầu, họ sẽ tự mình đứng ra lập tân Chính phủ. Trong trường hợp không giành được 50% số phiếu (nhiều chuyên gia dự đoán Puea Thai sẽ giành 220 – 240 ghế trong tổng số 500 ghế ở Quốc hội mới), họ sẽ phải liên minh với một số đảng nhỏ hơn để lập Chính phủ.

Một rào cản cho kế hoạch này của Puea Thai chính là ông Thaksin bởi hiện một số đảng nhỏ không ưa ông, trong khi Puea Thai đang nỗ lực đưa ông hồi hương từ Dubai.

Nhưng dù trường hợp nào trên đây xảy ra, Puea Thai của ông Thaksin và em gái Yingluck sẽ vấp phải sự chống đối của giới “thượng lưu” và một bộ phận tướng lĩnh quân đội (nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thaksin năm 2006).

Bằng chứng là theo RUVR, ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn về cuộc đảo chính quân sự sẽ xảy ra ở Thái Lan trong trường hợp Puea Thai giành chiến thắng.

Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, nhiều đơn vị quân sự đang ở trong tình trạng cảnh giác cao…; bất chấp việc Tư lệnh lục quân Thái Lan là Tướng Prayut Chan-Ocha hôm 1/7 cương quyết phủ nhận tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự đang được chuẩn bị ở nước này; kêu gọi các quân nhân đứng ngoài chính trị và giữ quan điểm trung lập trong quan hệ với các lực lượng chính trị.

Tìm hiểu động cơ của quân đội, nhà phân tích Kan Yuenyong của Tổ chức tình báo Siam nhận định, người có khả năng làm Thủ tướng là bà Yingluck vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi ông Thaksin, người có thể muốn “cơ cấu” lại quân đội, “trả thù” việc bị đảo chính năm 2006. Do đó, quân đội đang đối mặt với nguy cơ lớn, thậm chí là cả khả năng bị thanh lọc nếu bà Yingluck trở thành Thủ tướng.

Một nhà phân tích giấu tên thì cho rằng: “Đảo chính là lựa chọn mà Tướng Prayut không muốn thực hiện bởi Bangkok sẽ tràn ngập phe "áo đỏ" ủng hộ bà Yingluck. Tuy nhiên, nếu Chính phủ của đảng Puea Thai thanh lọc quân đội, ông Prayut không còn lựa chọn nào khác”.

Tương tự, nhà phân tích Kan Yuenyong chia sẻ: “Đảo chính là kịch bản tồi tệ nhất nhưng không thể không tính tới nếu ông Thaksin nắm lại quyền lực. Quân đội có những bài học trong quá khứ và họ sợ ông Thaksin trả thù”.

Do đó, trong giai đoạn trước thềm tổng tuyển cử như hiện nay, bà Yingluck nhiều lần khẳng định sẽ nỗ lực hòa hợp dân tộc; cũng như không can thiệp vào các lực lượng vũ trang nếu trở thành Thủ tướng nhằm trấn an quân đội. Tuy nhiên, dường như quân đội không tin cam kết của bà Yingluck nên mới xuất hiện nhiều tin đồn như trên.

Quân đội không ưa "áo đỏ" và ông Thaksin.

Bên cạnh quân đội, Puea Thai còn có đối thủ là Liên minh vì Dân chủ (hay còn gọi là “áo vàng”). Lực lượng ủng hộ phe thủ cựu và đảng Dân chủ này rất có thể lại xuống phố tuần hành, biểu tình và gây áp lực như trong quá khứ, đe dọa gây bất ổn ở Thái Lan nếu Puea Thai thành lập Chính phủ.

Do đó, để tránh nguy cơ bị đảo chính và bị phe “áo vàng phá rối”, Puea Thai có thể sẽ thỏa hiệp với quân đội mà theo đó, tân Chính phủ sẽ không “động chạm” vào quân đội, thậm chí là “tặng” cả ghế Bộ trưởng Quốc phòng cho một vị tướng nào đó.

Nếu vượt qua mọi thách thức, Puea Thai sẽ tự lập Chính phủ hoặc liên minh với đảng khác. Khi đó, em gái ông Thaksin là Yingluck sẽ làm Thủ tướng.

Dù vậy, khi đó khó khăn vẫn còn bởi bà Yingluck dù là nhà kinh tế tài năng nhưng kinh nghiệm chính trị vẫn còn non nớt, là một điểm yếu của Puea Thai trong chính trường nhiều biến động ở Thái Lan.

Phe "áo vàng" có khả năng lại làm Bangkok tê liệt.

Ngược lại, trong trường hợp đảng Dân chủ dẫn đầu cuộc tổng tuyển cử (khả năng rất thấp) thì sẽ dễ dàng lập Chính phủ liên minh bởi họ có quan hệ tốt với nhiều đảng phái và nhiều nhân vật có quyền thế, kể cả lực lượng bảo Hoàng.

Khi đó, người của Mặt trận dân chủ chống độc tài (hay còn gọi là “áo đỏ”) ủng hộ ông Thaksin và Puea Thai sẽ lại xuống đường và có những hành động tương tự phe “áo vàng”; chỉ có khác là lực lượng này sẽ không được quân đội và một bộ phận có tư tưởng bảo Hoàng ủng hộ.

"Áo đỏ" sẽ không ngồi yên nếu đảng Dân chủ thắng cử hoặc Puea Thai bị "chơi xấu".

Còn trong trường hợp dễ xảy ra nhất là không đảng nào giành được quá bán số phiếu bầu và đảng Dân chủ chỉ thua đảng Puea Thai một ít thì xét toàn cục, lợi thế nghiêng về đảng Dân chủ bởi họ có nhiều cơ hội hơn Puea Thai để lập liên minh với các đảng phái khác để lập Chính phủ liên minh, cũng như không bị quân đội "ghét".

Nhưng dù kịch bản nào trên đây xảy ra thì chính trường Thái Lan cũng sẽ không sớm ổn định, thậm chí là sẽ chìm sâu vào rối loạn như những năm vừa qua.

Quân đội Thái Lan luôn giữ vị trí quan trọng trong chính trường từ khi nước này chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến năm 1932. Từ đó tới nay, họ 18 lần đảo chính.

Từ sau cuộc đảo chính gần nhất nhằm vào ông Thaksin, ngân sách quốc phòng tăng gần gấp đôi và họ ủng hộ mạnh cho đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit, giúp ông giữ ghế Thủ tướng và “xử lý phe áo đỏ” thân Thaksin.

Trong cuộc đụng độ gần nhất hồi tháng 4, 5 giữa quân đội và “áo đỏ”, 91 người thiệt mạng, ít nhất 1.800 người bị thương.

Trong khi đó, ông Thaksin vẫn phải sống lưu vong ở Dubai nhằm tránh nguy cơ bị bắt giữ ở Thái Lan. Ông bị truy tố nhiều tội, trong đó có tham nhũng... và chỉ có thể về nước nếu được ân xá.

Thái Lan từ sau khi Thaksin bị lật đổ (theo VnExpress)

19/9/2006: Quân đội Thái Lan giành quyền kiểm soát Chính phủ trong cuộc đảo chính bất ngờ. Thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra đang có mặt tại New York, Mỹ, thì đảo chính diễn ra. Quân đội lãnh đạo nước này hơn một năm sau đó.

6/2007: Ủy ban chống tham nhũng phong tỏa tài sản của Thaksin.

12/2007: Đảng Quyền lực của Nhân dân, gồm các đồng minh của Thaksin, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ liên minh.

5/2008: Phe "áo vàng", gồm phần lớn là những người trí thức và bảo hoàng và lo ngại các chính sách dân túy của ông Thaksin, đổ xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ thân cựu Thủ tướng. Cũng chính lực lượng này được cho là hậu thuẫn chính biến năm 2006 lật đổ Thaksin.

9/2008: Tình trạng khẩn cấp được ban bố khi hai phe ủng hộ và phản đối Chính phủ giao tranh khiến một người chết và hàng chục người bị thương.

Tòa án Hiến pháp tước quyền lực của Thủ tướng Samak Sundaravej, đồng minh của Thaksin. Họ nói rằng ông phạm luật vì nhận tiền để dẫn một chương trình nấu ăn trên truyền hình. Em rể của Thaksin - Somchai Wongsawat - lên thay thế.

10/2008: Giao tranh giữa cảnh sát và người biểu tình làm hai người chết và gần 500 người bị thương. Tòa án xử Thaksin vắng mặt, tuyên án 2 năm tù vì tội tham nhũng.

11-12/2008: Hàng nghìn người biểu tình "áo vàng" bao vây sân bay Bangkok để phản đối Chính phủ của Somchai. Tình trạng khẩn cấp kéo dài trong vòng gần hai tuần.

12/2008: Tòa án Hiến pháp giải tán đảng của ông Somchai, buộc ông từ chức. Chính trị gia Abhisit Vejjajiva của đảng Dân chủ trở thành Thủ tướng dẫn đầu liên minh 6 đảng.

1-3/2009: Lực lượng "áo đỏ" trung thành với Thaksin tiến hành cuộc biểu tình quy mô lớn ở Thủ đô chống lại Chính phủ của ông Abhisit.

4/2009: "Áo đỏ" xông vào hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN ở Pattaya, buộc lãnh đạo các nước phải sơ tán. Bạo động khiến hai người thiệt mạng. Tình trạng khẩn cấp ban bố ở Bangkok trong 12 ngày.

2/2010: Tòa án Tối cao Thái Lan tịch thu 1,4 tỷ USD tài sản của Thaksin vì tội lạm dụng quyền lực.

3/2010: Hàng chục nghìn người "áo đỏ" bắt đầu biểu tình, kêu gọi Chính phủ của ông Abhisit từ chức. Thủ tướng và các Bộ trưởng phải trốn trong những trại lính.

4-5/2010: Một loạt cuộc giao tranh trên đường phố giữa phe "áo đỏ" và binh sĩ khiến 90 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường, trong vụ bạo động tồi tệ nhất nước này trong vài thập kỷ trở lại đây.

Cuộc biểu tình kết thúc khi binh sĩ bắn đạn thật và xe bọc thép của quân đội xông vào doanh trại của phe "áo đỏ", buộc thủ lĩnh "áo đỏ" phải đầu hàng. Nhiều tòa nhà lớn ở Bangkok, bao gồm cả trung tâm chứng khoán bị đốt cháy.

9/2010: Hàng nghìn người "áo đỏ" xuống đường kỷ niệm 4 năm ngày đảo chính lật đổ Thaksin. Họ trở lại đường phố Bangkok ít nhất một lần mỗi tháng sau đó trong một loạt các cuộc biểu tình hòa bình kéo dài một ngày.

5/2011: Chính phủ tuyên bố bầu cử diễn ra ngày 3/7. Em gái của Thaksin Yingluck Shinawatra nổi lên là ứng viên của phe đối lập cho vị trí Thủ tướng. Các cuộc trưng cầu cho thấy bà đang dẫn trước đương kim Thủ tướng Abhisit.


>> Bao giờ Thaksin mới được về Thái Lan?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét