CAND.COM: 9:32, 30/06/2011 | ||||||||
Khi vị đại diện Viện kiểm sát hỏi: "Vì sao biết hành vi lập lương khống cho nhân viên tư vấn là vi phạm mà vẫn thực hiện?", Nghiêm Phú Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng PID 6 trả lời: "Bị cáo là cán bộ cấp dưới nên phải thực hiện theo nguyên tắc của đơn vị". Hỏi tiếp: "Đơn vị của bị cáo có nguyên tắc gì mà lạ vậy?". Bị cáo Sơn ấp úng: "Thưa tòa, cấp dưới không dám không tuân theo chỉ đạo cấp trên"… >> Nhiều tình tiết mới trong vụ tham ô dự án cầu Bãi Cháy Ngày 29/6, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xảy ra tại dự án cầu Bãi Cháy tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo xoay quanh hành vi lập khống danh sách nhân viên tư vấn bổ sung tại ba gói thầu BC1, BC2 và BC3 để chiếm đoạt số tiền gần 3,5 tỷ đồng của dự án. Trong ngày xét xử thứ ba, HĐXX dành nhiều thời gian để hai vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư thẩm vấn từng bị cáo. Dù thừa nhận hành vi vi phạm của mình đã gây ra tại dự án cầu Bãi Cháy nhưng các bị cáo đều đổ lỗi cho nhau và biện minh cho hành vi của mình là "cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới phải thực hiện". Theo đơn giá bỏ thầu thì gói thầu BC1 và gói thầu BC3, mỗi gói thầu được sử dụng 14 nhân viên tư vấn bổ sung làm việc ở 11 chức danh trong thời gian 28 tháng. Gói thầu BC2 được sử dụng 21 nhân viên tư vấn bổ sung làm việc ở 13 chức danh trong thời gian 42 tháng. Việc chi trả tiền lương cho toàn bộ số nhân viên tư vấn bổ sung do nhà thầu trả, sau đó sẽ được PMU 18 thanh toán. Trong quy định thì PMU 18 không có thẩm quyền và chức năng cung cấp nhân viên tư vấn bổ sung cho các nhà thầu.
Nhưng lợi dụng vai trò là đơn vị quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư, khi triển khai công việc được giao, cấp dưới của Bùi Tiến Dũng đã phát hiện có sơ hở trong việc chi trả lương cho nhân viên tư vấn bổ sung tại các gói thầu nên đã nảy ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước bằng thủ đoạn lập quỹ lương của nhân viên tư vấn khống. Nghe cấp dưới báo cáo về hành vi sai phạm, Bùi Tiến Dũng đồng ý chủ trương để cấp dưới thực hiện. Được "bật đèn xanh", cấp dưới của Bùi Tiến Dũng đã dùng thủ đoạn gian dối, rút tiền lương của 26 nhân viên tư vấn bổ sung khống tại gói thầu BC1, gói thầu BC2 và gói thầu BC3 của dự án xây dựng cầu Bãi Cháy, với số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Số tiền này đã được PMU 18 thanh toán từ nguồn vốn của dự án hơn 3 tỷ đồng. Khi vị đại diện Viện kiểm sát hỏi: "Vì sao biết hành vi lập lương khống cho nhân viên tư vấn là vi phạm mà vẫn thực hiện?", Nghiêm Phú Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng PID 6 trả lời: "Bị cáo là cán bộ cấp dưới nên phải thực hiện theo nguyên tắc của đơn vị". Hỏi tiếp: "Đơn vị của bị cáo có nguyên tắc gì mà lạ vậy?". Bị cáo Sơn ấp úng: "Thưa tòa, cấp dưới không dám không tuân theo chỉ đạo cấp trên". Hỏi tiếp: "Biết cấp trên chỉ đạo sai mà vẫn thực hiện, bị cáo có biết sẽ phải chịu hậu quả thế nào không?". Bị cáo Sơn không trả lời. Bị cáo Nguyễn Hữu Long, nguyên Giám đốc Ban điều hành gói thầu BC3 (trực tiếp ký bảng lương khống danh sách 14 nhân viên tư vấn bổ sung trong dự án cầu Bãi Cháy để được thanh toán) biện minh: "Nhân viên trong phòng lập danh sách, bị cáo chỉ là người ký nên không kiểm tra hết được". "Điều quan trọng là phải có chữ ký của bị cáo thì quy trình rút tiền của Nhà nước mới hoàn tất", vị đại diện Viện kiểm sát khẳng định. Bị cáo Long tiếp tục thanh minh: "Chữ ký của bị cáo cũng chỉ là đề xuất thôi ạ". "Nếu không có đề xuất của bị cáo thì cấp trên làm sao có cơ sở thanh toán", vị đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh. "Để cho cấp dưới trình các chứng từ không đúng thực tế mà bị cáo vẫn ký vì lý do gì?", vị đại diện Viện kiểm sát thẩm vấn nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng. Bị cáo Dũng thanh minh: "Thưa tòa, với tư cách là chủ tài khoản dự án cầu Bãi Cháy nên trong thời gian làm nhiệm vụ, bị cáo đã ký nhiều chứng từ thanh toán theo chế độ tài chính. Các chứng từ thu-chi đều được phòng kế toán kiểm tra, nhưng không phải chứng từ nào bị cáo cũng xem xét kỹ lưỡng, trong đó có chứng từ liên quan đến việc ký trả lương cho nhân viên tư vấn bổ sung của dự án cầu Bãi Cháy" | ||||||||
Nguyễn Hưng |
CAND.COM:
>> Phạm tội tham ô vì được chỉ đạo (?!)
Sáng 1/7, phiên tòa xét xử vụ tham ô tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã kết thúc phần thẩm vấn. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội các bị cáo.
Bị cáo Đỗ Kim Quý dù thừa nhận đã cầm 500 triệu đồng mà Bùi Tiến Dũng chỉ đạo Phòng PID 6 đưa, nhưng cho rằng, không biết số tiền ấy được lấy từ đâu nên mới nhận để sử dụng vào mục đích riêng là không chấp nhận được. Viện Kiểm sát cũng xác định, các bị cáo còn lại dù không ai giữ vai trò chủ mưu trong vụ án, nhưng vì động cơ vụ lợi cá nhân mà cố tình vi phạm pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Hữu Minh, Đỗ Kim Quý và Bùi Tiến Dũng (từ trái sang) tại tòa ngày 1/7. |
Tuy nhiên, trong quá trình cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì các đối tượng đều thành khẩn nhận tội, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án và kịp thời khắc phục một phần hậu quả bằng cách nộp lại số tiền đã chiếm hưởng bất hợp pháp. Hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của Nhà nước, ảnh hưởng tới việc thu hút các nguồn đầu tư, tạo ra điều tiếng xấu trong dư luận xã hội.
Việc bị cáo Bùi Tiến Dũng chỉ thừa nhận việc ký lương cho nhân viên tư vấn bổ sung khống, tạo điều kiện cho đồng phạm rút tiền dự án, chứ không thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới chi 500 triệu đồng làm quà cho ông Đỗ Kim Quý trước khi nghỉ hưu, không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới chi 100 triệu đồng để Dũng tiếp bạn học ở Quảng Ninh là thiếu trách nhiệm.
Bởi lời khai của các bị cáo tại phiên xử hoàn toàn phù hợp với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án là minh chứng rất rõ để khẳng định, Bùi Tiến Dũng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi này. Từ sự chỉ đạo trái pháp luật của Bùi Tiến Dũng đã tạo điều kiện cho các đồng phạm chiếm hưởng của Nhà nước số tiền rất lớn. Với nhận định trên, Viện Kiểm sát đã quyết định chuyển đổi tội danh của bị cáo Bùi Tiến Dũng từ "tham ô tài sản" sang "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau khi luận tội, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án cho các bị cáo như sau: Nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng từ 11-12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nguyên Phó Tổng giám đốc PMU18 Đỗ Kim Quý từ 2-3 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản: Nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC1 Nguyễn Hữu Minh từ 16-17 năm tù. Nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC3 Nguyễn Hữu Long từ 13-14 năm tù. Nguyên Trưởng phòng PID6 Nguyễn Vũ Nam từ 9-10 năm tù. Nguyên Phó Trưởng phòng PID5 Lê Minh Giang từ 6-7 năm tù. Nguyên Phó Trưởng phòng PID6 Nghiêm Phú Sơn từ 6-7 năm tù. Nguyên chuyên viên PID6 Nguyễn Công Dũng từ 4-5 năm tù. Nguyên Chánh văn phòng tư vấn Trần Đức Hùng từ 3-4 năm tù.
Ngoài đề nghị hình phạt tù có thời hạn cho các bị cáo, Viện Kiểm sát còn đề nghị HĐXX tuyên hoàn trả số tiền mà các bị cáo đã chiếm hưởng bất chính của Nhà nước cho các đơn vị liên quan
Nguyễn Hưng
CAND.COM :
Phó Tổng giám đốc PMU 18 và nỗi đau phía sau món quà 500 triệu đồng
10:21, 04/07/2011 | ||||||||
Nguyên nhân đến với con đường phạm tội của ông Đỗ Kim Quý, nguyên Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18) là bài học cay đắng. Đó là việc ông không đủ bản lĩnh để từ chối món quà trị giá 500 triệu đồng của Bùi Tiến Dũng, khi đó là Tổng Giám đốc PMU 18 bồi dưỡng trước ngày ông nhận quyết định nghỉ hưu. >> Chuyển tội danh từ tham ô sang lợi dụng chức vụ đối với Bùi Tiến Dũng Trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại dự án cầu Bãi Cháy, ông Quý không phải là chủ mưu, không tham gia với vai trò giúp sức và cũng không liên quan gì đến việc làm sai phạm của Bùi Tiến Dũng và các đồng phạm nhằm rút tiền bất hợp pháp của Nhà nước. Thế nhưng ông vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải hầu tòa vì lý do: Nhận của sếp một số tiền lớn bằng nguồn bất hợp pháp. Khi sếp và các thuộc cấp bị bắt, ông Quý đã nhận ra sai lầm nhưng vì không muốn trả lại số tiền đã nhận nên ông đã phải trả một cái giá quá đắt. Phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản ở dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã diễn ra được 5 ngày tại TAND TP Hà Nội. Có 9 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án này, trong đó có ông Đỗ Kim Quý, 66 tuổi, trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Ông Quý nguyên là Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18) bị truy tố về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". So với thời điểm mới bị cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai cách đây 5 năm, khi xuất hiện tại phiên tòa, ông Quý đã yếu hơn rất nhiều. Trong lúc vị đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, các bị cáo khác phải đứng để nghe thì ông Quý được ưu tiên ngồi (do sức khỏe yếu). Mỗi khi phải đứng trước vành móng ngựa trả lời thẩm vấn của HĐXX, các bị cáo từng là cấp dưới của ông đều phải giúp đỡ để ông có thể đứng vững.
Cuối phiên xử hằng ngày, thay cho việc tự đi thì ông Quý đều được người thân dìu ra xe để về nhà (ông được tại ngoại). Có lẽ, những người tham dự phiên tòa đều cảm thấy đáng thương cho ông hơn là giận. Có trách là trách ở sự thiếu quyết đoán của ông, một người đã nhiều năm làm công tác quản lý nhưng đến thời điểm cần thể hiện bản lĩnh vững vàng thì ông lại không làm được. Chính từ cách nhìn nhận và xử lý vấn đề lúng túng ranh giới giữa "tội" và "tình" mà ông đã vướng vào vòng lao lý và phải gánh chịu hậu quả như điều tất yếu của một người vi phạm pháp luật. Nguyên nhân đến với con đường phạm tội của ông Quý cũng là bài học cay đắng. Đó là việc ông không đủ bản lĩnh để từ chối món quà trị giá 500 triệu đồng của Bùi Tiến Dũng, khi đó là Tổng Giám đốc PMU 18 bồi dưỡng trước ngày ông nhận quyết định nghỉ hưu. Được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc PMU 18 từ tháng 12/1998, ông Quý được Bùi Tiến Dũng phân công theo dõi phần kỹ thuật, tiến độ thi công xây dựng cầu Bãi Cháy và trực tiếp phụ trách Phòng triển khai các dự án 6. Trong những năm công tác, ông Quý đã thực hiện tốt vai trò gương mẫu của một cán bộ, đảng viên, nhất là trong một môi trường nhạy cảm liên quan đến các dự án của Nhà nước có mức đầu tư lớn như PMU 18. Khoảng tháng 4/2005, trong lúc giải lao tại một cuộc họp giao ban, Bùi Tiến Dũng vào phòng của Trưởng phòng triển khai các dự án 6 để uống nước. Trong phòng lúc đó có Trưởng phòng, một số nhân viên của phòng và ông Quý. Tại đây, Bùi Tiến Dũng nói với Trưởng phòng triển khai các dự án 6: "Anh Quý sắp về hưu, chú lo cho anh ấy 500 triệu đồng". Thực hiện chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng, Trưởng phòng triển khai các dự án 6 yêu cầu cấp dưới là Nghiêm Phú Sơn và Nguyễn Công Dũng chuẩn bị 500 triệu đồng. Trực tiếp đưa số tiền này cho ông Quý, Trưởng phòng triển khai các dự án 6 nói: "Anh Bùi Tiến Dũng chỉ đạo cháu mang số tiền này đến bồi dưỡng chú trước khi chú nghỉ hưu". Cầm tiền trong tay, ông Quý bảo: "Số tiền lớn quá nhỉ. Cho chú gửi lời cảm ơn anh Dũng và Phòng triển khai các dự án 6 nhé!"… Trong những ngày thẩm vấn tại tòa, ông Quý dù thừa nhận: "Dù biết số tiền Bùi Tiến Dũng cho được lấy từ nguồn bất hợp pháp, nhưng do nể nang nên tôi vẫn nhận". Cũng theo lời khai của ông Quý tại phiên xử, tuy được phân công phụ trách Phòng triển khai các dự án 6, nhưng ông không trực tiếp thanh toán dự án xây dựng cầu Bãi Cháy nên không kiểm soát được việc chi - thu. Khi nghe Bùi Tiến Dũng nói với cấp dưới chuẩn bị 500 triệu đồng cho ông trước khi nghỉ hưu, ông rất phân vân vì ông biết, Phòng triển khai các dự án 6 không có nguồn thu lớn. Số tiền 500 triệu đồng mà Bùi Tiến Dũng cho ông sẽ phải rút bất hợp pháp từ một nguồn nào đó. Khi Bùi Tiến Dũng và đồng phạm bị cơ quan Công an bắt, ông Quý muốn đến cơ quan điều tra khai báo nhưng vì hám lợi nên đã không đến. Số tiền đã nhận của Bùi Tiến Dũng, ông Quý sử dụng để mua xe ôtô mang tên người khác. Chỉ đến khi hành vi nhận tiền bất hợp pháp của ông bị phát giác và cơ quan điều tra triệu tập thì ông Quý mới thành khẩn đem nộp số tiền 500 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả… Ông Quý có hành vi vi phạm pháp luật, điều đó đã được khẳng định không chỉ qua những lời thừa nhận của ông với HĐXX cũng như lời khai của ông trước cơ quan điều tra mà còn qua lời khai của nhiều bị cáo tại phiên xử. Và đương nhiên, hành vi phạm tội của ông Quý sẽ bị pháp luật xử phạt tương xứng với tội danh. Nhưng điều chúng tôi muốn nói qua vụ án này là, nếu như ông Quý tỉnh táo hơn trước "sự quan tâm đặc biệt" của Bùi Tiến Dũng thì chắc hẳn trước ngày nghỉ hưu, ông Quý sẽ không phải nhận một kết cục buồn sau bao năm cống hiến cho ngành Giao thông vận tải. Món quà 500 triệu đồng và nỗi đau cuối đời của nguyên Phó Tổng giám đốc PMU 18 chắc chắn sẽ là bài học cho những người mất cảnh giác trước sự cám dỗ của đồng tiền để phải trả giá bằng những hậu quả khôn lường | ||||||||
Nguyễn Hưng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét