Người TQ thuê đất Việt Nam trồng... khoai lang | Nguoi TQ thue dat Viet Nam trong... khoai lang

VietNamNet

Không chỉ mua khoai lang, hiện người Trung Quốc đã bắt đầu mở chiến dịch thuê đất trồng khoai tại Vĩnh Long và xuất khẩu sang nước thứ ba.

Người trồng khoai ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang hăng hái nâng diện tích trồng khoai lên trên 6000 ha. Khi giá khoai lang tím Nhật Bản gần 16.950 đ/kg, quá nửa dân số trên tổng số 93.758 người ở Bình Tân đang sống dựa vào nghề trồng khoai, bao gồm hệ thống canh tác ngoài đồng và hệ thống dịch vụ thu mua, đóng gói chở sang Trung Quốc vốn lành ít dữ nhiều, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

May rủi phận khoai


Hơn 70% sản lượng khoai sản xuất tại Bình Tân và Bình Minh được xuất khẩu (trung bình mỗi tháng xuất khẩu hơn 10.000 tấn khoai), chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Người Trung Quốc thích khoai lang tím Nhật Bản tới mức không chỉ mua mà đã bắt đầu mở chiến dịch thuê đất trồng khoai tại Bình Minh. Hiện có ít nhất 10 cơ sở mua khoai, đóng gói tại Bình Tân, Bình Minh, đóng nhãn hàng Trung Quốc.


Đóng thùng khoai lang xuất khẩu ở Bình Tân. Ảnh: Vĩnh Kim

Một chủ doanh nghiệp ở Thuận an, Bình Minh,nói: “Hầu hết khoai lang xuất sang Trung Quốc đều theo đường tiểu ngạch. Hàng giao qua cửa khẩu, họ nắm đằng chuôi, mình nắm đằng lưỡi”.

Trong ba loại khoai lang thì khoai lang tím Nhật Bản cho thu nhập cao nhất. Khoai trắng, khoai sữa cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha, thấp hơn khoai lang tím Nhật Bản (từ 170- 200 triệu đồng/ha). Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Bình Tân, ông Võ Văn Theo cho biết, hiện khoai lang là nông sản xuất khẩu sau lúa gạo của Vĩnh Long. "Nhưng xuất khẩu qua đường tiểu ngạch dễ bị thua thiệt. Cái khó của nông dân và địa phương tụi tui là không biết nhiều về thị trường xuất khẩu. Nông dân làm ăn theo kiểu ăn may, rủi ro xảy đến là bó tay”.

Ông Huỳnh Ngọc Phó, trồng khoai lang tím Nhật Bản, từng bị ép giá, đã đứng ra lập công ty cổ phần kinh doanh khoai lang, nói: “Đóng hàng chở ra biên giới phía bắc, nhưng nếu không có người đứng bên đất của họ, không rành rẽ đường đi nước bước từ Lạng Sơn đi Quảng Châu, tự lần dò để đưa hàng đi là “mang đầu máu chạy về”. Có lúc giá khoai lang tím rộ lên 16.000-17.000 đ/kg, chở ì ạch ra biên giới thì giá rớt xuống 12.000-13.000 đ/kg và nay chỉ còn 11.000 đ/ kg".

Là người từng bị giựt nợ khi đưa hàng qua đất khách, ông Phó ngao ngán nói: “Họ sẵn sàng đặt cọc để mình chở hàng ra, khi hàng tập trung càng đông, càng kẹt cứng, mòn mỏi tại cửa khẩu thì giá nào cũng bán. Lúc đó họ mở cửa kho lạnh mua vào trữ”.

Ông Nguyễn Văn Phước, một thương nhân “giải nghệ” buôn hàng sang Trung Quốc, nói: "Ở cửa khẩu, họ có kịch bản: thủ tục thông quan khó quá, đang kiểm định siết chất lượng… dưa chỉ 1 tuần là hư, khoai không có xe lạnh thì cũng không thể lâu hơn nữa. Ai còn sức thì quay về Hà Nội bán tháo bán đổ. Tình trạng này nhiều người bị, chỉ có “cò” là sống, biết bao nhiêu người chết”.

Ông Phó cho rằng nhà nước phải giúp vùng khoai mở thêm thị trường mới để tránh tình trạng bắt chẹt , ép giá khi Trung Quốc là thị trường duy nhất, người nông dân không có nhiều chọn lựa.

Đại gia thuê đất trồng khoai

Người nông dân không có lựa chọn nào khác là bán khoai tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Vĩnh Kim
Trong khi nông dân Bình Minh và Bình Tân đưa ra các mô hình trồng luân canh khoai lang - lúa hoặc cây màu khác có thể cho thu nhập cao hơn thì những người từ Trung Quốc sang chỉ cần thuê đất, chuyển đất lúa sang trồng khoai.

Theo FAO, sản lượng khoai lang hàng năm trên thế giới lên tới 127 triệu tấn, trong đó Trung quốc sản xuất nhiều nhất, 105 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có khoai lang vào tháng 8-9-10, các tháng còn lại phải nhập khoai từ nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.

Người Trung Quốc thuê đất tại khu Giáo Mẹo, xã Thuận An, huyện Bình Minh, với giá 4-5 triệu đồng/công (1000 m2). Nhiều nông dân đang trồng lúa, lời không hơn 3 triệu đồng/ công nên dễ dàng chấp nhận giá thuê đất của người Trung Quốc.

“Con số đất do người Trung Quốc thuê chưa được thống kê chính xác vì hầu hết đều núp bóng người bản xứ”, bà Phan Thị Bé, trưởng phòng kinh tế huyện Bình Minh, cho biết.

Người Trung Quốc không chỉ thuê đất trồng khoai, rủ người giỏi kỹ thuật làm cho họ mà còn ra đồng tranh mua. Bà Phan Thị Bé nhận xét: “Họ sang đây thuê đất chuyển đất lúa thành đất khoai, núp bóng các nhà vựa mua khoai nhưng không mang về nước mà xuất sang nước thứ ba”.

Năm ngoái, theo một nguồn tin, những người thuê đất kiểu núp bóng khoảng 20 ha, năm nay không chỉ thuê khu Giáo Mẹo mà bắt đầu dòm ngó đến vùng ven lộ 54 về Trà Ôn. Những đại gia nông dân làm ăn sâu với Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Một trong số đại gia có tiếng giàu có nhờ làm ăn với Trung Quốc đã thuê 200 công đất. Đại gia khoai lang này đầu tư khoảng 3,8 tỷ đồng và đoan chắc mức lời là 2 tỷ đồng.


Người Trung Quốc thuê người giỏi kỹ thuật làm việc, nếu không có ai chịu làm việc cho họ sẽ là cớ để họ đưa người sang với danh nghĩa lao động kỹ thuật. Dân trồng khoai lo ngại: liệu họ sẽ mua khoai nữa không khi tiếp tục mang tiền sang thuê đất trồng khoai?

Bình Tân và Bình Minh, mỗi nơi có tới 5000 - 6000 ha khoai, sản lượng 300.000 - 400.000 tấn khoai. Với năng suất 40 tạ/ 1 công đất (1.000m2, bằng 0,1 ha), trừ tất cả chi phí phân bón, dây khoai giống và công thu hoạch… người trồng khoai có thể lời trên 15 triệu đồng/ 1 công khoai.


(Theo SGTT)

vef.vn - Kinh tế 24h

Xử lý vụ người Trung Quốc đầu tư trái phép

Trước đó, Đội quản lý thị trường 12B phối hợp với Công an P.Tân Chánh Hiệp (Q.12) kiểm tra kho hàng của cơ sở Tuấn Phúc (P.Tân Chánh Hiệp) và thu giữ khoảng 30 tấn vải vụn đang đóng kiện chờ xuất qua Trung Quốc cùng các loại máy ép vải với tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

Theo lời khai của ông Nguyễn Thanh Phước - người đứng tên giấy phép kinh doanh, ông chỉ đứng tên trên giấy phép kinh doanh và nhận lương hằng tháng, toàn bộ việc thu gom vải vụn, máy ép vải, xuất khẩu đều do ông Han Zhuan Zhi thực hiện.

Cơ sở này đăng ký kinh doanh vải nhưng lại tổ chức thu gom vải vụn (đã qua sử dụng), ép kiện rồi xuất qua Trung Quốc. Lượng vải vụn này khi chuyển về Trung Quốc sẽ được đánh bông, xe sợi rồi xuất lại Việt Nam.

Ông Hùng cho biết thêm đây là vụ đầu tư nước ngoài trái phép khá tinh vi bởi những máy ép vải không có nguồn gốc xuất xứ được chuyển từng bộ phận sang Việt Nam rồi lắp ráp lại. Chỉ tính trong ba tháng gần đây đã có trên 350 tấn vải vụn (khoảng 12 container 40 feet) được thu gom và xuất đi.

Quản lý thị trường kiến nghị rút giấy phép kinh doanh cơ sở Tuấn Phúc và xử phạt theo quy định. Lượng vải vụn cùng các máy móc vi phạm bị tịch thu và sung quỹ nhà nước.

Cơ quan quản lý thị trường đã phát thông báo trên truyền thông yêu cầu chủ sở hữu sản phẩm (ông Han Zhuan Zhi) đến làm việc trước khi giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra kinh tế. Tuy nhiên sau khi bị phát hiện, ông này đã bỏ trốn.

Trước đó, Đội quản lý thị trường 12B đã bắt giữ gần 50 máy đánh bạc loại lớn do một số người Trung Quốc mang sang Việt Nam tàng trữ, buôn bán. Khi bị phát hiện, những người Trung Quốc này cũng bỏ trốn.

Theo TT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét