'Hà Nội, Bắc Kinh kiên định, hòa bình biển Đông tái lập'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :8:54 AM, 08/07/2011
"Nếu Hà Nội và Bắc Kinh vẫn kiên trì biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa bình đối thoại, thì ổn định biển Đông sẽ gần như chắc chắn được tái lập", chuyên gia Nazery Khalid, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề biển Nam Á (Malaysia) khẳng định.

"Trung Quốc phải thật sự sáng suốt để xứng đáng với hình ảnh nước lớn của mình. Càng hung hăng đối đầu, nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các bên càng dễ phát sinh. Chỉ có ngoại giao mới là biện pháp duy nhất và hợp lý nhất để làm dịu sóng tại vùng biển tranh chấp này", ông Khalid nhấn mạnh.

Theo ông, dù các bên vẫn chưa thống nhất và giải quyết triệt để vấn đề vạch định ranh giới lãnh hải, Bắc Kinh trước hết hãy “hạ hỏa” và “nhu mì” khởi động tiến trình hòa giải biển Đông bằng việc “vui vẻ” bắt tay với các nước trong khu vực để xử lý ô nhiễm môi trường, nghiên cứu khảo sát sinh vật biển. Nghe có vẻ “lạc đề”, nhưng đây lại là “khúc dạo đầu” đầy ý nghĩa để giúp các bên dần xóa bỏ nghi ngại và bằng lòng ngồi vào bàn đàm phán.

Đồng thời, Trung Quốc nói riêng và các nước liên quan nói chung cần hết sức kiềm chế những phát ngôn hung hăng, “sặc mùi” khẩu chiến, bởi động thái này càng khiến mọi chuyện thêm rối ren, phức tạp.

Vì vậy, hãy chấm dứt mọi tranh luận, đấu khẩu công khai trên các phương tiện truyền thông và cùng ngồi bàn bạc để tìm ra phương án hợp lý nhất. Chuyên gia Khalid ví von tiến trình này phải tuần tự như công việc của người nông dân thu hoạch quả chín. Bước đầu hãy hái quả ở những cành thấp, rồi với tới cành cao. Giải quyết mâu thuẫn trên biển Đông cũng vậy, các bên và đặc biệt Trung Quốc không thể nóng vội và đốt cháy giai đoạn. Chấm dứt “đấu khẩu” chính là công đoạn đầu tiên nhưng vô cùng hiệu quả, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo trong tiến trình hòa giải.

Vài ngày trước, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam tiếp xúc, thẳng thắn bàn luận về vấn đề này. Ông Khalid nhấn mạnh, động thái phần nào cho thấy thành ý và nguyện vọng của hai bên trong giải quyết tranh chấp bằng hòa bình đối thoại. Đây là màn khởi đầu khá suôn sẻ và hứa hẹn nhiều thuận lợi. Nếu Hà Nội và Bắc Kinh vẫn kiên trì biện pháp này, hòa bình ổn định biển Đông sẽ gần như chắc chắn được tái lập.

Với tư cách là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc nên giải quyết vấn đề một cách khéo léo và êm xuôi. Chỉ có thể tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm ngoại giao của mình, tăng cường tiếp xúc với các bên liên quan mới xóa bỏ tận gốc những quan ngại của các nước về một “rồng Trung Quốc” đang ôm mộng bá chiếm biển Đông.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần kiên nhẫn giải thích nhiều hơn và tỉ mỉ hơn về chủ quyền tại vùng biển này và sử dụng luật pháp quốc tế để chứng minh Trung Quốc không hề cậy lớn để uy hiếp nước bé.

Ông Khalid khẳng định, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng làm tốt những điều này, quan trọng là đôi khi cần bình tâm suy ngẫm và đặt mình vào vị trí của nước khác để thấu hiểu và cảm thông với quan điểm, tâm trạng của láng giềng.

Không khó để các chính trị gia, các học giả nước này đưa ra những phát ngôn, tuyên bố thuyết phục hơn tại các hội nghị quốc tế bằng việc vận dụng tài ngoại giao mềm dẻo của mình, quan trọng là Chính phủ biết tận dụng mọi phương tiện, mọi cá nhân đủ khả năng để tuyên truyền đường lối chính sách, lập trường tư tưởng và bảo vệ uy tín của nước này trước cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia này gợi ý, kênh tiếng Anh của đài truyền hình trung ương Trung Quốc có thể mời các chuyên gia nước ngoài tham dự và phát biểu tại các buổi hội đàm, thảo luận về vấn đề biển Đông. Đừng nghĩ đây là vấn đề nhạy cảm mà né tránh. Mặt khác, cần tăng cường biện luận, đặc biệt là biện luận với các chuyên gia nước ngoài để bày tỏ lập trường rõ ràng của mình với các bên liên quan trên biển Đông và với toàn thế giới.

Nazery Khalid nhắc khéo: Trung Quốc nên tự tin với vị trí quan trọng của mình tại châu Á, mà trước hết là tầm ảnh hưởng sâu rộng của kinh tế nước này với toàn khu vực. Ông nhấn mạnh, nếu tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc không thể duy trì đà tăng từ 9 - 10%, các quốc gia khác trong khu vực cũng khó lòng đứng vững. Do vậy, vấn đề biển Đông cũng phụ thuộc khá nhiều vào động thái của Bắc Kinh. Với vai trò nước lớn của mình, hy vọng Trung Quốc sẽ nổi lên là người “phất cờ”, làm gương trong việc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải tỏa căng thẳng và tái thiết môi trường hòa bình, ổn định toàn khu vực.

>> Trung Quốc: Mỹ chẳng tốt gì với 'hổ ẩn mình' Việt Nam
>> Phanh phui 'kế mới' độc chiếm biển Đông của Trung Quốc
Mai Anh (theo Thời báo Hoàn cầu)

Cập nhật lúc :1:42 PM, 05/07/2011
(ĐVO) Trong bối cảnh biển Đông vẫn chưa lặng sóng, ông Zhu ChengHu, Giáo sư ĐH Quốc phòng, một trong những học giả có tiếng của Trung Quốc lại “đổ thêm dầu vào lửa” với chiêu hiến kế giúp Bắc Kinh độc chiếm biển Đông trên Thời báo Hoàn cầu.

Theo ông Zhu, truyền thông và học giả nước ngoài đang có thành kiến với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, khiến "rồng Trung Quốc" lâm vào thế bị động trước dư luận quốc tế.

Nghiên cứu, hoạch định chiến lược biển

Giáo sư Zhu khẳng định, để bảo vệ chủ quyền quốc gia tại biển Đông, trước hết Chính phủ cần tập trung nghiên cứu và hoạch định chiến lược biển nói chung và biển Đông nói riêng.

Ông Zhu nhấn mạnh, kỹ thuật chế tạo tàu và sức mạnh hàng hải của Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới. Triều đại nhà Nguyên có công đầu trong việc mở ra tuyến thương mại hàng hải nối liền Đông – Tây. Đây là một ví dụ điển hình cho sức mạnh siêu cường biển của Trung Quốc qua nhiều thế kỷ.

Sau cuộc cách mạng công nghiệp, các nước phương Tây bắt đầu ý thức được vai trò quan trọng của biển đảo và nhanh chóng triển khai sức mạnh trên biển. Trong khi đó, triều đại nhà Minh lại ban bố lệnh “đóng cửa biển”, khiến sức mạnh hàng hải của Trung Quốc bị suy giảm trong bối cảnh mục nát của chế độ thực dân nửa phong kiến. Từ đó về sau, chiến lược biển gần như không có vị trí quan trọng và xứng đáng trong chiến lược phát triển quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Do vậy các quốc gia ven biển đều ra sức khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là tại các vùng lãnh hải tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, Bắc Kinh cần nỗ lực hoạch định chiến lược biển nói chung và biển Đông nói riêng.

Theo ông Zhu, việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược này phải do Trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển hải dương, trực thuộc Cục Hải dương Trung Quốc chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông, Cục Hải quan, chính quyền địa phương các tỉnh thành ven biển và những đơn vị có liên quan đều phải tham gia hoạch định chiến lược này.

Hoàn thiện hệ thống chính sách an ninh quốc gia

Không chỉ chú trọng hoạch định chiến lược biển, Trung Quốc cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách an ninh quốc gia. Giải quyết những vấn đề liên quan tới biển đảo như: tranh chấp lãnh thổ, hoạch định đường biên trên biển, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trên biển… đều là những nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, Giáo sư Zhu khẳng định, một số vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trong đó có biển đảo thường do Chính phủ chỉ định một Bộ ngành nhất định giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, Bộ ngành chịu trách nhiệm thường xuất phát từ nhu cầu và đặc thù công tác của mình, thậm chí đặt lợi ích của đơn vị lên lợi ích của quốc gia và không chịu tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ ngành khác. Những thói quan liêu, cửa quyền này sẽ gây tổn hại nặng nề tới an ninh quốc gia.

Tăng cường lợi ích kinh tế biển

Kế sách thứ ba theo ông Zhu là cần tăng cường lợi ích kinh tế trên biển Đông. Các nước tranh chấp chủ quyền đang ráo riết tận dụng mọi biện pháp để củng cố, tăng cường lợi ích căn bản tại biển Đông. Trong đó, có bên ngang nhiên chiếm hữu một số đảo, tuyên bố chủ quyền và phát triển du lịch quốc tế; có bên khai thác trái phép dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên trong vùng lãnh hải hợp pháp của Trung Quốc.

Trong khi đó, dù có chủ quyền không thể tranh cãi tại vùng biển này, Trung Quốc vẫn bền bỉ chịu đựng. Những nhún nhường thời gian qua đã khiến các bên lầm tưởng có thể dễ dàng "nắn gân" và bắt nạt chúng ta. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là duy trì và tăng cường lợi ích kinh tế tại biển Đông.

Để giải quyết được vấn đề này, trước hết, Chính phủ nên kêu gọi các công ty dầu khí nhanh chóng tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác độc lập tài nguyên biển, cổ vũ những công ty này liên kết với các công ty, tập đoàn dầu khí lớn thuộc các nước phát triển, thậm chí là móc nối với các công ty của chính những nước đang tranh chấp chủ quyền biển Đông để cùng phối hợp khai thác.

Ngoài ra, các Bộ ngành cần khai thông tư tưởng, cổ vũ các công ty du lịch lập đoàn khảo sát tại Hoàng Sa và Trường Sa, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư khai thác du lịch tại đây và xây dựng một vài thiên đường “Maldives” để du khách trong nước và bạn bè quốc tế tới thưởng ngoạn.

Mặt khác, cần tăng cường thăm dò, khảo sát tài nguyên biển vì biển Đông ngoài nguồn tài nguyên thủy sản, thủy triều, sức gió, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên vô cùng phong phú, còn rất nhiều khoáng sản giá trị khác chưa khám phá.

Tận dụng quyền ngôn luận

Một nội dung quan trọng cuối cùng được học giả này đưa ra là cần tận dụng quyền ngôn luận để bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc. Theo ông Zhu, các Bộ ngành chức năng cần xây dựng cơ chế thông tin kịp thời, định kỳ và sâu rộng những sự kiện thời sự trong ngoài nước tới giới học thuật, giúp các chuyên gia có thêm dữ liệu chính thống để tham gia hội đàm, phát biểu đầy sức thuyết phục tại các hội nghị quốc tế, khiến những quan điểm của Trung Quốc ngày càng được quan tâm và đón nhận.

Muốn tận dụng quyền ngôn luận, cần hoàn thiện cơ chế giao lưu đối ngoại, xây dựng đội ngũ học giả, nhân tài có trình độ ngoại ngữ tốt, thậm chí thông qua các đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài để lựa chọn các học giả gốc Hoa đủ năng lực.

Đồng thời, các Bộ ngành cần lên dự toán cụ thể, hỗ trợ các chuyên gia tham gia những hội thảo học thuật quốc tế. Đây là một phương pháp hiệu quả góp phần tuyên truyền chủ trương chính sách và hình ảnh chân thực nhất của Trung Quốc tới cộng đồng quốc tế.

>> Nhật Bản ‘trách' Trung Quốc về căng thẳng biển Đông
>> Máy bay lạ xâm nhập vùng biển Trường Sa
>> Mổ xẻ 'vòi bạch tuộc' của TQ trên biển Đông

Mai Anh (theo Thời báo Hoàn cầu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét