Xử lý tai nạn giao thông

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 04/07/2011, 08:42 (GMT+7)

Xử lý tai nạn giao thông

Kỳ 1: Cố ý làm sai quy trình

TT - Theo điều tra, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vừa mới xảy ra, chưa giải quyết về vấn đề dân sự (bồi thường) đã thấy xe gây tai nạn được phóng thích. Trong khi đó chủ xe, tài xế biến mất dạng, để lại hậu quả đè nặng lên gia đình và bản thân người bị nạn.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế xe ben 61H-8603 gây ra ngày 9-6 tại trạm thu phí số 1 (tỉnh lộ 741, Phú Giáo, Bình Dương) nhưng đến nay chưa được xử lý, phía bị hại chưa được bồi thường Ảnh: H.K.
Ông Phan Thân bị xe khách tông làm chấn thương sọ não, liệt nửa người nhưng vụ việc vẫn chưa được cơ quan công an xử lý Ảnh: H.K.

Theo quy trình điều tra, giải quyết TNGT, khi xảy ra TNGT dù va quẹt nhẹ hay có chết người, cảnh sát giao thông (CSGT) phải tiến hành các thủ tục: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, tạm giữ phương tiện và người điều khiển có liên quan, ghi nhận dấu vết trên thân thể người bị nạn, dựng lại hiện trường, ghi lời khai, giám định chuyên môn, đánh giá tỉ lệ thương tật người bị nạn, xem xét kết quả điều tra và quyết định việc giải quyết vụ TNGT để chuyển cơ quan điều tra xử lý (nếu có dấu hiệu tội phạm) hoặc xử lý hành chính.

Tuy nhiên, một số đơn vị xử lý TNGT đã cố tình bỏ qua quy trình này hoặc ngâm hồ sơ để vòi tiền bồi dưỡng, thậm chí còn “nhiệt tình” vận động các bên liên quan “tự xử” để nhẹ việc.

Đòi tiền bồi dưỡng

Khoảng 23g ngày 26-3, anh Trương Hữu Nghĩa (37 tuổi) đi xe máy trên đường Tân Hòa Đông, hướng từ chợ Phú Lâm đi hương lộ 2 (Q.Bình Tân, TP.HCM). Một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết khi đến trước số nhà 433 Tân Hòa Đông (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), anh Nghĩa đang lưu thông trên phần đường bên phải thì bị xe ben do tài xế La Văn Đang điều khiển quẹt ngã. Do bị chấn thương sọ não nặng nên anh Nghĩa tử vong ngay sau đó.

Ông Trương Trung Tiên (cha anh Nghĩa) kể: “Sáng 27-3, tôi đến Công an Q.Bình Tân nhờ cơ quan điều tra đến nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục nhận thi thể con. Trong lúc chờ đợi, một người mặc thường phục đi cùng một điều tra viên kéo tôi ra nói nhỏ “lát nữa gửi 4 triệu đồng bồi dưỡng để giải quyết nhanh”. Đang lúc đau đớn cùng cực, vả lại nhà nghèo nên tôi không đưa tiền”.

Ngày 18-4, điều tra viên Hùng (đội điều tra tổng hợp Công an Q.Bình Tân) gọi điện hẹn ông Tiên đến giải quyết. Theo ông Tiên, tại buổi làm việc, ông không hề nghe thông báo về vụ TNGT mà chỉ dàn xếp bồi thường, bãi nại giữa đôi bên. Do phía chủ xe đưa ra mức bồi thường không hợp lý nên cuộc thương lượng bất thành.

Cũng tại buổi làm việc, ông Tiên thắc mắc tại sao tài xế không có mặt thì được trả lời “có mời nhưng không đến”.

Ngày 26-5, ông Hùng mời ông Tiên và chủ xe đến cơ quan điều tra thương lượng lần hai. Tại đây, ông Tiên đưa ra mức bồi thường toàn bộ tiền chi phí đám tang, tiền cấp dưỡng nuôi con anh Nghĩa... gần 290 triệu đồng. Trong khi đó, chủ xe chỉ đồng ý bồi thường 80 triệu đồng. Một lần nữa thương lượng bất thành.

Kể từ đó đến nay chủ xe, tài xế lặn mất tăm, không một lời thăm hỏi. Phía cơ quan điều tra cũng không hề thông báo gì cho gia đình về việc giải quyết vụ TNGT.

Ngày 29-6, chúng tôi đến Cơ quan điều tra Công an Q.Bình Tân liên hệ gặp ông Hùng để tìm hiểu diễn tiến xử lý vụ TNGT. Bộ phận tiếp dân giữ lại giấy giới thiệu và cho số điện thoại một người tên Tuấn để liên lạc.

Đến chiều 1-7, trao đổi qua điện thoại, ông Tuấn (đội tham mưu tổng hợp) cho biết “vụ việc có thể không xử lý hình sự”. Hỏi lý do, ông Tuấn không trả lời.

Ngâm hồ sơ

Trưa 9-6, tại trạm thu phí số 1, tỉnh lộ 741 (Phú Giáo, Bình Dương), chúng tôi tận mắt chứng kiến một vụ TNGT kinh hoàng. Một xe ben của Becamex phóng như bay từ hướng Phú Giáo về Bến Cát, đến trạm thu phí thì mất thắng, đâm xéo sang bên kia đường. Sau khi “cắt” gọn một cabin thu phí, “hung thần” tông trực diện vào đầu một xe tải đang xếp hàng chờ mua vé qua trạm và chỉ chịu dừng khi đâm vào trụ bêtông bảo vệ an toàn.

Tai nạn khiến phụ xế xe tải gãy chân phải khá nặng. Về thiệt hại tài sản, phía trạm thu phí cho biết toàn bộ máy móc thiết bị chuyên dùng trị giá hơn 200 triệu đồng bị phá hủy. Gần một tháng trôi qua, trạm thu phí phải đóng cửa một làn, đồng thời gửi công văn đến Becamex, Công an Phú Giáo yêu cầu giải quyết vụ TNGT, giám định và bồi thường thiệt hại nhưng chưa thấy trả lời.

Tương tự, một vụ việc khác, theo tài liệu, khoảng 11g ngày 11-5, ông Phan Thân (ngụ Định Quán, Đồng Nai) đi xe đạp từ rẫy ra quốc lộ 20 (đoạn thuộc ấp 2/97, La Ngà, Định Quán) thì gặp nạn. Trong lúc ông Thân dắt xe đạp (phần đường bên phải) định băng qua đường, bất ngờ bị xe khách lưu thông từ hướng Đà Lạt về TP.HCM va quẹt té ngã xuống đường làm chấn thương sọ não, hôn mê.

Nạn nhân được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy mổ cấp cứu. Sau mổ, ông Thân bị liệt nửa người, lúc tỉnh lúc mê. Cầm cự gần một tháng, gia đình buộc lòng phải chuyển ông Thân về Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) điều trị.

Chị Dương (con ông Thân) cho biết sau khi gây tai nạn, tài xế tên Thanh có tạt qua bệnh viện một hai lần rồi biệt tăm. Phía chủ xe hỗ trợ nhỏ giọt, không thấm vào đâu so với chi phí điều trị. Để chạy chữa cho ông Thân, vợ con ông phải bán sạch đồ đạc trong nhà (nhà ông Thân là diện nghèo ở địa phương), vay nóng.

Theo chị Dương, điều khiến gia đình bức xúc là từ khi xảy ra tai nạn đến nay, phía công an chưa một lần làm việc với gia đình về vụ TNGT cũng như tiến hành các thủ tục thương lượng, bồi thường. Trong khi đó theo tìm hiểu, chiếc xe gây tai nạn đã được Công an huyện Định Quán thả ra ngay sau đó.

“Tự xử”

11g45 ngày 23-6, trên quốc lộ 1A đoạn gần ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) xảy ra vụ TNGT giữa một xe ben và một xe tải. Tài xế xe tải gọi vào số máy của tổ xử lý TNGT đội CSGT Thủ Đức báo tin tai nạn. Đầu dây bên kia hỏi: “Hai bên tự thương lượng được không?”, tài xế nói tài xế xe ben bị thương nặng, đang đưa đi cấp cứu.

Một giờ trôi qua nhưng vẫn không thấy bóng dáng CSGT. Tài xế tiếp tục gọi vào số máy trên. Người trực điện thoại lại hỏi: “Người có bị sao không?”, tài xế thuật lại sơ bộ vụ việc và đề nghị CSGT ra xử lý vì có nguy cơ bị ùn tắc giao thông. Đầu dây bên kia cúp máy. Gần hai giờ sau khi xảy ra tai nạn, hai CSGT mới xuất hiện.

Sau khi hỏi qua loa vài câu, hai CSGT lên xe phóng đi (bỏ qua toàn bộ quy trình điều tra, xử lý TNGT). Ngay sau đó, hai bên liên quan đứng ra “tự xử”, giải quyết hậu quả, dọn dẹp hiện trường rồi đường ai nấy đi.

Anh H., chủ đoàn xe khách tuyến TP.HCM - Đà Lạt, cho biết khi TNGT xảy ra, chủ xe chủ động báo cho người quen ở đơn vị xử lý TNGT. Câu đầu tiên CSGT hỏi là: “Nặng hay nhẹ, tự thỏa thuận được không”?. Dù người bị nạn nặng đang thoi thóp nhưng chủ xe vẫn nói bừa chỉ bị trầy tí da, đã thương lượng xong. Sau khi được “bật đèn xanh”, chủ xe chỉ đạo người nhà, tài xế đưa người bị nạn đi cấp cứu rồi biến nhanh.

Khi hiện trường không còn thì việc xử lý hậu quả cũng nhẹ nhàng hơn. Nếu người bị nạn làm căng, chủ xe giở mặt “có ngon thì đi thưa”, không chịu bồi thường hoặc bồi thường theo kiểu bố thí.

Ông Tú, chủ xe khách chạy tuyến TP.HCM - Đà Nẵng, cũng cho biết khi TNGT xảy ra không ai muốn dính tới pháp luật, chỉ lo làm sao giải quyết hậu quả cho nhanh. Theo tính toán của ông Tú, nếu bị lập hồ sơ xử lý thì mức phạt đối với lỗi trực tiếp gây TNGT nhẹ nhất là 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày, tiền “binh” giấy học luật (2-3 triệu đồng), đó là chưa kể tiền giữ xe (50.000-200.000 đồng/ngày), bồi dưỡng cán bộ xử lý... Nếu “tự xử”, chủ xe không phải mất các khoản tiền này.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, một số cán bộ xử lý TNGT có dấu hiệu bỏ qua nhiều quy trình xử lý, giải quyết vụ TNGT theo hướng nhanh, gọn và “nhiều bên cùng có lợi”. Nhiều vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm (tỉ lệ thương tật trên 31%, thiệt hại tài sản trên 50 triệu đồng hoặc các dấu hiệu hình sự khác) đúng ra phải chuyển cơ quan điều tra thụ lý, nhưng sau đó chỉ xử lý hành chính vì người bị nạn từ chối giám định thương tật hoặc tự thương lượng, bồi thường.

Ép nạn nhân bãi nại

Thịnh, một “chuyên gia” giải quyết hậu quả TNGT của một doanh nghiệp xe khách, cho biết khi tiếp xúc gia đình người bị nạn, “chiêu” đầu tiên là than khóc, kể khổ và... năn nỉ viết giấy bãi nại, từ chối giám định thương tật.

Khi người bị nạn quyết “làm đến nơi đến chốn”, chủ xe chuyển sang phương án khác là “bỏ nhỏ” cán bộ xử lý nhờ tác động giúp. Nếu vẫn bất thành, cán bộ xử lý dùng “biện pháp nghiệp vụ” dọa nạt, vạch lỗi người bị nạn. Tiếp đó, chủ xe giở giọng bất cần “nếu thích thì ra tòa, mai mốt vào tù mà đòi tiền tài xế”.

Trước “viễn cảnh” mịt mờ đó, phía bị nạn đành đặt bút ký giấy bãi nại để nhận món tiền chẳng là bao so với sinh mạng, thương tật mà họ phải gánh chịu.

HOÀNG KHƯƠNG (còn tiếp)



Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 05/07/2011, 07:31 (GMT+7)

Xử lý tai nạn giao thông - Kỳ 2:

Đồng tiền xóa sạch hồ sơ

TT - Khi đụng xe, nếu nhà xe biết chung chi, một số cảnh sát giao thông sẽ không lập hồ sơ, xóa luôn hiện trường.

Cảnh sát giao thông chỉ hỏi chủ xe gây tai nạn vài câu và không lập hồ sơ - Ảnh: H.Khương

>> Kỳ 1: Cố ý làm sai quy trình

Theo điều tra, tại một số đơn vị cảnh sát giao thông (CSGT), việc xử lý tai nạn giao thông (TNGT) nhanh hay chậm, nhẹ nhàng hay phức tạp tùy vào mức độ dày mỏng của... tiền.

Khi xảy ra TNGT, nếu tài xế hoặc chủ xe biết “làm luật” kịp thời thì vụ việc sẽ được giải quyết rất gọn, thậm chí CSGT có thể không lập hồ sơ và xóa luôn hiện trường.

Vụ tai nạn giao thông giữa xe ben và xe tải tại quốc lộ 1A (đoạn gần ngã tư Gò Dưa) ngày 23-6, CSGT có mặt tại hiện trường nhưng không lập hồ sơ - Ảnh: H.K.

Xóa sổ hồ sơ, hiện trường

Khoảng 12g ngày 23-6, xe ben do tài xế Đỗ Minh Cường chạy từ hướng cầu vượt Sóng Thần về cầu vượt Bình Phước. Đến gần ngã tư Gò Dưa (khu phố 3, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM), xe này tông thẳng vào xe tải do Nguyễn Văn Hồng cầm lái. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy đầu xe ben bị bể nát, xe tải hư hỏng phần đuôi. Dưới mặt đường không hề có một vết thắng nào để lại. Tài xế Cường bị gãy chân phải và chấn thương vùng bụng.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người dân gọi điện báo cho tổ xử lý Đội CSGT Công an Q.Thủ Đức. Đến 14g10 (sau hai giờ kể từ lúc gọi điện báo), hai CSGT là đại úy Nguyễn Trọng Nghĩa và thượng úy Phạm Văn Hải đi xe chuyên dùng đến. Đại úy Nghĩa vừa đi ra hiện trường vừa gọi điện, chừng 10 phút sau một chiếc xe cẩu sơn chữ “Thắng” xuất hiện.

Trong khi đó, thượng úy Hải hỏi tài xế Hồng vài câu nhưng không ghi chép vào sổ. Quan sát, chúng tôi thấy các thủ tục ban đầu như: đo vẽ dấu vết, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, ghi lời khai... đều không được thực hiện.

14g30, chủ xe ben Lý Văn Tài có mặt. Tài, Hồng gặp thượng úy Hải xin... không giam xe để hai bên “tự xử”. Ông Hải nói: “Gọi điện về bệnh viện hỏi tài xế có bị nặng không, nếu nhẹ thì xử lý ngay, không ai muốn mang xe về đâu, ôm thêm vụ này chỉ tổ mệt”. Sau khi nghe Tài báo tài xế bị gãy đùi, ông Hải cho xe tải đi và yêu cầu chủ xe ben xuất trình giấy tờ xe, giấy phép lái xe (GPLX). Sau một lúc tìm kiếm, Tài nói: “Tìm không thấy giấy tờ”. Hai CSGT đòi tạm giữ xe ben để xử lý và lên xe ngồi. Tài chạy đến thò đầu vào xe năn nỉ.

Chừng 5 phút sau, chiếc xe cảnh sát rồ máy chạy đi, kết thúc quy trình xử lý TNGT không có hồ sơ. Theo tìm hiểu, nếu vụ tai nạn này được lập hồ sơ xử lý thì sẽ phạt chủ xe, tài xế xe ben các lỗi: không làm chủ tốc độ gây tai nạn, không xuất trình GPLX, giấy tờ xe, chở quá tải (tải trọng thiết kế 2,5 tấn nhưng chở 7,5 tấn)...

Chiều 1-7, trao đổi với chúng tôi về vụ việc, đại úy Đỗ Thanh Thắng, đội phó Đội CSGT Thủ Đức, cho biết qua kiểm tra sổ sách, trong ngày 23-6 xảy ra hai vụ TNGT nhưng không có hồ sơ vụ ở ngã tư Gò Dưa. Đến khi ông Thắng gọi đại úy Nguyễn Trọng Nghĩa lên báo cáo thì sự việc mới được thừa nhận (không lập hồ sơ).

CSGT Huỳnh Minh Đức (Đội CSGT Bình Thạnh - bìa trái) hẹn tài xế, chủ xe đến một quán ăn để nhận tiền giải phóng xe gây tai nạn, bỏ qua lỗi giam bằng lái - Ảnh: H.K.

“Luật hai chai”

23g15 ngày 23-6, xe đầu kéo do Võ Văn Thắng điều khiển chạy trên đường Phan Đăng Lưu (TP.HCM) hướng từ Bạch Đằng vào đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng thì vượt sai quy định, va chạm với xe du lịch. Cú va chạm khá mạnh khiến đầu xe hơi giập nát. Cả hai xe bị đưa về tạm giữ tại kho 710, Cục Kỹ thuật hải quân (Tân Cảng).

Chiều 24-6, hai cán bộ xử lý của Đội CSGT Bình Thạnh là Huỳnh Minh Đức và Liễu Hồng Lộc đến bãi xe khám dấu vết. Trong lúc lập hồ sơ, ông Lộc nói: “Cho ông đi học lại luật, tui làm việc cương quyết lắm”. Đến phần thương lượng, chủ xe du lịch đòi bồi thường 15 triệu đồng, sau rút xuống còn 12 triệu đồng nhưng ông Tuấn (chủ xe đầu kéo) chưa đồng ý. Lúc này ông Lộc giải thích lỗi vi phạm thuộc về xe đầu kéo, nếu ông Tuấn chịu bồi thường thì về làm thủ tục trả xe luôn, để lâu càng phức tạp. Nghe tới đây, ông Tuấn đồng ý.

Tại Đội CSGT Bình Thạnh, ông Lộc giục hai bên giao tiền rồi làm giấy trả xe cho phía bị nạn. Giải quyết xong xe bị nạn, ông Lộc tuyên bố tiếp tục giữ xe đầu kéo và đòi lập biên bản tài xế Thắng lỗi vượt phải (nội thành phạt 1,2 triệu đồng, giam bằng lái 30 ngày). Thắng nói phạt nặng quá, ông Lộc tỏ ra chiếu cố “đúng ra phải phạt 2 triệu đồng, giam bằng 3 tháng” và hẹn ngày mai lên giải quyết tiếp.

Sáng 25-6, ông Tuấn và người bạn tên Hoàng (làm ăn chung) đến Đội CSGT Bình Thạnh giải quyết vụ TNGT nhưng cán bộ trực ban nói ông Lộc không đi làm. Ông Hoàng gọi điện thoại cho ông Đức xin gặp mặt để giải quyết lấy xe trong ngày. Sau một lúc suy nghĩ, ông Đức đồng ý gặp ông Tuấn và Hoàng tại một quán cà phê gần vòng xoay cầu Điện Biên Phủ. Vừa gặp mặt, ông Đức nói vụ này phải phạt tài xế, giam bằng 2 tháng. Ông Hoàng năn nỉ ông Đức “đá bổng đá bỏ”, miễn giam bằng và cho lấy xe ra trong ngày. Ông Đức nói sẽ “nghiên cứu” lỗi nhẹ để không bị tước GPLX, không giam xe.

Hỏi giá cả, ông Đức trả lời: “Ba chai (3 triệu đồng): sếp chai, em chai, Lộc chai”. Để chắc ăn, ông Đức gọi điện hội ý với ông Lộc: “Phạt lỗi nhẹ bao nhiêu? Làm cái lỗi không tước GPLX được không? Ổng nói “binh” cho ổng cái đó, ổng gửi 3 chai”. Ông Đức tắt máy, nói: “Ok, chút em về làm giấy trả xe, thứ hai lên lấy giấy tờ”. Sau khi nhận tiền từ tay ông Tuấn, ông Đức cười an ủi: “Coi như thua trận banh chứ có gì đâu”.

"Vừa xảy ra tai nạn, dù không có lỗi cũng phải đưa trước 2 “chai” (triệu) để giải tỏa xe, hàng hóa trước rồi giải quyết hậu quả sau"

CSGT Huỳnh Minh Đức

12g, ông Đức cầm biên bản trả xe đến một quán ăn trên đường D5, P.25, Q.Bình Thạnh giao cho ông Tuấn. Trong lúc cởi mở, ông Đức trách khéo ông Tuấn: “Lôi thôi đến hôm nay là do mấy anh không chịu “phát biểu”. Đa số những vụ như thế xử lý ngoài đường luôn (không lập hồ sơ). Vừa xảy ra tai nạn, dù không có lỗi cũng phải đưa trước 2 chai để giải tỏa xe, hàng hóa trước rồi giải quyết hậu quả sau. Ở ngoài đường, luật là như thế. Hôm đó nếu các anh “phát biểu” hợp lý thì đi ngay. Còn chuyện hồ sơ tụi em sẽ lách chút xíu vì trong tầm tay. Nếu không “phát biểu” thì cứ làm đúng thủ tục”.

Ông Tuấn chống chế: “Lúc đó run quá, vả lại anh em không nói luôn cho tui đỡ khổ”. Ông Đức đáp: “Mấy anh phải “phát biểu” trước chứ chẳng lẽ tui đòi”. Ông Tuấn nói: “Lúc về đội tui xin làm luật 1 chai nhưng không được giải quyết”. Ông Đức nhăn nhó: “Anh làm không đúng giá. 1 chai yếu quá sao mà làm. Hôm đó nghe anh “phát biểu” 1 chai tui đóng cửa, tắt điện thoại ngủ luôn. Nếu lúc đó anh ngoắc tui ra đưa 2 chai là tui ra liền. Qua vụ này anh phải rút kinh nghiệm. Ông xe du lịch có bị gì đâu cũng gửi 2 chai”.

Trước khi chia tay, ông Đức dặn mai mốt nếu bị... dính tai nạn cứ gửi 2 “chai” rồi đi. “Nếu không gặp đúng ca trực thì sao?”, ông Tuấn hỏi. Ông Đức nói: “Cứ điện thoại, tui tư vấn đi đúng đường. Riêng khoản này đã hơn người ta (phía liên quan) rồi”. Hỏi những vụ TNGT hoặc va quẹt có thể xử lý luôn ngoài đường mà không cần lập hồ sơ được không, ông Đức nói: “Được, như vụ vừa rồi, nếu biết “phát biểu” thì xếp hồ sơ luôn”. Ngày 1-7, ông Đức gọi điện cho ông Hoàng báo tin: “Đã ra biên bản phạt tài xế lỗi vượt phải 700.000 đồng, giam bằng lái 30 ngày nhưng trả bằng lái luôn rồi”.

HOÀNG KHƯƠNG

Dùng bằng lái giả để “thế chấp” tiền bồi thường

Đêm 28-4, Đào Lâm Long chạy xe khách từ TP.HCM đi Đồng Nai. Đến gần trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai), do đường đang ùn tắc, tài xế Long cho xe chạy vào đường nội bộ trước trụ sở Công an huyện Trảng Bom và tông vào xe máy của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân đang đi cùng chiều bên phải. Tai nạn khiến chị Xuân té ngã bất tỉnh, phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Hồ sơ cho thấy chị Xuân bị gãy xương quay tay phải, gãy xương bàn tay trái, chấn thương đầu, chân phải.

Nhận được tin báo, tổ xử lý của Đội CSGT Trảng Bom có mặt tại hiện trường. Ngay sau đó xe gây tai nạn được giải tỏa. Vụ TNGT này cũng không được lập hồ sơ theo quy định và được dàn xếp ổn thỏa. Sau đó, tài xế viết giấy cam kết bồi thường cho chị Xuân 7 triệu đồng. Để làm tin, Long “thế chấp” GPLX.

Anh Nam (chồng chị Xuân) cho biết từ khi vợ anh bị nạn đến nay tài xế Long không một lần đến thăm hỏi. Số tiền cam kết bồi thường thuốc men cho vợ anh cũng chỉ là... lời nói gió bay. Chiều 29-6, Long nhờ người bạn mang 1 triệu đồng đến nhà chị Xuân “chuộc” lại GPLX nhưng chị Xuân không đồng ý. Theo lời “thú nhận” của Long, bằng lái mà chị Xuân đang giữ là bằng lái giả được mua với giá 2 triệu đồng.

Sáng 1-7, trung tá Ngô Văn Thạch, đội trưởng Đội CSGT Trảng Bom, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 18 vụ TNGT, đồng thời khẳng định tất cả vụ việc đều được lập hồ sơ theo quy trình. Chúng tôi hỏi ngày 28-4 trên địa bàn có xảy ra vụ TNGT nào không. Sau khi kiểm tra sổ sách, ông Thạch trả lời không có. Chúng tôi cung cấp luôn biển số xe, tên cán bộ trực tiếp ra hiện trường, ông Thạch gọi điện thoại cho vị cán bộ kia để kiểm tra và được trả lời “chỉ có xe máy quẹt nhau chứ không có ôtô gây tai nạn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét