Về đề thi ĐH môn Vật lý: Giải trình của tổ ra đề chưa cầu thị

GIÁO DỤC - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 19:29, Thứ tư, 06/07/2011 (GMT+7)
NDĐT – Sau khi có thông tin câu 53 mã đề 817 môn Vật lý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 vừa qua có sai sót, ngày 5-7, tổ ra đề môn Vật lý trả lời và khẳng định câu hỏi này nằm trong nội dung chương trình, rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, ngày 6-7, NDĐT đã nhận được bài viết của nhà giáo Nguyễn Cao Khang cho rằng, giải trình của tổ ra đề không đúng và chưa cầu thị. Để rộng đường dư luận, NDĐT đăng ý kiến trên như một góc nhìn chuyên môn

Tổ ra đề khẳng định: “không sai”

Cụ thể, câu 53 mã đề 817 hỏi: 'Con lắc Vật lý là một vật rắn quay quanh được một trục nằm ngang cố định. Dưới tác dụng của trọng lực, khi ma sát không đáng kể thì chu kỳ dao động nhỏ của con lắc'.

A. Không phụ thuộc vào gia tốc trọng trường tại vị trí con lắc dao động.

B. Phụ thuộc vào dao động biên độ của con lắc.

C. Phụ thuộc vào khoảng cách từ trọng tâm của vật rắn đến trục quay của nó.

D. Không phụ thuộc vào momen quán tính của vật rắn đối với trục quay của nó.

Trả lời của tổ ra đề Vật lý ngày 5-7 khẳng định: 'Lời dẫn trong câu trắc nghiệm đầy đủ, không thiếu giả thiết, bám sát sách giáo khoa (SGK), không làm cho thí sinh hiểu nhầm. Trong bốn phương án lựa chọn, chỉ có một đáp án đúng (phương án C). Không cần phải đích chính hay thay đổi đáp án câu này.'

Lời dẫn đã nhắc lại câu: “Con lắc vật lý là một vật rắn quay quanh được một trục nằm ngang cố định” (Nguyên văn dòng 8 và 9 từ dưới lên trang 38 của SGK Vật lý 12 nâng cao -2008).

Ban ra đề thi Vật lý cho rằng: Trong bài tập số 5 (trang 40) ngay cuối bài 7 của sách này, đề bài cũng nhắc lại nội dung tương tự như trên mà không cần có ý: trục quay quanh nằm ngang không đi qua trọng tâm. Việc nêu thêm ý này là thừa. Hơn nữa, trong câu 53 đã nói dưới tác dụng của trọng lực, con lắc dao động…

Đây là câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu về con lắc vật lý bất kỳ dao động nhỏ. Thí sinh hiểu công thức T7.13 trang 39 sách giáo khoa Vật lý 12 Nâng cao-2008, dòng thứ 6 từ trên xuống thì sẽ làm được bài. Nội dung câu hỏi đề cập đến con lắc vật lý là một vật rắn (tức là nói đến trường hợp tổng quát chứ không nói xét riêng một trường hợp đặc biệt nào).

Cũng theo ban ra đề thi Vật lý, nếu thí sinh nào đó mà xét trường hợp đặc biệt để chọn phương án khác với phương án C, thì thí sinh đó sai (về mặt logic, thí sinh đã từ một trường hợp riêng khái quát hóa thành trường hợp tổng quát!).

“Khẳng định của tổ ra đề không đúng”

Đọc bản trả lời của Tổ ra đề vật lý, thầy Nguyễn Cao Khang, giảng viên Khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội viết: “Thật sự ngạc nhiên! Tôi chợt nhớ cái truyện thầy bói xem voi mà cảm phục sự sâu sắc của tiền nhân. Từ cái thuở xa xưa ấy ông cha ta đã đề cao việc xem xét bản chất sự vật hiện tượng một cách khoa học, toàn diện và không ngộ nhận. Thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay lại càng đòi hỏi chúng ta phải hiểu đúng bản chất của sự vật hiện tượng. Trên tinh thần ấy, tôi muốn đóng góp một chút rất nhỏ bé để người học không hiểu sai về một khái niệm vật lý rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa thực tế.

1. Về khái niệm con lắc vật lý, Sách vật lý 12 nâng cao, NXB Giáo dục, 2010, trang 38 dòng 8 và 9 từ dưới lên viết: “con lắc vật lý là một vật rắn quay được quanh một trục nằm ngang cố định không đi qua trọng tâm của vật”; Từ điển vật lý tập 1, nxb Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 1982, trang 205 dòng 1, 2, 3 viết: “con lắc vật lý – vật rắn bất kỳ chịu tác dụng của trọng lực và thực hiện những dao động quanh một trục nằm ngang không đi qua tâm khối”.

Như vậy, cả sách giáo khoa hiện hành và từ điển vật lý đều phải kể đến trục không qua trọng tâm. Các tác giả đề thi đã trích dẫn chỉ một nửa lời văn định nghĩa của sách giáo khoa. Một nửa định nghĩa rõ ràng không phải là định nghĩa. Vậy ít nhất tổ ra đề phải thừa nhận đã trích dẫn sai nội dung của sách giáo khoa. Trong giải trình, tổ ra đề khẳng định lời dẫn đầy đủ, bám sát sách giáo khoa, không gây hiểu lầm là khẳng định không đúng, thể hiện việc chưa cầu thị. Thực ra những câu hỏi như thế này không đáng có trong đề thi Đại học!

2. Không nói đến việc chưa nhất quán về ngôn từ dễ gây hiểu nhầm như: lúc thì nói con lắc lúc lại nói vật rắn, trên nói “trục nằm ngang” dưới lại nói “trục quay của nó”… chỉ xét định nghĩa trong câu hỏi đề thi: nếu trục qua trọng tâm mà lại không kể đến ma sát thì vật rắn này chỉ có thể không quay hoặc quay đều quanh trục này! Khi đó thì không có đáp án nào để chọn cả!

Trong trường lực hút của Trái Đất, có thể kể ra vô số vật rắn quanh ta có trục quay nằm ngang cố định xuyên qua trọng tâm của vật mà không phải là con lắc vật lý. Là người thầy, phải dạy đúng bản chất cho học sinh hiểu. Ngay cả khi trong sách giáo khoa có chỗ nào đấy gây sự ngộ nhận cho học sinh thì trách nhiệm giúp họ hiểu vấn đề là của người thầy, và phần nào nữa là đề thi. Dẫn chứng của tổ ra đề là dòng 8, 9 trang 38 của sách giáo khoa Vật lý nâng cao lớp 12, năm 2008. Nội dung chưa chính xác này đã được các tác giả sách giáo khoa sửa lại trong SGK hiện hành xuất bản năm 2010 - như trình bày ở trên. Lẽ nào các thầy ra đề lại cho rằng sự đính chính của sách giáo khoa là không cần thiết!?

3. Đề thi ngoài việc nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học còn phải giúp người học rèn luyện phát triển tư duy. Lẽ nào chỉ cần các em xem chỗ nào có chữ con lắc vật lý là khoanh vào câu đề cập đến đặc tính của nó, mà không cần suy nghĩ gì cả!

Vả chăng, là người thầy ai cũng hiểu tầm quan trọng về kiểm tra đánh giá và định hướng cho việc học tập của học sinh cả nước mà đề thi của Bộ đảm nhận.

HỒNG VÂN (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét