Chủ đầu tư cố tình đẩy các nhà thầu nội ra rìa?

CAND Online
15:36:24 08/07/2011

Ngày 23/6/2011 Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển – quốc tế gói thầu xây lắp số 2: các ga trên cao; thuộc dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi nhìn vào hồ sơ mời thầu, các nhà thầu Việt đã “khóc ròng”...

Bởi trong phần tiêu chí về năng lực tài chính, các nhà thầu phải có ít nhất 40.000.000 EUR hay tương đương 1.080.000.000.000 VND. Với số tiền khổng lồ này thì rõ ràng không có “chỗ” cho các nhà thầu trong nước.

Đưa ra tiêu chí cao cho nhà thầu nội “khóc”

Theo một số nhà thầu phân tích: xét ở mức độ phức tạp về kỹ thuật, phương pháp thi công thì đây là công trình Nhà ga cao 2 tầng - thuộc Loại công trình Dân dụng - nhóm công cộng - cấp III (theo phụ lục số 01 -– phân cấp, phân loại công trình xây dựng kèm theo Nghị định số 209/2004/NDD-CP ngày 16/12/2004) có yêu cầu kỹ thuật bình thường, giá trị trung bình 1 nhà ga không cao - khoảng 135 tỷ đồng. Có rất nhiều nhà thầu trong nước đã có kinh nghiệm thi công nhóm công trình này.

Và thực tế, nếu chia bình quân giá trị hợp đồng 1.080 tỷ cho thời gian thi công công trình trong 57 tháng (mục 1.3 Phần VI, phạm vi Hợp đồng) thì mỗi năm chỉ quản lý hợp đồng 227 tỷ đồng - một con số về doanh thu rất nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước đạt được.

Nhưng nếu gộp 8 nhà ga lại để tính giá trị hợp đồng gần như lên tới 1.080 tỷ đồng thì loại đi gần hết các nhà thầu trong nước.

Mô hình của một phần Dự án.

Chưa hết, nếu xem xét kinh nghiệm về mặt giá trị thì 1.080 tỷ chỉ nói lên quy mô quản lý hợp đồng về mặt giá trị, nếu chia bình quân cho thời gian thi công công trình 57 tháng ( mục 1.3 Phần VI, phạm vi Hợp đồng) thì mỗi năm chỉ quản lý hợp đồng 227 tỷ đồng - một con số về doanh thu rất nhiều doanh nghiệp xây dựng đạt được. Trong điều kiện cụ thể nền kinh tế nước nhà, các hợp đồng xây dựng dân dụng trong các năm gần đây rất ít hợp đồng có giá trị lớn hơn 1.000 tỷ đồng đã hoàn thành, do vậy nếu đưa tiêu chí 2 hợp đồng tương tự có giá trị tương đương 1.080 tỷ đồng thì đã loại hết các nhà thầu trong nước.

Có thể thấy việc Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đưa tiêu chí lựa chọn nhà thầu sơ tuyển quá cao như trên sẽ loại hết các nhà thầu trong nước, “vô tình” giao thầu cho các nhà thầu nước ngoài và tất nhiên sau khi trúng thầu - ký kết hợp đồng với Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, thì các nhà thầu nước ngoài sẽ giao thầu lại cho nhà thầu trong nước thực hiện với giá thấp hơn rất nhiều.

Ở đây cần đặt ra câu hỏi là do “tin tưởng” vào tư vấn mời thầu nước ngoài hay sự thiếu trách nhiệm trong việc xem xét các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm nền kinh tế đất nước mà Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã góp phần cho hiện tượng “thua ngay trên sân nhà” của nhà thầu Việt Nam.

Cố tình “sính ngoại”?

Việc Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra các tiêu chí cao, không phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước đã đi ngược lại với Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC”.

Song đây cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và nhân lực, gánh vác phần lớn các công trình đầu tư cơ bản của toàn xã hội. Song, thực tế đáng buồn là hầu hết các công trình lớn có vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA… đều do nhà thầu nước ngoài đảm nhận, nhà thầu Việt vẫn chỉ là “kép” phụ.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do những bất cập về cơ chế chính sách, đã làm năng lực cạnh tranh của các nhà thầu Việt “thất thế” ngay trên sân nhà. Trong khi, các nhà thầu tư nhân vẫn phải chắt chiu từng đồng vốn góp, các nhà thầu nhà nước thì bị ràng buộc bởi các rào cản khắt khe, phiền hà… thì các nhà thầu nước ngoài lại được hưởng nhiều ưu đãi về xúc tiến đầu tư, chính sách thuế, chính sách tín dụng, tỷ giá ngoại tệ…

Trong khi đó, các nhà thầu nội cho biết như dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, nếu chia thành nhiều gói thầu thì các nhà thầu nội đã có thêm cơ hội. Thực tế, việc chia thành nhiều gói thầu đã được thực hiện rất tốt ở dự án Nhà máy xi măng Cẩm Phả, Xi măng Hà Tiên 2…

Rõ ràng, đã đến lúc để phát huy thế mạnh của nhà thầu trong nước, và cái quan trọng hơn là để chọn các nhà thầu có công nghệ thiết bị tốt nhất, giảm chi phí trung gian (nhà thầu chính trúng thầu, mua lại thiết bị của một số nhà thầu ăn chi phí trung gian 10 - 15%)… cần có những quy định cụ thể về việc đấu thầu các công trình trọng điểm, gói thầu lớn phức tạp nên chia gói thầu thiết bị ra nhiều gói thầu theo từng công đoạn như các dự án nêu trên


Theo Công luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét