Cập nhật lúc : 8:53 PM, 06/01/2012
(VOV) - Việc phong tỏa eo biển Hormuz có thể làm giá dầu tăng thêm ít nhất 50 USD/thùng và điều đó sẽ nhanh chóng đẩy giá xăng lên cao.
- Căng thẳng Mỹ - Iran: Mùi của chiến tranh?
- Mỹ coi eo biển Hormuz là lãnh thổ quốc tế
- Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt Iran
- Iran tuyên bố cuộc tập trận tại Hormuz "thành công"
Theo các nhà phân tích, nếu Iran thực hiện lời đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển gần 1/5 giao dịch dầu lửa toàn cầu, thì giá dầu có thể tăng 50% hoặc hơn trong thời gian ngắn.
Iran có thể thực hiện việc phong tỏa eo biển này bằng các phương tiện khai thác, các cuộc không kích hoặc phá hoại hậu cần với năng lực quân sự của Tehran.
Eo biển Hormuz là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của thế giới (Ảnh: AFP) |
Các quan chức Mỹ cho biết, Hạm đội Hải quân có trụ sở tại Bahrain sẵn sàng bảo vệ các tuyến đường vận chuyển và nếu cần thiết sẽ có hành động quân sự trả đũa đối với Iran.
Nền kinh tế của Iran chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu - ít nhất 2 triệu thùng/ngày thông qua eo biển Hormuz thuộc Vịnh Ba Tư, một trong những đầu mối vận chuyển quan trọng nhất của thế giới.
Lệnh phong tỏa này, nếu thực hiện sẽ là một sự trừng phạt đối với Trung Quốc, khách hàng dầu mỏ quan trọng nhất của Iran và cũng là đối tác nhận dầu chủ yếu từ Vịnh Ba Tư.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực dầu mỏ tại Iran và lên tiếng phản đối nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Nhiều quan chức Iran mới đây cho biết, họ sẽ phong tỏa eo biển nếu Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận nhằm nỗ lực ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn ký quyết định áp đặt lệnh cấm vận đối với Ngân hàng Trung ương của Iran nhằm gây khó khăn cho việc xuất khẩu dầu.
Lawrence J. Goldstein, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chính sách năng lượng cho rằng, việc phong tỏa eo biển Hormuz có thể làm giá dầu tăng thêm ít nhất 50 USD/thùng và điều đó sẽ nhanh chóng đẩy giá xăng lên cao. Động thái này sẽ tạo ra sự phi lý và không nhận được sự đồng tình của quốc tế, ông nhấn mạnh.
Mặc dù Libya đã dần phục hồi trên thị trường dầu thế giới, nhưng sự đe dọa của Iran đã làm cho giá dầu tăng trên mức 100 USD/thùng trong những tuần gần đây. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế châu Âu và làm giảm nhu cầu xăng của Mỹ.
Các quan chức Mỹ cảnh báo Iran vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ tàu thương mại trong vùng biển quốc tế.
Sadad Ibrahim Al-Husseini, cựu Giám đốc thăm dò và phát triển tại Saudi Aramco cho rằng, việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ là một hành động chiến tranh chống lại cả thế giới.
Trước đó điều này đã từng đã xảy trong những năm 1980 khi Iran tấn công tàu chở dầu Kuwait chở dầu từ Iraq, khiến Kuwait phải nhờ sự hộ tống của các tàu chiến Mỹ. Iran sau đó cũng rút lui nhưng vẫn tiếp tục cho đặt mìn.
Đến năm 1988, một tàu khu trục Mỹ gần như bị đắm vì dính mìn của Iran. Tàu chiến của Mỹ sau đó đã trả đũa bằng cách tiêu diệt một số dàn khoan dầu của Iran. Các cuộc tấn công và phản công diễn ra trong nhiều tháng, và tên lửa từ một tàu chiến của Mỹ vô tình bắn rơi một máy bay chở khách của Iran làm 290 hành khách thiệt mạng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét