Thủ tướng Hun Sen: ‘Việt Nam đã giúp Campuchia hồi sinh'

vnexpress.net
Thứ tư, 4/1/2012, 06:00 GMT+7

Kịch liệt bác bỏ ý kiến cho rằng quân đội Việt Nam "chiếm đóng" Campuchia (1979 - 1989) khi trả lời phỏng vấn VnExpress, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ quan điểm về cuộc chiến 10 năm tại Campuchia và trải lòng về những điều ông chiêm nghiệm.

- Thưa ông, tác giả Haish C. Mehta và Julie B. Mehta của cuốn “Hun Sen – Nhân vật xuất chúng" có kể lại rằng, ông đã “thể hiện sự phẫn nộ” khi có ý kiến đánh giá cuộc chiến 10 năm của VN ở Campuchia như là “xâm lược”. Theo ông, vì sao lại có một cách hiểu như vậy về cuộc chiến đó?
- Không riêng gì ông bà Mehta, mà nhiều người từng nói với tôi như vậy. Tôi kịch liệt bác bỏ điều này.
Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân Campuchia vì sự sống của nhân dân chúng tôi, điều đó đã dẫn đến sự hồi sinh của Campuchia ngày hôm nay.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen: " Từ đáy lòng, tôi muốn gửi lời tri ân đến những cựu chiến binh Việt Nam và thân nhân những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tại Campuchia.". Ảnh: Tá Lâm
Quốc vương Sihanouk cũng từng kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam để đấu tranh chống lại Lon Nol. Khi chúng tôi đang phải đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, tại sao chúng tôi không thể kêu gọi nhân dân Việt Nam đến giúp chúng tôi?
Tôi xin hỏi, đã có đất nước nào giúp đỡ nhân dân Campuchia như Việt Nam đã từng làm? Không có. Chỉ có nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia trong thời điểm khó khăn nhất.
- Vậy nên hiểu thế nào về việc 30 năm sau Liên Hợp Quốc mới tổ chức được một phiên tòa xét xử tội diệt chủng của chế độ Khơme đỏ và tại đó một số bị cáo đã cáo buộc quân tình nguyện Việt Nam trong việc giúp đỡ Campuchia là sai trái?
- Tôi đã nghe Noun Chea, một trong những cựu lãnh đạo chế độ Pol Pot được xét xử tại tòa án trong mấy tuần lễ vừa qua, không những không nhận lỗi lầm của mình mà còn tố cáo việc này, việc khác. Đây chỉ là những lời tự bào chữa, nhằm làm nhẹ tội của những kẻ sát nhân, diệt chủng mà thôi. Kẻ trộm không bao giờ thừa nhận rằng nó là tên ăn trộm.
Nếu Pol Pot là một tổ chức đúng đắn và nếu Việt Nam “xâm lược” thì cần gì phải có tòa án để xét xử chúng như hôm nay. Ai cũng biết, đất nước Campuchia từng có một chế độ diệt chủng và đất nước chúng tôi đã cùng với thế giới lập một tòa án để xét xử những kẻ gây ra tội ác.
Sự có mặt của quân đội Việt Nam tại Campuchia là nhằm giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn nguy cơ chế độ Pol Pot quay trở lại. Khi Campuchia chúng tôi đủ lớn mạnh thì Việt Nam rút hết quân về nước. Và năm 1989, quân đội Việt Nam đã rút về nước. Hơn 20 năm qua đã không còn sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại đất nước chúng tôi.
- Trong cuộc chiến 10 năm chống Pol Pot ở Campuchia, đã có hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh và bị thương. Nếu có một thông điệp gửi tới cựu chiến binh, thân nhân những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến đó, ông sẽ nói gì?
- Nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, từ đáy lòng, tôi muốn gửi lời tri ân đến những cựu chiến binh Việt Nam và thân nhân những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến đó. Chúng tôi mãi mãi ghi ơn to lớn vì họ đã tham gia chiến đấu giành giật sự sống cho nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh tính mạng của mình vì sự sống, sự hồi sinh của chúng tôi, của nhân dân Campuchia.
Hiện nay, các hài cốt của chiến sĩ Việt Nam chưa được hồi hương toàn bộ. Chúng tôi cố gắng cùng cơ quan chức năng Việt Nam tích cực tìm kiếm bốc cốt để đưa họ về quê hương đất tổ. Chúng tôi phải có trách nhiệm làm những việc này vì lực lượng quân đội Việt Nam đã hi sinh vì đất nước Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen
Thủ tướng Hun Sen bắt tay các tướng lĩnh Việt Nam trong dịp công nhận khu Di tích lịch sử tại Long Giao - Đồng Nai ngày 1/1/2012. Ảnh: Tá Lâm.
- Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia được đánh giá là “tài sản vô giá”, nhưng một số người thường liên hệ mối quan hệ này đến nước thứ ba, xin cho biết ý kiến của ông?
- Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã được xây dựng qua từng giai đoạn của lịch sử, đặc biệt là giai đoạn giải phóng đất nước khỏi chế độ Pol Pot đến ngày hôm nay. Mối quan hệ đó bị người ta xuyên tạc là Campuchia đang nằm dưới sự chỉ đạo của Việt Nam. Đảng đối lập ở Campuchia cũng nói là Trung Quốc, Mỹ đang lôi kéo Campuchia. Tôi đi Âu, Mỹ, người ta nói tôi nghiêng về phía họ. Tôi đi Trung Quốc người ta nói tôi nghiêng Trung Quốc, tôi sang Việt Nam họ nói tôi là nghiêng về Việt Nam. Tôi không hiểu. Người ta nghĩ Campuchia là một món hàng hay sao? Chúng ta cần quan hệ rộng lớn với các nước trên thế giới. Điều quan trọng xin nhấn mạnh là sự duy trì độc lập chính trị, đối ngoại, còn ai nói gì kệ họ. Chúng ta không cần nói, không cần bình luận gì. Chúng ta không thể đóng một cửa và mở một cửa, làm vậy khác nào tự trừng phạt mình.
- Giai đoạn nào trong cuộc đời ông đáng nhớ nhất? Khi còn là một chú tiểu, một chiến sĩ giải phóng đất nước, hay khi là một Thủ tướng?
- Điều mà tôi nhớ mãi không phải là khi tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao hay Thủ tướng, mà là khi tôi bị thương ở một bên mắt. Tôi đã bị bất tỉnh một tuần, khi ấy tôi 23 tuổi. Tất cả các bạn đều đã trải qua thời thanh niên, chúng ta đều yêu quý thân thể mình, còn tôi thì đã mất một bên mắt và không bao giờ lấy lại được.
Sau đó là đứa con trai đầu của tôi đã chết vì bị một y tá làm rơi. Tôi là một người cha, vậy mà dưới thời Pol Pot họ đã không cho tôi đem xác con trai mình đi chôn. Bạn thử nghĩ xem như thế bạn sẽ đau đớn thế nào?
Có quá nhiều điều đáng để nhớ, nhất là cái ngày 20/6/1977, khi tôi phải lìa xa vợ đang mang thai 5 tháng để sang Việt Nam tìm đường giải phóng đất nước, nhờ có ngày ấy mà chúng tôi có được ngày hôm nay.
Tôi cũng không bao giờ quên được ngày 24/9/1978, 5 quả đạn đã bắn vào xe của tôi, may mắn chỉ nổ 1 quả cách xe tôi 3 thước.
Tôi cũng sắp kỷ niệm ngày cưới thứ 36 của mình rồi (5/1/1976). Lúc đó, chúng tôi cưới 1 lần 13 cặp. Trong chế độ Pol Pot, người ta không cho cưới theo cách truyền thống. Một kỷ niệm nữa là ngày chúng tôi có đứa con đầu tiên.
Kinh nghiệm cuộc đời của tôi là đừng bao giờ mất hy vọng, càng khó khăn, gian khổ càng phải cố gắng không bao giờ lùi bước.
- Ngoài công việc, ông còn sáng tác nhạc, ông có thể chia sẻ những sở thích của mình?
- Tôi thích chơi golf nhưng bận công việc nên tôi không thể chơi được. Tôi cũng thích sáng tác nhạc. Đến nay tôi đã sáng tác được hơn 200 bản nhạc, phần nhiều kể lại những gì đất nước chúng tôi đã trải qua.
Bản nhạc nổi tiếng nhất là “Cuộc đời của chú tiểu”. Bài hát không chỉ đúng với tôi mà còn đúng với nhiều người khác nữa. Tôi cũng sáng tác về cuộc đời của người nông dân, về nỗi khổ của người phụ nữ xa chồng… Đó không chỉ là nỗi buồn riêng của vợ chồng tôi mà còn là nỗi khổ của những người vợ, người chồng trong thời kỳ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Còn khi về hưu tôi sẽ làm gì? Tôi vẫn thường tự hỏi mình như thế. Có lẽ tôi sẽ trở thành một nhà sáng tác và viết báo. Có thể lúc đó sẽ là những bài báo bán chạy nhất trên thị trường vì tôi sẽ viết về những câu chuyện bí mật mà tôi chưa tiết lộ.
- Từng sống ở Việt Nam khá lâu, ông thích món ăn nào nhất?
- Ở Việt Nam tôi ăn gì cũng được, nhưng món mà tôi từng nói với lãnh sự của chúng tôi tại TP HCM và nói với đại sứ của Việt Nam rằng, nhắc tới muốn trào nước miếng, là rau muống chấm nước mắm. Campuchia không thể làm được món này mà chỉ khi đến Việt Nam tôi mới được thưởng thức nó. Món này tôi thường ăn ở Hà Nội.
Ở Miền Nam, một món ăn mà tôi rất thích là cá và thịt kho tiêu, tôi ăn được rất nhiều. Nếu ở Vũng Tàu, bạn biết không tôi thích nhất món ốc hương. Có một lần tôi đã từng ăn hết 84 con ốc hương. Ở Campuchia khó tìm được món này. Món này mà bán cho tôi thì lúc nào cũng bán chạy. Ngoài ra tôi thích canh chua. Món này cũng nổi danh ở Campuchia, nhưng ở Việt Nam có mùi vị khác.
- Sinh ra vào năm Thìn (năm 1952), nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời của ông cũng gắn với năm Thìn, ông có điều ước gì cho mình trong năm 2012 cũng là năm con rồng này?
- Năm nay là năm Thìn, đúng với năm sinh của tôi. Tôi hy vọng, đây là năm sẽ mang lại nhiều diễm phúc. Đứa con đầu sinh năm Thìn đã mất, người ta nói cha con không nên cùng tuổi. Tôi có 12 đứa cháu nhưng không có đứa nào tuổi Thìn. Tôi nghĩ, đứa cháu tuổi Thìn sẽ không kỵ với ông của nó. Vì vậy tôi ước, năm nay mình sẽ có thêm một đứa cháu ra đời. Năm Thìn cũng là năm sông Mekong thường có nước lớn. Tôi cũng hy vọng rằng, năm 2012, chúng ta sẽ thu hoạch được mùa gặt lớn.
- Thủ tướng Hun Sen sinh năm 1952 tại làng Peam Koh Sna, huyện Stung Trang, tỉnh Kompong Cham. Trải qua 6 năm học tại trường Tiểu học Peam Koh Sna, cha mẹ gửi ông lên Phnom Penh và sống nhờ tại một ngôi chùa để có thể theo học trường Lycée Indra Dhevi. Để có cái ăn, một giai đoạn dài ông giữ nhiệm vụ làm chú tiểu đi khất thực quanh vùng.
- Năm 1970, khi nội chiến diễn ra trên đất nước Campuchia, Hun Sen trở thành một chiến sĩ du kích và dần dấn thân vào sự nghiệp chính trị. Khi đã nhận ra quân du kích nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Khơme Đỏ, một chế độ tàn ác, giết người dã man, Hun Sen bắt đầu nhận ra theo họ là một sự sai lầm và tính cách chạy trốn.
- Rạng sáng 20/6/1977, Hun Sen vượt biên giới sang Việt Nam chạy trốn khỏi chế độ Pol Pot. Tại Việt Nam, ông đã nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam và bắt đầu xây dựng lực lượng từ những người Campuchia lánh nạn sang Việt Nam. Mặc khác, ông cũng bí mật trở về nước liên lạc với những chỉ huy cấp cao Khơme Đỏ khuyên họ đào ngũ gia nhập Mặt trận giải phóng dân tộc (được thành lập 2/12/1978).
- 7/1/1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia đã được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
- Năm 1979, khi mới 27 tuổi, Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và 6 năm sau đó trở thành Thủ tướng Campuchia. Ở tuổi 33, ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất trên thế giới lúc nhậm chức và cũng là người trên cương vị Thủ tướng lâu nhất châu Á (27 năm).
Thanh Hải - Tá Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét