TT - Đến ngày hôm nay, ông Phan Công Liên (xóm Làng Cồn, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng không hiểu vì sao mười đồng đội của ông hi sinh cùng một hố bom mà chỉ có chín người được truy tặng liệt sĩ...
Ông Phan Công Liên chỉ tay vào chỗ tấm bia có ghi tên hai đồng đội Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Thị Du hi sinh cùng hố bom với ông Đặng Quốc Thắng - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Người đồng đội đó chính là Đặng Quốc Thắng, người bạn thời niên thiếu cùng lớn lên trên lưng trâu với ông Liên.
9 đồng đội được khắc bia đá...
Cứ nhắc đến công trường Đá Cát năm xưa, hình ảnh người đồng đội ngã xuống khi đang tuổi 20 lại hiện về trong tâm trí ông Liên. Ông kể khoảng giữa tháng 5-1966, nhóm 14 chàng trai cô gái độ tuổi mười tám, đôi mươi (trong đó có ông và Đặng Quốc Thắng) ở xã Kỳ Phong đã hăng hái tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến. “Ban ngày tiểu đội dân công chúng tôi tham gia làm công trình thủy lợi Đá Cát, ban đêm san lấp hố bom, mở đường. Khoảng 7g ngày 15-7-1966, cả tiểu đội phát hiện hai máy bay ném bom nên núp dưới đường hào. Một quả bom rơi trúng hào khiến mười người chết, ba người bị thương” - ông Liên nhớ lại.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong số mười người hi sinh năm 1966 ở công trường Đá Cát chỉ có chín người được truy tặng liệt sĩ và được ghi công tại bia tưởng niệm liệt sĩ xã. Ông Liên nói hằng năm đến ngày thương binh liệt sĩ ông lại đến xã thắp hương cho đồng đội. “Sau khi bị trúng bom, tôi đã bị thương nhưng vẫn đi nhặt từng mảnh áo để nhận dạng tên tuổi từng đồng đội một. Tôi có tham gia chôn cất đồng chí Thắng cùng với chín đồng chí khác. Nay thấy đồng chí Thắng không được truy tặng liệt sĩ, tôi thấy quá oan cho một linh hồn đã khuất” - ông Liên ngậm ngùi.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh chưa biết gì
Ông Đặng Văn Lợi là em trai ông Đặng Quốc Thắng cho biết khi mẹ ông còn sống, bà luôn mong mỏi con trai sớm được truy tặng liệt sĩ. “Lúc ốm nặng mẹ tôi cứ nhìn lên bàn thờ con trai. Trước khi mất, bà trăng trối phải làm sao đó để Nhà nước công nhận liệt sĩ cho anh ấy” - ông Lợi kể.
Những năm Nhà nước có chính sách làm chế độ thương binh, liệt sĩ cho những trường hợp mất giấy tờ và có người làm chứng, ông Lợi chạy vạy nhờ người viết hồ sơ gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh để anh trai mình được truy tặng liệt sĩ. “Không những phòng không gửi lên tỉnh mà còn trả về và nói hết đợt xét duyệt công nhận liệt sĩ rồi” - ông Lợi nói.
Trong hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Đặng Quốc Thắng, ngoài ông Phan Công Liên còn có nhiều đồng đội khác là các ông Dương Doãn Ngụ (sống tại TP Đà Lạt), Bùi Ngọc Ngạch, Trần Văn Đắc (đều ở xã Kỳ Phong) ký tên làm chứng. Ông Trần Văn Thụ, chủ tịch UBND xã Kỳ Phong, cho biết: “Hồ sơ truy tặng liệt sĩ Đặng Quốc Thắng đã được xã xác nhận và chuyển lên huyện, tỉnh đề nghị xét duyệt. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và không hiểu vì lý do gì mà không được xét”.
Hỏi về trường hợp ông Đặng Quốc Thắng hi sinh nhưng không được công nhận liệt sĩ, ông Nguyễn Kiên Quyết, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh, trả lời: “Tôi chưa biết hồ sơ gì cả. Hai ba chục năm trời người ta làm tùng phèo tôi chưa biết được”.
Ông Lê Tiến Dũng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, cho rằng do không có giấy tờ gốc, nếu người nhà làm hồ sơ cho ông Đặng Quốc Thắng trước năm 2006 và có ít nhất hai người làm chứng thì ông Thắng đã được Nhà nước truy tặng liệt sĩ. Ông Dũng nói thêm: “Từ năm 2006 trở lại đây, theo nghị định 54 của Bộ LĐ-TB&XH giải quyết cho người có công phải có chứng từ gốc. Do đó trường hợp ông Đặng Quốc Thắng không có giấy tờ gốc thì đành chịu. Nhưng nếu chính quyền ghi nhận, có đưa mộ vào nghĩa trang liệt sĩ thì may ra vẫn có cơ hội”.
VĂN ĐỊNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét