Khu tưởng niệm cuộc chiến Campuchia ở VN

bbc.co.uk
Cập nhật: 12:00 GMT - thứ ba, 3 tháng 1, 2012
Thủ tướng Hun Sen và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng cắt băng khánh thành.
Thủ tướng Campuchia đã ca ngợi cuộc kháng chiến chống chế độ Khmer Đỏ tàn bạo, được chuẩn bị từ Việt Nam hồi cuối thập niên 1970.
Ông có mặt ở tỉnh Đồng Nai cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khai trương một khu tưởng niệm tại miền nam Việt Nam.

Tên chính thức của địa danh này là Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang Cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia.
"Đây là một giai đoạn lịch sử không thể lãng quên," ông Hun Sen được trích lời nói tại địa điểm ở tỉnh Đồng Nai, nơi ra đời của phong trào kháng chiến sau này lật đổ chế độ Pol Pot, vốn bị quy trách nhiệm về cái chết của hai triệu người dân Campuchia.
Truyền thông Việt Nam cho biết, tháng Năm 1978, lực lượng Campuchia, gọi là Đoàn 125, được thành lập ở Đồng Nai.
Đơn vị này sau đó tham gia cùng quân Việt Nam tiến vào lật đổ chế độ Pol Pot ngày 7/01/1979.
Được biết tại địa điểm này hiện vẫn còn đang chôn cất thi hài của 49 chiến binh Campuchia hy sinh trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ.
Ông Hun Sen cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ca ngợi những mối liên hệ giữa hai quốc gia tại buổi lễ khánh thành hôm 02/01.
Khu tưởng niệm, với tượng đài một người lính Việt Nam nắm tay một du kích quân kháng chiến Khmer đứng sau một phụ nữ Campuchia, được khánh thành chỉ vài ngày trước dịp kỷ niệm 33 năm ngày Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ, 7/1/1979.
Khu tưởng niệm đặt tại tỉnh Đồng Nai, nơi ra đời phong trào kháng chiến Khmer chống chế độ Pol Pot.
Thủ tướng Dũng nói chiến thắng đó có ý nghĩa quan trọng và mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước láng giềng.
Ông Hun Sen đã từng là thành viên Khmer Đỏ trước khi bỏ chạy sang Việt Nam hồi 1977 rồi tham gia phong trào kháng chiến.
Ông trở thành ngoại trưởng Campuchia trong tân chính quyền thân Hà Nội, rồi sau lên giữ chức thủ tướng kể từ năm 1985 tới nay.
Một số người Campuchia chỉ trích ngày kỷ niệm 7/1 hàng năm và nói đây là thời điểm thể hiện cho sự khởi đầu của cuộc chiến đóng kéo dài cả thập niên của Việt Nam tại đất nước chùa tháp, thay vì mở ra một giai đoạn tự do.
Lãnh tụ Khme Đỏr, Pol Pot, đã chết hồi năm 1998 mà không bị đưa ra trước công lý.
Nhưng bốn thành viên cao cấp nhất của chế độ này hiện vẫn còn sống và bị cáo buộc các tội danh diệt chủng, tội ác chiến và tội ác chống lại nhân loại, cuối cùng đã phải ra hầu tòa tại Campuchia.

bbc.co.uk
Cập nhật: 12:56 GMT - thứ tư, 7 tháng 12, 2011
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Campuchia từ ngày 6/12
Ông Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Campuchia hôm 6/12. Sau Lào và Trung Quốc, đây là lần đầu tiên ông sang thăm Campuchia kể từ khi được bầu vào chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam.
So với những chuyến công du gần đây của giới lãnh Việt Nam tới một số nước khác, như chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ và Philippines, hoặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật, chuyến đi này của ông ít thu hút sự quan tâm của dư luận.
‘Chuyến thăm hữu nghị’
Ngoại trừ báo chí Việt Nam, Campuchia và báo chí Trung Quốc, báo chí trong khu vực hình như không đưa tin hay phân tích sự kiện này. Chẳng hạn, sau ngày đầu của chuyến thăm, các tờ nhật báo lớn của các nước ASEAN như The Straits Times (Singapore), The NationThe Bangkok Post (của Thái Lan) hoặc The Jakarta Post (Indonesia) không đưa tường thuật, bình luận về chuyến đi.
Có thể đối với dư luận chung, chuyến đi này không tác động lớn lên tình hình an ninh chung của khu vực.
Về mặt chính trị, mặc dù Campuchia đã được tổ chức theo hình thức quân chủ lập hiến, đứng đầu cơ quan hành pháp là Quốc vương và có đối lập, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) – đảng nắm quyền từ 1979 và do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo từ 25 năm nay – vẫn là đảng chi phối mọi sinh hoạt chính trị của nước này. Do đó, việc người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến “thăm hữu nghị cấp nhà nước” tới Campuchia không’ có gì là ngạc nhiên.
Xét về mặt kinh tế, Campuchia cũng không phải là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong vùng.
Theo số liệu của ASEAN năm 2010, năm 2009, tổng sản lượng (GDP) của Campuchia chỉ chiếm gần 0.7 % GDP của 10 nước ASEAN. Về mậu dịch, nước này chỉ chiếm gần 0.6 % tổng mậu dịch của các nước ASEAN. Campuchia cũng thu hút rất ít vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ giữ 1.3 % tổng FDI của cả khối ASEAN.
Thủ tướng Hun Sen duy trì quan hệ chặt với cả Việt Nam và Trung Quốc
Theo số liệu của EUROSTAT (Cơ quan thống kê của EU) năm 2011, trong năm 2010, Campuchia xếp thứ 17 trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá hơn một tỷ euro và chỉ chiếm 0,9 % tổng mậu dịch của Việt Nam.
Củng cố quan hệ
Nhưng điều đó không có nghĩa là chuyến thăm ba ngày này của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như quan hệ quan song phương giữa Việt Nam và Campuchia không có ý nghĩa đối với cả hai nước.
Với Campuchia, Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế tương đối quan trọng. Theo số liệu của EUROSTAT, với kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá gần nửa tỷ và chiếm 4.6 % tổng mậu dịch Campuchia, năm 2010 Việt Nam xếp thứ bảy trong các đối tác thương hàng đầu của Campuchia, và thứ ba (sau Thái Lan và Singapore) trong các nước ASEAN.
Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia trong những năm gần đây cũng tăng. Ước tính đến nay, với số vốn đầu tư hơn hai tỷ đôla, Việt Nam có gần 100 dự án đầu tư tại đây trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như hàng không, ngân hàng, cao su.
Cũng như Lào và Trung Quốc, Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền rất dài với Việt Nam (khoảng hơn 1200 km). Dù có chung đường biên giới chung dài như vậy, hai bên đã thành công trong việc phân giới cắm mốc, tránh được những tranh chấp, xung đột giữa đôi bên.
Trong khi đó, mặc dù chỉ chung đường biên giới với Thái Lan hơn 800 km, xung đột và căng thẳng liên quan đến tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã xảy ra trong thời gian gần đây, gây quan ngại cho nhiều nước trong khu vực.
Tăng thêm ảnh hưởng
Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, an ninh và nhiều lĩnh vực khác nhau giữa hai nước, chuyến đi cũng nhằm giúp Việt Nam tăng sự ảnh hưởng, vị thế của mình tại đây, và qua đó giảm được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dù Campuchia và Lào không phải là hai nước quan trọng xét về mắt kinh tế, nhưng vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn duy trì, củng cố ảnh hưởng của mình tại hai nước láng giềng này để giới hạn, cạnh tranh lẫn nhau, Campuchia và Lào trở nên quan trọng với Hà Nội và Bắc Kinh.
"Thời gian gần đây, có những dấu chỉ cho thấy Miến Điện đang xa dần quỹ đạo Bắc Kinh và xích gần với Việt Nam và một số nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh đó, dù chính thức nói ra hay không, một trong những mục đích quan trọng của chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng là nhằm tạo thêm ảnh hưởng của Việt Nam tại Campuchia. "
Và trong những năm qua, với thế mạnh kinh tế của Trung Quốc, xem ra Bắc Kinh đang có nhiều ảnh hưởng lên hai nước này hơn Hà Nội.
Theo một bài viết của Brian McCartan được đăng trên trang mạng của Asia Times ngày 23/08/2011, Trung Quốc là nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Trung Quốc cũng là nước có vốn đầu tư lớn nhất Campuchia, với gần tám tỷ đô la cho 360 dự án khác nhau trong bảy tháng đầu của năm 2011.
Cũng theo Brian McCartan, Trung Quốc là nước có vốn đầu tư lớn nhất tại Lào năm 2010 và Lào cũng là một trong ba nước (cùng với Campuchia và Miến Điện), Bắc Kinh tìm cách gia tăng quan hệ để tạo ảnh hưởng tại Đông Nam Á.
Trong một bài viết được đăng trên trang mạng của The Diplomat, hôm 28/11, Minxin Pei cho hay trong khi hầu hết các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á Đông (EAS) ở Bali, Indonesia, trong đó có cả Nga, chỉ trích thái độ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, hai nước Campuchia và Miến Điện [và có thể có cả Lào] im lặng.
Thời gian gần đây, có những dấu chỉ cho thấy Miến Điện đang xa dần quỹ đạo Bắc Kinh và xích gần với Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, dù chính thức nói ra hay không, một trong những mục đích quan trọng của chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng là nhằm tạo thêm ảnh hưởng của Việt Nam tại Campuchia.
Với mục đích như vậy, chuyến thăm diễn ra vào lúc này cũng mang tâm quan trọng của nó vì năm tới (2012) Campuchia sẽ là nước giữ chức chủ tịch ASEAN. Và trong cương vị đó, nước này sẽ là nước tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á Đông năm tới.
Như những gì diễn ra tại Bali vừa qua cho thấy, EAS càng ngày càng trở nên quan trọng vì có sự tham gia của Mỹ, Nga, và nhiều nước lớn khác trong khu vực. Hội nghị này cũng không còn là một nơi chỉ để “nói chuyện suông” vì nhiều vấn đề an ninh quan trọng trong khu vực, như tranh chấp Biển Đông, cũng được đề cập đến hay thảo luận trong và bên lề hội nghị.
Vì vậy, nếu củng cố được quan hệ với Campuchia và tạo thêm được ảnh hưởng với Phnom Penh, Việt Nam có thể tác động lên chương trình làm việc của ASEAN và đặc biệt Hội nghị thượng đỉnh Á Đông năm tới, để đưa vào nghị trình những vấn đề khu vực mà Việt Nam quan tâm cũng như cách giải quyết vấn đề theo hướng Hà Nội mong muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét