Iran bắn thử tên lửa ở eo biển Hormuz

Thứ bảy, 31/12/2011, 09:55 GMT+7

vnexpress.net

Iran hôm qua thử tên lửa tầm xa ở eo biển Hormuz, chỉ ít ngày sau khi dọa đóng cửa ngõ thông thương này để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây.
> Mỹ đưa tàu sân bay đến vùng biển Iran tập trận
> Iran tập trận hải quân rầm rộ

Tàu hải quân Iran phóng thử tên lửa trên biển Oman. Ảnh: EPA
Các quan chức cấp cao của hải quân Iran cho hay nằm trong chương trình tập trận 10 ngày Velayat 90, các tên lửa đất đối hải, đất đối đất và đất đối không, trong đó có một số tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã được triển khai thử nghiệm tại vịnh Oman.
Cuộc tập trận trải dài trên 2.000 km từ vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz ra vịnh Oman, cũng có sự tham gia của hệ thống tàu ngầm, ngư lôi, máy bay không người lái và nhiều thiết bị quân sự tối tân khác. Theo Telegraph, Iran cũng diễn tập cài đặt mìn, một hoạt động quan trọng với nước này nếu đóng eo biển Hormuz.
Ảnh hải quân Iran tập trận và thử tên lửa
Phó tổng thống Iran, Mohammed Reza Rahimi, trước đó cảnh báo rằng sẽ đóng eo biển Hormuz và không một giọt dầu nào được chuyển qua eo biển này nếu châu Âu và Mỹ phản đối chương trình hạt nhân của Iran bằng cách áp lệnh trừng phạt với việc xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo. Đô đốc Habibollah Sayyari thì cho biết hải quân Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz một cách "rất dễ dàng".
Lời đe dọa đã gây ra một phản ứng giận dữ từ Washington. Mỹ cảnh cáo rằng "bất kỳ nỗ lực nào nhằm phong tỏa eo biển Hormuz cũng không thể tha thứ". Tàu sân bay USS John C. Stennis, một trong những tàu chiến lớn nhất hải quân Mỹ, sau đó được phát hiện đang hoạt động trong vùng biển quốc tế gần eo Hormuz, nơi Iran đang tập trận. Quan chức Mỹ khẳng định đây là hoạt động thường xuyên của con tàu và đã được lên kế hoạch từ trước.
Eo biển Hormuz có chiều rộng vẻn vẹn 54 km và thuộc vịnh Persian, nằm giữa Iran và Oman. Đây là tuyến đường vận chuyển khoảng 1/6 lượng dầu thô trên toàn thế giới, tương đương 15 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu cửa ngõ này bị phong tỏa, giá dầu mỏ sẽ tăng vọt trên thế giới, và nó cũng ảnh hưởng đến bản thân nền kinh tế Iran vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Bản đồ mô tả địa điểm tập trận của Iran. Eo biển Hormuz là một vị trí quân sự chiến lược, là con đường vận tải của nhiều tàu chở dầu trên thế giới. Tàu chiến của Mỹ và một số nước khác cũng hoạt động tại đây với lý do chống cướp biển. Ảnh: eutimes
Giữa tình hình căng thẳng leo thang, hôm 29/12, Mỹ tuyên bố đã ký hợp đồng bán 84 máy bay chiến đấu F-15SA cho Arab Saudi. Dù đến 2015, các chiến đấu cơ mới được bàn giao cho quốc gia Arab nhưng động thái này cũng là bằng chứng cho thấy quyết tâm của Washington trong việc tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh ở vùng Vịnh, nơi Iran phô diễn sức mạnh trong thời gian gần đây.
Trong tuần tới, Mỹ cũng dự kiến sẽ phê duyệt một đạo luật mới, cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran, cơ quan thực hiện phần lớn các thương vụ buôn bán dầu mỏ của nước này. Lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc quốc gia Hồi giáo từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran khẳng định việc làm giàu uranium hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình và kiên quyết không lùi bước.
Anh Ngọc

vnexpress.net.
Thứ sáu, 30/12/2011, 11:15 GMT+7

Iran - Mỹ đe dọa nhau

Tehran tuyên bố Washington "không có quyền" ra lệnh cho Iran ở eo biển Hormuz, sau khi hải quân Mỹ tỏ rõ quyết tâm không cho phép Iran đóng cửa một eo biển tối quan trọng đối với nguồn năng lượng của thế giới.
>Mỹ quyết không để Iran đóng eo biển Hormuz>
Mỹ đưa tàu sân bay đến vùng biển Iran tập trận

Fox News dẫn lời chuẩn tướng Hossein Salami, phó tổng tư lệnh vệ binh cách mạng Iran, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia cho biết "Iran không cần phải tìm kiếm sự cho phép của quốc gia nào khi thực thi chiến lược quốc phòng của mình".
Tuyên bố của ông Salami nhằm đáp lại phát biểu của Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc và Hạm đội 5 của hải quân Mỹ hôm 28/12, nói "hành động đóng cửa eo biển là không thể tha thứ" và "đe dọa làm gián đoạn tự do hàng hải ở một eo biển quốc tế rõ ràng là tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế".
Tàu ngầm quân sự của Iran trong cuộc tập trận tại eo biển Hormuz ngày 27/12. Ảnh: xinhua
Trong tuần, Iran đã lặp lại lời cảnh báo sẽ dừng xuất khẩu dầu mỏ và phong tỏa eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 15 triệu thùng dầu mỗi ngày. Chuẩn tướng Salami cũng khẳng định: "Chúng ta dùng đe dọa để đáp trả những lời đe dọa".
Đô đốc Habibollah Sayyari nói hải quân Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz một cách "rất dễ dàng", còn Phó tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi tuyên bố "sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua Vịnh Persian" nếu Iran phong tỏa eo biển.
Giới chức quân sự Iran cho biết hôm qua, Mỹ đã cử một tàu sân bay đến khu vực eo biển Hormuz mà Iran đang tập trận. Sự có mặt của tàu USS John C. Stennis, một trong những tàu chiến lớn nhất của hải quân Mỹ, nhằm đảm bảo việc vận chuyển dầu mỏ ở đây không bị cản trở. Gần đây, Mỹ, EU và các nước Arab đã thảo luận về khả năng không mua dầu mỏ từ Iran.
Ngoài ra, trong tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama được dự kiến sẽ phê duyệt một đạo luật mới, cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran, nơi thực hiện phần lớn các thương vụ buôn bán dầu mỏ của nước này.
Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật trên vào ngày 15/12 cùng với dự luật quyết định gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng trong năm tới lên đến hơn 600 tỷ USD, Wall Street Journal cho hay.
Trong khi dư luận quan ngại về tình hình tại Hormuz, nhưng các nhà phân tích nói rằng ít có khả năng Iran sẽ đóng cửa eo biển vì điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Iran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư thế giới.
Iran trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua, sau khi bản báo cáo mới nhất của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định quốc gia Hồi giáo "đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân". Tehran bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố các chương trình hạt nhân chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Vũ Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét