Cập nhật lúc : 10:35 AM, 04/01/2012
(VOV) - Các nhà máy hạt nhân của nước này đều đảm bảo an toàn, không bị kẽ hở an ninh nên không phải đóng cửa.
Ngày 3/1, Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN) tuyên bố, các nhà máy điện hạt nhân của nước này đều đảm bảo đủ mức an toàn cần thiết và Pháp sẽ không phải đóng cửa bất kỳ nhà máy nào. Cuộc kiểm tra được cơ quan này tiến hành sau khi có nhiều chỉ trích về kẽ hở an ninh tại các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
“Một mức độ an toàn đủ” là kết luận của Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp, sau khi tiến hành kiểm tra an ninh tại các cơ sở hạt nhân của nước này. Tuy vậy, trong báo cáo gửi Thủ tướng Pháp, cơ quan này nhấn mạnh cần tăng cường trong thời hạn ngắn nhất các nhà máy trước các tình huống đặc biệt như động đất, lũ lụt hay sự kết hợp của nhiều thảm họa thiên nhiên cùng lúc. Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp cũng yêu cầu mỗi nhà máy từ nay đến cuối tháng 6 năm nay đưa ra một phương án ứng phó cụ thể đối với các loại thảm họa.
Nhà máy Nogent-sur Seine cách trung tâm Paris khoảng 95 km |
Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson nói: “Cuối cùng thì luôn luôn là người tiêu dùng phải chịu thiệt hại từ sự tăng giá điện do công tác bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân thời gian tới. Việc tăng cường an ninh cho các nhà máy có thể tốn khoảng 10 tỷ euro trong 10 năm tới và Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) – cơ quan quản lý 58 nhà máy điện hạt nhân của Pháp sẽ không thể đảm đương khoản đầu tư quá tốn kém đó mà không tăng giá điện”.
Cuộc tổng kiểm tra được Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp tiến hành theo yêu cầu của Thủ tướng nước này Francois Fillon, sau khi xảy ra vụ hai nhóm thành viên của tổ chức Greenpeace vượt qua hàng rào kiểm soát an ninh, thâm nhập vào hai nhà máy điện hạt nhân lớn của Pháp và sau đó thoát ra thành công hồi đầu tháng 12 vừa qua. Vụ việc đã gây chấn động dư luận Pháp, phơi bày những kẽ hở chết người về an toàn tại các cơ sở điện hạt nhân. Các đảng đối lập đang vận động để đóng cửa 24 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2025, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc của nước Pháp vào năng lượng nguyên tử. Cũng có một số ý kiến yêu cầu đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của nước Pháp Fessenheim (tại vùng Haut-Rhin).
Trong một thông tin khác có liên quan, các nhà hoạt động thuộc tổ chức Greenpeace đã tham gia hai cuộc đột nhập hồi tháng 12 sẽ bị đưa ra xét xử trong tháng này. Hành động của họ bị Bộ trưởng Công nghiệp Pháp cho là “vô trách nhiệm và nguy hiểm” dù ông cũng thừa nhận vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rất thực về mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại nước này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét