Triều Tiên chuyển giao quyền lực và đàm phán hạt nhân


Cập nhật lúc :7:04 AM, 05/01/2012
So với quá trình chuyển giao quyền lực thời cha mình, ông Kim Jong-un có những khác biệt rõ ràng. Hơn bao giờ hết, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên lại được cộng đồng quốc tế quan tâm, bởi thành công hay thất bại của vòng đàm phán này phụ thuộc rất nhiều vào chế độ cầm quyền mới ở Bình Nhưỡng.

>> Mỹ: Triều Tiên sắp chạm tay vào vũ khí hạt nhân


Khác biệt trong chuyển giao quyền lực

Ông Kim Jong-il kế vị năm 1994 khi cha ông là Kim Il-sung qua đời. Tuy nhiên, ông không chính thức nắm giữ cương vị tối cao trong ba năm sau khi cha mình qua đời. Ba năm sau ngày cha mất, tức năm 1997, khi đó đảm nhiệm những cương vị cực kỳ quan trọng như Tư lệnh Tối cao quân đội Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Quốc gia, Kim Jong-il mới chính thức đảm nhiệm chức Tổng bí thư đảng Lao động Triều Tiên.


Tuy nhiên, bánh xe lịch sử lần này có những khác biệt. Kim Jong-il được người dân Triều Tiên và cộng đồng quốc tế biết đến là người “kế vị ngai vàng” của ông Kim Il-sung cả một thời gian dài là 20 năm trước ngày cha mất. Tuy nhiên, đối với Kim Jong-un đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi 14 tháng khi vị tướng trẻ tuổi này bắt đầu xuất hiện trên chính trường.


Những cương vị mà Kim Jong-un trải qua trước khi trở thành lãnh tụ tối cao là Phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Dù “tang gia bối rối” nhưng nước một ngày “không thể không có vua” nên nhiều nhà phân tích nhận định, Kim Jong-un sẽ sớm nắm giữ vị trí tư lệnh quân đội tối cao và Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên.
Có nhiều sự khác biệt trong cuộc chuyển giao quyền lực lần này tại Triều Tiên. Ảnh: Telegraph.
Phải mất 6 tháng sau ngày cha qua đời, Kim Jong-il mới sử dụng danh hiệu “lãnh tụ vĩ đại” và sau đó 18 tháng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác biệt. Truyền thông Triều Tiên sử dụng tên gọi đó cho ông Kim Jong-un không lâu sau ngày Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.


Trong một bản tin ngày 19/12/2011, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ca ngợi Kim Jong-un là “người kế tục vĩ đại” tiếp nối cha lãnh đạo đất nước. Cũng trong bản tin đó, KCNA khẳng định, nhân dân và quân đội Triều Tiên “nguyện ủng hộ sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-un”.


Một số nhà phân tích dự đoán, khi tang lễ xong, ngày 1/1/2012 sẽ được chọn là thời điểm thích hợp để Kim Jong-un nắm giữ cương vị Tư lệnh quân đội. Về chức vụ tối cao của đảng, giáo sư Kim Yong-hyeon của ĐH Dongguk phỏng đoán, Kim Jong-un sẽ trở thành Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên vào thời điểm sinh nhật của cha mình, tức ngày 15/4.


Số phận đàm phán hạt nhân


Lần trước đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị trì hoãn một tháng sau bởi sự kiện Kim Il-sung qua đời. Và lần này cũng vậy, vòng đàm phán thứ 3 giữa Triều Tiên và Mỹ, dự kiến diễn ra ngày 22/12/2011, được cho là sẽ bị hoãn lại tới tháng một năm nay.


Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng chế độ mới ở Bình Nhưỡng thực hiện chính sách cứng rắn hơn, khi đó nước này sẽ đưa ra nhiều ưu sách để đổi lại việc phi hạt nhân hóa. Có bốn khả năng sẽ xảy ra đối với vòng đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Thứ nhất, Bình Nhưỡng sẽ có quan điểm mềm dẻo, nhượng bộ hơn, và sẽ nối lại các cuộc đàm phán này theo đúng kế hoạch. Thứ 2,  ngược lại, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ đưa ra thêm các điều kiện để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa.


Thứ 3, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục yên lặng để “kiện toàn” bộ máy lãnh đạo vốn đang như “rắn mất đầu” sau khi Chủ tịch Kim từ trần. Thứ 4, Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra các hành động khiêu khích, trong đó có thử hạt nhân để khẳng định uy thế của mình trước các “đối thủ” như Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong nước.
Thủy Tiên

baodatviet.vn - Cập nhật lúc :6:50 AM, 04/01/2012
Người kế nhiệm tại Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đi theo đường lối cứng rắn hay ôn hòa, các trợ thủ của ông sẽ tham mưu các đường lối chính sách ra sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với cộng đồng quốc tế. Giới phân tích đưa ra bốn kịch bản có thể xảy ra đối với vấn đề xung đột giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.
>> Mỹ: Triều Tiên sắp chạm tay vào vũ khí hạt nhân

Bình Nhưỡng khiêu khích

Bình Nhưỡng sẽ đưa ra một hoặc nhiều hơn nữa các hành động khiêu khích Seoul nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân trong nước hay nhận được những nhượng bộ về mặt ngoại giao cho các cuộc đàm phán sau này. Khi đó, Hàn Quốc được dự báo sẽ tiến hành các hành động trả thù và sự kiện này sẽ nhanh chóng vượt qua tầm kiểm soát, biến thành một cuộc chiến tranh.

Bình Nhưỡng khi đó sẽ phải chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế. Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ nhanh chóng cử quân tăng cường tới hậu thuẫn Seoul, đánh bại quân đội Triều Tiên từ trên không và trên biển.

Khi các lực lượng trên bộ đã được triển khai, quân liên minh được dự báo sẽ làm đảo ngược cục diện, khi đó chiến tranh sẽ chỉ diễn ra trong lãnh thổ của Triều Tiên và hẹp hơn nữa là tại Bình Nhưỡng. Hàn Quốc sẽ nhanh chóng kiểm soát tình hình chính trị tại Triều Tiên và tiến hành tái thiết miền Bắc sau vài tháng của một cuộc nội chiến đẫm máu.
Kịch bản đầu tiên là Bình Nhưỡng sẽ khiêu khích.
Giới phân tích nhận định, dù có số quân đông (gần một triệu người), nhưng công nghệ và vũ khí của quân đội Triều Tiên lại lạc hậu. Bình Nhưỡng cũng có ít bạn và đồng minh hơn so với Hàn Quốc. Dù là đồng minh thận cận nhất của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại tiến hành nhiều hơn các hoạt động thương mại với Seoul. Chính vì vậy, việc có “lên tiếng” bênh vực Bình Nhưỡng hay không cũng sẽ được Bắc Kinh tính toán hết sức kỹ lưỡng, bởi điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế của nước này với Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng bất ngờ tiến công

Bình Nhưỡng sẽ lập lại kịch bản cuộc xâm lược Hàn Quốc lần đầu tiên bằng một cuộc tiến công bất ngờ. Năm 1950, Triều Tiên bất ngờ tấn công đã đẩy các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tới khu vực Pusan. Trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên có thể thực hiện một cuộc tiến công nhanh chóng các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến từ Nhật Bản, Mỹ và các khu vực khác.

Theo kịch bản này, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một đợt nã pháo quy mô lớn tiêu diệt các đơn vị của Mỹ và Hàn Quốc đóng quân gần khu vực phi quân sự (DMZ). Động thái này sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho Seoul. Hàng chục ngàn binh sĩ trong các lực lượng tác chiến đặc biệt của Triều Tiên có thể thâm nhập và gây ra các hoạt động phá hoại tại Hàn Quốc phục vụ các mục đích tấn công của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng các lực lượng tên lửa để phá hủy các thiết bị quân sự và căn cứ không quân ở Nhật Bản. Khi DMZ được mở ra, Seoul bị tấn công, hỗ trợ đường không bị chia cắt, đây sẽ là kịch bản mà Bình Nhưỡng mong muốn. Khi đó, khi đó các đơn vị xe tăng và lục quân của Triều Tiên sẽ nhanh chóng đổ bộ sang Hàn Quốc, chiếm đóng những hải cảng, căn cứ và thành phố lớn trước khi các lực lượng tăng cường được cử đến từ ngoài. Cuộc chiến sẽ khiến Hàn Quốc bị tổn thất nặng nề và lực lượng đồng minh sẽ tiến hành phản công.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng các loại vũ khí hóa học và sinh học để hỗ trợ những vũ khí quân sự lạc hậu của mình. Triều Tiên cũng có thể đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) đối với Nhật Bản nhằm ngăn chặn Tokyo hỗ trợ Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng trả đũa

Theo kịch bản này, Triều Tiên sẽ thực hiện hành động quân sự quan trọng nhưng hạn chế nhằm vào Hàn Quốc, và nhanh chóng sau đó sẽ là các hoạt động tìm kiếm hòa bình. Kịch bản này có thể xảy ra nếu Mỹ và/hoặc Hàn Quốc tấn các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, châm ngòi cho các hoạt động trả đũa. Đây có thể là sự lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo mới ở Triều Tiên tính tới nhằm kìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong nước, hay nhằm có được những lợi thế nhất định trong các cuộc đàm phán ngoại giao sau này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, cả Mỹ và Hàn Quốc dường như đều không có ý định tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hơn nữa, một cuộc chiến có quy mô hạn chế cũng có thể biến thành một cuộc xung đột tổng lực. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng có một số hành động “vượt ngưỡng” cho phép, chẳng hạn bán các nguyên liệu hạt nhân cho khủng bố, kịch bản này có thể sẽ xảy ra.

Chiến tranh leo thang

Một hành động khiêu khích có quy mô hạn chế hay một sự vụ có thể sẽ dần leo tháng thành một cuộc chiến tranh tổng lực. Có nhiều cách thức khiến kịch bản này có thể xảy ra: chính sách cứng rắn của giới lãnh đạo quân sự; Bình Nhưỡng trả đũa việc tàu nước này bị Hàn Quốc bắt giữ…

Theo kịch bản này, Mỹ chắc chắn sẽ hậu thuẫn Hàn Quốc, nhưng dường như Washington và Seoul sẽ không dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của đồng minh nước ngoài. Các đồng minh truyền thống phương Tây có thể sẽ chỉ trích Hàn Quốc vì hành động quá vội vàng. NATO, đang “vướng chân” ở Afghanistan, chỉ có thể cung cấp những hỗ trợ không đáng kể. Cuộc chiến này sẽ diễn ra từ từ, do đó Bình Nhưỡng sẽ có điều kiện để cải thiện các khả năng công nghệ vũ khí và điều này sẽ không có lợi cho Seoul.

Tóm lại, nhiều kịch bản có thể xảy ra đối với vấn đề xung đột trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Các kịch bản có thể xảy ra riêng rẽ, thậm chí có thể được kết hợp với nhau tạo ra những tình huống khó đoán định trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng các bên liên quan sẽ hành động cân nhắc để tránh gây ra những hậu quả khó lường, khiến tình hình khu vực vốn đã bất ổn lại càng trở nên căng thẳng hơn.
Thủy Tiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét