Năm 2012: quan hệ Nga-Mỹ khó hạ nhiệt

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :7:33 PM, 02/01/2012
Những màn "khẩu chiến", những động thái “ăn miếng, trả miếng” khiến mối quan hệ Nga-Mỹ, vốn được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, lại nổi sóng trong năm 2011 và nhiều khả năng tiếp diễn trong năm 2012.
Căng thẳng giữa điện Kremlin và Nhà Trắng đang đẩy tiến trình “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ, do chính quyền của Tổng thống Barack Obama khởi xướng, đang đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc.
Phải thừa nhận rằng những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm cải thiện quan hệ với Nga trong hơn ba năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nga và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, tăng cường hợp tác trong vấn đề Afghanistan, khôi phục đối thoại về tất cả các vấn đề, từ kinh tế đến giáo dục và nhận con nuôi. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như giữa Nga với một số nước Đông Âu, cũng được thổi một luồng sinh khí mới.
Những bất đồng nảy sinh giữa Washington và Moscow trong năm 2011 đang đẩy tiến trình "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ đi vào ngõ cụt. Ảnh: samsonblinded.
Thế nhưng, năm 2011, xu hướng tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ đã bị phủ bóng đen bởi những bất đồng liên quan đến các vấn đề quốc tế nóng bỏng cũng như các vấn đề trong mối quan hệ song phương.
Hai bên không chỉ liên tục tung ra những màn “đấu khẩu”, mà còn có những hành động mang tính chất trả đũa lẫn nhau, khiến những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng quan hệ Nga-Mỹ đang quay lại thời chiến tranh Lạnh.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người được dự báo sẽ quay trở lại điện Kremlin sau cuộc bầu cử tổng thống Nga tháng 3/2012, chỉ trích Mỹ châm ngòi cho cái gọi là Mùa xuân Arab bằng chiến dịch truyền thông bóp méo sự thật.
Trong khi đó, Washington cho rằng cáo buộc của Moscow là hoàn toàn “vô căn cứ” và việc Nga phản đối chính sách của Mỹ và phương Tây liên quan tới các vấn đề Trung Đông - Bắc Phi sẽ kìm hãm tiến trình "cải cách dân chủ” ở khu vực này. Đặc biệt, khi làn sóng biểu tình chống Chính phủ lan đến Syria, sự căng thẳng trong mối quan hệ Nga - Mỹ được đẩy lên mức báo động.
Trong khi Washington liên tục gây sức ép đòi Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức, thì Mátxcơva kiên quyết phản đối sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của quốc gia Trung Đông này.
Trong khi Mỹ đe dọa, cảnh báo sử dụng vũ lực chống lại chính quyền Damascus, Nga lại “thề” sẽ không để Mỹ và đồng minh biến Syria thành Libi thứ hai. Thậm chí, Nga và Mỹ có những động thái làm dấy lên lo ngại rằng các cựu đối thủ chiến tranh Lạnh đang đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự ở Syria.
Nga triển khai một loạt tàu chiến, xe tăng đến Syria và cung cấp hệ thống phòng không hiện đại S-300 cũng như các hệ thống rađa cho nước này. Đáp lại, Mỹ cũng ngay lập tức điều nhiều tàu chiến tối tân, trong đó có cả tàu sân bay hạt nhân, đến khu vực lãnh hải ngoài khơi Syria.
Quan hệ Nga - Mỹ không chỉ căng thẳng do các vấn đề Trung Đông - Bắc Phi mà cả vấn đề nội tại của Mátxcơva khi Washington chỉ trích cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga (Hạ viện) ngày 4/12 vừa qua là “thiếu trung thực và không dân chủ”.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến và chỉ trích lẫn nhau khá gay gắt giữa giới quan chức cấp cao hai nước. Thủ tướng Putin cho rằng những lời lẽ của Washington đã "bật đèn xanh" cho phe đối lập ở Nga xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử.
Ông thậm chí chỉ trích Washington đã trợ giúp hàng trăm triệu USD cho những nhóm đối lập và một số tổ chức phi chính phủ ở Nga để "bới lông tìm vết" nhằm kích động làn sóng phản đối kết quả bầu cử.
Chưa dừng lại ở đó, căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ còn leo thang liên quan đến kế hoạch của Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu.
Phớt lờ đề xuất của Nga về việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở châu Âu, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn tiến hành đàm phán và ký thỏa thuận với Romania, Ba Lan, Bulgaria, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho phép Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn, trạm rađa cũng như tàu chiến neo đậu ở vùng biển ngoài khơi của những nước này. Nga đã đề nghị Mỹ và NATO cam kết bằng văn bản pháp lý rằng NMD ở châu Âu không nhằm chống lại Nga.
Tuy nhiên, việc đề xuất trên bị "bỏ ngoài tai" khiến Moscow công bố một loạt biện pháp trả đũa mạnh mẽ, trong đó có kế hoạch triển khai tên lửa tại tỉnh Kaliningrad, giáp biên giới với nhiều nước thành viên NATO, đồng thời đe dọa từ chối thực hiện các biện pháp trong lĩnh vực giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, kể cả việc rút khỏi START mới.
Bất đồng nối tiếp bất đồng, Nga còn lên danh sách những quan chức cấp cao của Mỹ bị cấm nhập cảnh vào "xứ sở Bạch Dương" để đáp trả hành động của Washington "cấm cửa" nhiều quan chức của Nga với cáo buộc liên quan tới cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky năm 2009. Bên cạnh đó, việc một tòa án Mỹ kết án Viktor Bout trong vụ án "kẻ lái buôn thần chết" cũng khiến mối quan hệ Nga-Mỹ càng trở nên căng thẳng.
Rõ ràng, những bất đồng nảy sinh giữa Washington và Moscow trong năm 2011 đang đẩy tiến trình "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ đi vào ngõ cụt.
Giới phân tích cho rằng căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ giữa hai cường quốc trên khó có thể hạ nhiệt trong năm 2012 khi tại hai nước này diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống. Điều quan trọng là giới lãnh đạo cấp cao hai nước cần tiếp tục thể hiện thiện chí đàm phán để tìm được tiếng nói chung nhằm tháo gỡ những bất đồng trong quan hệ song phương.
Theo Vietnamplus

baodatviet.vn - Cập nhật lúc :1:17 PM, 30/09/2011
Sự trở lại điện Kremlin của ông Putin hứa hẹn một thời kỳ khó khăn hơn cho quan hệ Nga – Mỹ, CS Monitor nhận định.
Theo tờ báo này, dưới thời Tổng thống Medvedev, chính sách “tái khởi động quan hệ” đã đạt được những thành quả nhất định trong quan hệ Moscow – Washington, giúp chính quyền Mỹ cảm thấy “dễ thở” hơn khi Nga hỗ trợ Mỹ trong nỗ lực xây dựng tuyến đường vận chuyển nhằm cung cấp nhu yếu phẩm cho binh sĩ NATO tại Afghanistan, nhất trí với phương Tây trong nghị quyết chống lại Iran và tích cực tham gia các cuộc đàm phán tiến tới thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới.
Đổi lại, Nga cũng có được những lợi ích đáng kể khi Mỹ hạn chế ủng hộ các nước láng giềng của Nga gia nhập các liên minh của phương Tây; đồng thời khẳng định được “phạm vi lợi ích đặc quyền” của Nga tại nhiều khu vực Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề dang dở trong mối quan hệ này cần được hoàn thiện trong nhiệm kỳ Tổng thống Nga tiếp theo, đặc biệt là kế hoạch mở rộng NATO và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa chung.
Theo giới phân tích phương Tây, quan hệ Nga - Mỹ sẽ khó khăn dưới thời Putin (phải).
Theo giới phân tích phương Tây, những vấn đề này gần như chắc chắn không thể được giải quyết nếu ông Putin trở lại điện Kremlin bởi khi đó, ông Obama cùng giới chức phương Tây phải đối mặt với một lãnh đạo "cổ hủ" nhất trong khối G-8. Lãnh đạo đó sẽ là làm chủ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 2 thế giới và nguồn lực kinh tế lớn với trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ.
Quan trọng hơn, vị chính khách này luôn cho rằng, Washington không đáng tin cậy và là “kẻ ăn bám” vào nền kinh tế thế giới. Ông cũng cáo buộc Mỹ là kẻ châm ngòi cái gọi là cuộc Cách mạng mùa xuân Arab bằng chiến lược truyền thông bóp méo sự thật. Ngoài ra, chính trị gia được ưa chuộng nhất nước Nga này còn tỏ rõ ý muốn đánh bại vai trò đồng tiền dự trữ số 1 thế giới của USD và cáo buộc chính sách ngoại giao của Mỹ thường đi ngược với luật pháp quốc tế.
“Nếu thái độ của ông Putin không thay đổi thì chắc chắn Nga sẽ lại là ẩn số khó giải đối với bài toán ngoại giao của phương Tây”, CS Monitor khẳng định.
Trà My (theo CS Monitor)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét