Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi ông Gadhafi rút quân khỏi những vị trí gần cứ địa của phe nổi dậy, đình chỉ các cuộc tấn công vào thường dân, và cho phép đưa viện trợ nhân đạo đến Libya. Ông Obama cũng nói Mỹ tán thành hành động quân sự của các nước đối tác trong LHQ đối với Libya.
Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ đưa ra tối hậu thư trên, LHQ đã cáo buộc nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi hôm qua phớt lờ yêu cầu quốc tế về một lệnh ngừng bắn lập tức.
Một quan chức Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định lực lượng ủng hộ ông Gaddafi vẫn tiếp tục tiến về dinh luỹ của lực lượng đối lập ở phía đông, tại thành phố Benghazi, bất châp tuyên bố ngừng bắn mà chính phủ nước này đưa ra cũng chỉ vài giờ trước đó.
Theo tin tức phương Tây, tại Benghazi, lực lượng nổi dậy nói họ vẫn lo ngại bị lực lượng của ông Gaddafi tấn công, trong khi tại thành phố Misrata ở miền tây, hiện cũng do lực lượng nổi dậy kiểm soát, người dân nói họ đã trải qua một ngày bị dội bom ác liệt.
Phía chính phủ Libya đã bác bỏ những thông tin này.
Các cường quốc thế giới đưa ra phản ứng thận trọng với tuyên bố của Libya. Đại diện LHQ, Liên đoàn Ảrập, Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ thảo luận một giải pháp đáp lại tại hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở Paris vào hôm nay, 19/3. Trong khi đó, đại diện của Pháp dự đoán hành động quân sự sẽ được tiến hành trong vòng vài giờ sau cuộc họp ngày hôm nay.
Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ tham dự hội nghị tại Paris. Hôm qua, bà cảnh báo rằng Mỹ trông chờ những hành động của ông Gadhafi thay vì chỉ là lời nói và bất cứ tiến trình thương thuyết nào cũng phải chấm dứt với sự ra đi của ông Gadhafi.
Ủy Viên Chính Sách Đối Ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, cũng nói khối 27 quốc gia này sẽ xem xét tới chi tiết lệnh ngưng bắn của Libya.
Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) và Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) thì cảnh báo tình hình chiến sự tại Libya có thể dẫn đến một cuộc di cư lớn. Hai tổ chức này đang chuẩn bị phải hành động trong trường hợp tình hình Libya biến thành tệ hại nhất. Kể từ khi các cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 2, đã có 50.000 người nước ngoài bị kẹt ở biên giới Tunisia và Ai Cập được hai tổ chức này hỗ trợ phương tiện trở về nước.
Hiện chỉ có khoảng từ 1.500 đến 2.000 người vượt biên mỗi ngày để đến Ai Cập, Tunisia, Algeria hoặc Niger, nhưng theo ông Fernando Calado, đại diện của IOM, con số này có thể tăng khủng khiếp, vì người nước ngoài có mặt tại Libya vẫn còn rất đông. Trường hợp xấu nhất ở đây là dòng người di tản hiện nay nhanh chóng biến thành một làn sóng người tị nạn khổng lồ.
Tính đến thời điểm này, báo cáo của UNHCR cho thấy đã có hơn 300.000 người rời khỏi Libya để đến các nước lân cận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét