Saudi Arabia 'phản bội' Mỹ khi đưa quân vào Bahrain?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :12:42 PM, 15/03/2011
Vài ngày sau khi Mỹ kêu gọi Bahrain giải quyết lục đục trong nước thông qua con đường đối thoại, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) triển khai 1.000 quân vào Bahrain, một hành động bất ngờ, ngay cả với Mỹ.

Can thiệp vào Bahrain

Lực lượng quân sự của GCC (khoảng 1.000 quân) do Saudi Arabia dẫn đầu hôm qua tiến vào Bahrain với tuyên bố nhằm giúp chính quyền ổn định an ninh.

Hãng thông tấn của nhà nước Bahrain đưa tin: “Liên minh gồm Saudi Arabia, Oman, Kuwait, Bahrain, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab. Mục tiêu của việc triển khai quân là vì lợi ích chung của GCC nhằm duy trì an ninh và sự ổn định”.

Đồng thời Thủ tướng Bahrain Sheik Khalifa bin Salman Al Khalifa lên tiếng, "tạo cơ sở" cho việc GCC can thiệp bằng cách chỉ trích phe đối lập: “Những gì đang xảy ra ở Thủ đô Manama không phải là biểu tình hòa bình. Nó vô cớ xảy ra và diễn biến theo kiểu kẻ cướp”.

Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của các nước Arab từ khi khu vực này rơi vào rối loạn hồi tháng 12/2010. Ảnh minh họa.

Phe đối lập phản đối

Ngay sau khi quân đội nước ngoài tiến vào Bahrain, phe đối lập phong tỏa nhiều đường phố ở Thủ đô Manama; trong khi hàng nghìn người khác đổ về quảng trường Ngọc trai, trung tâm của phong trào biểu tình và hô to: “Không xâm lược”.

Họ liên tục lên tiếng phản đối, cho rằng đây là cuộc xâm lăng và có thể đẩy quốc gia nhỏ bé này vào tình trạng chiến tranh.

Bahrain là quốc gia Hồi giáo do người dòng Shiite chiếm đa số (70% dân số). Phe đối lập kêu gọi giới lãnh đạo theo dòng Hồi giáo Sunni trao trả quyền lực cho Quốc hội.

Ngược lại, chính quyền từng đề nghị đối thoại nhưng phe đối lập không đồng ý, khiến căng thẳng tăng cao, làm 7 người thiệt mạng.

Liên minh của 7 phe đối lập ở Bahrain ra thông báo: “Chúng tôi coi bất kỳ lực lượng quân sự hay vũ khí nào vượt qua biên giới Bahrain – từ trên không, biển và đất liền – là hành động xâm lược và chống lại người dân Bahrain”.


Phe biểu tình lập chướng ngại vật.

Ai muốn đưa quân vào Bahrain?

Hiện chưa rõ thực chất thì ai ở Bahrain kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều khả năng đó chính là Thủ tướng Bahrain Sheik Khalifa bin Salman Al Khalifa, người bị phe đối lập tập trung “tấn công”.

Thứ nhất, người biểu tình từ lâu không chống lại Đức vua mà chống lại Thủ tướng và nhiều bộ trưởng người Sunni có đường lối cứng rắn mà họ cho là bất công.

Thứ hai, phe Hoàng gia có nhiều động thái mềm mỏng với phe đối lập và cũng có ý định cải cách một phần hệ thống chính trị theo yêu cầu của người biểu tình.

Do đó, nếu 1.000 quân tiến về Riffa, “thủ phủ” của phe hoàng gia thì có thể nói, việc đưa quân vào Bahrain là cuộc tấn công vào phe hoàng gia chứ không phải là chống lại người nổi dậy theo dòng Hồi giáo Shiite.

Nói cách khác, đây có thể là hành động gây áp lực lên Thái tử Salman bin Hamad al-Khalifa của Thủ tướng; là đòn tấn công của phe cứng rắn, bảo thủ nhằm vào phe ôn hòa trong Chính phủ Bahrain.

Tuy nhiên, 1.000 quân là tương đối ít và chưa thể phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở Bahrain, quốc gia có 30.000 quân và tất cả đều là người Sunni. Hơn nữa, tất cả quân đội đều đang nằm dưới sự chỉ huy của Thái tử và trung thành tuyệt đối với Đức vua Hamad bin Isa al-Khalifa nên quân đội nước ngoài chưa thể gây biến động lớn trong thời điểm hiện tại.

Thủ tướng - người bị phe đối lập phản đối mạnh nhất.

GCC lo ngại

Nhà nghiên cứu của tổ chức Chatham House là Jane Kinninmont nhận định, việc nước ngoài đưa quân vào Bahrain hôm qua đánh dấu sự thay đổi vai trò của GCC. Ông nhấn mạnh: “Việc đoàn kết với nhau để bảo vệ một Chính phủ thành viên chống lại người dân của nước đó là một điều mới lạ với tổ chức này”.

Vậy điều gì khiến GCC có hành động can thiệp như vậy? Điều này phải nhìn vào nội bộ GCC.

Hiện các Chính phủ của GCC theo dòng Hồi giáo Sunni. Họ lo rằng, bất kỳ sự rạn nứt nào trong hệ thống chính trị Bahrain có thể lan tỏa và đe dọa chính hệ thống chính trị của họ, giống như tình trạng "dầu loang" ở Bắc Phi. (Hiện tình trạng rối loạn tương tự cũng xảy ra ở Oman, Kuwait và thậm chí là cả Saudi Arabia. Nếu Bahrain rối loạn hơn, tác động có thể sẽ tràn vào các nước này.)

Lực lượng phòng vệ chung của GCC được thành lập từ thập kỷ 1980. Nhiều đơn vị của họ từng được gửi tới Kuwait trong các năm 1991 và 2003 khi Mỹ dẫn đầu liên quân tấn công Iraq của ông Saddam Hussein. Theo Foreign Policy, giờ thì lực lượng này được “chuyển đổi mục đích sử dụng”, thành công cụ để giải quyết bất ổn trong nước. Tuần trước, GCC cũng cam kết viện trợ Bahrain và Oman 10 tỷ USD để họ có “vốn” bình ổn đất nước.

Hơn nữa, những nhà cầm quyền dòng Sunni lo ngại rằng, việc người Hồi giáo theo dòng Shiite gia tăng quyền lực ở Bahrain và bản thân trong nước họ, sẽ mở ra cơ hội cho Iran (quốc gia chủ yếu theo dòng Hồi giáo Shiite) tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Điều này càng đáng lo khi mà Iran ngày càng tiếp cận được vũ khí hạt nhân.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Kuwait là Sami Alfaraj nhận định: “Các lãnh đạo vùng Vịnh cố gắng hợp pháp hóa việc đưa quân vào Bahrain. Họ sẽ miêu tả rằng đây không phải hành động can thiệp công việc nội bộ Bahrain mà là đề phòng, chống lại những nguy cơ tới từ bên ngoài”.

"Cái tát" vào mặt Mỹ

Trước tình hình căng thẳng ở Trung Đông, Mỹ tỏ ra rất sốt ruột. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuần trước phải đích thân tới thăm Bahrain và kêu gọi cải tổ thật nhanh và giải quyết bất ổn thông qua con đường hòa bình. Từ Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trong khu vực kiềm chế và đối thoại là biện pháp tối quan trọng để bình ổn các quốc gia trong khu vực và giúp kinh tế tiếp tục thịnh vượng”.

Do đó, việc Bahrain hôm qua cho quân đội nước ngoài vào chỉ vài ngày sau chuyến đi của ông Gates là hành động bất ngờ, làm Mỹ “mất mặt”. Nó cũng cho thấy một điều là Thủ tướng Bahrain và nhiều đồng minh Arab dám “chống” lại Mỹ, tự quyết định chứ không "tuân lệnh" Washington.

Ông Gates vừa tới Bahrain kêu gọi giải quyết rối loạn thông qua đối thoại.

Iran sẽ can thiệp?

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy Iran đứng sau những căng thẳng chính trị và phe đối lập chống Chính phủ tại Bahrain nhưng nhiều nhiều người vẫn lo ngại về điều này.

Trên thực tế, chính quyền Tehran chưa bình luận gì về việc các quốc gia vùng Vịnh đưa quân vào Bahrain và Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi chỉ mới kêu gọi chính quyền Bahrain tránh sử dụng bạo lực.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, có thể Tehran sẽ có phản ứng với những diễn biến ở Bahrain. Nếu tình hình diễn biến bất lợi cho người biểu tình, người Shiite bị đàn áp thì đó sẽ là cơ sở để Iran lên tiếng, can thiệp vào Bahrain.

Saudi Arabia
sẽ rối loạn?

Trung Đông bất ổn khiến nhiều người lo ngại nước lớn nhất khu vực là Saudi Arabia sẽ bị rơi vào vòng xoáy, nhất là khi nước này có nhiều điểm giống các nước đang bất ổn như tỷ lệ thất nghiệp cao (nhất là trong giới trẻ) và tham nhũng tràn lan, duy trì chế độ quân chủ...

Người biểu tình xuống đường ở Saudi Arabia. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, những lo ngại trên sẽ khó lòng thành hiện thực bởi phe đối lập vẫn yếu và kinh tế Saudi Arabia tiếp tục phát triển.

Và với nguồn thu dồi dào từ dầu lửa (có hơn 500 tỷ USD dự trữ), Saudi Arabia đủ sức để triển khai các dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu của dân số ngày một tăng. Đơn cử như việc họ tung ra hàng chục tỷ USD chỉ trong vài năm qua dành cho giáo dục, y tế, đường sắt và nhà ở xã hội.

Còn xét theo tiêu chuẩn quốc tế, Saudi Arabia vẫn là nước giàu, có hệ thống y tế, giáo dục miễn phí, thu nhập bình quân của người dân là 18,500 USD.

Một điều may mắn nữa cho chính quyền là văn hóa Saudi Arabia khá “tĩnh lặng”, người dân không hào hứng lắm với chính trị nên chỉ có vài phe nhóm đối lập. Ngay cả 5 lá đơn kêu gọi cải cách cũng chỉ thu nhận được khoảng 4,500 chữ ký.

Và bản thân chính quyền cũng có nhiều chính sách đoàn kết dân tộc, ngay cả với nhóm 1,5 triệu người theo dòng Hồi giáo Shiite, những người luôn phàn nàn rằng họ bị ngược đãi, không có nhiều cơ hội phát triển.

Do đó, Đức vua Abdullah vẫn nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận dân chúng và chính quyền ở Saudi Arabia sẽ không dễ dàng sụp đổ như nhiều người lo ngại.

>> Arab Saudi: dùng súng giải tán biểu tình

Nam Việt

Cập nhật lúc :10:49 PM, 11/03/2011
Tình hình chính trị tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới đang nóng dần lên khi các cuộc biểu tình của người Shiite có qui mô lớn hơn.

Qatif là nơi cư trú của một lượng lớn người Shiite và đồng thời là nơi có những mỏ dầu lớn nhất trên thế giới.

Đây là dấu hiệu cho thấy sự cứng rắn của chính phủ sau khi ban bố lệnh cấm biểu tình tại Arab Saudi.

“Có nhiều tiếng súng nổ rải rác”, một nhân chứng tham gia đoàn biểu tình cho biết. Theo người này, ngoài tiếng nổ của súng còn tiếng nổ của lựu đạn hơi cay.

Người phát ngôn Bộ nội vụ Arab Saudi cho biết, cảnh sát chỉ bắn chỉ thiên để giải tán đám đông sau khi người biểu tình tấn công những nhân viên cảnh sát. Theo nhà chức trách, hai người biểu tình và một cảnh sát đã bị thương.

Tình hình chính trị tại Arab Saudi đang trở nên căng thẳng hơn do các cuộc biểu tình của người Shiite.

Arab Saudi là vương quốc do người Hồi giáo theo phái Sunni thống trị. Vương triều tại đây ra lệnh cấm hoàn toàn biểu tình và cho rằng đây là hành động đi ngược lại với những chuẩn mực của Hồi giáo.

Theo những nhân chứng thì ít nhất 2 người biểu tình đã bị thương do trúng đạn. “Họ không nhắm vào người biểu tình, họ chỉ bắn chỉ thiên và không có ý định giết hại ai hết. Chúng tôi cho rằng đây chính là thông điệp cứng rắn mà chính phủ muốn cho người dân tại Qatif biết”, một người Shiite có tên Hussein cho biết.

Những vụ biểu tình nhỏ của người Shiite đã diễn ra tại Qatif và nhiều thị trấn miền đông của Arab Saudi, với yêu cầu chủ yếu là thả những người bị giam giữ. Theo một nhà hoạt động chính trị, cảnh sát làm ngơ nhiều trường hợp, tuy nhiên một số vụ việc nghiêm trọng thì không được cho phép.

Hiện tại, những vụ biểu tình nhỏ tại các thành phố miền đông chưa lan tới thành phố Riyadh – "trái tim của chế độ", khu vực có nhiều người Hồi giáo Sunni sinh sống.

Trên mạng xã hội Facebook, lời kêu gọi biểu tình trên toàn lãnh thổ đã thu nhận được sử ủng hộ của khoảng 30.000 người. Tại Riyadh, cảnh sát tăng cường tuần tra và canh gác tại những khu phố và con đường lớn.

Một liên minh giữa những nhà hoạt động cánh tả, người Sunni ôn hòa và người Shiite đã kêu gọi cải cách chính trị. Tuy nhiên, vương triều cầm quyền cho rằng Arab Saudi là quốc gia hồi giáo áp dụng luật Sharia (luật hồi giáo) nên không cần thiết có biểu tình và các đảng phái chính trị.

Một nhóm gồm có những lãnh đạo cộng đồng Shiite đã gặp vua Abdullah để yêu cầu thả 26 người Shiite bị bắt giam vì tham gia biểu tình.

Cộng đồng người Shiite chiếm khoảng 15% dân số của Arab Saudi. Người Shiite thường xuyên bất bình vì họ không được hưởng thụ phúc lợi xã hội bình đẳng và có cơ hội nắm những vị trí quan trọng trong chính phủ như người Sunni.

Dưới đây là một số hình ảnh biểu tình ở Arab Saudi:

Biểu tình diễn ra tại thị trấn ven biển Qatif - nơi tập trung đông người Shiite.

Đoàn người cầm và hô vang khẩu hiệu đòi thả những người Shiite đang bị giam giữ không qua xét xử vì đã tham gia các cuộc biểu tình trước đó.

Góc phố đông chặt người biểu tình tại thị trấn Qatif.

Cảnh sát buộc phải sử dụng đạn cao su và bắn chỉ thiên đạn thật để giải tán đoàn người.

Hữu Nghĩa (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét