Nhân viên cứu hộ Nhật chạy đua với thời gian

VTV
Thứ hai, 14/03/2011, 08:30 GMT+7

Theo thống kê của các quan chức Nhật Bản, số người chết và mất tích trong trận động đất và sóng thần đã vượt quá 2.000 người, chưa kể đến con số 10.000 người đang được cho là mất tích và có thể đã chết tại thành phố Minami Sanriku.
Nhân viên cứu hộ Nhật chạy đua với thời gian

Binh sĩ Nhật Bản hỗ trợ người dân sơ tán tới nơi an toàn sau động đất tại thành phố Kesennuma, quận Miyagi ngày 12/3. (Nguồn: TTXVN)
Các quan chức Nhật Bản cũng cho hay, hiện còn rất nhiều người đang bị kẹt dưới những đống gạch đá đổ nát, lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian với hy vọng tìm kiếm thêm được những người còn sống sót. Mỗi giờ qua đi là hy vọng cứu sống hàng trăm người còn đang mất tích lại trở nên mong manh hơn.
Sáng 13/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với lực lượng đặc nhiệm chống thảm họa thiên tai để bàn về công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Thủ tướng Naoto Kan nói rằng, đây là một cuộc chạy đua với thời gian và khẳng định chính phủ sẽ làm hết sức mình.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan: “Hai ngày đã trôi qua kể từ khi xảy ra động đất, các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để cứu sống nhiều người hơn nữa”.
Trong lúc này, hơn 170.000 người đã được sơ tán từ bờ biển đông bắc Nhật Bản vừa bị động đất và sóng thần tấn công, nơi người ta lo sợ rằng, có hơn 10.000 người có thể đã chết. Các đội cứu hộ đang phải vật lộn với hàng trăm km của bờ biển bị tàn phá để tìm kiếm những người còn mất tích.
Thành phố Minami Sanriku của tỉnh Miyagi nằm cách tâm chấn động đất 88km về phía tây, song lại trực tiếp nằm trên đường đi của sóng thần. Trước thảm họa, nơi đây là một điểm du lịch nổi tiếng.
Chính quyền tỉnh Miyagi cũng cho biết, vẫn chưa thể liên lạc với hàng chục nghìn người khác. Cơ quan khí tượng Nhật đã sửa lại mức độ động đất tại nước này từ 8,8 độ richter lên 9, một trong những trận động đất lớn nhất trên thế giới.
Thủ tướng Naoto Kan đã chỉ thị tăng gấp đôi số nhân viên của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới khu vực bị động đất tàn phá, lên tới 100.000 người - một trong những chiến dịch lớn chưa từng có của lực lượng này.
Không chỉ tập trung vào công tác cứu hộ, Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản hiện nay là ngăn chặn nguy cơ rò rỉ hạt nhân. Sau vụ nổ tại lò phản ứng số 1 nhà máy điện nguyên tử Fukushima, các chuyên gia hạt nhân Nhật Bản đang tích cực xử lý để sự cố tương tự không xảy ra với lò phản ứng số 3.
Tại cuộc họp báo hôm 13/3, Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cho biết, rất có thể đã xảy ra hiện tượng tan chảy thanh nhiên liệu trong lò phản ứng số 3 của tổ máy Fukushima Dai-ichi thuộc nhà máy điện Fukushima. Tuy nhiên, cuối cùng, lò phản ứng số 3 cũng đã được làm mát bằng nước biển.

Tác giả : Vân Anh

thanhnien.com.vn:
laodong.com.vn:

Núi lửa phía nam Nhật Bản phun trào trở lại

Thứ Hai, 14.3.2011 | 08:41 (GMT + 7)

Núi lửa Shinmoedake trên đảo Kyushu ở phía nam Nhật Bản sau khi ngủ yên được vài tuần, nay bỗng tỉnh giấc, phát nổ và phun trào trở lại. Hiện chưa rõ hiện tượng này có liên quan tới trận động đất vừa qua hay không.

Núi lửa Shinmoedake phun trào hồi tháng 1.2011.
Núi lửa Shinmoedake phun trào hồi tháng 1.2011.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho hay, ngọn núi lửa ở miền nam bắt đầu phun tro và đá đúng vào lúc cả đất nước gồng mình khắc phục hậu quả trận siêu động đất và sóng thần. Hôm qua, cơ quan này đã ra cảnh báo cho biết ngọn núi lửa Shinmoedake hoạt động trở lại sau khi nằm im được vài tuần.

Shinmoedake nằm trên đảo Kyushu, cách tâm chấn trận động đất 1.500 km. Hiện chưa rõ liệu núi lửa phun trào có liên quan tới trận động đất hay không. Nhật Bản là nước nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực địa chấn hoạt động mạnh, nơi động đất và núi lửa diễn ra thường xuyên.

Shinmoedake phun trào lần cuối vào ngày 19.1 sau hơn hai năm không hoạt động. Các nhà nghiên cứu về núi lửa cảnh báo một "mái vòm dung nham" đang lớn dần bên trong miệng núi lửa, mặc dù chưa chắc chắn khi nào và liệu nó có phun trào hay không.

Theo các chuyên gia, hiện tượng phun trào hôm qua là hoạt động lớn nhất của núi lửa Shinmoedake trong vòng 52 năm qua, gây phá huỷ trên diện rộng và hoảng loạn.

Vụ nổ có thể nghe được ở cách xa hàng kilomet, làm vỡ cửa sổ của những ngôi nhà ở cách đó 6,5km.

Hàng trăm người bỏ chạy khỏi khu vực núi lửa phun trào tro bụi nóng, đất đá lên cao tới 1.800m.

Song Minh (Theo Los Angeles Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét