Vì sao đất tại Ninh Thuận đột nhiên đùn lên?

Xã hội - Dân trí:
Thứ Sáu, 18/03/2011 - 01:22

Trước hiện tượng đất bùn phun trào tự nhiên lần đầu tiên xảy ra ở Ninh Thuận, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: hiện tượng này có thể liên quan đến núi lửa nhiều hơn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương.
Thưa ông, hiện tượng bùn đất phun trào tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận hơn một tháng nay có bất thường hay không? Vì sao hiện tượng này?
Chắc chắn là bất thường. Có vẻ như có một sự biến động về địa chất đã và đang diễn ra dưới lòng đất. Tuy nhiên chưa thể đưa ra được kết luận về nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.
Nếu đây có thể là hiện tượng đứt gãy tầng địa chất thì nguy cơ nào có thể sẽ xảy ra?
Trong trường hợp đứt gẫy địa tầng thì nguy hiểm chính là sự sụt lún của bề mặt đất nơi xảy ra hiện tượng này. Do đó, cần di chuyển nhà cửa và người ra xa khỏi khu vực có biến động.
Liệu hiện tượng này có liên quan gì đến hiện tượng động đất? Nếu có thì như thế nào?
Về vẻ ngoài, hiện tượng này khá giống với hiện tượng hóa lỏng nền do động đất. Tức là khi nền đất bị mất đi độ rắn do có dịch chuyển mạnh trong khối đất đá, khiến cho các lớp bùn nhão trào lên mặt đất thông qua các vết nứt hay khe hở trên bề mặt. Tuy nhiên hóa lỏng nền thường đi kèm theo sau những trận động đất.
Ninh Thuận đã từng xảy ra trận động đất nào chưa? Có nguy cơ xảy ra động đất trong tương lai hay không? Mức độ có thể là như thế nào?
Ở Ninh Thuận không có số liệu gì về động đất ghi nhận được. Nhưng ở Bình Thuận đã ghi nhận được động đất nhỏ, có độ lớn 4.0 độ richter.
Theo tôi được biết, trên khu vực Ninh Thuận còn có nhiều núi lửa nhỏ đang hoạt động. Và tôi cũng có cảm giác là hiện tượng này có liên quan tới núi lửa nhiều hơn. Có thể tham khảo thêm ý kiến của các nhà địa chất VN về hiện tượng này.

Phun trào đất có xu hướng lan rộng

Theo ông Lê Ngọc Thạch, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường Ninh Thuận, ban đầu từ một ụ bùn nhỏ trào lên, đến nay đã có năm điểm bùn phun trào phân bố trên một khu vực khoảng 2.000m2. Điểm phun trào lớn nhất đường kính khoảng 2m2, nhỏ nhất khoảng 1m2, chủ yếu nằm trên các ruộng lúa của người dân.

Xung quanh các điểm phun trào, đất có hiện tượng nhão và sụt lún tạo thành các hố. Bùn phun lên có màu xám tro, không có mùi gì đặc biệt, nhiệt độ bình thường.

Theo nhận định ban đầu, có thể đây là hiện tượng nứt gãy tầng địa chất, nên bùn trào lên cùng với đất đá. Hiện những ụ đất này đang có hiện tượng lan rộng.

Sở Khoa học công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã lấy mẫu đất bùn từ đất bùn phun trào tự nhiên tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc đem đi phân tích.

Theo Lê Quỳnh
Báo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét