Nhật hoàng Akihito: “Đừng từ bỏ hi vọng”

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 17/03/2011, 06:24 (GMT+7)

TT - Theo Kyodo News, ngày 16-3 Nhật hoàng Akihito đã kêu gọi người dân Nhật “nắm tay nhau, đối xử với nhau trong tình thương” để cùng vượt qua thời điểm khó khăn này. “Đừng từ bỏ hi vọng”, Nhật hoàng Akihito hiệu triệu trong thông điệp gửi toàn thần dân nước Nhật.

Lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong mưa tuyết ở thành phố Miyako thuộc tỉnh Iwate, Nhật Bản ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Kyodo News cho biết tính đến tối qua, Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) xác nhận đã có gần 4.277 người thiệt mạng ở 12 tỉnh và 8.194 người mất tích. Hiện các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót ở các thành phố và thị trấn ven biển. 80.000 binh lính thuộc

Lực lượng phòng vệ đặc biệt (SDF) cùng cảnh sát đang nỗ lực đào bới các đống đổ nát, bùn lầy ở các vùng ven biển để tìm kiếm nạn nhân trong điều kiện thời tiết giá lạnh như mùa đông.

Các quan chức Nhật thừa nhận số người chết sẽ còn gia tăng do các đội cứu hộ vẫn tiếp tục tìm thấy nhiều thi thể ở các vùng bị sóng thần tàn phá.

Các đội cứu hộ Nhật và quốc tế thừa nhận đến giờ phút này, cơ hội sống sót của người dân ở những vùng bị sóng thần tàn phá không còn nhiều.

ABC News cho biết nhóm 76 chuyên gia cứu hộ từ Úc đã tìm kiếm suốt hai ngày qua ở thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi nhưng không thấy một người sống sót nào. “Sóng thần quá cao, và những người ở độ cao dưới 30m so với mặt đất khi sóng đánh vào hầu như không có khả năng sống sót”, trưởng nhóm Rob McNeil cho biết.

Mưa tuyết cũng đang cản trở hoạt động cứu hộ ở vùng đông bắc. Tại Sendai, nhiệt độ đã hạ xuống -20C.

Nguy cơ phóng xạ đang đe dọa làm chậm lại chiến dịch cứu trợ quốc tế tại Nhật. Theo báo Yomuri, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản (JRCS) rất quyết tâm cứu giúp các nạn nhân kể cả những người ở gần khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhưng “chúng tôi không thể đưa nhân viên cứu hộ đến những nơi có nguy cơ nhiễm xạ cao”.

Người phát ngôn JRCS cho biết sẽ không hạn chế hoạt động cứu hộ ở những khu vực có nguy cơ nhiễm xạ thấp. Cơ quan Cứu hỏa Tokyo (TFD) có 500 nhân viên đang hoạt động ở tỉnh Miyagi, gần tỉnh Fukushima cũng cho biết sẽ cân nhắc việc có tiếp tục triển khai nhân viên cứu hộ hay không nếu tình hình phóng xạ trở nên nguy hiểm hơn.

Thiếu nhiên liệu đang trở thành một vấn đề đau đầu tại các thị trấn ven biển bị sóng thần tàn phá. Báo Asahi đưa tin tỉnh Iwate đã đề nghị ngành dầu khí địa phương ưu tiên cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện khẩn cấp, bao gồm xe cảnh sát, cứu hỏa, xe chở hàng cứu trợ.

Ở tỉnh Miyagi, nhiên liệu cho các lò hỏa táng đã cạn dần. Báo Guardian cho biết ở thị trấn Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi chỉ có một lò hỏa táng, do đó để thiêu xác gần 10.000 người thiệt mạng phải mất 500 ngày.

Trường học ở các thị trấn ven biển đã trở thành nhà chứa xác, nhưng dù nhiệt độ xuống thấp chính quyền vẫn không thể để thi thể lâu trong các cơ sở này và đang tính chôn tập thể.

Tình trạng thiếu nhiên liệu đang khiến việc chuyển thực phẩm đến các vùng bị tàn phá trở nên khó khăn hơn. Các siêu thị đang bán cầm chừng hai mẩu bánh mì cho mỗi người dân. Dù vậy, các kệ hàng đều nhanh chóng sạch trơn.

“Tôi rất đói, cả bốn đứa con của tôi cũng vậy - ông Hiroko Kodo, một người dân thị trấn Ishinomaki, nói - Tất cả những gì chúng tôi được ăn trong ngày là một quả chuối và một bát cơm nhỏ”. Tình trạng tương tự xảy ra ở hàng ngàn trung tâm di tản khẩn cấp trong vùng.

“Chúng tôi quá thiếu thức ăn, nhưng chính quyền địa phương đã cố hết sức rồi” - một cô gái tên Mieko thừa nhận.

Trong cơn hoạn nạn, người Nhật vẫn đang hỗ trợ nhau. Theo AP, ở nhiều vùng như thị trấn Tagajo, tỉnh Miyagi, công nhân một số nhà kho đã phân phát thực phẩm miễn phí cho người dân dù không thể liên lạc được với lãnh đạo công ty.

“Tôi nghĩ đây là chuyện đúng đắn phải làm” - ông Kazuyoshi Chiba, quản lý một nhà kho, cho biết.

HIẾU TRUNG

Robot vào cuộc...

Hai đội robot cứu hộ được đưa đến Sendai để giúp tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân bị mắc kẹt trong những đống đổ nát vào ngày 11-3.

Robot hình rắn dài 8m - Ảnh: Time

Đội robot thứ nhất do ông Satoshi Tadokoro - chủ tịch hệ thống cứu hộ Nhật Bản - lãnh đạo cùng với robot rắn Active Scope Camera. Robot này được thiết kế như một con rắn dài 8m gắn một camera ở đầu có thể luồn lách vào các ngõ ngách trong đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân.

Robot cứu hộ Quince

Tiến sĩ Eiji Koyanagi - thuộc Trung tâm Công nghệ robot - dẫn đầu đội robot cứu hộ thứ hai với robot Quince. Robot Quince, có thân hình bằng phẳng cùng bánh xe xích, được trang bị một camera và bộ cảm biến để phát hiện người sống sót ở nơi mà nhân viên cứu hộ không đến được. Quince có thể vượt qua được mọi loại địa hình.

DUY PHÚC (Theo Time)

___________________

Dùng máy bay Boeing 777 chở người Việt Nam từ Nhật

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ tăng khả năng chở hành khách trên đường bay Tokyo - Hà Nội nhằm đáp ứng nguyện vọng trở về nước của nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở Nhật Bản.

Theo đó, từ ngày 16 đến 20-3 sẽ dùng các máy bay Boeing 777 (có 309-324 chỗ) thay vì máy bay Airbus A330 (282 chỗ) đang sử dụng trên đường bay hiện nay.

VNA cũng triển khai mức giá đặc biệt cho phép khách hàng tại Việt Nam mua vé cho người thân (là công dân Việt Nam) tại Nhật Bản về nước trên các hành trình: Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka về Hà Nội hoặc TP.HCM. Mức giá một chiều áp dụng bằng VND, tương đương 430 USD, chưa bao gồm thuế và phụ phí khác - giảm hơn 50% so với mức giá thông thường mà khách hàng mua tại Nhật Bản.

Biểu giá này được áp dụng từ ngày 16-3 đến hết ngày 31-3. VNA cho biết toàn bộ bốn văn phòng và cán bộ, nhân viên của VNA tại Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka tiếp tục hoạt động bình thường.

Do nhiều công ty, đại lý du lịch ở Tokyo đóng cửa, tình hình thông tin liên lạc chung tại Nhật gặp nhiều khó khăn cũng như nhu cầu về Việt Nam tăng đột biến, VNA khuyến nghị khách hàng mua vé ngay tại Việt Nam cho người thân hiện đang ở Nhật để tránh tình trạng quá tải tại các văn phòng trên.

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ với phòng vé chính thức của VNA trên toàn quốc hoặc số điện thoại: Hà Nội - (04) 38.320320, 1900 545486; Tp. HCM - (08) 38.320320; Đà Nẵng - (0511) 3.832320.

LÊ NAM

____________________

2 người Việt được cứu thoát

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, một cảnh sát người Nhật gốc Việt, ông Takahashi Masanori (tên Việt Nam là Hà Minh Thành) hôm 16-3 đã cứu được một du học sinh VN ra khỏi khu vực nhiễm xạ ở Fukushima.

Tên của du học sinh này là Dương Thị Thanh Thảo (có thể là Dương Lê Thanh Thảo). Hiện Thảo đã được đưa sang một tỉnh khác an toàn ở với một gia đình người Nhật.

Trước đó, ông Hà Minh Thành cũng đã cứu được một kỹ sư nguyên tử người Mỹ gốc Việt tên Toàn, làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Anh Toàn bị thương và đã được Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo đưa đến địa điểm an toàn.

Ông Hà Minh Thành cho biết hi vọng trong ngày 16-3 sơ tán được hết những người Việt ra khỏi khu vực nhiễm xạ nguy hiểm vì tình trạng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang trở nên tồi tệ hơn.

LÊ NGUYÊN MINH

____________________

Đưa 85 người Việt về Tokyo an toàn

85 người Việt Nam bị kẹt lại tại các thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), Morioka (tỉnh Iwate) và Fukushima (tỉnh Fukushima), những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do động đất và sóng thần, đã lên xe buýt của Đại sứ quán Việt Nam về Tokyo an toàn. Đó là thông tin ông Nguyễn Gia Liêm, tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, gửi cho Tuổi Trẻ.

Vào lúc 1g sáng 16-3, chiếc xe đầu tiên đã đến Sendai và đón về Tokyo được 43 người, trong đó có năm trẻ em và một người quốc tịch Đức. Chiếc xe trở về ngay trong đêm.

Chiếc xe buýt thứ hai đến thành phố Morioka, cách Sendai khoảng 200km và đón được 23 du học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam. Chiếc xe thứ ba đón được 20 tu nghiệp sinh tại tỉnh Fukushima.

“Cả ba xe đã về đến Tokyo an toàn. Mọi người đang trú ẩn tại một ngôi chùa ở trung tâm thủ đô Tokyo” - ông Nguyễn Thành Trung, phụ trách các vấn đề về cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết thêm.

HỒNG VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét