>> Hi vọng và mất mát ở Nhật
Dưới đây là 20 bức ảnh khó có thể quên về trận sóng thần khủng khiếp ở Nhật do tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn.
Saito chỉ là một trong nhiều nơi bị xóa sổ khỏi bờ biển đông bắc Nhật.
Vượt qua đống đổ nát ở Otsuchi.
Sóng thần đã đánh bật một con tàu "ngự" trên nóc một tòa nhà giữa biển đổ nát tại Otsuchi, Iwate.
Mẹ nói chuyện với con gái qua tấm kính ngăn cách do cô con gái có dấu hiệu nhiễm xạ ở Nihonmatsu.
Sóng thần đổ bộ vào một tuyến phố ở thành phố Miyako, Iwate.
Hạnh phúc bừng sáng khi tìm lại được nhau giữa cảnh hoang tàn ở Kesennuma, Miyagi.
Dù bị sóng thần cuốn trôi ra biển và lênh đênh trong nhiều ngày trên một tấm gỗ từng là mái nhà của ai đó, nhưng người đàn ông 60 tuổi trong ảnh vẫn không bị quật ngã.
Cảnh tượng tại sân bay Senda, thành phố Senda, Miyagi, sau khi sóng thần quét qua.
Người sống sót quấn chăn giữ ấm tại một bệnh viện của Hội chữ thập Đỏ.
Đối phó với hậu họa động đất/sóng thần để lại.
Một cuốn album ảnh giữa đống bùn đất tại Natori
Khóc giữa sức tàn phá kinh hoàng của động đất/sóng thần ở Miyagi
Khói lửa bốc lên che phủ bầu trời tại một nhà máy lọc dầu ở Shiogama, Miyagi.
Đi qua quá khứ đổ nát ở Tagajo, Miyagi.
Tìm kiếm người sống sót giữa biển đổ nát tại Tamura, Iwate.
Đau thương để lại trên một đoạn đê biển khi sóng thần quét qua.
Quân đội được triển khai giữa chiến trận động đất/sóng thần để lại.
Phan Anh
Theo National Geographic
>> Tình người trong “cơn thịnh nộ” động đất, sóng thần Nhật Bản
Quang cảnh nhiều khu vực ở phía bắc Nhật Bản trông giống như hậu quả thời Thế chiến II. Không một quốc gia công nghiệp phát triển nào kể từ đó lại chứng kiến số người chết vì thiên tai cao như vậy.
Theo dõi tin tức tại Nhật Bản thật khủng khiếp với 3 thảm họa liên tiếp - trận động đất mạnh kỷ lục, sóng thần và một nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố. Nhưng có những thông tin tốt lành mà cả thế giới phải học tập.
Tại những nơi hàng hóa từ các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không có thông tin về các cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở các máy bán hàng, phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa.
Và đặc biệt nhất là bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc. Sự vắng bóng của nạn cướp bóc tại Nhật Bản đã khiến nhiều người quan sát phương Tây bất ngờ. Đối lập với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật có vẻ như rất đoàn kết và cư xử có trật tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân.
“Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản”, nhà báo Ed West viết trên tờ Telegraph của Anh.
Nhìn trên khắp thế giới, cảnh cướp bóc không phải là hiếm sau các trận thiên tai gần đây. Sau siêu bão Katrina, người New Orlean đã chứng kiến nạn cướp bóc trên quy mô mà nhiều người Mỹ cũng phải bất ngờ. Sau trận động đất tại Chile hồi năm ngoái, nạn cướp bóc diễn ra nghiêm trọng tới nỗi quân đội phải can thiệp.
Nạn cướp bóc tràn lan đã xảy ra tại Haiti sau trận động đất hồi năm ngoái và trong trận lũ lụt tại Anh năm 2007. Tại New Zealand, nạn cướp bóc và hôi của cũng xảy ra sau trận động đất hồi tháng 3 năm ngoái.
“Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình nhưng các nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa?”, Ed West viết.
Hơn 100 tuyến tàu điện tại khu vực Tokyo hôm thứ Hai đã bị gián đoạn do cắt điện, khiến việc đi lại của hành khách bị ảnh hưởng khi mọi người trở lại làm việc sau ngày nghỉ cuối tuần.
Công ty điện Tokyo đã bắt đầu cắt điện luân phiên tại Tokyo và các thành phố lân cận để tiết kiệm điện giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Kênh truyền hình NHK đã chiếu hình ảnh quay được từ trên cao về tỉnh Ibaraki, phía bắc Tokyo, nơi quang cảnh là một màu đen kịt ngoại trừ vài đốm sáng từ những chiếc ô tô.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, cách cư xử của người Nhật dường như ngày càng tốt hơn.
Một nhân chứng tại Miyagi, gần tâm chấn của động đất, cho hay: “Khí đốt và nước đã bị cắt tại Miyagi và thành phố Sendai. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, điện cũng bị cắt. Nhưng không có sự hoảng sợ trên đường phố cũng như trong các cửa hàng”.
Những đức tính của người Nhật như lịch sự, trung thực, hành động có trật tự... vốn được nhiều người ngưỡng mộ.
Một người Brazil hoạt động trong lĩnh vực trang sức do mệt mỏi sau một chuyến bay dài đã để quên một hành lý không khóa chứa hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều đá quý trên một tuyến tàu điện ở Tokyo. Chủ nhà trọ đã trò chuyện với anh này và dẫn anh tới nhà ga quản lý tàu điện. Tại đây, hành lý và toàn bộ tài sản bên trong đã đợi chủ nhân tại quầy đồ đạc thất lạc.
Những câu chuyện như vậy có thể tin được tại Nhật Bản nhưng lại khó tin ở New York, Paris hay London. Vì sao vậy?
Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Văn hóa Nhật Donald Keene tại Đại học Colombia (Mỹ), giải thích: “Người Nhật có ý thức rằng trước hết là phải có trách nhiệm với cộng đồng”.
An BìnhTổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét